Văn tế Vinashin

Hỡi ơi! Quyết định sấm rền; lòng dân hoảng sợ.

Mười bảy năm chìm nổi, chưa ắt còn danh xấu nổi như phao;
Một trận bão cuốn bay, thân tuy mất tiếng chê vang như mõ.

Nhớ linh xưa:
Côi cút làm ăn;
Toan lo nghèo khó.

Chưa quen hiện đại, đâu biết cạnh tranh;
Chỉ biết cấp trên, sống quen bao cấp.

Canô, tàu kéo, tàu sông, tay vốn quen làm;
Tàu lớn, máy to, mắt chưa từng ngó.

Khá thương thay:
Vốn chẳng phải thương trường dày dạn, theo dòng hiện đại, cạnh tranh;
Chẳng qua là tàu nhỏ chạy sông, nay một bước lao ra biển lớn.

Mười tám ban công nghệ, nào đợi tập rèn;
Chín chục trận know-how, đâu chờ bày bố.

Ngoài cật có dăm con tàu bé, nào đợi đeo kinh nghiệm, học hành;
Trong tay cầm một ngọn bút chì, chi nài sắm phần mềm, máy tính.

Hạ liệu trên sàn phóng, cũng cắt xong cả một đống tôn to;
Quản lý bằng mệnh lệnh, chỉ tay, cũng tập đoàn lẫy lừng thiên hạ.

Chẳng cần học thầy, học bạn, đạp rào lướt tới coi tàu lớn cũng như không
Nào sợ lỗ nhỏ, lỗ to, cứ ký làm ào, cốt giao tàu xong đã.

Kẻ ăn ngang, người chém dọc, làm cho chi phí hồn kinh;
Bọn nịnh trước, lũ hót sau, trối kệ nợ nần đến cổ.

Khi nghèo khó, “tướng sỹ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”;
Lúc giàu sang, trở mặt ra đòn, không tan tác mới là chuyện lạ.

Những lăm sự nghiệp lâu dùng;
Đâu biết nửa đường gẫy đổ.

Một chắc thương trường rằng chữ lãi, nào hay lỗ đến đầm đìa;
Trăm năm nợ nần ấy chữ nguy, nào đợi chủ nợ đòi tận cửa.

Đoái trông khắp nước, dự án nghìn dặm sầu giăng;
Nhìn cảnh nhân viên, già trẻ hai hàng lệ nhỏ.

Tấc đất ngọn rau ơn chúa, tài bồi cho nước nhà ta;
Bát cơm manh áo ở đời, mắc mớ chi ông cha nó.

Vì ai khiến công nhân khó nhọc, đội nắng, dầm mưa;
Vì ai xui nhà xưởng tan tành, xiêu mưa ngã gió.

Người người ngơ ngác, mong chờ một đấng cứu tinh
Ai ngờ phận rủi, vận đen, tái cơ cấu thêm bẽ bàng tủi hổ

Một lũ trẻ con ngơ ngẩn, cũng đòi trục vớt, cứu tàu
Chia bè kết phái tranh ăn, ai chết kệ thây cha chúng nó.

Một chút xương tàn còn lại, bầy kền kền rỉa rói tứ tung.
Một nấm mồ hoang, là bệ phóng để đổi đời, lên chức.

Kẻ cơ hội vẫy đuôi ngoe nguẩy, chân chủ nào cũng liếm, những mong mưa móc ơn trên.
Người thất cơ nhịn nhục làm thinh, phận “lưu dụng” còn gì mà nói

Sống làm chi theo quân tà đạo, chém đồng đội, giết anh em, thấy lại thêm buồn;
Sống làm chi chịu phận tôi đòi, chia canh cặn, gặm cơm thừa, nghe càng thêm hổ.

Thà đi mà đặng câu danh dự, về theo phường phố cũng vinh;
Hơn ở mà chịu chữ đầu Tây, ở với man di rất khổ.

Ôi thôi thôi!
Chùa Bạch đằng năm canh ưng đóng lạnh, tấm lòng son gửi lại bóng trăng rằm;
Đồn Hạ long một khắc đặng trả hờn, tủi phận bạc trôi theo dòng nước đổ.

Đau đớn bấy! Công nhân ngồi chờ việc, đồng lương còm lại chịu cảnh nợ nần;
Não nùng thay! Cán bộ tìm đường chuồn, cơn bóng xế dật dờ trước ngõ.

Ôi!
Một trận khói tan;
Nghìn năm tủi hổ.

Thác mà để nước non trả nợ, tiếng xấu đồn quốc tế, chúng đều kinh;
Thác mà nhiều số phận dở dang theo, tấm gương trải muôn đời ai cũng sợ.

Cay đắng nhẽ! Phải đâu mình mình xấu, cùng vòm trời cả lũ cũng như nhau;
Bẽ bàng thay! Phải chịu tiếng đi đầu, nêu gương xấu cho người đời chê trách.

Thôi thôi thôi
Chết là hết, còn gì nói nữa. Chỉ mong gương để lại cho đời
Sống không khôn thì chết hãy hiển linh. Phù hộ cháu con tránh đường xe đổ.

Sống đóng tàu, thác cũng đóng tàu, linh hồn theo giúp hậu nhân, muôn kiếp nguyện trả được nợ kia;
Đắm một lần, rồi sẽ nổi lên, nghị quyết dạy rành rành, một chữ nhẫn đủ đền công đó.

Nước mắt đau lòng lau chẳng ráo, thương vì hai chữ thiên dân;
Cây hương tưởng nhớ thắp nên thơm, cám bởi một câu vương thổ.

Hỡi ơi!
Có linh xin hưởng.
(Hậu bối xin phép cụ Đồ Chiểu)

Nội địa hóa ???

Aside

(Hồi này không khí hơi trầm lắng. Anh Thăng đã lâu không có phát biểu “đột phá” nào. Lò nướng thịt thì mới nhóm, khói còn mù mịt. Hồi ức lan man để …cười trong khi chờ nhìn thấy … ánh sáng cuối đường hầm!)

Nội địa hóa (hoặc công nghiệp phụ trợ) thường được nhắc đến như một cây đũa thần có thể biến các ngành “lấy công làm lãi” thành những cỗ máy in tiền.

Nó không chỉ ồn ào trên báo chí mà còn xuất hiện cả trong những bản “chiến lược phát triển” cấp quốc gia đã được trịnh trọng phê duyệt và trong những lời chỉ đạo vàng ngọc của các cấp lãnh đạo có thẩm quyền!

Nhưng tất cả đều thất bại.

Ngay một ngành nội địa hóa thuận lợi nhất là dệt may đến bây giờ vẫn đang loay hoay tìm hướng. Tấm vải, cái khuy áo, sợi chỉ khâu trông rất đơn giản nhưng để làm ra có lãi lại không hề đơn giản.

Một ông nông dân bán đất ra thành phố mở cửa hàng. Sau vài tháng, phát khùng lên vì thấy bọn giao hàng ăn hết cả lãi. Với thói quen tự tay chẻ lạt, chặt tre, đục mộng dựng nhà, ý tưởng tự làm lấy rồi bán để ăn từ gốc đến ngọn là điều dễ hiểu.

Nhưng cái “chuỗi cung ứng toàn thành phố” nó không cho làm thế. Mỗi người nếu giỏi cũng chỉ được chia một phần chiếc bánh.

Nói như thế chẳng lẽ công nghiệp phụ trợ không có cửa nào? Có, nhưng nó phải đạt hai mục tiêu: chất lượng quốc tế và xuất khẩu là chính, nội địa hóa chỉ là phụ. Và đó là hai mục tiêu không hề dễ. Nhật cũng đã vấp như đã nói ở đây (xem http://bit.ly/TPSoNL ).

Tôi có tìm được một dự án quốc gia về phát triển công nghiệp phụ trợ của ngành đóng tàu. Để hôm nào rỗi, điểm qua cho mọi người tham khảo.

Nhưng thôi, vấn đề gai góc dành cho “những người có trách nhiệm” vặt đầu vặt óc. Dưới đây, để thư giãn, xin chia sẻ vài kinh nghiệm “nội địa hóa thánh thần” rất thành công.

Vào khoảng đầu những năm 2000, nghỉ Tết xong Vinashin tổ chức một cuộc gặp mặt đầu xuân trên tàu Nàng tiên cá đi vòng quanh hồ Tây.

Đến chùa Trấn quốc, tàu đỗ lại cho mọi người vào lễ. Đầu xuân, khách đông nghìn nghịt. Ngại chen nên tôi bảo ông Bình: “Thôi, ông vào lễ đi rồi về tôi lễ lại ông!”.

Thay vì lễ những ông Phật người Ấn độ hoặc Trung quốc, nội địa hóa thần thánh thành lãnh đạo nhà mình là tốt nhất! Mà hiệu quả cực cao. Nếu tôi chịu lễ ông thần nội địa này thì có lộc ngay lập tức, quan hệ của tôi với Bình thời đó rất tốt. Một cái dự án vài trăm tỷ là chuyện trong tầm tay. Chưa lễ đã được giao cho mấy cái ngộp thở rồi :D .

Đấy là chuyện bậc thánh thần cao vời vợi. Còn bình thường, chỉ cần cầu những ông nhỏ hơn. Ba ông tam đa Phúc, Lộc, Thọ tượng trưng cho ba ước muốn “đơn giản” của con người: sống lâu, con cháu đầy đàn và được làm quan lại có nhiều bổng lộc.

Nhưng ba ông đó ở mãi bên Tàu, chẳng biết có thật không, mà khi cầu được lại băn khoăn không biết là lộc các ông ban cho hay là do các cụ nhà mình phù hộ ???

Vì vậy, tôi quyết định chọn ba ông tam đa ngay trong cơ quan. Một hôm, tình cờ ngồi với cả ba ông, tôi bảo:

-Tôi chọn ba ông làm ba ông tam đa, lý do thế này… thế này… Ba ông cho tôi xin mỗi ông một cái ảnh 3×4.

– ???

– Thì tôi phóng to lên rồi ra phố Hàng Quạt ….(phố chuyên bán đồ thờ!).

Mới nói đến đây thì ông to nhất (và do đó cũng mê tín nhất) giãy nảy lên:

– Ông này chỉ nói linh tinh. Hôm nay mùng mấy rồi nhỉ?

May quá, hôm đó đã qua mùng mười âm lịch :) Tôi nói tiếp:

– Tôi phóng to ảnh lên, ra Hàng Quạt mua mấy cái khung về rước các ông lên nóc tủ trong phòng làm việc. Ngày rằm, mùng một khỏi phải thắp hương, tôi mời các ông ra quán!

Ba ông này cũng cực kỳ linh, cầu được, ước thấy ngay lập tức.

Ông thứ nhất là bạn học với tôi và mình cũng muốn được thăng quan nhiều như ông ấy. Tôi vẫn thầm nghĩ: “ Sau này già, mình mà “đi” sau nó thì phải kiếm cái ghế mới đủ sức ngồi nghe điếu văn liệt kê hết chức tước của nó, phải hai trang A4!!!”. Riêng chức kiêm nhiệm cùng lúc có lẽ phải gần 20 cái, kể cả cái chức đáng ao ước là “trưởng ban vì sự phát triển của phụ nữ”!

Hồi Vinashin chuyển từ tổng công ty thành tập đoàn, tôi vào phòng ông, ngó quanh quất mấy cái chân bàn.

– Tìm cái gì đấy?

– Hồi này thấy chức tước bay như bươm bướm, xem có rơi cái nào thì nhặt.

– Có thật không? Còn đang thiếu những chỗ A, B, C,… ông có thích thì để tôi nói với ông Bình một tiếng.

Đi lễ Đức Thánh Trần cũng không linh như thế! :D

Cuối trào (năm 2008), học theo ông đại tam đa này may mà mình nhanh chân kiếm được cái chức “Chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc” một công ty cổ phần chưa kịp mở tài khoản đã phải giải tán. Nhưng lúc đọc điếu văn, ai biết đấy là đâu :D !

Ông thứ hai rất giỏi kiếm tiền. Không đại gia gì nhưng với mình cũng là đáng ngưỡng mộ lắm rồi. Một hôm tôi bảo:

– Hồi này rách quá, xem có gì bảo mình với.

– Có thật không? Anh về bảo chị xuất ra ít tiền (hu hu). Đến đây em chỉ cách cho.

Nếu hồi đó mà nghe lời thì thắng to, đang giai đoạn đầu sốt chứng khoán! Tính mình lại dát, chỉ được một ít là thôi nên chắc không cháy túi như những người theo đến cùng. Ông này về sau kiếm được cái nghề rất hay, không mất vốn mà oai phong lừng lẫy. Xứng đáng là nhị tam đa!

Nhưng có chức, có tiền mà không biết hưởng thì cũng hoài. Vì vậy ông tam đa đệ tam là người cực kỳ sành điệu. Hàng hiệu loại gì, quán xá cao cấp ở đâu ông thuộc vanh vách. Bút máy Parker tưởng đã là đầu bảng, nhưng ông bảo không phải. Nhờ ông này tư vấn, thay được cái mobile tốt, đứng đắn kiểu công chức mà lại nhiều tính năng. Nếu có tiền nhờ ông chỉ bảo mua ô tô hay may bộ comple xịn thì nhất. Ít người biết rằng bộ khuy măng sét cũng có loại hàng hiệu, không phải bạ khuy nào cũng được. Đặc biệt ông này cực giỏi mua ô. Thời đó ông đã sắm được cái ô mà cả tập đoàn phải ao ước và bây giờ ô rách, ông lại mua được cái ô mới cũng tôt không kém.

Tóm lại, các ông thần nội địa hóa các cấp đều rất linh, cầu được ước thấy ngay lập tức. Việc gì phải nhập ngoại những ông ở tận đâu đâu. Tuy nhiên trước đó, có một bà thầy bói đã từng đi học chiêm tinh ở Ấn độ phán cho tôi “Số ông là số không được hưởng” nên lộc đến tận tay như đã kể mà đúng là không được hưởng. Có hai cái lộc lớn khác được “chính chủ” ấn vào tận tay, nếu được hưởng thì bây giờ đã được bảo vệ 24/7 đợt đầu tiên rồi. Làm gì còn có điều kiện mà ngồi chém gió trên mạng! :D

Đấy là những việc “nhớn”. Còn việc nhỏ nếu có ý thức nội địa hóa cũng hiệu quả rất cao. Có lần định đi ké tập tọng chơi gôn. Tia ngay được ở phòng khách phố NVS mấy bộ gôn vứt lỏng chỏng, chắc đệ tử biếu nhiều quá dùng không hết. Xin một bộ chắc là được. Chưa kịp xin thì tàu đã đắm. Đúng là số không được hưởng!

Người thấy mệt, nghi bị tiểu đường mà toàn trốn khám sức khỏe. Đi bệnh viện làm xét nghiệm? Không việc gì phải thế. Chạy lên phòng mấy ông bạn quan to bị tiểu đường, thiết bị xét nghiệm xịn lúc nào cũng sẵn sàng. Tận tình thử hộ, một phút có kết quả ngay. Đã ăn sáng mà chỉ số có 7.5, đời lại tươi!

Kết luận lại chủ trương nội địa hóa, hoặc nói rộng ra là phát triển công nghiệp phụ trợ là rất đúng đắn (chủ trương, đường lối bao giờ chả đúng). Chỉ có điều thực hiện đừng sai và … số có được hưởng lộc không? Cái này khi nào có dịp sẽ bàn sau. Đừng như đoàn tàu LASH, nhà máy thép, điện, lắp ráp động cơ diesel, chế tạo ống xoắn là được. Gần đây nghe nói tập đoàn mới lập ban Công nghiệp phụ trợ, đứng đầu là một ngôi sao sáng mới nổi và nhiều nhân viên cũng “hoành’ như sếp. Hy vọng công nghiệp phụ trợ sẽ là một cái phao cứu con tàu đang đắm :D 

Thư ngỏ gửi ban chỉ đạo tái cơ cấu Vinashin.

Aside

THƯ NGỎ GỬI BAN CHỈ ĐẠO TÁI CƠ CẤU VINASHIN.

Qua báo chí (http://bit.ly/S1izz2 ) được biết:

một đoàn công tác gồm đại diện Bộ GTVT, Ban Kinh tế Trung ương, Văn phòng Chính phủ và nhiều chuyên gia kinh tế đang khảo sát, làm việc với các đơn vị của Vinashin. Sau chuyến công tác này, đoàn sẽ đưa ra một nhận định đầy đủ về Vinashin sau khi tái cơ cấu để báo cáo Chính phủ và Bộ Chính trị. Báo cáo này cũng sẽ có đề xuất hợp lý nhất để tiếp tục tái cơ cấu Vinashin.”

Trả lời báo chí, bộ trưởng Đam cũng cho biết Vinashin sẽ có một đề án tái cơ cấu riêng (hiện đang được giao cho Vinashin làm).

Tuy nhiên, cách làm không đúng có thể dẫn đến những kết luận sai và cánh cửa mới hé mở sẽ đóng sập lại đối với Vinashin.

Tôi có vài ý kiến đóng góp về việc này như sau:

  1. Tái cơ cấu Vinashin gồm hai nhiệm vụ lớn: a/Giải quyết hậu quả của Vinashin “cũ” để lại và b/Tìm một hướng đi khả thi cho Vinashin “mới”. Trong tái cơ cấu lần 1 chỉ mới làm được phần rất nhỏ nhiệm vụ a, hoàn toàn không thực hiện được nhiệm vụ b, để thời gian quý giá từ 2008 trôi qua, tiêu thêm nhiều tiền vô ích và kết quả hiện nay tình hình lại càng trầm trọng hơn.
  2. Phải nhìn thẳng vào sự thật mà nói rằng Vinashin “cũ” thực sự là một cuộc bạo loạn về kinh tế: xây dựng, phát triển không tuân thủ các quy định pháp luật. Vì vậy, cũng như dẹp bạo loạn chính trị, cần một bộ máy có quyền lực đặc biệt, một cơ chế đặc biệt, tạm thời bỏ qua các quy định pháp luật hiện hành (xem thêm http://bit.ly/TMWZli) với mục tiêu cao nhất là ổn định nhanh chóng tình hình, không cho hậu quả (nợ lãi,…) lây lan như một đám cháy rừng. Tức là một hệ thống cứu hỏa trong kinh tế. Áp dụng một hệ thống pháp luật còn nhiều khiếm khuyết để giải quyết cái vô pháp luật là điều không khả thi và thực tế những năm qua đã cho thấy đúng như thế. Một ví dụ: các dự án đã làm không đủ hồ sơ, chứng từ để quyết toán sẽ không thể chuyển thành vốn ngân sách, bán, cổ phần hóa hay liên doanh, liên kết được.
    Bộ máy, cơ chế đặc biệt đó không chỉ dành riêng cho Vinashin. Các đám cháy kinh tế khác cũng cần đến nó. Trên con tàu kinh tế quốc gia, không có hệ thống cứu hỏa chuyên dụng là một thiếu sót lớn. Việc chậm có hệ thống này đã gây ra những tổn thất không nhỏ và không đáng có.
  3. Tìm một hướng đi khả thi cho Vinashin là điều quan trọng và khó khăn nhất lúc này:
  • Nếu chỉ khảo sát hiện trạng các nhà máy đóng tàu, đọc các báo cáo về tình hình bế tắc của ngành đóng tàu thế giới thì kết luận hiển nhiên là Vinashin chỉ có nước giải thể. Nếu cố ép các chuyên gia trong nước “vẽ” ra lối thoát thì lối thoát đó chỉ là hình thức, không đáng tin cậy, không khả thi và do đó không nên đổ tiền vào cho nó.
  • Chính phủ (chứ không phải Vinashin) cần đứng ra mở thầu tư vấn quốc tế, tìm một phân khúc thị trường khả thi và hiệu quả lâu dài để xây dựng, duy trì một nền tảng nhỏ của ngành, chuẩn bị cho tương lai. Cách làm này chuyên nghiệp hơn, có độ tin cậy cao hơn, lấy lại niềm tin trong nước và cũng chứng tỏ cho giới chủ tàu quốc tế thấy rằng chúng ta quyết tâm xây dựng lại ngành đóng tàu một cách bài bản, theo các tiêu chuẩn quốc tế. (xem thêm http://bit.ly/QKsht0 ).
    Lối thoát chúng ta không nghĩ ra, không có nghĩa là những người khác chuyên nghiệp hơn, có nhiều thông tin hơn, không tìm ra. Người này không tìm ra, có thể có người khác. Việc chọn tư vấn phải thận trọng và đúng đối tượng cần tìm, không phải cứ “Tây” là nói gì cũng đúng.
  • Với tình hình trong, ngoài nước như hiện nay, tìm cách duy trì cả Vinashin “cũ” thì bất khả thi. Nhưng theo cách nói trên tìm hướng đi đúng, lâu dài cho 5-7 nhà máy đóng tàu với số lượng công nhân còn lại, xây dựng một ngành đóng tàu thương mại nhỏ nhưng tinh là điều có thể.
  • Với các nội dung trên, đề án tái cơ cấu 2 vượt khỏi tầm Vinashin, không thể để Vinashin tự làm. Đội ngũ những người hiểu về ngành đóng tàu, nhất là đóng tàu cạnh tranh, trước đây đã vừa thiếu vừa yếu, hiện nay đã tản mát gần hết. Giao đề án cho những người không có chuyên môn, đang muốn đi khỏi Vinashin mà chưa được phép đi, hoặc muốn đi mà không biết đi đâu thì kết quả cũng sẽ giống như đề án 1.
  • Một sự thật khác đã được Thanh tra Chính phủ chỉ ra và cần phải nhìn thẳng vào nó: Vinashin không đủ “năng lực đóng tàu thương mại”, tức là không có khả năng đóng tàu đúng tiến độ và có lãi. Nói cách khác, nó không có năng lực cạnh tranh. Vì vậy, điều quan trọng cần làm trước tiên là tái cơ cấu lại năng lực đóng tàu theo hướng đi đã tìm được ở trên (xem http://bit.ly/UvVeGU, trích “Nếu không làm được điều đó trước, dù có thay đổi nhân sự tán loạn, cố nặn ra hợp đồng đóng tàu và đổ thêm tiền vào cũng chỉ tạo thêm nhiều khoản lỗ mới còn lớn hơn trước, tiền sẽ một đi không trở lại. ). Năng lực đóng tàu thương mại ở đây không chỉ là năng lực tổ chức, quản lý sản xuất mà còn bao gồm cả công nghệ kinh doanh, công nghệ sản xuất và con người đã được đầu tư không đúng.
  • Thuê nước ngoài hoán cải, khai thác, đào tạo, chuyển giao một nhà máy đóng tàu mẫu là một ví dụ về phương án tái cơ cấu năng lực đóng tàu nói trên.
  1. Có được hướng đi khả thi như đã nói ở trên, cần có tiền và người thực hiện. Mặc dù kinh tế khó khăn, không thể cứu phần nào lượng tiền lớn đã bỏ ra và xây dựng lại một ngành công nghiệp dù chỉ ở quy mô nhỏ mà không có tiền. Trong khủng hoàng, các chính phủ đều phải hỗ trợ ngành đóng tàu (xem http://bit.ly/UMAs9o). Cần thêm bao nhiêu tiền là do tư vấn tính theo phương án được chọn. Số tiền đã chi trong những năm qua nếu làm đúng hướng như trên thì đã có thể tạo nên một tia sáng cuối đường hầm.
    Tối thiểu phải có tiền và có ngay để duy trì, bảo quản các tài sản hiện có (tàu, máy móc trang thiết bị, vật tư tồn đọng,..). Để hoang vài năm nữa thì thật sự là đống sắt vụn, không như bất động sản.
    Trong số 43 tàu đang bỏ hoang, có thể sử dụng được ít nhất 10 chiếc. Hoán cải nó thành tàu căn cứ tổng hợp: biên phòng, tìm kiếm cứu nạn, khí tượng thủy văn, vô tuyến viễn thông, nghiên cứu biển, hậu cần đánh bắt cá xa bờ, …. rải dọc bờ biển từ Cà mâu tới Móng cái. Tại sao không?
  2. Thực tiễn hai năm qua cũng cho thấy, những người chỉ huy việc tái cơ cấu phải là những người có năng lực quản lý, kinh doanh tối thiểu, có bản lĩnh dám làm dám chịu và biết sử dụng những người hiểu biết về ngành đóng tàu. Một trong những nguyên nhân thất bại của tái cơ cấu lần 1 là dùng người sai (xem http://bit.ly/TMWGa4).
    Một tập thể người nữa rất quan trọng cần được lưu ý bảo tồn ở quy mô hợp lý là những người có tay nghề về đóng tàu, “căn cơ” của ngành. Nếu để họ tản mát đi kiếm sống trong các ngành khác như trong lần suy thoái cuối những năm 80 của ngành đóng tàu, thì sau này phải đào tạo lại từ đầu. (xem
    http://bit.ly/ZPhpLz )
  3. Những điều nói trên chỉ là bước đầu nhưng dứt khoát phải có nếu muốn tái cơ cấu Vinashin thật sự. Còn rất nhiều việc phải làm và những điều đó ra ngoài phạm vi bức thư này.

Tái cơ cấu “thật sự” Vinashin là một công việc đội đá vá trời, khả năng thành công khó nói trước. Tuy nhiên, vì đống tiền khổng lồ đã bỏ ra, vì tương lai của hàng vạn con người, vì vai trò chiến lược của ngành, “còn nước, thì phải tát”. Và cũng đừng đi vào vết xe đổ của lần tái cơ cấu trước mà ngay từ cách viết đề án, nội dung đề án, cách chọn người thực hiện đã thấy là không khả thi rồi!

Hy vọng là một vài “ngu ý” được lắng nghe.

Trân trọng

Phan Vĩnh Trị.

Khe cửa hẹp cuối cùng của Vinashin đang khép lại.

Aside

(Chém gió lần cuối về Vinashin. Hy vọng giúp mấy thằng cháu còn có lương mời mình uống cà phê :-) )

Đến bây giờ thì phải nhìn thẳng vào sự thật mà nói rằng tái cơ cấu lần đầu của Vinashin đã hoàn toàn thất bại! Một thất bại thấy trước sau khi đọc cái gọi là “đề án tái cơ cấu” làm vội vàng dưới đủ loại sức ép, sau vài tuần quan sát dàn “tướng” vụng về của PetroVietnam được điều sang (nhấn xem http://bit.ly/NphAnr) và mới đây được chính thức công nhận “Tái cơ cấu Vinashin còn nhiều khó khăn, vướng mắc….” (nhấn xem http://bit.ly/Tc1tfm). :-(

Chỉ cần đi lướt qua một vòng các nhà máy đóng tàu lớn cũng đủ thấy điều đó.

Công bằng mà nói, trục vớt một con tàu nát đã chìm sâu trong đại dương kinh tế toàn cầu đang sóng gió dữ dội là một việc “đội đá vá trời”, may ra chỉ có bà Nữ Oa sống lại mới làm nổi. Nhưng cái điều tối thiểu tạo ra được một tia sáng cuối đường hầm, xây dựng được một nền tảng nhỏ cơ bản cho tương lai là những điều khả thi thì tái cơ cấu 1 cũng không làm được. Hệ lụy của lần thất bại này không nhỏ: đội ngũ những người biết nghề đã tan tác gần hết để tự cứu mình, thay bằng những nhân viên phường xã; đội tàu “đóng mới” hơn 1 tỷ USD, nhiều cái không đủ tiêu chuẩn cấp giấy phép cho chạy, để lửng lơ không tiền bảo vệ, bảo trì sẽ bị ăn cắp thiết bị, mục nát theo thời gian, vài năm nữa sẽ có thể bán được … để phá dỡ (xem kinh nghiệm người đi trước: http://bit.ly/U6XjGS).

Đợt tái cơ cấu lần 2 đang diễn ra là khe cửa hẹp cuối cùng cho ngành đóng tàu sống sót và có hy vọng vượt qua được giai đoạn sinh tử này. Rất tiếc là với cách triển khai hiện nay, khe cửa đó đang khép lại.

Bởi vì đề án tái cơ cấu 2, cơ hội cuối cùng để ngành đóng tàu ngẩng mặt lên được, đang được triển khai không đúng cái cần có.

Thứ nhất, chiến lược (hoặc kế hoạch, đề án, …) phát triển ngành đóng tàu phải ở tầm quốc gia (nhấn xem http://bit.ly/Rl8T3M) như Nga gần đây đã làm. Tối thiểu, đề án cũng không nên do những người đang muốn đi khỏi Vinashin mà không được đi và những người muốn đi nhưng không biết đi đâu, soạn thảo. Các bộ, ngành, viện nghiên cứu đủ loại, … các giáo sư, tiến sỹ đông đảo phải vào cuộc (trừ loại này http://bit.ly/SQNZaS. :-))

Thứ hai, mục tiêu và nội dung cơ bản của đề án không phải như đề án lần trước chỉ là các biện pháp tổ chức trên giấy, cắt cứa số học, giảm số đơn vị trực thuộc xuống. Nó phải thực sự tìm ra khe cửa hẹp, khả thi ở thị trường trong và ngoài nước, đủ để cho những cái còn lại tồn tại được và xây dựng lại năng lực đóng tàu thương mại ở quy mô nhỏ, định hướng được cho tương lai, chờ điều kiện thị trường tốt lên.

Thứ ba, đề án phải thực sự có chất lượng, tạo được niềm tin. Niềm tin vào ngành đóng tàu hiện nay đã mất hết từ những cấp cao nhất đến người công nhân. Sau một hồi loay hoay, những người có liên quan chắc đã nhận ra rằng ông khổng lồ hoành tráng đứng thứ 4 thế giới một thời té ra là ….”không đủ năng lực đóng tàu” thương mại – tức là có lãi, điều mà thanh tra đã nhận ra từ rất sớm. Sau 2 năm “tái cơ cấu’, tiếp tục “bỏ gốc đi làm ngọn” (nhấn xem http://bit.ly/Nid6jT), kết quả lại càng tồi tệ hơn.

Một đề án tốt, có nhiều hy vọng tìm ra được một hướng đi khả thi để Vinashin tồn tại và phát triển như một thực thể có tổ chức.

Vì vậy vào thời điểm này, nó là khe cửa hẹp cuối cùng.

Để làm được những điều nói trên, cần: người, tiền và thời gian.

Về người trong nước có lẽ không cần phải bàn. Đội ngũ đang viết đề án hiện nay, với tâm trạng như nói ở trên hoàn toàn không đủ năng lực. Và quan trọng hơn, họ không có tâm làm thực. Làm để nộp bài cho xong thì chất lượng không cần phải nói cũng biết.

Tình hình rất đen tối. Ta không nhìn ra cơ hội, nhưng hy vọng là những người khác có đầy đủ thông tin hơn, có trình độ chuyên nghiệp hơn có thể nhìn ra. Như thông tin cho biết, hiện nay vẫn có nước, có tập đoàn đầu tư vào đóng tàu (nhấn xem http://bit.ly/Vuz3Q3). Họ nhìn ra cơ hội gì?

Vì vậy cần có tư vấn nước ngoài.

Với tư vấn nước ngoài cũng cần rất thận trọng. Tư vấn phải được chọn cẩn thận, trả lời được mấy câu hỏi sau một cách chuyên nghiệp (có số liệu, phân tích, dẫn chứng,…):

  1. Trong một tương lai gần (vd: 5 năm) có cơ hội nào cho ngành đóng tàu Việt nam trong thị trường thế giới không? Và tương lai dài hơn, có nên phát triển ngành đóng tàu không, theo hướng nào, quy mô như thế nào?
  2. Nếu có thì gồm mấy phương án và quan trọng nhất, mỗi phương án cần bao nhiêu tiền và bao nhiêu thời gian?
  3. Khi phương án đã chọn (ví dụ: tập trung vào đóng tàu cao cấp) thì xây dựng được kế hoạch và tư vấn được cụ thể các bước tiếp sau.

Những câu hỏi này, các chuyên gia trong nước không thể trả lời được.

Tư vấn nước ngoài là một trong những yếu tố quyết định để làm cho đề án có chất lượng thực, từ đó tạo niềm tin (nhấn xem http://bit.ly/S6fuuG). Vì vậy, nếu làm ẩu, chỉ cốt để tráng men “tây” cho đề án sẽ làm lãng phí một cơ hội rất lớn. “Tây” thất bại thì sau này không còn ai tin và chịu chi tiền cho làm lần thứ hai nữa.

Để làm một cái đề án tử tế thì phải có tiền, nhất là tiền thuê tư vấn nước ngoài. Nước ta không thiếu gì nơi đã thuê tư vấn nước ngoài làm quy hoạch, chiến lược, …. có thể tham khảo kinh nghiệm của họ. Tạm hoãn những công trình tượng đài, nhà bảo tàng,… dành tiền mở thầu quốc tế chọn tư vấn để tìm lối thoát cho một ngành công nghiệp xuất khẩu, cứu vãn khoản tiền gần 200 nghìn tỷ đã đổ vào đó và tương lai hàng vạn con người, TẠI SAO KHÔNG???

Việc mở thầu này còn có một tác dụng PR, marketing rất lớn nữa. Nó gây sự chú ý và tạo niềm tin trong giới chủ tàu quốc tế khi biết rằng chúng ta quyết tâm xây dựng lại ngành đóng tàu một cách bài bản, theo những chuẩn mực quốc tế. Kèm theo những lợi thế so sánh khác (giá,…), đó sẽ là một nơi nên tìm đến nếu có nhu cầu đóng tàu.

Trong tình cảnh hiện nay, việc làm này có vẻ “cố đấm ăn xôi”. Nhưng vì những mục tiêu trên, cũng nên cố một lần chót.

Và điều cuối cùng, cần phải có thời gian. Đừng vì tiến độ kế hoạch nào đó mà thúc ép nộp bài cho xong. Hoặc, duyệt đề án về tổ chức trước, chiến lược phát triển để sau.

Như đã nói trong một bài trước (nhấn xem http://bit.ly/S6fuuG), trong bối cảnh suy thoái toàn cầu, cũng không biết tư vấn có vạch được ra ánh sáng cuối đường hầm không? Nhưng đó là hy vọng cuối cùng để Vinashin có thể tồn tại, phát triển một cách có kế hoạch, định hướng và khả thi.

Nếu không thì đành quay lại thời kỳ suy thoái trước của ngành cuối những năm 80: phát lệnh rời con tàu đắm, tùy nghi di tản, đơn vị nào có giám đốc năng động thì sống và cái tổng công ty Vinashin cũng không còn lý do và tiền để mà tồn tại nữa! :( :-(

Theo thông tin mới nhất, bộ Chính trị vẫn tiếp tục quan tâm rất lớn đến Vinashin (nhấn xem http://bit.ly/SQKC3Y)!Hy vọng đề án tái cơ cấu được nộp lên đó không phải đồ dởm!

Kinh nghiệm đắm tàu

Aside

Khi tàu bắt đầu đắm, phản ứng bản năng của số đông là giận dữ đi tìm kẻ có lỗi và trừng trị. Vì nước mới chỉ ngập đến chân, không ai nghĩ rằng việc cấp bách hơn nhiều và khó khăn hơn nhiều là đi cứu đắm. Thời gian quý báu trôi qua trong việc truy lùng những tội lỗi quá khứ. Hàng đống tiền đổ ra vô ích cho những giải pháp vá víu tạm bợ. Đến khi nhận ra rằng nước đã lên đến cổ, con tàu đang vỡ ra từng mảnh, thất nghiệp và lương không đủ sống đã gõ cửa từng nhà thì đã quá muộn. ☹☹☹

Cứu đắm là việc cực kỳ khó khăn và khẩn cấp. Nó cần những con người đặc biệt, một cơ chế xử lý đặc biệt và những phương tiện đặc biệt không khác gì tình trạng chiến tranh. Tuyên bố tình trạng khẩn cấp về kinh tế và áp dụng những điều đặc biệt đó để cứu đắm ngay là việc cần làm.

Thong thả, ề à, dựa vào một hệ thống tổ chức cồng kềnh, không hiệu quả, một hệ thống pháp luật thủng lỗ chỗ, một đám công chức bất tài, hoảng sợ ra sức náu mình sau tấm khiên pháp luật, mọi việc chỉ càng đình đốn. Trong thời gian đó, con tàu vẫn từ từ chìm xuống và vỡ ra từng mảng theo những quy luật tự nhiên không gì cưỡng nổi.

Đến khi mọi người ngộp nước thì bắt đầu một giai đoạn hỗn loạn. Bản năng sinh tồn làm người ta dẫm đạp lên nhau để sống. Dù có leo được lên bờ thì mọi thứ đã mất hết.

Đó là những kinh nghiệm đắm tàu mà những người đã trải qua đều biết.

Và hy vọng là không phải trải qua một lần thứ hai! Cứu đắm bằng những biện pháp mạnh, ra ngoài khuôn khổ pháp luật trước đã, sửa chữa hệ thống pháp luật, quản lý và xử lý tội phạm để sau! ☺☺☺

Hơn bao giờ hết, đất nước cần những vĩ nhân xuất thế. Nhưng có được hay không lại là số mệnh của dân tộc. Từ lần xuất hiện vĩ nhân trước đến nay đã 120 năm! ☹☹☹

 

 

Thay đổi thế nào mới nên mong đợi?

Aside

Bắt đầu từ năm 2009, một không khí hoang mang cực độ bao trùm Vinashin. Mọi người đều thấy rõ thuyền trưởng Bình đã đưa con tàu đâm vào đá và vẫn cố giữ hướng đi cũ (hoặc không thể tìm ra hướng đi mới). Tâm lý mong chờ một sự thay đổi ngày càng tăng. Khi bế tắc, mọi người khát khao thay đổi đó là chuyện bình thường. Ôbama nắm bắt được tâm lý đó nên từ một anh da đen, không hề có kinh nghiệm quản lý nhà nước (chưa từng làm thống đốc bang) có thể nhảy lên làm tổng thống Mỹ!

Nhưng điều đáng buồn là thay đổi về hình thức đã diễn ra triệt để ở Vinashin nhưng kết quả lại hoàn toàn thất vọng ngay từ những tuần đầu. Một đám trẻ con xuất thân từ một cái chuồng gà công nghiệp,  hùng hổ nhưng ngây ngô, thiếu cả những kỹ năng lãnh đạo quản lý tối thiểu, ra sức “nổ’, “chém gió”, đập nước tứ tung làm cho con tàu đang chìm rã ra từng mảng ( xem http://bit.ly/v1WXi8), giống hệt một trường hợp khác mà cả nước đều biết,http://bit.ly/tyr3G0. Kết quả hai năm “tái cơ cấu” đến bây giờ đã quá rõ ràng và lại phải “tái cơ cấu lần 2”. Vẫn con người và cách làm cũ, hai năm nữa sẽ là lần “giải quyết cuối cùng”.

Thay đổi như thế thì thà đừng thay đổi còn hơn. Hoãn vụ xử lại một vài năm, cho Bình và ê kíp khắc phục hậu quả, kết quả chắc chắn sẽ tốt hơn rất nhiều. Đây cũng chính là điều đang được áp dụng với các ngân hàng như thống đốc Bình đã nói: “Mục tiêu quan trọng là nếu cá nhân, tổ chức nào có sai phạm làm thất thoát tài sản của Nhà nước, người dân thì phải tạo điều kiện cho họ trước tiên khắc phục đầy đủ các thất thoát đó, để đảm bảo quyền lợi của người dân, của nhà nước, của hệ thống, còn những hành vi vi phạm sẽ phải xử lý nghiêm minh theo pháp luật.” (nguồn http://bit.ly/X8lnN5)

Vì vậy, những thay đổi về hình thức không phải là điều đáng mong đợi, thậm chí còn làm cho tình hình tồi tệ hơn.

Thay đổi về thực chất, đáng mong đợi phải làm được những việc sau đây:

  1. Chọn được đúng người có bản lĩnh thật sự. Điều này phụ thuộc thể chế. (xem http://bit.ly/TMWGa4). Các cụ vẫn tự hào là “hào kiệt đời nào cũng có”. Không hiểu thời thế này có tạo nên anh hùng hay không?
  2. Có một cơ chế cứu đắm đặc biệt để trong một bối cảnh vô cùng khó khăn, ổn định được tình hình và tìm ra được những khe cửa hẹp thực sự khả thi, xây dựng cơ sở và tạo niềm tin cho tương lai, cầm cự trong khi chờ đợi kinh tế thế giới qua cơn suy thoái (xem http://bit.ly/TMWZli).

Nhảy từ tả sang hữu, từ một tình trạng độc diễn không kiểm soát sang một cơ chế kiểm soát tập thể, bắt tuân thủ gắt gao một hệ thống pháp luật còn thô sơ, nhiều sai sót sẽ làm cho ai cũng sợ, lo phòng thân, kết quả là mọi việc đình đốn. Vì thế mới cần cơ chế cứu đắm đặc biệt (hoặc là chấp nhận thoi thóp 10-20 năm để hoàn thiện pháp luật!).

Trục vớt một con tàu khổng lồ đang đắm trong hoàn cảnh bão tố toàn cầu là chuyện đội đá vá giời ngay cả với những vĩ nhân, không nên có quá nhiều hy vọng. Nước Nhật với nền tảng siêu tốt còn mất đến 14 năm để khắc phục khủng hoảng. Nhưng họ làm được điều này: “tác động trên đời sống hàng ngày hạn chế. Tỷ lệ thất nghiệp cao nhưng không đến mức khủng hoảng. Do truyền thống căn cơ, tiết kiệm của người Nhật, ảnh hưởng đến gia đình Nhật trung bình không lớn, mức sống không giảm nhiều so với những năm 80.” (xem http://bit.ly/R5fcH0). Có lẽ chỉ nên mong được như vậy.

Nếu không thay đổi được về thực chất, lỗi lầm quá khứ chỉ là cơ hội để một đám sâu mới đang gầy gò xông vào kiếm ăn trên xác chết.

Điều đáng mong đợi nhất là tấn “bi kịch lớn của nền kinh tế http://bit.ly/XaBTMJ” sẽ kéo dài trong bao lâu và kết thúc có hậu không? Mọi chuyện khác không giải quyết được điều đó đều là vô nghĩa.

Kiến trúc doanh nghiệp và tái cơ cấu Vinashin

Aside

(Bài viết đóng góp cho thuyết minh đăng ký một đề tài NCKH. Mong có ý kiến phê bình để rút kinh nghiệm- PVT)

1.Đặt vấn đề :

(Vấn đề này tương đối mới ở nước ta. Do đó cách diễn giải hơi dài, chi tiết một chút. Tên và link đến tài liệu trích dẫn xem ở Danh mục tài liệu trích dẫn. Ký hiệu [4:2] có nghĩa là tài liệu số 4, trang 2 hoặc mục 2).

Năm 1996, đạo luật liên bang Mỹ Clinger–Cohen Act[1]quy định và các bước triển khai tiếp theo đã cho ra đời Kiến trúc Chính phủ liên bang Mỹ (U.S. federal enterprise architecture – FEA [2]) như một yêu cầu bắt buộc với mọi hệ thống thông tin quản lý nhà nước.

Năm 2011, tại Diễn đàn Thương mại điện tử Việt Nam 2011 thứ trưởng bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã nhấn mạnh “Tái cơ cấu theo hướng xây dựng kiến trúc doanh nghiệp ….Các tập đoàn, công ty, hệ thống ngân hàng thương mại và doanh nghiệp là những đối tượng cần đi đầu trong công tác đổi mới và xây dựng kiến trúc Doanh nghiệp phù hợp với tầm nhìn kinh doanh trong 5 năm tới.”[3].

Như vậy, kiến trúc chính phủ, kiến trúc doanh nghiệp có tầm quan trọng rất lớn, nhất là trong giai đoạn tái cơ cấu hiện nay. Đó cũng là nội dung chính của đề tài này mà dưới đây sẽ làm rõ hơn một số vấn đề đặt ra.

a.Khái niệm, thuật ngữ.

Trong các đặc điểm lớn của ngành đóng tàu có một đặc điểm đáng chú ý: Cung về năng lực đóng tàu luôn lớn hơn cầu về nhu cầu đóng mới dẫn đến cạnh tranh khốc liệt ở quy mô quốc gia [4]. Với mức độ cạnh tranh như vậy, công nghệ thông tin là một trong những công cụ cơ bản và chủ yếu đảm bảo năng lực cạnh tranh. “ … bất kỳ một sự cải tiến nào trong quá trình đóng tàu, bất kể là cải tiến sản phẩm hoặc tối ưu hóa quá trình công nghệ hiện nay đều không thể thực hiện được nếu không có sự hỗ trợ rất lớn của công nghệ thông tin” [5:1]. Trong “Chương trình Quốc gia Nghiên cứu Phát triển ngành Đóng tàu Mỹ” có 6 hạng mục thì công nghệ thông tin chiếm tỷ trọng vốn đầu tư lớn nhất (chi tiết xem [6]).

Vinashin hiện nay đang thực hiện tái cơ cấu “toàn diện và triệt để”, việc áp dụng công nghệ thông tin để đảm bảo năng lực cạnh tranh lại càng cấp thiết. Nhưng xây dựng, phát triển hệ thống công nghệ thông tin trong tập đoàn như thế nào là vấn đề mà đề tài này mong muốn đóng góp một phần nhỏ bé. Đó là: trước khi xây dựng hệ thống thông tin, phải xây dựng kiến trúc của hệ thống đó.

(Không chỉ có hệ thống thông tin, các hệ thống tổ chức, quản lý, nghiệp vụ của Vinashin cũng nên có một kiến trúc doanh nghiệp như lời phát biểu của thứ trưởng bộ Công thương đã dẫn ở trên)

Tại sao phải xây dựng kiến trúc hệ thống thông tin.

Các đô thị lớn ở Việt nam hiện nay đang gặp phải nhiều vấn đề lớn, nan giải: ùn tắc giao thông, ngập lụt, ô nhiễm nặng nề, phải áp dụng các giải pháp đối phó, chắp vá như đường trên cao, cầu vượt, v.v… và muốn giải quyết hoặc xây dựng một cái mới thì tiền đền bù, phá cái cũ gấp nhiều lần tiền thực sự dành cho xây mới, tạo ra “những con đường đắt nhất hành tinh”.

Nguyên nhân chủ yếu là do trước đây không có quy hoạch kiến trúc tổng thể, mạnh ai nấy làm, cần gì làm nấy, không có một kỷ cương chung.

Cách đây khoảng 25 năm, hệ thống thông tin của các tổ chức cũng gặp phải vấn đề tương tự. Sau một thời gian phát triển liên tục, người ta nhận ra rằng [7]:

  • Hệ thống thông tin càng ngày càng phức tạp, tốn kém, khó điều hành. Chi phí và mức độ phức tạp của hệ thống tăng theo cấp lũy thừa, trong khi đó
  • Mức độ hệ thống thông tin đáp ứng nhu cầu của tổ chức càng ngày càng kém đi. Mỗi khi có nhu cầu mới hoặc thay đổi, rất khó điều chỉnh một hệ thống thông tin cồng kềnh, đắt tiền đáp ứng được các nhu cầu mới đó.

Các vấn đề nói trên không chỉ riêng của xây dựng thành phố hay hệ thống thông tin. Bất kỳ một tổ chức, hệ thống nào khi phát triển tự phát đến một quy mô nhất định cũng gặp tình trạng cồng kềnh, phức tạp, tốn kém, khó thay đổi và hiệu năng bị giảm.

Để khắc phục tình trạng đó, năm 1987 một lĩnh vực mới ra đời: Kiến trúc hệ thống.(Enterprise Architecture).

Hệ thống ở đây được hiểu theo nghĩa rộng là mọi tổ chức (cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, đoàn thể,..), tập hợp các tổ chức (tập đoàn, hiệp hội) có cùng các mục tiêu, hoặc một ngành dọc trong một tổ chức, ví dụ: hệ thống tài chính – kế toán của một tập đoàn. Trong thuật ngữ tiếng Anh Enterprise Architecture, từ enterprise được hiểu theo nghĩa rộng này mà doanh nghiệp chỉ là một trường hợp riêng[8:1.2]. Vì vậy dưới đây thống nhất gọi chung là Kiến trúc hệ thống. Trong từng lĩnh vực cụ thể, từ enterprise có nghĩa khác nhau. Ví dụ: kiến trúc chính phủ điện tử, kiến trúc doanh nghiệp, kiến trúc hành chính, kiến trúc hệ thống thông tin, v.v….

Kiến trúc hệ thống là gì?

Có nhiều định nghĩa khác nhau về kiến trúc hệ thống. Dưới đây đưa ra một định nghĩa theo ISO/IEC 42010:2007 [8:2.2], kiến trúc là:

Tổ chức cơ bản của một hệ thống bao gồm:

  • các bộ phận cấu thành nên hệ thống đó,
  • quan hệ giữa các bộ phận với nhau và với môi trường ngoài và
  • các nguyên tắc chỉ đạo việc thiết kế và phát triển các bộ phận đó

The fundamental organization of a system, embodied in its components, their relationships to each other and the environment, and the principles governing its design and evolution.”

Hiểu một cách tổng quát nhất, kiến trúc của một tổ chức, hệ thống là bản thiết kế, quy hoạch tổng thể thống nhất từ đầu cho toàn bộ quá trình xây dựng, phát triển tổ chức, hệ thống đó sau này, khắc phục được các vấn đề nan giải nói trên.

Để các tổ chức, hệ thống hoạt động tốt, thông tin phải thông suốt và do đó công nghệ thông tin (tin học) với tư cách như một mạng thần kinh trung ương là không thể thiếu. Vì vậy, các thành phần chủ yếu của kiến trúc hệ thống hiện đại như sau [8:2.3]:

  • Kiến trúc nghiệp vụ (Business Process Architecture): bao gồm chiến lược phát triển, hệ thống quản lý, cơ cấu tổ chức và các quy trình nghiệp vụ chủ yếu của một hệ thống.
  • Kiến trúc dữ liệu (Data Architecture): cấu trúc các tài sản dữ liệu vật lý (văn bản, sách,…) và logic (dữ liệu số hóa) của hệ thống và các công cụ để quản lý các tài sản dữ liệu đó.
  • Kiến trúc ứng dụng (Application Architecture): bản thiết kế tổng thể các phần mềm ứng dụng phải được sử dụng, tương tác giữa chúng với nhau và quan hệ của chúng với các quy trình nghiệp vụ chủ yếu của hệ thống.
  • Kiến trúc công nghệ (Technology Architecture): mô tả các hạ tầng phần cứng và phần mềm cần thiết để có thể khai triển ba lớp kiến trúc nói trên. Kiến trúc công nghệ gồm: hạ tầng công nghệ thông tin, các phần mềm lớp giữa (midleware), mạng, truyền thông, các tiêu chuẩn, …

Khung kiến trúc hệ thống

Đối với các tổ chức lớn, đa dạng, phức tạp và chưa ổn định như Vinashin, không thể có một kiến trúc chung cho toàn bộ hệ thống. Mỗi đơn vị thành viên, mỗi ngành dọc (sản xuất, kinh doanh, tài chính – kế toán, v.v…) cần phải có một kiến trúc riêng, phù hợp với mình. Bên trong mỗi kiến trúc đó lại có thể có các kiến trúc con cho từng bộ phận.

Để thống nhất những cái cần thống nhất, tạo một khuôn khổ, quy củ chung và đảm bảo tính tương thích của các hệ thống với nhau cần xây dựng và ban hành một khung kiến trúc hệ thống chung cho toàn tập đoàn.

Có nhiều định nghĩa khung kiến trúc, dưới đây đưa ra một định nghĩa theo ISO/IEC/IEEE 42010 [10]:

Khung kiến trúc xác lập các quy định chung để tạo lập, giải thích, phân tích và sử dụng các kiến trúc trong một lĩnh vực phần mềm riêng biệt hoặc trong cộng đồng những người có liên quan.

An architecture framework establishes a common practice for creating, interpreting, analyzing and using architecture descriptions within a particular domain of application or stakeholder community.”

Hiểu nôm na, nó tương tự như tài liệu hướng dẫn lập các dự án đầu tư, quy định các nội dung phải làm, các bước phải thực hiện, các văn bản pháp lý phải theo thậm chí cách trình bày, tính toán để đảm bảo tính đầy đủ, tính thống nhất chung và mọi người có liên quan (stakeholders) đều hiểu và sử dụng được.

Mấy yêu cầu cần lưu ý

  1. Khung kiến trúc, kiến trúc cần có tính trung lập đối với nhà cung cấp các sản phẩm, công nghệ IT. Nó không thiên vị cũng không hạn chế bất kỳ một công nghệ, sản phẩm nào.
  2. Khung kiến trúc, kiến trúc phải đảm bảo tính tương hợp (interoperability) giữa các bộ phận của hệ thống, giữa các hệ thống con với nhau, nghĩa là các bộ phận, hệ thống con đó phải trao đổi thông suốt được dữ liệu với nhau và sử dụng được dữ liệu đó.
  3. Khung kiến trúc, kiến trúc phải đưa ra được một bộ tiêu chuẩn kỹ thuật chung cho toàn hệ thống.

Tại sao phải xây dựng khung kiến trúc riêng cho Vinashin?

Hiện nay có rất nhiều khung kiến trúc, phương pháp luận xây dựng kiến trúc tổng quát và được sử dụng rộng rãi như TOGAF, Zachman, FEAF, … Về nguyên tắc, có thể áp dụng trực tiếp các khung/phương pháp luận đó vào xây dựng một kiến trúc cụ thể nhưng có những bất cập sau:

  • Vì các khung/phương pháp luận đó là tổng quát, áp dụng được cho mọi loại tổ chức/hệ thống nên rất phức tạp, khó hiểu, khó sử dụng và có nhiều cái thừa, không cần thiết với một tổ chức/hệ thống cụ thể.
  • Cũng do tính tổng quát, chúng lại có nhiều cái thiếu, không phản ánh được các đặc điểm riêng biệt, các quy định riêng, trình độ phát triển riêng của từng tổ chức/hệ thống cụ thể.
  • Mỗi khung/phương pháp luận đều có ưu nhược điểm riêng. Chỉ theo một cái có thể phải chấp nhận cả những nhược điểm của nó và có thể nhược điểm đó có ảnh hưởng lớn tới một tổ chức/hệ thống cụ thể.

Vì vậy, trên cơ sở các khung/phương pháp luận tổng quát, sửa đổi, tổng hợp để xây dựng một khung riêng của một tổ chức/hệ thống là việc cần làm. Đặc biệt là trong điều kiện hiện nay của nước ta nói chung và Vinashin nói riêng, những cán bộ kỹ thuật am hiểu về kiến trúc hệ thống rất hiếm hoi, việc xây dựng một khung kiến trúc riêng dễ hiểu, dễ sử dụng với những hướng dẫn tỷ mỷ, chi tiết là việc bắt buộc phải làm.

Tính “riêng” như nói ở trên là về nguyên tắc. Đề tài sẽ tìm hiểu, so sánh, phân tích các khung/phương pháp luận hiện có để xem cần sửa đổi, tổng hợp đến mức độ nào cho phù hợp với Vinashin. Mức độ đó có thể rất lớn, nhưng cũng có thể rất nhỏ tùy theo kết quả các nghiên cứu sẽ chỉ ra.

Theo một nghiên cứu khảo sát năm 2005[11], có khoảng 22% tổ chức sử dụng khung kiến trúc riêng, 25% dùng khung Zachman, 11% dùng TOGAF, v.v…

Kiến trúc doanh nghiệp hay kiến trúc hệ thống thông tin?

Tùy theo điều kiện cụ thể, có ba cách xây dựng một kiến trúc hệ thống:

  1. Khi kiến trúc nghiệp vụ đã có, việc xây dựng kiến trúc hệ thống chỉ mô tả, hệ thống hóa lại kiến trúc nghiệp vụ làm cơ sở cho các thành phần kiến trúc tiếp theo. Nội dung xây dựng chủ yếu là ở ba thành phần kiến trúc tiếp theo, tức là kiến trúc hệ thống thông tin của một tổ chức. Sau quá trình đó, sẽ có những đề xuất, kiến nghị điều chỉnh kiến trúc nghiệp vụ để sử dụng, lưu chuyển thông tin hiệu quả hơn.
  2. Khi kiến trúc nghiệp vụ chưa có (một tổ chức mới thành lập) hoặc đã có nhưng còn nhiều bất cập. Việc xây dựng kiến trúc hệ thống sẽ bao gồm cả xây dựng kiến trúc nghiệp vụ (trọng tâm) và kiến trúc hệ thống thông tin phục vụ cho nó. Trong trường hợp này có thể gọi là xây dựng kiến trúc tổ chức (trường hợp riêng: kiến trúc doanh nghiệp).
  3. Như trên đã nói, nhiều tổ chức phát hiện ra đã đầu tư rất lớn cho công nghệ thông tin nhưng kết quả không như mong đợi. Điều đó không đơn thuần là lỗi của hệ thống công nghệ thông tin mà do các hệ thống tổ chức, nghiệp vụ hiện có không thể nào tận dụng được sức mạnh, lợi thế của công nghệ thông tin (ví dụ: chỉ dùng văn bản giấy). Điều này đặc biệt rõ trong các hệ thống chính phủ điện tử của ngay cả các nước tiên tiến. Vì vậy hiện nay đang có một cách làm mới: cải cách các tổ chức, nghiệp vụ hiện có sao cho tận dụng được tối đa sức mạnh công nghệ thông tin, tức là cải cách quản lý, tổ chức theo công nghệ, không như trước công nghệ phải uốn mình theo các hoạt động nghiệp vụ. Trong hệ thống chính phủ, cách làm đó tạm dịch là “Chính phủ cải cách” (Transfomational Government [12]).

Vì kiến trúc nghiệp vụ của Vinashin đã là nội dung của các đề tài khác, nhiệm vụ khác (tư vấn của KPMG, DNV, chương trình ISO, …) nên trong đề tài này phần kiến trúc nghiệp vụ chỉ tập hợp, hệ thống hóa và mô tả lại bằng các công cụ của kiến trúc hệ thống để phục vụ cho các bước tiếp theo. Tức là chủ yếu theo cách làm 1 nói trên.

Mặt khác, quá trình tìm hiểu, nghiên cứu các hệ thống thông tin đóng tàu tiên tiến, quá trình xây dựng, thí điểm khung/kiến trúc sẽ làm xuất hiện những đề xuất cải tiến hệ thống tổ chức/nghiệp vụ đã và đang định xây dựng cho tốt hơn, hiệu quả hơn. Tức là phần nào có theo cách 2 và 3.

Vinashin hiện đang trong quá trình tái cơ cấu toàn diện và triệt để. Hệ thống thông tin toàn tập đoàn trước đây phát triển hoàn toàn tự phát và còn thiếu rất nhiều. Đó là các điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng khung kiến trúc hệ thống thông tin toàn tập đoàn, đặt một cơ sở khoa học cho quá trình phát triển hệ thống thông tin hiện tại và trong một tương lai gần.

b.Tình hình nghiên cứu ngoài nước:

Ngành kiến trúc hệ thống có thể coi như bắt đầu vào năm 1987 khi J.A Zachman viết bài báo “A Framework for Information Systems Architecture,”. Sau 25 năm phát triển đến nay đã có hàng chục khung/phương pháp luận kiến trúc hệ thống ra đời (ví dụ xem [13], [14]).

Một trong những nơi áp dụng kiến trúc hệ thống mạnh nhất là các hệ thống chính phủ điện tử. Nước Mỹ có Khung Kiến trúc Liên bang (FEAF [15]) và Kiến trúc Hành chính Liên bang (FEA [2]) áp dụng cho các cơ quan quản lý nhà nước. Bộ Quốc phòng Mỹ lại có kiến trúc riêng của mình DoDAF [16]. Chính phủ Đức có Chuẩn và Kiến trúc cho Chính phủ điện tử SAGA [17]. Nhiều nước khác cũng có khung/kiến trúc chính phủ điện tử của mình (ví dụ xem [18]). Các kiến trúc này liên tục được cập nhật, ví dụ tài liệu SAGA của chính phủ Đức hiện có là phiên bản 5.0 (2011). Các kết quả này rất có giá trị tham khảo khi xây dựng kiến trúc doanh nghiệp.

Đáng chú ý là Nga, một nước đi sau trong việc xây dựng chính phủ điện tử, đã chủ trương “xây dựng từng bước chính phủ điện tử bắt đầu từ phát triển kiến trúc hệ thống”[19]. Điều này nói lên, cũng như quy hoạch kiến trúc tổng thể cho các dự án xây dựng, kiến trúc hệ thống là nội dung cơ bản cần đi trước một bước khi phát triển một hệ thống thông tin lớn và phức tạp. (Vinashin có thuận lợi này: hệ thống thông tin hiện nay gần như bắt đầu xây dựng từ đầu.)

Các doanh nghiệp lớn cũng là nơi xây dựng và áp dụng kiến trúc hệ thống mạnh mẽ. Trong danh sách 27 công ty được giải “Annual Enterprise & IT Architecture Excellence Award 2012” [20] có thể thấy những tên tuổi lớn như Credit Suisse, Intel, v.v… Trong các công ty lớn hiện có một chức danh: Nhà kiến trúc doanh nghiệp (Enterprise Architect).

Các công ty tin học, tư vấn lớn cũng có các sản phẩm là các khung/phương pháp luận, giải pháp phần mềm, dịch vụ tư vấn xây dựng kiến trúc: IBM [21], Microsoft [22], Gartner [23]…

Các công ty, tổ chức chuyên nghiên cứu về kiến trúc hệ thống liên tục phát triển, cập nhật sản phẩm của mình. Khung kiến trúc TOGAF phiên bản 1.0 (1995) hiện đã có phiên bản 9.1 (2011), khung Zachman hiện có phiên bản 3.0, …

Số lượng khung/kiến trúc hệ thống nhiều đến mức đã xuất hiện một hướng nghiên cứu: xây dựng các công cụ để người sử dụng có thể tìm kiếm, đánh giá, lựa chọn, sửa đổi các khung/kiến trúc phù hợp. Các công cụ đó có thể là sách hướng dẫn “Làm sao để sống sót trong rừng rậm các khung kiến trúc”[24], báo cáo nghiên cứu [7], [14],[25], khung đánh giá, phân loại [26],[14]v.v….

Các công cụ “vẽ” kiến trúc: cũng như kiến trúc xây dựng có ngôn ngữ chung là các bản vẽ xây dựng, kiến trúc hệ thống hiện nay cũng có nhiều loại ngôn ngữ mô hình kiến trúc (enterprise architecture modelling language) khác nhau cần được lựa chọn trước. Toàn bộ kiến trúc mô tả bằng 1 ngôn ngữ sẽ giúp các “người liên quan” (stackeholders) hiểu được, chia sẻ được công việc cho nhau. Ngoài ra, cũng có nhiều phần mềm hỗ trợ việc xây dựng kiến trúc hệ thống nhanh, chính xác và dễ sử dụng lại hơn là làm bằng tay, ví dụ [27] Chi tiết về các công cụ xây dựng kiến trúc có thể xem ở đây [28]

Tóm lại, kiến trúc hệ thống là một hướng nghiên cứu, ứng dụng đang rất phát triển.

c.Tình hình nghiên cứu trong nước

Kiến trúc hệ thống mới được biết đến ở Việt nam không lâu nhưng nhanh chóng được đánh giá cao, đặc biệt là trong giai đoạn tái cơ cấu doanh nghiệp hiện nay. Tại Diễn đàn Thương mại điện tử Việt Nam 2011 (EcomBiz 2011) thứ trưởng bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã nhấn mạnh [3]: “Tái cơ cấu theo hướng xây dựng kiến trúc DN là một bức tranh kiến trúc đa chiều thể hiện các bộ phận cấu thành nên một DN và mối quan hệ giữa các bộ phận. … diễn đàn cần tập trung thảo luận sâu về vai trò của kiến trúc DN trong việc hoạch định chiến lược kinh doanh giai đoan 2011- 2015, đáp ứng yêu cầu về tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng nêu tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 11. Các tập đoàn, công ty, hệ thống ngân hàng thương mại và DN là những đối tượng cần đi đầu trong công tác đổi mới và xây dựng kiến trúc DN phù hợp với tầm nhìn kinh doanh trong 5 năm tới.”

Lĩnh vực quản lý nhà nước là nơi có nhận thức sớm, đã và đang triển khai mạnh mẽ các đề tài nghiên cứu, các công trình xây dựng và áp dụng kiến trúc hệ thống. Đề án 112 bắt đầu triển khai năm 2001, được đánh giá là “đã định hướng được kiến trúc hệ thống thông tin của Chính phủ”[29]. Nghị định số 64/2007/NĐ-CP “Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước”, điều 15 giao nhiệm vụ “Bộ Bưu chính, Viễn thông chủ trì xây dựng kiến trúc chuẩn hệ thống thông tin quốc gia”.

Một số bộ ngành, tỉnh, thành phố cũng đã triển khai công tác theo hướng này:

  • Bộ Tài nguyên và Môi trườngtrên cơ sở kiến trúc hệ thống thông tin quốc gia, cần xây dựng và ban hành kiến trúc hệ thống thông tin ngành TN&MT[30].
  • Bộ Ngoại giao “thiết kế, xây dựng khung kiến trúc chuẩn CNTT và một lộ trình phát triển ứng dụng CNTT cho giai đoạn từ nay đến 2015.”[31]
  • Bộ Thông tin Truyền thông: Đề tài khoa học cấp Nhà nước “Nghiên cứu xây dựng kiến trúc công nghệ thông tin và truyền thông và các giải pháp công nghệ phù hợp cho việc triển khai Chính phủ điện tử ở Việt Nam”, mã số KC.01.18 thuộc Chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm về Công nghệ thông tin và truyền thông KC.01, giai đoạn 2006 – 2010 .
  • Mới đây “Dự án Tư vấn khung và các tiêu chuẩn ứng dụng CNTT Chính phủ điện tử (dự án MIC 1.4) do Bộ TT&TT là chủ đầu tư, nằm trong khuôn khổ dự án Phát triển CNTT-TT tại Việt Nam do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ, vừa được chính thức khởi động chiều ngày 9/3/2012.” [32].
  • Năm 2008, Hà nội triển khai đề tài CNTT/01-2008-2 “Nghiên cứu đề xuất chuẩn và kiến trúc cho các ứng dụng chính phủ điện tử trong hệ thống thông tin của Hà nội ”
  • Cũng có thông tin không chính thức cho biết Ủy ban Nhân dân tp Đà nẵng và Tổng cục Thống kê đã hoàn thành kiến trúc hệ thống của mình [33]

Với các doanh nghiệp thì không có thông tin. Gần đây, cũng theo tin không chính thức, tập đoàn Dầu khí đang quan tâm đến vấn đề này.

Riêng với Vinashin, Thiết kế Kiến trúc tổng thể là một trong những nội dung chính của đề án “Ứng dụng công nghệ thông tin trong tập đoàn kinh tế Vinashin (giai đoạn 2006-2010) phiên bản 1.0” nhưng không có điều kiện thực hiện.:(

f.Tài liệu tham khảo, trích dẫn

1. Wikipedia contributors. Clinger–Cohen Act. Wikipedia, the free encyclopedia, 2012. http://en.wikipedia.org/w/index.php?title=Clinger%E2%80%93Cohen_Act&oldid=499844098.

2. Federal Enterprise Architecture (FEA) | The White House. http://www.whitehouse.gov/omb/e-gov/fea/.

3. Tái cơ cấu theo hướng xây dựng kiến trúc doanh nghiệp- Báo Công thương Điện tử. http://www.baocongthuong.com.vn/p0c259n16071/tai-co-cau-theo-huong-xay-dung-kien-truc-doanh-nghiep.htm.

4. Cạnh tranh không lành mạnh trong ngành đóng tàu và vai trò của nhà nước. Tản mạn. https://phanvinhtri.wordpress.com/2011/08/11/canh-tranh-khong-lanh-manh-trong-nganh-dong-tau-va-vai-tro-cua-nha-nuoc/.

5. The Role of IT in Shipbuilding . Kruger, TU Hamburg- Harburg. http://www.ssi.tu-harburg.de/doc/Veroeffentlichungen/2003/compid03.pdf.

6. CHƯƠNG TRÌNH QUỐC GIA NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN NGÀNH ĐÓNG TÀU MỸ- Công nghệ hệ thống. https://phanvinhtri.files.wordpress.com/2011/08/nsrp-cc3b4ng-nghe1bb87-he1bb87-the1bb91ng.pdf.

7. A Comparison of the Top Four Enterprise-Architecture Methodologies. http://msdn.microsoft.com/en-us/library/bb466232.aspx.

8. TOGAF® 9.1. http://pubs.opengroup.org/architecture/togaf9-doc/arch/index.html.

9. TOGAF® 9.1. http://pubs.opengroup.org/architecture/togaf9-doc/arch/index.html.

10. ISO/IEC/IEEE 42010: Conceptual Model. http://www.iso-architecture.org/ieee-1471/cm/.

11. Enterprise Architecture Survey 2005 IFEAD v10.pdf. http://www.enterprise-architecture.info/Images/EA%20Survey/Enterprise%20Architecture%20Survey%202005%20IFEAD%20v10.pdf.

12. Transformational Government – Wikipedia, the free encyclopedia. http://en.wikipedia.org/wiki/Transformational_Government.

13. Enterprise architecture framework – Wikipedia, the free encyclopedia. http://en.wikipedia.org/wiki/Enterprise_architecture_framework#Government_frameworks.

14. Survey of Architecture Frameworks. http://www.iso-architecture.org/ieee-1471/afs/frameworks-table.html.

15. Federal Enterprise Architecture Framework. http://www.cio.gov/documents/fedarch1.pdf.

16. Enterprise Architecture & Standards. http://dodcio.defense.gov/Home/Topics/EnterpriseArchitectureStandards.aspx.

17. IT-Beauftragte der Bundesregierung – Architekturen und Standards. http://www.cio.bund.de/DE/Architekturen-und-Standards/SAGA/SAGA%205-aktuelle%20Version/saga_5_aktuelle_version_inhalt.html.

18. Overview of Enterprise Architecture work in 15 countries. http://www.vm.fi/vm/en/04_publications_and_documents/01_publications/04_public_management/20071102Overvi/FEAR_ENGLANTI_kokonaan.pdf.

19. Nga chia sẻ kinh nghiệm xây dựng chính phủ điện tử với Việt Nam – PC World VN. http://www.pcworld.com.vn/articles/quan-ly/nha-nuoc/2010/09/1220814/nga-chia-se-kinh-nghiem-xay-dung-chinh-phu-dien-tu-voi-viet-nam/.

20. iCMG – Enterprise & IT Architecture Excellence Awards – Architecture Award Winners 2012. http://www.icmgworld.com/corp/ArchitectureAwards/2012/global_award_2012_01.asp.

21. IBM – United States. http://www-01.ibm.com/software/info/itsolutions/enterprisearchitecture/.

22. Microsoft Architecture Overview. http://msdn.microsoft.com/en-us/library/ms978007#eaarchover_topic1.

23. Gartner’s Enterprise Architecture Process and Framework Help Meet 21st Century Challenges | 486650. http://www.gartner.com/id=486650.

24. How to Survive in the Jungle of Enterprise Architecture Frameworks: Creating … – Jaap Schekkerman – Google Sách. http://books.google.com.vn/books/about/How_to_survive_in_the_jungle_of_enterpri.html?id=k_9cUrpT4lsC&redir_esc=y.

25. Comparison of the Top Six Enterprise Architecture Frameworks. http://www.cioindex.com/enterprise_architecture.aspx.

26. A Framework for Categorizing Enterprise Architecture Frameworks. https://eeweb01.ee.kth.se/upload/publications/reports/2009/IR-EE-ICS_2009_011.pdf.

27. UML tools for software development and modelling – Enterprise Architect UML modeling tool. http://www.sparxsystems.com/.

28. Enterprise Architecture Tools, Institute For Enterprise Architecture Developments (IFEAD). http://www.enterprise-architecture.info/EA_Tools.htm.

29. Ưu tiên ứng dụng CNTT trong quản lý Nhà nước. http://vietbao.vn/Vi-tinh-Vien-thong/Uu-tien-ung-dung-CNTT-trong-quan-ly-Nha-nuoc/65044456/217/.

30. Gấp rút chuẩn bị cho “Chính phủ điện tử” | ICTNews. http://ictnews.vn/home/Tin-tuc/71/Gap-rut-chuan-bi-cho-Chinh-phu-dien-tu/71201/index.ict.

31. Bộ Ngoại giao và Microsoft ký kết hợp tác phát triển CNTT – Bộ Ngoại giao, Microsoft, Viet Nam, ký kết hợp tác phát triển CNTT. http://www.huesoft.com.vn/Tint%E1%BB%A9c/tabid/58/categoryid/5/itemid/330/Default.aspx.

32. Chuyên gia Đài Loan tư vấn khung Chính phủ điện tử cho Việt Nam | ICTNews. http://ictnews.vn/home/Tin-tuc/71/Chuyen-gia-Dai-Loan-tu-van-khung-Chinh-phu-dien-tu-cho-Viet-Nam/101153/index.ict.

33. Chưa Doanh Nghiệp nào có kiến trúc tổng thể trên nền tảng CNTT – Công ty cổ phần công nghệ DTT. http://dtt.vn/?p=600&lang=vi.

Vinashin trong đợt kiểm điểm của bộ Chính trị

Aside

Đọc kỹ lại bài Bộ Chính trị, Ban bí thư nghiêm túc tự kiểm điểm (http://bit.ly/RvtWfu) mới thấy Vinashin rất “quan trọng”, được nhắc đến 2 lần:

1- Vinashin thuộc loại “một số vấn đề quan trọng cấp bách về xây dựng Đảng (về trách nhiệm của tập thể và cá nhân trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý doanh nghiệp Nhà nước, nhất là về các vụ việc Vinashin, Vinalines…). Như vậy, vụ Vinashin tiếp tục được quy trách nhiệm cho tập thể và cá nhân nào đó. Trước đại hội đảng chưa quy được ai vì “không có gì sai”.

2- Trong quá trình kiểm điểm, đã được BCT kết luận nhưng vẫn chưa đủ: “Bộ Chính trị sẽ nghe Ban cán sự đảng Chính phủ báo cáo về kết quả thực hiện chủ trương cơ cấu lại Tập đoàn Vinashin và về vụ việc Vinalines theo ý kiến kết luận của Bộ Chính trị trong quá trình kiểm điểm.“. Những việc của Vinashin “cũ” thì do ông Bình và bộ sậu cố ý làm trái. Những kết quả của Vinashin “mới”, cơ cấu lại, bây giờ mới được báo cáo, kiểm điểm. Không rõ ban cán sự đảng Chính phủ sẽ báo cáo thế nào? Lần này thì có trách nhiệm của cả một tập thể đông đảo trong và ngoài Vinashin và cũng đã tiêu không ít tiền. Báo cáo chưa rõ thì thanh tra, kiểm tra để làm rõ là không tránh khỏi.

3- Thời điểm “sẽ nghe” nói trên có lẽ là vào “Tháng Chín năm nay, Bộ Chính trị, Ban Bí thư sẽ họp lại để thông qua Báo cáo kiểm điểm tự phê bình và phê bình của tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Bản tiếp thu giải trình…, đánh giá chính thức về kết quả kiểm điểm, xem xét việc kỷ luật (có hay không, đến mức nào đối với tập thể và cá nhân) để báo cáo với Trung ương.”

Kỷ luật hay không tập thể, cá nhân nào đó đối với Vinashin không quan trọng bằng thực chất vấn đề của nó đã được chỉ ra chưa và kịch bản thực sự khả thi nào cho tương lai của nó. Năm 2010, BCT đã họp một lần có kết luận về Vinashin (xem http://bit.ly/RvwF8w), giao cho chính phủ tái cơ cấu và huy động sức mạnh toàn hệ thống tham gia. Lần này là lần thứ hai, phải họp nhiều lần mới có kết luận.

Chắc là sắp tới sẽ có những quyết định lớn về Vinashin. Nhưng không có hy vọng gì nhiều. Lại tiếp tục cắt xẻo một cách cơ học, giảm quy mô đi, hạ cấp xuống tổng công ty, nhưng cái cần nhất là một chiến lược phát triển ngành trong tương lai sẽ như đề án tái cơ cấu cũ, toàn những điều không khả thi, thậm chí vô nghĩa.

Phải nhìn thẳng vào sự thật mà nói rằng tình hình hiện tại của Vinashin là bế tắc và việc vạch ra một chiến lược phát triển cho ngành đóng tàu Việt nam thực sự khả thi và thực sự có chất lượng trong bối cảnh thị trường đóng tàu trong ngoài nước và năng lực đóng tàu của Vinashin như hiện nay (xem http://bit.ly/UvVeGU) là nằm ngoài khả năng của tất cả các chuyên gia kinh tế, kỹ thuật trong nước.

Tuy nhiên, tương lai của ngành đóng tàu VN có thực sự đen tối đến như vậy không?

Cái chúng ta không làm được không có nghĩa là không có ai  làm được. Một trong những tấm gương gần đây là Quảng ninh. Kinh nghiệm đã cho thấy, chất lượng quy hoạch xây dựng các vùng, đô thị của ta rất kém. Vì vậy Quảng ninh thuê tư vấn nước ngoài để làm việc đó (xem http://bit.ly/P9jrPg). Tại sao ngành đóng tàu không thuê tư vấn nước ngoài để xây dựng chiến lược phát triển, quy hoạch tổng thể, đề án tái cơ cấu cho ngành?

Ý kiến này không mới. Nó từng được nói đến ở đây http://bit.ly/QELXbnCần phải có cả tư vấn nước ngoài” và ở đây http://bit.ly/QENle4Phải mất tiền mời đúng thầy ngoại kết hợp với những chuyên viên nội có khả năng học nghề “xây dựng chiến lược phát triển ngành” nhanh.”

Tuy nhiên điều đó cũng không đơn giản, có hai vấn đề lớn:

  1. Chọn được tư vấn giỏi, thực sự am hiểu và có kinh nghiệm về ngành đóng tàu. Ai chọn?
  2. Phía Việt nam phải có những người thực sự có thể đặt đầu bài cho tư vấn, hiểu những ý kiến tư vấn, kiểm soát, điều hành được quá trình triển khai và nghiệm thu được kết quả tư vấn. Tư vấn vô lương tâm có thể dắt mũi những ông chủ ngây ngô, đó là một thực tế.

Trong bối cảnh suy thoái toàn cầu, cũng không biết tư vấn có vạch ra được ánh sáng cuối đường hầm không? Nhưng đó là niềm hy vọng cuối cùng cho tương lai của hàng vạn người lao động đã “chót” gắn bó với ngành không phải tìm, học nghề khác để kiếm sống. Vì vậy cần phải nói ra và xin hãy làm ngay.

Vinashin sẽ “tái cơ cấu” lần 2 ?

Aside

Thủ tướng vừa phê duyệt đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) bằng quyết định 929/QĐ-TTg (xem tại đây).

1-Quan điểm về kinh tế nhà nước và vai trò của DNNN :

Trích: “Doanh nghiệp nhà nước ….tập trung vào ngành, lĩnh vực then chốt, ….làm nòng cốt để kinh tế nhà nước thực hiện được vai trò chủ đạo, là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng, điều tiết nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô”

Từ đoạn trích trên có mấy điểm đáng lưu ý:

  1. Khẳng định kinh tế nhà nước có vai trò chủ đạo trong nền kinh tế.
  2. Các ngành, lĩnh vực then chốt vẫn do nhà nước nắm.
  3. DNNN là nòng cốt trong kinh tế nhà nước (cái không nòng cốt là gì?)
  4. DNNN là công cụ “quan trọng” để nhà nước điều hành kinh tế.

Tóm lại, sau những vụ sụp đổ đình đám của Vinashin, Vinalines, sau các kết quả thanh tra, kiểm toán các DNNN lớn, sau các cuộc hội thảo trong nước và quốc tế, các ý kiến của đủ loại giáo sư, tiến sỹ, chuyên gia được công khai trên báo chí (vd: http://bit.ly/O3IV4b) …. nhà nước vẫn “kiên định” các quan điểm nêu trên như nhiều năm về trước.

2-Cổ phần hóa

Sắp xếp, cổ phần hóa DNNN được xác định là nhiệm vụ trọng tâm từ 2012-2015. Trong đó, các DNNN được cổ phần hóa để “Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ”, tức là chắc chắn chỉ đạo, điều hành được đại hội cổ đông khi cần bỏ phiếu.

Điều này cho thấy, ngay cả sau khi cổ phần hóa, doanh nghiệp về cơ bản vẫn là doanh nghiệp nhà nước, thể hiện đúng các quan điểm đã nêu trong mục 1 ở trên.

Một trong những khó khăn thấy ngay khi tái cơ cấu là từ câu nói nổi tiếng: “Ai là người thực hiện tái cơ cấu ấy? Nếu vẫn là con người cũ thì không thể thành công.” (http://bit.ly/KbPyLf). Lấy đâu ra nhiều người mới như thế để tái cơ cấu tất cả các doanh nghiệp nhà nước. Áp dụng quan điểm này vào tái cơ cấu cả nền kinh tế thì … hơi có vấn đề! 😀

Ngoài ra, thị trường cũng “khôn” lên nhiều sau những thông tin và kinh nghiệm trong thời gian vừa qua (vd: http://bit.ly/MF2ZGM). Việc bán, chuyển nhượng, bán cổ phiếu DNNN sẽ không dễ dàng tìm được người mua kể cả khi “tăng cường niêm yết trên thị trường nước ngoài”.

Tóm lại là còn nhiều gian nan nhưng không thể không làm. “Nói dzậy mà có làm nổi dzậy” hay không phải chờ thời gian trả lời như kinh nghiệm tái cơ cấu Vinashin cho thấy.

3-Vinashin và đề án này

Đối với Vinashin đây là tái cơ cấu lần 2. Chuyện này cũng là bình thường theo một “lý luận” mới xuất hiện gần đây: “tái cơ cấu là một quá trình lâu dài, liên tục v.v.. và v.v….”. Kết quả lần 1 quá rõ rồi:

a/ Một trong 3 yêu cầu của đề án tái cơ cấu Vinashin lần 1(http://bit.ly/LBYxGq) “Duy trì đội ngũ lao động, đặc biệt là cán bộ kỹ thuật và công nhân lành nghề trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính.” đi các đơn vị điểm danh sẽ thấy. 😦 😦

b/Mục tiêu của đề án “Sớm ổn định sản xuất kinh doanh của Tập đoàn, từng bước củng cố uy tín, thương hiệu, giảm lỗ, có lãi, trả được nợ, tích lũy và phát triển.”, thậm chí có mốc cụ thể (http://bit.ly/MEZJLr) “tiến tới trả nợ và phấn đấu sau năm 2013 hoà vốn và kinh doanh bắt đầu có lãi.”, đến nay đã nhìn thấy “kết quả bước đầu” 🙂 😀

Không hiểu Vinashin sẽ được “tái cơ cấu” lần này ra sao, có thuộc nhóm 3 không (không thấy công nghiệp tàu thủy trong nhóm 1 và 2 của đề án mới này)?

Trích “Nhóm 3 sẽ bao gồm các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ kéo dài, không có khả năng khắc phục sẽ thực hiện bán, chuyển nhượng doanh nghiệp; tái cơ cấu lại nợ để chuyển thành công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn nhiều thành viên; giải thể, phá sản.”

Hoặc nhẹ nhàng hơn là thuộc loại này “Tổ chức lại một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước cho phù hợp với thực trạng và yêu cầu nhiệm vụ.

Mạnh tay làm sớm cách đây khoảng 2 năm còn có chút hy vọng. Giờ thì thời cơ đã qua 😦 😦 😦 . Sau những động tác “ổn định, củng cố, kiện toàn” một năm rưỡi qua, không còn nhiều việc để làm.

Trong vài tháng nữa sẽ phải có quyểt định cho “Vinashin mới 2” vì không thể lâu hơn được nữa. Nó sẽ ra sao? Cùng hồi hộp chờ xem.

Hy vọng (dù mong manh) là lần này sẽ nhìn thẳng vào sự thật, bắt đúng bệnh, chữa đúng thuốc (vd: xem), tạo cho ngành một mầm mống hy vọng. Tình hình đúng là cực kỳ khó khăn, nhưng thu hẹp lại, giữ lấy căn cơ (xem), tạo lập một nền tảng nhỏ thực sự biết đóng tàu xuất khẩu để chờ thị trường không phải là không khả thi. Đừng để tình trạng để một đàn gà công nghiệp ngây ngô bới tung lên như vừa rồi. 😀 😀 😀

(Gà công nghiệp được nuôi trong chuồng bảo vệ chắc chắn, không có cầy cáo, thức ăn thừa mứa, tiêm phòng đầy đủ thì khi mới ra rừng hung hăng là chuyện dễ hiểu như thực tế cả ngoài Vinahin cho thấy. Nếu Vinashin cũ còn tồn tại thì còn hơn thế. Đáng thương hơn là đáng trách!)

Trắng trợn! :D

Có một bài viết tôi đã đăng trên website Vinashin năm 2006, nay để trên blog (file pdf) tại http://bit.ly/NipNxY.

“Tác giả mới” T. My “chế” lại đăng trên website của Vinashin “mới” thành 3 kỳ coi như của mình http://vinashin.com.vn/Tin-tuc/Cong-nghe-tin-hoc-ho-tro-cong-nghiep-tau-thuy-phat-trien-Phan-3.html?p=10&id=1226 ??? 😀 😀 😀

Tái cơ cấu sa sút đến mức này sao? Thời Vinashin “cũ”, chuyện như thế này chưa từng xảy ra. 😦 😦 😦

(Đã nhắc một lần trên Facebook hôm 12/7 khi đăng kỳ 1, chắc không đọc. Để đề phòng còn những bài khác kiểu như vậy, buộc lòng phải viết bài này)

Về “Quy hoạch chiến lược phát triển ngành đóng tầu đến năm 2020, tầm nhìn 2030”

Vừa đọc được tin này trên báo Giao thông vận tải trong đó có đoạn:

các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thành Dự thảo Quy hoạch chiến lược phát triển ngành đóng tầu đến năm 2020, tầm nhìn 2030 trình Chính phủ phê duyệt.

Đọc tin này thấy mừng vì cuối cùng chiến lược phát triển ngành đã được đặt đúng vị trí của nó: một chiến lược quốc gia, do nhiều bên liên quan cùng soạn thảo như đã nói ở đây. Phát triển một ngành ngốn nhiều tài nguyên quốc gia: tiền, nhân lực, đất đai và cả … thời gian nữa đòi hỏi phải được quy hoạch ở tầm quốc gia, cân đối hài hòa với các ngành kinh tế khác, sử dụng hợp lý hiệu quả nguồn tài nguyên chung hạn hẹp là việc phải làm. Tránh tình trạng thằng con cưng làm nghề thợ may quy hoạch hầu hết mặt tiền ngôi nhà bố mẹ thành cửa hàng may như đã từng xảy ra để rồi lại phải “chuyển đổi công năng” hàng loạt dự án.

Cái tin này có lẽ là tia sáng mong manh duy nhất cuối con đường hầm mờ mịt từ năm 2008 đến nay.

Tuy nhiên nỗi lo lại nhiều hơn. Như nhiều thứ ở nước ta, chủ trương đúng nhưng thực hiện thì sai và kết quả là thất bại. Có mấy lý do để lo:

  • Xây dựng chiến lược phát triển ngành là một nghề chuyên môn đòi hỏi có kiến thức, kinh nghiệm, công cụ, thông tin, v.v… Trong “các cơ quan liên quan” nói trên và ngay trong Vinashin có bao nhiêu người biết cái nghề đó? Ai sẽ viết chiến lược này và ai là người duyệt trước khi thủ tướng ký? Cách tổ chức viết như thế nào?
  • Thực tế soạn thảo “đề án tái cơ cấu”, “kế hoạch của tập đoàn” thời kỳ vừa qua cho thấy còn rất nhiều …. bất cập!
  • Kinh nghiệm nước ta cũng cho thấy phát triển công nghiệp là rất khó. Công nghiệp ô tô, sản xuất xi măng, điện tử – tin học, … đều đã thất bại hoặc hiệu quả rẩt thấp. Ngành đóng tàu, một ngành xuất khẩu là chính, cạnh tranh khốc liệt lại càng khó hơn. Đã nhiều cường quốc đóng tàu phát triển rồi lụi tàn và nhiều nước không thành công.

Nếu tổ chức thực hiện chủ trương trên không tốt, kết quả sẽ là một bức tranh giấy vô cùng hoành tráng nhưng không khả thi và không hiệu quả. Nếu chỉ để ngắm thôi thì còn khá. Một đống tiền và bao nhiêu cuộc đời con người đổ vào đó cuối cùng lại làm lại từ đầu!

Phải mất tiền mời đúng thầy ngoại kết hợp với những chuyên viên nội có khả năng học nghề “xây dựng chiến lược phát triển ngành” nhanh. Đó là kinh nghiệm từ sự đổ vỡ của Vinashin “cũ”.

Đã bốn năm rồi!

Kể từ năm 2008, khi núi băng khủng hoảng trong và ngoài nước đột ngột xuất hiện chặn đầu con tàu Titanic Việt nam đóng theo mô hình Ponzi của Mr. “Madoff” Bình, đến nay đã được 4 năm.

Con tàu ban đầu đắm ở 86.000 mét nước (theo số liệu chính thức). Tính theo cách thô thiển nhất mỗi năm chìm thêm 15%  (lãi) thì hiện nay nó đang nằm ở độ sâu 138.000 mét và đang rã ra từng mảng. Hầu hết những người có khả năng đã tự cứu mình trước khi trời cứu. Từ 70.000 người lúc cực thịnh, đến nay chắc không còn nổi 10.000.

Bốn năm qua, các biện pháp cứu đắm lúng túng, bị động, chịu nhiều ràng buộc bó chân bó tay và không “trúng” đã không mang lại hiệu quả cần có.

Đã ba cái mốc hy vọng trôi qua. Niềm hy vọng cuối cùng là sau kỳ bầu cử QH vửa rồi sẽ có những đột phá mới đã không xảy ra (những bài viết gần đây là dựa vào niềm hy vọng đó). Sức mạnh cần thiết của một cơ chế đặc biệt, một kịch bản cứu đắm tổng thể, khả thi như đã nói ở đây và những con người cần có (xem) không hề thấy ló dạng. Biểu hiện rõ nhất cho điều đó là cái tin này.

Một đám trẻ con ngây ngô hùng hổ được sai đi trục vớt tàu đắm. Nghề không, tiền không, năng lực cũng không nốt, đành chỉ vác rìu bổ lung tung, đập nước cho bắn tung tóe rồi reo lên: “Đang nổi, đang nổi rồi!” làm con tàu đã nát lại càng thêm nát.

Một đám kền kền, giòi bọ ăn xác chết và thu mua phế liệu nhanh chóng tụ tập lại chia chác nhau những mẩu thịt vụn cuối cùng của xác tàu. Đang từ mặt đất, nhảy lên cái xác cũng là một tầm cao mới!

Bầu trời xung quanh quay cuồng trong bão táp, sấm sét nổ liên hồi, những con tàu khác liên tiếp đắm, không ai còn bụng dạ, sức lực đâu quan tâm đến cái xác tàu khổng lồ nằm trơ trọi. So với những nguy cơ kháchiện nay, con tàu này quá nhỏ.

Rồi đây có lẽ sẽ có “giải pháp đột phá” nhưng chắc sẽ chẳng đi đến đâu. Bởi vì các điều kiện cần và đủ đã nói ở trên không có và cái tầm của người thực thi không đủ.

Thật buồn và thất vọng!  Đành tạm xóa vụ này ra khỏi bộ nhớ vậy (và cũng đổi tên blog). Hy vọng đến năm 2013 … tương lai sẽ khác,

(Viết trong một ngày mùa đông u ám)

Về vụ Vinashin bị kiện (tiếp 2): một hay hai vụ kiện?

1- Về các bài báo liên quan đến vụ kiện.

Sau bài báo trước của BBC, ngày 12/12/2011, The Wall Street Journal, một trong những tờ báo tài chính hàng đầu, đăng hai bài liên tiếp về vụ kiện thứ hai(?) của một công ty con Elliot kiện Vinashin.

Bài thứ nhất là bài báo http://on.wsj.com/uVf2Jd, bài thứ hai của cùng phóng viên đăng trên blog của báo cung cấp thêm một số thông tin http://on.wsj.com/rCAZo9. Hiện nay các báo, đài lớn ngoài các bài báo chính thức đều có blog tòa soạn để đưa các thông tin bổ xung hoặc ít chính thức hơn.

Phóng viên của WSJ xem được đơn kiện và nghe thêm được một số thông tin “từ một người thạo tin về vụ này – A person familiar with the matter” (hoặc là do Elliot cố tình để rò rỉ thông tin). Bài báo trước của BBC không có nhiều thông tin như vậy.

Một số thông tin “soi” được qua hai bài báo trên:

Công ty đứng ra kiện theo WSJ là quỹ đầu tư mạo hiểm (hedge fund) Elliott Advisers LP đăng ký tại Mỹ, còn theo BBC là Elliot VIN, đăng ký tại Hà lan. Hai pháp nhân khác nhau nhưng cùng dưới trướng Paul Singer, ông chủ của Elliot. Vậy đây là một hay hai vụ kiện?

Số tiền kiện gồm tiền cho vay gốc (par value of its investment, mệnh giá trái phiếu)+lãi vay+lãi quá hạn (unpaid interest and default interest) là 13,2 triệu USD. Đây là khoản vay mà Elliot tham gia trong vụ vay hợp vốn 600 triệu USD do ngân hàng Credit Suisse đứng ra thu xếp. Hình như tổng toàn bộ Elliot nắm là khoảng 60 triệu. Số tiền không lớn nhưng nếu nó thắng thì tiền lệ và án lệ là tấm gương sáng cho đám chủ nợ còn lại.

Đơn kiện nói 22 công ty của Vinashin là “người bảo lãnh gốc – original guarantors” cho số tiền vay này nên cũng bị kiện. Và việc chuyển 4 công ty cho PVN, Vinalines là vi phạm hợp đồng vay quy định chuyển dịch tài sản phải có sự đồng ý của chủ nợ.

Theo người thạo tin về vụ này (đã nhắc ở trên) thì thư hỗ trợ của chính phủ cho vụ vay 600 triệu USD “hậu thuẫn một cách rõ ràng cho việc trả nợ – a letter of support sent by the government in March 2007 to investors explicitly backing the repayment of the loan”. Không rõ ngôn ngữ trong thư thế nào để nó hiểu như thế. Và vì tin vào cái “explicitly backing” đó (từ dùng trong bài là that guarantee), công ty xếp hạng tín dụng S&P mới xếp hạng tín nhiệm nợ của Vinashin bằng với nợ chính phủ.

Nguồn tin đó cũng nói rằng “that guarantee” là lý do duy nhất mà các chủ nợ đồng ý cho Vinashin vay mặc dù Vinashin thiếu sổ sách tài chính và đã nợ cả đống (lack of track record and massive debt).

Vì thế thậm chí cho đến sau khi Vinashin đã bị “tái cơ cấu”, các chủ nợ vẫn tin (confident) rằng sẽ nhận được khoản thanh toán 60 triệu đầu tiên.

Nếu nguồn tin trên thạo tin thật hoặc do Elliot cố tình “bắn tin” thì các lập luận trên cho thấy trong vụ kiện này, Elliot định nhằm vào trách nhiệm của chính phủ Việt nam. Cách bắn tin này có thể chỉ nhằm mục đích hù dọa để “hòa giải” ngoài tòa (out-of-court settlement) có lợi thế hơn.

Luật nước ngoài là một cái mê hồn trận. Không hiểu nó giải thích ra sao về tính pháp lý của cái letter of support và những từ ngữ “explicitly backing” trong đó. Nếu con kền kền lão luyện Elliot định nhắm vào đó thì vấn đề không đơn giản như ta thường lập luận: đây không phải là “letter of warranty” nên chính phủ không có trách nhiệm gì.

Hồi Internet còn kết nối qua điện thoại, tải được khoảng 500KB bản báo cáo điều tra vụ bê bối của Bill Clinton thì gần chục trang đầu dành cho định nghĩa thế nào là “hành động tình dục”!!!

Bài viết trên blog cung cấp một số thông tin thêm.

Trong quá trình thương lượng trước đây, Vinashin đề nghị trả 35% mệnh giá (kiểu chứng khoán, giá trái phiếu bây giờ chỉ có thế, muốn cắt lỗ phải chịu. Cái này là nghiệp vụ đàm phán nợ xấu thông thường, xem phần dưới).

Báo chí trong nước cũng đưa tin có một ngân hàng Việt nam lớn sẵn sàng mua lại trái phiếu Vinashin với giá trị bằng 35% mệnh giá. Đây là một bước chuẩn bị sẵn khôn ngoan. Nếu thương lượng với chủ nợ nước ngoài thành công thì ngân hàng đó sẽ đứng ra thanh toán. Ngân hàng có quyền mua nợ kiểu đó và giữ lại (holdout) chờ khi giá lên. Chính phủ không liên quan và vẫn giữ được chủ trương “Vinashin tự vay thì tự trả” (đối với khoản vay này).

Theo tờ Financial Times thì Vinashin còn một phương án thứ hai: cơ cấu lại khoản nợ vốn sẽ phải thanh toán hết vào năm 2015 thành một khoản nợ mới trong thời gian 13 năm, do chính phủ bảo lãnh, trả 100% mệnh giá nhưng không tính lãi.

Phía chủ nợ đề nghị cơ cấu lại khoản nợ thành một khoản nợ mới kéo dài 15 năm, lãi suất = LIBOR + 150 bps (1bps=0,01%, tức là LIBOR + 1,5%). Lãi này đúng bằng lãi Vinashin vay ban đầu theo Bloomberg. Lãi suất LIBOR hiện nay rất thấp (<1%) nhưng không ai biết trong 15 năm nữa nó sẽ là bao nhiêu (xem). Cái này là chuyên môn của các ‘tiến sỹ” tài chính-ngân hàng.

Tuy nhiên không có thông tin gì về việc thương lượng thành công và bây giờ Elliot phát đơn kiện đòi 100% mệnh giá + lãi các loại.

Elliot sẵn sàng theo đuổi một vụ kiện rất lâu và chiến lược đó tỏ ra đã từng có hiệu quả.

Năm 2000, Elliot đã thắng một vụ kiện kéo dài 4 năm với chính phủ Peru liên quan đến trái phiếu Brady. Các chủ nợ khác chấp nhận 40%, nhưng chính phủ Peru phải trả 56 triệu USD cho Elliot trên tổng số nợ ban đầu là 11 triệu theo một nguồn tin khác (Elliott Associates L.P. who sued the Peruvian government to make a $47 million profit on debt bought for just $11 million. Nguồn http://bit.ly/v5nrYQ, nguồn này cũng có những thông tin khác về Elliot).

(Vụ kiện Vinashin lâu thì béo cho Mayer Brown JSM and KPMG, các công ty luật và tư vấn tài chính được Vinashin thuê trong vụ kiện này, theo bài báo).

Năm 2008, một công ty con của Elliot Associates kiện chính phủ Công gô về một khoản nợ 100 triệu đô + lãi gần 20 năm!. Vụ kiện này làm đóng băng một số khoản thanh toán tiền dầu (Công gô có dầu?) và lộ ra một số việc “cố ý làm trái” để trốn nợ của tổng thống Công gô.

Elliot vẫn đang tiếp tục chiến đấu với Achentina. Chính phủ nước này đã tái cơ cấu được 93% các khoản nợ bằng cách trả 33% mệnh giá trái phiếu, mặc dù hiện vẫn còn 4,5 tỷ đô nằm trong tay các trái chủ. Chắc là Elliot không chịu 33%. Elliot đã thành công chống án tại tòa tối cao Anh và giành được quyền bắt giữ các tài sản của Achentina tại Anh. Còn tại Mỹ, tòa không đồng ý cho làm vậy.

Tuy nhiên, khác với vụ kiện Vinashin, ba vụ trên đều nhắm trực tiếp vào nợ của chính phủ.

Vì các thực tế trên, hiện có hai luồng ý kiến trái ngược về các quỹ đầu tư mạo hiểm.

Một luống ý kiến cho rằng các quỹ đầu tư mạo hiểm mua trái phiếu của các nước đang phát triển rồi kiện là “kền kền ăn xác chết”, kiếm tiền trên lưng người nghèo.

Elliot thì tự biện bạch cho rằng những nước vay tiền không trả được là do tham nhũng và thiếu năng lực (incompetent), làm nghèo đất nước sau đó lại kêu khổ để trốn nợ. Cái vòng xoáy đó phải bị cắt đứt (bằng những vụ kiện như thế) để có thể phát triển kinh tế thật sự. Tóm lại họ vừa làm kinh doanh, vừa “cứu nhân độ thế”! Ý kiến của bạn?

Thời chưa có Vinashin, xem tiểu thuyết chưởng-tài chính “Tiền là” của Paul-Loup Sulitzer đã rất ấn tượng về giang hồ tài chính. Có những loại võ công mà mình không hề có khái niệm, chưởng phong tung ra ào ào, đầy hiểm ác. Hồi còn là tổng công ty, đã có lần nói với mr. Bình nên nhờ ngân hàng giới thiệu cho một cao thủ tài chính cỡ quốc tế. Nhưng lại quên không đưa cho đ/c xem quyển tiểu thuyết đó nên chắc cũng coi thường, một mình tôi làm là đủ rồi.

Giang hồ hiểm ác như đã nêu ở trên, nếu đám chủ nợ chỉ “confident” vào cái letter of support thì còn là may. Họ sẽ chấp nhận “haircut” không 35 thì 40%. Chỉ sợ có những thằng kiểu Elliot đào sẵn cái hố đón đường con gà công nghiệp lần đầu tiên lơ ngơ lạc vào rừng. Và như vậy, những vụ kiện này không đơn thuần là của một ông chủ nợ tức tối vì bị mất tiền.

(Quyển tiểu thuyết nói trên hóa ra vẫn còn đang bán tại đây. Những người tham gia vụ kiện này nên mua về xem).

2- Về cách đưa tin khó hiểu của truyền thông nước ngoài.

Trong vụ Elliott kiện Vinashin, báo đài “lề phải” BBC và Wall Street Journal (WSJ) đưa tin rất khó hiểu (hoặc do mình dốt). (“Lề trái” ở đây là các báo lá cải).

Bản tin đầu tiên về vụ này (8/11/2011) của BBC nói nguyên đơn là Elliott VIN (Hà lan) B.V. Công ty này không tìm được chút thông tin nào trên mạng.

Đến 12/12/2011, Wall Street Journal nói một nguyên đơn khác là U.S. hedge fund Elliott Advisers LP.

Tìm trên mạng bằng công cụ metasearch (allplus.com, tìm đồng thời cả ba công cụ tìm kiếm hàng đầu hiện nay là Google, Yahoo và Bing) chỉ có Elliott Capital Advisors LP ở NewYork (http://bit.ly/sorvd2) và Elliot Advisors (UK) Ltd. ở Anh (http://www.elliottadvisors.co.uk/). Không hề có thông tin gì về Elliott Advisers ngoài các tin đăng lại bản tin của WSJ hoặc Reuters nói trên. Chú ý là Advisors, không phải Advisers, không lẽ WSJ viết sai tên?. Và không lẽ WSJ nói đến công ty đăng ký ở Mỹ nhưng lại ăn bớt chữ Capital trong tên của nó? Điều này quan trọng vì ví dụ Elliot Associates và Elliott Associates LP là hai công ty khác nhau (xem phần dưới).

Hai từ trên có thể đồng nghĩa hoặc tiếng Anh, tiếng Mỹ gì đó. Nhưng không thể coi công ty “Mẹ và bé” với công ty “Má và con” là như nhau được.

Hoặc cũng có thể công ty Elliott Advisers mới thành lập, hoạt động kín đáo?

Chỉ mấy tiếng sau bài báo trên, bài trên blog của báo do cùng phóng viên viết lại nói nguyên đơn là “New York hedge fund Elliott Associates LP“. Công ty này có trên trang vàng của NewYork (http://bit.ly/sPisye). Đến đây đã thấy rối, không hiểu công ty nào đứng tên kiện. (Còn một công ty khác là Elliott Associates Inc., http://www.elliottassociatesinc.com/ , đăng ký tại Oregon).

So với bản tin BBC nói trên, tên nguyên đơn và nơi đăng ký khác hẳn nhau. Vậy có phải là hai vụ kiện?

Ngày 13/12/2011, BBC đưa tin “vụ kiện đã có thể chính thức bắt đầu”. Phần đầu bản tin nói Elliot Advisors đứng ra kiện (dẫn theo bản tin của Reuters, mà Reuters chỉ dẫn lại tin của WSJ. Tin của Reuters và WSJ đều dùng từ Advisers, tin BBC lại là Advisors!) phần cuối bản tin BBC lại nói là Elliott VIN! Tin BBC cho cảm giác đây vẫn là vụ kiện mà họ đã đưa tin sớm nhất. Nhưng tại sao tên tuổi nguyên đơn lại lộn xộn như vậy?

Bản tin này nói “Elliott chiếm 10% số tiền cho vay đó sau khi mua lại nó hồi đầu năm 2010.”. Đầu năm 2010 vụ Vinashin đã bung ra mà Elliott còn dám mua vào trái phiếu của Vinashin chứng tỏ mưu đồ không nhỏ.

Nhưng đoạn tin sau “Theo văn bản tại tòa, nguyên đơn đòi Vinashin trả nợ 60 triệu đô la, đáo hạn vào tháng 12/2010, và một khoản tương tự, đáo hạn ngày 20/06/2011, chưa kể lãi suất.” là vô lý.

Bản tin đầu tiên của BBC nói khoản vay 600 triệu “trả trong 10 lần, 60 triệu đôla/lần”. Elliott chỉ có 60 triệu trong đó (10%), mỗi lần trả chỉ nhận được 6 triệu, hai lần đáo hạn là 12 triệu + lãi =13,2 triệu khớp với bản tin của WSJ. Lý gì mà kiện đòi hai khoản 60 triệu như nói ở trên? “Lỗi cậu đánh máy” làm thừa một số 0? Trình độ biên tập của BBC cũng vậy sao?

Như vậy, Elliott cũng mới chỉ kiện đòi số tiền đến lần thanh toán gần nhất (6/2011) chứ không phải toàn bộ 60 triệu. Đợt thanh toán tiếp theo (12/2011) cũng đã sắp qua, không lẽ lại tiếp tục kiện?

Nếu bản tin này đúng, chứng tỏ không có việc “thương lượng ngoài tòa”. Vinashin sẵn sàng khăn gói quả mướp sang London hầu kiện.

Cả BBC và WSJ đều nói là đọc tận mắt: BBC đọc bản tóm tắt đơn kiện thì là Elliott VIN, WSJ đọc trực tiếp đơn kiện thì là Elliot Advisers. Ai đúng? Hay là hai đơn kiện khác nhau?

Tóm lại thì đây là một vụ kiện hay hai vụ. Và ai thật sự là nguyên đơn? Hay là nguyên đơn tập thể?

Có thể đối với người hiểu biết hệ thống kinh doanh, luật pháp của nước ngoài thì không có vấn đề gì. Nhưng đưa tin cho đại chúng như vậy của những tờ báo hàng đầu thì thật khó hiểu.

Đây cũng không phải chuyện soi mói bắt bẻ từ ngữ. Lúc đầu chỉ định tìm hiểu xem đây là một hay hai vụ kiện. Nhưng càng tìm càng thấy rối.

Phù! Đọc báo “địch” kích chuột mỏi cả tay. Sực nhớ đến thời cách mạng ngày xưa, các cụ dạy:

“Nghe đài, đọc báo của ta.
Đừng nghe đài địch ba hoa nói càn”.

Sau khi vụ này rõ ràng ra, dù đúng là mình dốt, không biết đọc thì cũng rút kinh nghiệm: có “chót” nghe đài, đọc báo “địch” cũng phải “nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng”. Ngay những cây đa, cây đề như BBC, WSJ không phải nói gì cũng chính xác.

(Hai bài trước: bài 1, i 2)

Tản mạn về tin học và … đóng tàu 2 (tiếp)

Vinashin trong những năm đầu rất nghèo, vốn tự có không có, đi vay rất khó khăn. Ngay mạng nội bộ trong văn phòng tổng công ty phải đợi đến lúc xin được một cái máy chủ từ một dự án nước ngoài mới triển khai. Một hôm, anh Bình bảo tôi: “Ông dựng dự án tin học mà làm” (hồi đó Bình rất thích tin học, đi đâu cũng kè kè cái notebook), nhưng khi hỏi tiền đâu thì đáp “Thì tôi lại đi vay vậy”. Chính câu trả lời rất “hoàn cảnh” ấy làm tôi suy nghĩ rồi quyết định không làm nữa. Tiền làm hạ tầng nhà máy còn chưa đủ. Bình hồi đó tử tế và đáng yêu thế!

Nhưng khi tiền và quyền về ào ạt, Bình biến thành một con người khác hẳn. Người làm được thì không cho làm, người không làm được thì vì những lý do bí hiểm lại ra sức nhồi nhét công việc. Và cái gì phải đến … đã đến. Như đã viết trong một bài trước, một trong những sai lầm cơ bản của Bình là không biết dùng người hoặc đúng hơn là dùng người theo những tiêu chí “khác thường’ mà Bình cho là hợp lý.

Khi có tiền, tôi được giao viết đề án tin học hóa toàn tập đoàn. Một hôm, ngồi riêng với Bình, tôi bảo: “Tôi sợ rằng cái đề án này là quả thua cuối đời”. Cung cách làm ăn của Vinashin thời đó, không thể tin học hóa được.

Tin học cũng chỉ là một công cụ. Khi một hệ thống đã hoạt động tương đối ổn định, có các quy trình nghiệp vụ, quy trình sản xuất rõ ràng, có kỷ luật công việc,… việc đưa công cụ tin học vào sẽ làm cho mọi việc nhanh hơn, đầy đủ hơn, chặt chẽ hơn, v.v… và cũng làm thêm được một số việc trước đây không làm bằng tay được. Nhưng không ai đi tin học hóa một cái chợ quê, nơi mọi thứ hỗn độn, tùy tiện, thậm chí càng hỗn độn lại càng … được việc.

Trong một môi trường hỗn độn, khi không được việc, mọi người đổ lỗi lẫn cho nhau. Nhưng nếu đưa tin học vào, nó lập tức trở thành cái bung xung chịu tội: mạng không tốt, phần mềm lỗi, …

Vinashin có một dự án được tài trợ của nước ngoài để dùng phần mềm quản lý vật tư MARS trong nhà máy đóng tàu. Chủ nhiệm dự án sau này công nhận là thất bại. Không phải phần mềm kém, nó đã được dùng ở một số nhà máy đóng tàu các nước. Nguyên nhân chính là không có hệ thống quản lý vật tư nghiêm chỉnh và cũng không ai muốn quản lý nó chặt chẽ.

Tôi đã từng chân thành khuyên giám đốc một nhà máy đóng tàu lớn, định mua một bộ phần mềm quản lý nhà máy khá đắt: “Nếu ông mua một cái máy về, dù có trục trặc gì thì ít người biết. Mua một bộ phần mềm hàng triệu đô, bày ra trước mắt tất cả mọi người, nếu nó không có tác dụng thì chẳng giấu đi đâu được”.

Bởi vì tôi biết chắc nhà máy đấy không quản lý bằng phần mềm được! Cũng may cuối cùng nhà máy không mua, nếu không bây giờ lại thêm một hạng mục phải trả lời “các cơ quan chức năng”. Trước đây, Vietnam Airlines, BIDV đã từng bị thanh tra vì các hệ thống tin học “có vấn đề”. Đề án 112 chết còn hoành tráng hơn, nhưng nguyên nhân sâu xa lại là cải cách hành chính thất bại.

Ngay cái kết quả nhỏ nhoi mà tôi rất tâm đắc (xem http://bit.ly/v3zxYH) cũng chỉ được ủng hộ lúc đầu. Sau đó, vì một lý do rất “tế nhị”, nó bị dẹp sang một bên, mặc dù đó thực sự là một phần mềm tốt, đội ngũ sử dụng nó cũng có kinh nghiệm.

Có nhà máy, mặc dù đã mua Shipconstructor, đào tạo nhân viên rồi, vì cái lý do “tế nhị” kia lại mua một bộ phần mềm khác yếu hơn, người đào tạo cũng kém hơn.

Đã có thời tôi nổi máu Đông ki sốt, “theo đúng chủ trương của Đảng và Chính phủ”, tổ chức triển khai phần mềm nguồn mở ở văn phòng Vinashin (các cơ quan Đảng hồi đó đang triển khai phần mềm nguồn mở rất mạnh, bây giờ không hiểu ra sao?). Đã thí điểm dùng thử gần 2 năm ở một số ban, trong đó có một “siêu ban”, hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu công việc (thực ra thì nhu cầu cũng chỉ giới hạn ở phần mềm văn phòng và Internet, tất nhiên là không đáp ứng được nhưng người thích dùng máy tính để nghịch và làm việc riêng). Khi triển khai ở trụ sở mới, tính sơ sơ tiết kiệm được 5 tỷ. Nhưng lại va chạm với một siêu VIP nên một loạt tai họa đổ xuống đầu.

Cho nên tin học trong Vinashin “cũ” hầu như là một vùng đất trắng. Nhiều vấn đề khác ở Vinashin “cũ” cũng vậy. Những người “mới”, người ngoài nhìn vào rất ngạc nhiên. Không có cách nào giải thích được nếu không ở trong cuộc, cảm nhận cái không khí của thời kỳ đó.

Các cán bộ chịu trách nhiệm không phải yếu kém, cũng không vô trách nhiệm. Nhưng họ không “được” thực hiện đúng cái trách nhiệm mà họ được giao. Tất nhiên là loại trừ loại cán bộ ra sức khai thác cái hỗn độn đó một cách tối đa.

Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng phải đợi hệ thống thực hoạt động ổn định rồi mới tin học hóa.

Có thời tôi đã “âm mưu” dùng cái TOGAF (xem http://bit.ly/rYkdmU) để góp phần lập lại trật tự, nhưng không thành.

Ngay khi Vinashin “mới” bắt đầu hoạt động với “giải pháp đột phá” ban hành 54 quy chế nội bộ trong vòng 1 tháng! (xem http://bit.ly/ry2mm1), tôi đã hy vọng có thể dùng các phần mềm quản lý như một thứ khuôn, hiện thực hóa các quy chế, ép mọi việc đi vào khuôn phép. Nếu một báo cáo không điền đủ các dữ liệu trong một form của phần mềm, dữ liệu không đúng quy cách yêu cầu thì không Enter được, không có báo cáo!

Đó là tác dụng của tin học trong quá trình xây dựng, hoàn thiện một hệ thống. Nó sẽ buộc mọi công đoạn phải thực hiện đúng quy trình ngay từ lúc làm công đoạn đó, không phải đợi đến lúc ra cuộc họp rồi mới mổ xẻ bắt làm lại từ đầu.

Và như thế sẽ hình thành kỷ luật công việc, khỏi phải ban hành các thứ chỉ thị, quát tháo nhau làm gì cho mệt.

Tất nhiên, để làm được như vậy, công cụ tin học phải cực kỳ linh hoạt. Hệ thống nghiệp vụ đang xây dựng, hoàn thiện sẽ thay đổi chóng mặt. Hôm nay, phần mềm thể hiện quy trình này, ngày mai quy trình đó thay đổi, phần mềm cũng phải lập tức thay đổi theo.

Niềm hy vọng nói trên nhanh chóng bị dập tắt khi tôi được nghe câu nói: “Đ’ éo cần tin học” của Tổng giám đốc mới và ban Công nghệ Thông tin bị giải thể, rút gọn biên chế sáp nhập vào một ban khác như một biện pháp “tái cơ cấu”!!!

Đằng sau việc đó có thể có những ẩn ý của một cuộc đấu tranh dành quyền lực nội bộ như bây giờ tôi mới “ngộ” ra. Nhưng bề ngoài thì nó cũng tạo nên một kỷ lục Ghinet mới: một tập đoàn công nghiệp không cần đến tin học trong thời đại ngày nay.

Sau đó, có lẽ cũng biết là dại, nên lại khuấy động ầm ỹ một cách “bất thường” về tin học, nhưng cũng khuấy lên để cho vui vì không có tiền và người thực hiện.

Làm tin học trong đóng tàu gian nan như thế đấy.

(còn tiếp, phần sau sẽ viết về tương lai cho đỡ buồn).

Một kết thúc buồn

Thế là công ty Vinashin E&T (xem tại đây) mà tôi cũng có một số đóng góp, thực tế coi như đã tan rã. Những người trung kiên nhất, giỏi tay nghề nhất sau gần 2 năm chờ đợi buộc phải bỏ đi tìm việc khác để kiếm sống.

Mặc dù gần đây, viện Khoa học Công nghệ Tàu thủy (cơ quan chủ quản nó hiện nay) cũng có cố gắng tìm cho nó một vài việc, nhưng lại không có tiền và công ty, cũng như mọi đơn vị của Vinashin, thì không ngân hàng nào dám cho vay.

So với các đơn vị khác của Vinashin, công ty này quá bé. Nhưng nó thực sự đã xây dựng được một đội ngũ kỹ sư có tay nghề “quốc tế”: tham gia (mới tham gia thôi, chưa chủ trì được) thiết kế thi công cho một số tàu tại Hàn quốc (xem), làm đúng tiến độ và đạt các yêu cầu chất lượng khắt khe của một trong những quốc gia đóng tàu hàng đầu thế giới. Và mặc dù nó còn nhỏ, nhưng là cái nhân rất quan trọng ban đầu để mở rộng sau này.

Các tàu vừa qua Vinashin đóng, thiết kế thi công hầu như của nước ngoài. Thiết kế thi công “thật” không đơn giản chỉ là thiết kế “được” về kỹ thuật mà còn phải góp phần tiết giảm chi phí, rút ngắn tiến độ, những yếu tố sống còn của đóng tàu xuất khẩu “thật”.

Biết dùng phần mềm rồi theo ý mình xuất ra một mớ bản vẽ thi công chưa gọi là biết.

Điều làm tôi thấy đáng tiếc nhất là đội ngũ kỹ sư đó. Không phải dễ dàng nhanh chóng gì mà xây dựng được và khi đã tan đi, hầu như không còn khả năng tập hợp lại.

Số lao động kỹ thuật đạt chất lượng qua được một “trường đào tạo” nước ngoài như vậy trong Vinashin không có nhiều.

Khi tiếp xúc lần đầu với các lãnh đạo mới của Vinashin, tôi cũng có đặt vấn đề tìm cách giữ lại đội ngũ này (mặc dù công ty hiện nay không còn liên quan gì đến tôi nữa), nhưng xem ra không hiểu. Cũng không thể trách được, chỉ có những người trong nghề mới hiểu thiết kế thi công quan trọng như thế nào.

Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến cái chết của công ty không phải tại Vinashin mà do cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu bắt đầu từ năm 2009. Thị trường đóng tàu Hàn quốc suy giảm nghiêm trọng như đã nói trong vài bài trước, chỉ có một số đại công ty đóng tàu còn trụ lại được.

Nhưng nếu lãnh đạo hiểu nghề, không thiếu gì cách để giữ lại căn cơ nhân lực của ngành (xem)

Tình trạng tan rã của một đội ngũ kỹ thuật rất nhỏ như vậy cũng là tiêu biểu cho tình trạng “tuyết tan dưới ánh mặt trời” đã nói ở đây. Nhắc đến đội ngũ nhỏ bé đó bằng bài viết này không phải chỉ vì bản thân họ.

Thật đáng buồn!

Vinashin qua phiên QH chất vấn thủ tướng

Tôi không có điều kiện theo dõi phiên chất vấn thủ tướng được truyền hình trực tiếp. Trong các báo điện tử, VietnamNet là tờ duy nhất có tường thuật chi tiết ngay từ 10h, không biết có chính xác và đủ không, nhưng rất chuyên nghiệp. Mặc dù tổng biên tập Nguyễn Anh Tuấn đã ra đi, nhưng phong cách làm báo của ông vẫn chưa bị mai một. Tờ Tuổi trẻ đến 11h30 có video, nhưng chưa có thì giờ xem lại. Dưới đây dựa vào VietnamNet.

Trong 22 người nêu câu hỏi trực tiếp có hai người hỏi về Vinashin (còn câu hỏi gửi trước thì không rõ) và chính phủ cũng có báo cáo riêng về Vinashin gửi các đại biểu, chứng tỏ độ nóng của nó vẫn còn. Nhưng trong báo cáo chung không nhắc đến, ngay cả trong phần “Một số vấn đề cử tri bức xúc”.

Câu hỏi thứ nhất (Trần Văn Minh): “Việc tái cơ cấu tập đoàn này như thế nào?” bị chủ tịch QH chặn ngay: “Chính phủ đã có báo cáo trực tiếp gửi đến ĐBQH, nếu Thủ tướng thấy có vấn đề gì cần nói thêm thì nói thêm.” Một cú đỡ đòn hơi vụng.

Câu hỏi thứ hai (Cù thị Hậu): “Vừa qua, Chính phủ đã gửi báo cáo về Vinashin. Qua báo cáo tôi thấy những sai phạm của tập thể và cá nhân ở tập đoàn lớn, ảnh hưởng đến hướng phát triển của ngành đóng tàu VN. Xin Thủ tướng cho hỏi về giải pháp lộ trình tái cơ cấu tập đoàn này?”
Hai câu hỏi đó đều hỏi về tái cơ cấu, chứng tỏ báo cáo về Vinashin gửi riêng cho đại biểu QH không có “giải pháp, lộ trình tái cơ cấu tập đoàn” và kết quả tái cơ cấu, hoặc là có nhắc đến nhưng không rõ ràng. Câu hỏi thứ hai cho thấy báo cáo chủ yếu nói về sai phạm.

Trong một báo cáo khác  “Về thực trạng hoạt động của tập đoàn, tổng công ty Nhà nước giai đoạn 2006 – 2010 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2011 – 2015”, vừa được Chính phủ gửi tới Quốc hội, báo chí cho biết:

“Đang trong quá trình tái cơ cấu nên tình hình tài chính và hoạt động kinh doanh của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) không có trong báo cáo này, Chính phủ giải thích.” (nguồn)

Tình hình đó nói lên điều gì? Có một cái gì đó không ổn trong tái cơ cấu.

Và trong phần trả lời, thủ tướng cũng không (kịp) trả lời hai câu hỏi trên. Theo báo chí, những câu không kịp trả lời sẽ có văn bản gửi cho đại biểu, thậm chí công bố trên cổng thông tin của chính phủ.

Riêng vấn đề biển đảo, một vấn đề cực kỳ lớn, nhạy cảm và phức tạp, câu trả lời của thủ tướng là xuất sắc. Chi tiết, rõ ràng, không né tránh, nhìn thẳng vào quá khứ và có đường lối rõ ràng, kiên quyết cho tương lai.

Những người quan tâm đến ngành đóng tàu (không phải riêng Vinashin) mong chờ ở thủ tướng một câu trả lời cũng xuất sắc như thế về tương lai ngành đóng tàu Việt nam.

Bỏ qua các khía cạnh kinh tế vĩ mô, tương lai và sự nghiệp của hàng chục nghìn con người đã (chót) gắn bó với ngành (nhất là các sinh viên) phụ thuộc vào câu trả lời này.

Hy vọng và tin tưởng là sẽ có.

Về vụ Vinashin bị kiện (tiếp 1)

(Phần trước http://bit.ly/1gGO2pM)

Mấy ngày nay, ngoài tờ Sài gòn tiếp thị liên tiếp đăng hai bài nữa về vụ kiện này, các báo chí lề phải hoàn toàn im lặng. Tờ Thanh niên có lẽ lo cho uy tín quốc tế của mình nên có đưa tin trên phiên bản tiếng Anh.

Truyền thông lề trái thì khai thác tưng bừng, search cụm từ “Vinashin bị kiện” cho 28.900 kết quả! Tuy nhiên, phần lớn là đưa lại tin của nhau.

Một trong những ý kiến tôi thấy không ổn lắm cho rằng vụ kiện này làm ảnh hường đến uy tín chính phủ, gây hậu quả chính trị, làm thiệt hại cho nền kinh tế,… tóm lại là ảnh hưởng xấu đến những vấn đề vĩ mô. Tiêu biểu cho luồng ý kiến này là phát biểu của ông Nguyễn Trần Bạt đăng trên tờ Sài gòn tiếp thị.

Nói rộng hơn về sự sụp đổ của Vinashin, (không riêng gì vụ kiện này) như trong bài viết trước đã dẫn, tôi tán thành ý kiến của Giang Lê ““Nếu sắp tới VN bị downgrade, tôi nghĩ phần nhiều sẽ là lý do macro không ổn định chứ không phải vì Vinashin default hay phá sản”. Ta hãy thử hình dung nếu bây giờ một tập đoàn đóng tàu của Trung quốc cũng lâm vào tình cảnh như Vinashin thì liệu uy tín của chính phủ, của nền kinh tế Trung quốc có hề hấn gì không? Nó sẽ phát đi một tín hiệu cảnh báo, nhưng các nhà đầu tư vẫn sẽ yên tâm nếu mạng lưới tình báo kinh tế của họ cho biết mọi chuyện ở các nơi khác vẫn ổn.

Nói như thế không phải bênh vực, biện bạch vô cớ gì cho Vinashin. Là người trong cuộc, tôi hiểu rõ những yếu kém đáng phê phán như đã nêu một phần trên blog này và hậu quả do nó gây ra không hề nhỏ. Nhưng cũng không nên quy chụp cho nó những cái không đáng có. Kinh tế Việt nam bắt đầu từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008 đã lộ ra nhiều hiểm họa mà có lẽ năm nay là đỉnh điểm: tình trạng xấu nghiêm trọng của hệ thống ngân hàng, bong bóng bất động sản, lạm phát hai con số, lãi suất cao làm kinh doanh đình đốn, công ăn việc làm khó khăn, tiền mất giá, chênh lệch giàu nghèo lộ rõ, v.v. và v.v…. Tâm lý bức xúc của dư luận cần có chỗ xả mà vụ Vinashin là một cái van đã mở. Thế giới đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô của Việt nam cũng không chỉ dựa vào vụ Vinashin, đây là một ví dụ. Vụ Vinashin là tiêu biểu, điển hình cho “lỗi hệ thống”, nhưng nó cũng chỉ là  một làn gió xoáy trong cơn bão mà hiện chúng ta đang gánh chịu.

Nếu vụ Vinashin xảy ra vào năm 2005-2006 khi kinh tế cả nước còn đang lên hoặc bây giờ khi mọi nguy cơ đã lộ ra rõ ràng thì có lẽ dư luận không nặng nề đến thế. Vinashin là khâu yếu nhất, sụp đổ sớm khi tình hình trong nước bắt đầu xấu đi và lại bị lôi vào một tình huống đặc biệt nên phải đóng vai trò “chim báo bão”, “dê tế thần” hứng chịu búa rìu dư luận và cơ hội cho các “thế lực thù địch” tấn công.

Ngân hàng Nông nghiệp, một ngân hàng quốc doanh lớn nhất cũng đang được tái cơ cấu khẩn cấp. Nếu ngân hàng này (hoặc tập đoàn Điện lực) cũng bị kiểm tra, thanh tra, điều tra rồi đưa kết quả lên báo thì khó hình dung được dư luận sẽ như thế nào.

Dưới một vòm trời chung, mọi cái yếu kém, xấu xa đều cơ bản giống nhau. Chỉ may mắn cho những “đồng chí còn nấp trong đống rơm, chưa bị lộ”.

Thế giới cũng vậy. Các xã hội tư bản Mỹ, Nhật, châu Âu đã có quá trình phát triển hàng trăm năm, tin tưởng vào cơ chế thị trường như một chiếc đũa thần vạn năng có thể điều chỉnh được mọi thứ, đột nhiên phát hiện ra đã mất kiểm soát với việc kinh doanh các chứng khoán địa ốc phái sinh, các chính phủ đã vung tay quá trán vay nợ công để tiêu dẫn tới sự sụp đổ của hàng loạt ngân hàng lớn và sụp đổ kinh tế quốc gia (sau Mỹ, Ireland, Hy lạp, Ý sắp tới có nguy cơ là Pháp). Cuộc sống trở nên khó khăn với tỷ lệ thất nghiệp cao chưa từng thấy, các chính sách thắt lưng buộc bụng để giảm nợ công đè lên người làm công ăn lương đã làm bùng lên phong trào “Chiếm phố Wall” của 99% dân chúng chống lại 1% người giàu và đám tội đồ ngân hàng.

Có điều không công bằng là “báo chí lề trái” nói rất ít về cuộc khủng hoảng toàn cầu mà xã hội tư bản đang gánh chịu và các yếu điểm đang lộ ra trong giai đoạn này. Rút kinh nghiệm cho quê hương là một việc nên làm.

Lịch sử không phải là con đường phẳng phiu và Việt nam với những bước đi chập chững trên con đường tiến tới môt nền kinh tế thị trường cũng không ngoại lệ. Bài báo này là một ví dụ vui trên con đường tiến lên “công nghiệp hóa, hiện đại hóa” và … “văn minh hóa”.

Bất kỳ ở đâu, khi tư bản điên cuồng chạy theo lợi nhuận, người lao động cũng chỉ là những quả pháo hôi. Ví dụ bài báo này hoặc bài này cho thấy cuộc sống nơi “thiên đường” cũng không dễ chịu gì.

Tất nhiên tôi không đánh đồng mọi thứ. Xã hội Việt nam còn nhiều thứ phải hoàn thiện, phải đuổi kịp các xã hội phát triển, nhưng cần phải có thời gian, không thể duy ý chí, đốt cháy lịch sử một lần nữa.

Sau cuộc khủng hoảng này, thế giới tư bản đang tự điều chỉnh, “tái cơ cấu” lại nhiều thứ. Việt nam gần đây cũng có nhiều chuyển động rất tích cực bước vào thời kỳ “Đổi mới 2”. Hy vọng là cả hai cùng thành công.

Quay trở lại vụ Vinashin bị kiện. Những thông tin nêu tại đây làm tôi cảm thấy lo lắng. Nhân thân của Paul Singer, ông chủ của Elliott dẫn nguồn từ Wikipedia cho thấy đúng là một con “kền kền ăn xác chết” đáng sợ. Riêng cái tin trái phiếu Vinashin bị Elliot thu gom gần đây không kiểm chứng được. Nhưng chỉ cần xét đến nhân thân của Paul Singer thì vụ kiện này không đơn giản chỉ là bước đường cùng của một ông chủ nợ tức tối vì bị mất tiền. Áp dụng conspiracy theory vào đây hợp lý hơn xin dành cho bạn đọc.

Khi bạn là một nhà kinh doanh sành sỏi ở Hà nội mở rộng địa bàn làm ăn lên một vùng Yên bái hoang vu, lẽ tất nhiên bạn sẽ lợi dụng tối đa tình trạng non yếu ở đó thậm chí tồi tệ hơn đặt một cái bẫy ngay từ đầu chờ những con thỏ ngây thơ bước vào.

Trong thế giới tài chính, những con “kền kền ăn xác chết” như Paul Singer, George Soros là những ma vương có thể tạo nên các “không gian pháp tắc” của riêng mình bắt các đối thủ phải bó tay. George Soros bị quy kết là người phá vỡ ngân hàng Anh trong cuộc khủng hoảng tiền tệ “Ngày thứ tư đen tối” năm 1992 và bị đích thân thủ tướng Malaixia kết tội là thủ phạm cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Về Paul Singer xem link Wikipedia đã dẫn ở trên, mục Sovereign Debt.

Hy vọng rằng trước đây, khi biết Elliot là nhà tư vấn cho phía chủ nợ và nhân thân của Paul Singer, phía Vinashin đã có đối sách phù hợp. Mặc dù căn cứ vào vụ Vietnam Airlines bị kiện trước đây, tôi không mấy tin vào năng lực của các “nhà tài chính, luật sư làng” trước những con kền kền lọc lõi. Nhưng đó cũng không phải lỗi của họ. Trên con đường phát triển, phải trả học phí là điều tất nhiên. (Đọc tiếp)

 (Bài trước)

Chuyện vui về danh thiếp

Nhân đọc bài “Ấn tượng danh thiếp” trên site của Trương Duy Nhất (nên xem, đúng là vui thật), tôi cũng có vài mẩu chuyện vui chia sẻ cùng các bạn.

Danh thiếp (tiếng Pháp carte de visite, tiếng Anh name card) theo chân thực dân Pháp du nhập vào nước ta từ thế kỷ 18. Trước đó, các cụ nhà ta có dùng cái “bái thiếp” thỉnh thoảng vẫn thấy nhắc đến trong truyện của Tàu không thì không rõ.

Tôi có đọc được ở đâu đó mô tả về hai cái danh thiếp thời kỳ đó. Một cái tên cơ quan là “Ngũ tinh tòa”, chức danh của chủ danh thiếp là “Cơ khí đả tự viên”. Nghe rất oách. Ngũ tinh tòa là văn phòng của hãng tàu thủy Năm sao (hoặc logo của nó có hình năm ngôi sao), cơ khí đả tự viên: cơ khí – máy móc, đả – đánh, tự – chữ, viên – nhân viên, tóm lại chủ nhân danh thiếp là nhân viên đánh máy chữ của hãng tàu thủy Năm sao.

Một cái danh thiếp khác chức danh còn hoành tráng hơn “Quận công, thái tử thiếu bảo, hàn lâm đại học sỹ, Lễ  bộ thương thư … đồng hương nhân”. Chủ danh thiếp là người cùng làng với cái ông có một mớ chức tước ở phần trước!

Noi theo gương các cụ, thời nay đã có người đùa sẽ làm một cái danh thiếp “Bí thư đảng ủy, Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch tập đoàn phu nhân đồng hương nhân”, người cùng làng với vợ cái ông kiêm cả ba chức nói trên! Đây là môt bước tiến, thời các cụ thì phải đồng hương với chính chủ mới có hiệu lực. Âu cũng là một thành quả của phong trào giải phóng phụ nữ trong cả nước nói chung (và nói riêng trong giới văn nghệ sỹ).

Tôi cũng đã tận mắt nhìn môt cái danh thiếp, trên cùng ghi chữ đỏ “Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt nam”, phần chức danh ghi vỏn vẹn hai từ “Công dân”. Nhìn đoán ngay ra là một ông trùm kiện cáo, hỏi lại thì đúng thật.

Hai cái danh thiếp nêu trong bài của Trương Duy Nhất chưa bằng một cái khác của ông chủ một ‘tập đoàn” tư nhân kiêm ngôi sao sáng một thời tại Vinashin: nó được gấp làm đôi mới đủ chỗ ghi hết các chức danh.

Háo danh là bệnh chung của mỗi con người. Nhưng trong những thời kỳ “quá độ”, bệnh háo danh mới bùng phát một cách hài hước và cũng dẫn đến những hệ lụy không nhỏ.

Một ví dụ là trường hợp của thứ trưởng Cao Minh Quang. Ông quả thật không may và chắc rằng đang rất ấm ức vì dù sao cái bằng của ông cũng kế cận tiến sỹ rồi, trên candidat một bậc. Còn hơn khối ông chỉ ngủ qua một đêm đang từ “phó tiến sỹ” thăng lên “tiến sỹ” mà dân gian thì bảo “Con bò dắt qua biên giới …. “.

Cách đây hai năm, tôi còn được chào mời mất một số tiền và đi du lịch một tuần là có bằng tiến sỹ của Nga.

Quan niệm và cách sử dụng học vị của Việt nam cũng … “còn nhiều bất cập”. Tôi biết ít nhất hai trường hợp có học vị thật, rất giỏi về chuyên môn nhưng lại “bị” bổ nhiệm làm lãnh đạo. Kết quả một ông suốt ngày lo sự vụ và đi họp thay vì cứu sống được bao nhiêu người, một ông khác thì lơ ngơ về quản lý nên cuối cùng thân bại, danh liệt.

Cách đây ít hôm còn có báo đăng chuyện ở một viện nghiên cứu nọ, chị thủ thư của thư viện rỗi việc ra sức học, mỗi lần sinh con lại có thêm một bằng cấp mới. Kết quả cuối cùng chị được bổ nhiệm làm lãnh đạo đám kỹ sư suôt ngày lăn lộn ngoài hiện trường.

Trong tình trạng giáo dục hiện nay mà vẫn lạm phát như thế này. thì thật không còn gì phải bàn. Cũng không hoàn toàn lỗi tại những người được phong các loại chức tước, bằng cấp. Trong ngành y chẳng hạn, đó là điều bắt buộc. Và nếu bạn thân quen một bác sỹ nào đó, hãy thử hỏi xem cách họ làm các loại bằng ra sao.

Các cụ ngày xưa cũng có thời như thế, nếu không thì đã chẳng có câu ngạn ngữ “Điêu bất túc, cẩu vĩ tục” .

Và không cứ gì tiền, cái gì đã lạm phát đều mất giá. Có sinh viên khi quyết định bỏ dở hai năm học đại học Bách khoa Hà nội, xin học bổng ra nước ngoài đã nêu lên một trong các lý do “Bằng cấp toàn các thầy tự cấp cho nhau”. Cho nên mới có những bài viết cay đắng như thế này. về phong trào “Tỵ nạn giáo dục” và về “giáo sư” (và đây nữa)

Có lẽ chỉ có môt tình huống duy nhất cần phải cảnh giác cao độ với chức vụ và học vị, đi tìm năng lực thực của con người đó là khi đi khám bệnh, nhất là khám bệnh cho con. Tốt nhất là bạn nên dò hỏi đám y tá, bác sỹ mới ra trường về trình độ thật của ông bác sỹ mà bạn định nhờ cậy. Tuyệt đối không được tin vào mớ chức tước và học vị của ông ấy nếu bạn vẫn còn yêu mến cuộc đời.

Xét cho cùng, tất cả những “yếu kém, bất cập” nói trên đều là sản phẩm tất yếu của một thời kỳ quá độ. Có nhiều người xứng đáng với chức danh, học vị mà họ có và cũng nhiều người buộc phải chạy theo hư danh, hư vị nếu không muốn bị một kẻ dốt nát ngồi lên đầu. Hy vọng là sau đây 15, 20 năm những chuyện bi hài như trên sẽ hết.

Về vụ Vinashin bị kiện

Về vụ Vinashin bị kiện

 Thông tin về vụ kiện này không bất ngờ. Ngày 17/10/2011, một bài báo đăng trên tờ báo tài chính nổi tiếng Financial Times đã cho biết:

Elliott resigned last week from the steering committee for Vinashin’s USD 600m loan, signaling that the hedge fund plans to go ahead with litigation against the state-owned shipbuilder to recover interest and principal on the defaulted debt, said three creditors and a Hanoi-based source close to the company.

Việc Elliot tuần vừa rồi rút lui khỏi ủy ban chỉ đạo (của các chủ nợ) về giải quyết khoản nợ 600 triệu USD của Vinashin báo hiệu cho thấy rằng quỹ dự định khởi kiện tập đoàn đóng tàu quốc doanh để thu hồi nợ gốc và lãi,ba chủ nợ và một nguồn tin Hà nội thân cận với Vinashin cho biết”.

Khoản vay này do Credit Suisse đứng ra dàn xếp, bao gồm nhiều chủ nợ cho vay hợp vốn mà Elliot là một trong số đó. Về mặt pháp lý, chính phủ Việt nam chỉ phát hành một thư ủng hộ (Letter of Comfort), không có thư bảo lãnh (Letter of Guaranty) nên không có nghĩa vụ trả nợ thay. Tuy nhiên, chính phủ lại là chủ sở hữu 100% Vinashin nên cũng có trách nhiệm “chỉ đạo” Vinashin giải quyết vụ kiện này.

Cũng theo bài báo trên, đây là một khoản vay không thế chấp (unsecured loan), trả thành 10 kỳ sáu tháng một lần cho tới năm 2015. Đã có một vài phương án giải quyết do hai bên đưa ra (xem bài báo đã dẫn) nhưng có lẽ không đạt được thỏa thuận.

BBC là nơi đầu tiên đưa tin về vụ kiện này (Elliot khởi kiện tại một tòa án của Anh). Các báo lề phải cho đến nay duy nhất có hai tờ Sài gòn tiếp thị và Diễn đàn doanh nghiệp đưa lại tin của BBC. Tìm hiểu kỹ hơn mới thấy rằng đây là một vấn đề phức tạp về nhiều mặt, mỗi bên hành động, phát ngôn đều có cái lý của họ mà những người bình thường như chúng ta không thể suy diễn theo cảm tính thông thường được.

Tuy nhiên, đây cũng là một sai lầm của truyền thông lề phải. Né tránh vấn đề lẽ ra có thể giải thích được, để đất cho truyền thông lề trái tung hoành. Cũng may là trong đó có những người rất nghiêm túc, có thiện chí và có nghề.

Vài năm trước đây, tình hình này cũng xảy ra khi loạt bài kiểu “Việt nam đồng đi về đâu” xuất hiện. Đọc kỹ thì thấy nhiều luận điểm suy diễn chủ quan, thiếu logic và số liệu hỗ trợ. Nếu tôi viết một bài “Hiểm họa Internet” cũng kiểu như thế, chen vào nhiều thuật ngữ chuyên môn cho ra vẻ thì chắc chắn nhiều người đọc bình thường không dám dùng Internet nữa. Nhưng người có nghề thì biết là cố tình thổi phồng.

Dưới đây điểm qua vài nguồn tin có ích về vụ kiện này. Đọc hiểu và tiếp thu, đánh giá là trách nhiệm của bạn đọc.

Nhà báo Nguyễn Vạn Phú (hình như viết cho tờ Thời báo kinh tế Sài gòn) có một blog với khá nhiều bài viết về Vinashin năm 2010 (xem tại đây). Trong bài “Cứng rắn trước sức ép”, ông lên án các định chế tài chính nước ngoài cho Vinashin vay theo tâm lý ỷ lại vào chính phủ sẽ trả nợ hộ, cho vay vô tội vạ, không cần đếm xỉa gì đến quy trình thẩm định dự án vay một cách bình thường (trái với nguyên tắc kinh tế thị trường mà họ thường rao giảng). Và ông cũng đề nghị chính phủ cứng rắn trước sức ép, thà chịu đau một lần còn hơn có hệ lụy lâu dài. Đúng là hồi đó tôi có đọc một bài báo nước ngoài không còn nhớ rõ nguồn có nói đại ý “Bố nó to, nhiều tiền và cưng nó lắm. Cứ cho nó vay đi không sợ đâu”. Không cứ ngân hàng nước ngoài, ngân hàng trong nước cũng vậy. Chỉ cần tập đoàn bảo lãnh là các đơn vị thành viên vay thoải mái. Đó là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự sụp đổ của Vinashin mà hệ thống ngân hàng phải chịu trách nhiệm, không đổ lỗi cho ai được.

Blogger giangle (hình như là một chuyên gia kinh tế) cũng ủng hộ quan điểm cứng rắn của nhà báo Phú. Trong hai bài viết (12), ông cho rằng cơ may thu hồi nợ của các chủ nợ chót dại cho vay tín chấp là không cao và ảnh hưởng của vụ này đến kinh tế vĩ mô cũng không nặng như suy diễn. Bằng chứng là có những nước đã từng vỡ nợ và bị hạ bậc tín dụng, nhưng khi họ ổn định được kinh tế vĩ mô thì các nhà đầu tư nước ngoài lại quay trở lại, trích “Nếu sắp tới VN bị downgrade, tôi nghĩ phần nhiều sẽ là lý do macro không ổn định chứ không phải vì Vinashin default hay phá sản. Cứng rắn trong vụ này thậm chí sẽ có lợi trong dài hạn vì các tập đoàn/tổng công ty sẽ không trông chờ vào bảo lãnh của chính phủ nữa, các chủ nợ nước ngoài cũng vậy. Đồng vốn đi vay sẽ phải làm ăn hiệu quả chứ không phải cứ đem đầu tư lung tung như Vinashin đã làm. Tôi hi vọng chính phủ sẽ quyết định đúng.

Hai bằng chứng cụ thể khác là vào tháng 4/2011, năm ngân hàng nước ngoài cho PetroVietnam vay 904 triệu USD, Hoàng Anh Gia Lai huy động thành công 90 triệu trái phiếu quốc tế vào tháng 5/2011 (tất nhiên lãi hơi chát 9,875%). Tóm lại các nhà đầu tư nước ngoài sẽ cẩn thận hơn, nhưng có lãi là họ vẫn làm.

Tiếp sau BBC, đài phát thanh quốc tế Pháp RFI có một bài dài phân tích các thiệt hại trước mắt của vụ kiện này. “Trước mắt là các công ty Việt Nam sẽ phải tốn nhiều tiền cho hệ thống luật sư và chi phí tòa án tại Luân Đôn, mà mức giá khởi đầu có thể là vài chục ngàn USD, lên đến vài trăm ngàn USD cho một vụ trung bình”. Tuy nhiên, nhận định này thì mang tính suy diễn “Việc tòa Thượng thẩm của Anh nhận hồ sơ này sẽ mở đường cho nhiều công ty khác trên thế giới cân nhắc đến phương án này khi đòi nợ Việt Nam.” Nếu kết quả vụ kiện cho thấy Elliot thu được không bõ thì các công ty khác cũng không theo.

Còn một bài viết nữa cũng có chút thông tin.

Còn nhiều nguồn thông tin khác, như đã thấy không phải cái nào cũng có ý đồ xấu cả. Muốn định hướng dư luận thì phải nhìn thẳng vào sự thật, phân tích có tình có lý chứ không phải bưng bít, đánh lừa dư luận. Chiến lược truyền thông về vụ Vinashin nói chung … “còn nhiều bất cập”. Và nhận định cá nhân của những người thiếu thông tin, kiến thức chuyên môn về Vinashin (kể cả của các lãnh đạo) cũng … “còn nhiều bất cập”.

Đối với Vinashin đây là một đòn nặng mà nó không thể và không có quyền giải quyết. Chờ xem ở “trển” chỉ đạo như thế nào.  (đọc tiếp)

Mừng hay lo?

Mừng hay lo?

Dư luận gần đây đang xôn xao vì một làn gió mới trong chính trường Việt nam do một số bộ trưởng thổi vào.

Điển hình là bộ trưởng bộ GTVT Đinh La Thăng. Vừa nhậm chức, ông đã tuyên bố :” Là tư lệnh ngành, phải cho tôi toàn quyền”. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên được ông xác định là một nhiệm vụ “đội đá, vá trời”: giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông tại Hà nội và thành phố Hồ Chí Minh, . Ông cũng chủ trương phải xây dựng cơ chế đột phá để thực hiện các giải pháp đột phá. Ông gây chấn động dư luận bởi quyết định “trảm tướng” chưa từng có, v.v… và v.v….

Tóm lại ông tạo được ấn tượng là một người xông xáo, dám làm, dám chịu trách nhiệm và cả dám … nói thẳng những điều mình suy nghĩ. Ông cùng bộ trường Vương Đình Huệ thật sự đã tạo nên một làn gió mới.

Nếu như chưa từng ở Vinashin, tôi sẽ thấy mừng. Nhưng đã từng ở Vinashin suốt từ khi thành lập cho đến lúc sụp đổ, tôi lại thấy lo.

Anh Bình, cựu chủ tịch Vinashin, cũng đã từng trải qua những cái như thế. Nhiệm vụ xây dựng ngành đóng tàu hiện đại gần như từ hai bàn tay trắng trong giai đoạn đầu cũng là một loại nhiệm vụ “đội đá, vá trời”. Quyền lực thì không cần phải đòi, dưới một người trên cả triệu người. Cũng rất xông xáo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, có những “cơ chế đột phá” và “giải pháp đột phá”. Chỉ số IQ hoàn toàn không thấp: thông minh, hiểu nhanh, phản ứng nhanh, có khả năng thu phục, tập hợp quần chúng tốt, dám nói và nói rất giỏi, khả năng thuyết phục hấp dẫn người khác thì phi thường.

Vinashin phát triển vào một thời điểm vô cùng thuận lợi: nhu cầu đóng tàu thế giới bùng nổ, các nhà máy đóng tàu Nhật, Hàn, Trung quốc đều đầy việc nên trong một thời gian ngắn Vinashin ký được một lượng hợp đồng đứng thứ 4 thế giới. Chủ trương phát triển ngành được ghi rõ trong văn kiện của Đảng, sự ủng hộ của chính phủ là chưa từng có, kinh tế đất nước đang đi lên, các tổ chức tài chính trong và ngoài nước đua nhau cho Vinashin vay tiền với những điều kiện rất dễ chịu….

Tóm lại, anh Bình ở vào một vị thế  trước nay chưa từng có và sau này có lẽ sẽ không bao giờ có nữa.

Và cũng có thời, lãnh đạo các cấp, báo chí, dư luận nói chung tung hô anh Bình không tiếc lời.

Vậy mà kết quả lại bi thảm đến thế.

Không cần đi sâu phân tích nguyên nhân, chỉ cần thấy rằng tất cả những tính cách cá nhân, điều kiện thuận lợi trên là không đủ, còn thiếu một cái gì đó, một cái rất cơ bản mà không có nó, những tính cách mạnh, những điều kiện thuận lợi chỉ góp phần tạo nên thảm họa!

Liệu các thế hệ đi sau nhìn vào tấm gương đó có rút ra được bài học gì không?

Điều kiện quá thuận lợi dễ gây nên hoang tưởng. Đám đệ tử của ông Thăng mang theo “phong cách, văn hóa PVN” xung phong vào Vinashin “ mới” cũng ào ạt, hùng hổ như thế (lê máy chém đi khắp nơi, lập các tổ “đặc nhiệm”, xin cơ chế “đặc biệt”, phát biểu trên báo chí dậy dỗ các chủ tịch khác, ….) mà nay thì tiu nghỉu như mèo bị cắt tai, bộc lộ năng lực quản lý yếu kém trầm trọng, làm cho tình hình đã nát lại càng thêm nát là một tấm gương khác.Thực ra trong hoàn cảnh cụ thể, những cái họ không làm được không đáng trách. Nhưng trong khó khăn, đừng bộc lộ tay nghề quản lý, lãnh đạo yếu đến thế.

Ông Thăng có phát biểu đại ý những khó khăn bây giờ so với những cái ông đã làm ở PVN chưa là cái gì. Đó là sai lầm đầu tiên, môi trường doanh nghiệp và quản lý nhà nước không phải là một. Làm đại thần một nước lớn khác xa với làm vua một vương quốc nhỏ. Cần phải có thời gian quá độ để làm quen với điều đó.

Cái tên Vinashin ngày xưa thừa mất một chữ. Bớt đi chữ “tàu”, chỉ việc múc nước lên bán thì anh Bình có lẽ bây giờ không chỉ ở hàm bộ trưởng (hic)

Search tiểu sử ông Thăng trên Wikipedia, tôi lại càng thấy lo hơn. Mà không phải chỉ lo cho ông.

Tất nhiên tôi hết lòng mong ông Thăng thành công để không phải chen chúc, căng thẳng mỗi khi ra đường. Cũng như tôi đã từng mong anh Bình thành công để được về hưu một cách bình thường như bao người khác!

Mong ông bình tâm lại, tìm ra “cái gì đó còn thiếu” đã nói ở trên. Hai vết xe đổ đã nêu ở trên là quá đủ rồi. Tìm ra được điều đó, năng lực, tính cách của ông sẽ được phát huy tốt nhất và sự nghiệp của ông sẽ thành công.

Hy vọng là như thế!

Tội phạm và nạn nhân.

Tội phạm và nạn nhân.

Chắc chỉ còn ít ngày nữa, phiên tòa đầu tiên xử các quan chức cao cấp của Vinashin sẽ diễn ra. Là người trong cuộc, tôi chia sẻ ở đây một vài suy nghĩ.

Dù có biện bạch thế nào đi nữa, sự sụp đổ của Vinashin giáng một đòn khủng khiếp vào tất cả những người có liên quan và không liên quan. Món nợ khổng lồ sẽ do các thế hệ sau gánh chịu, đừng có nói cái điều khôi hài “Vinashin tự vay thì tự trả”. Điều đáng buồn nhất là cái nó tạo ra: một phần nhỏ công nghệ đóng tàu hiện đại, đội ngũ nhân công bước đầu có tay nghề sẽ rất nhanh chóng tan đi. Hơn mười năm nữa khi thị trường hồi phục, mọi thứ lại bắt đầu lại từ đầu nếu không có kế hoạch duy trì và phát triển từ bây giờ.

Những người lao động lương thiện ở tất cả các cấp không có tội. Họ làm công ăn lương, đã mang sức lực, trí tuệ thậm chí cả máu và sinh mạng của mình trong những vụ tai nạn lao động để hoàn thành công việc được giao. Chửi bới, sỉ nhục các cháu kỹ sư quanh năm xa nhà, lăn lộn ở các nhà máy, công trường là vô đạo đức. Nhìn tất cả mọi người ở Vinashin đều như tội phạm là ngu xuẩn.

Công việc không có kết quả không phải lỗi của họ.

Những lãnh đạo các cấp, thậm chí cấp rất cao, cũng không phải tất cả đều cố ý không hoàn thành trách nhiệm, cố ý làm trái, cố ý phạm tội. Những người tương đối tử tế trong số họ buộc phải làm ẩu, phải phạm tội vì mấy nguyên nhân:

  • Họ không được phép làm đúng chức năng, trách nhiệm được giao, buộc phải đi theo một guồng máy, một áp lực vô cùng khắc nghiệt. Kết quả công việc của họ thật khó hiểu với người ngoài, nhưng người trong cuộc thì hiểu được.
  • Một lần lỡ đã nhúng chàm, đâm lao thì phải theo lao, cả đời khó thoát. “Cho nhúng chàm để dễ cai trị” là một phương thức lãnh đạo phi nhân nhưng rất có hiệu quả.
  • Cũng có những người cả tin, hoa mắt vì hào quang lộng lẫy của một đám bong bóng xà phòng, tận tụy đi theo thần tượng để đến lúc quay lại thì quá muộn. Bản thân tôi đã từng có lúc như thế. Năng lực hấp dẫn, thôi miên người khác của ông Bình phải nói là phi thường. Nếu Bình làm giáo chủ một giáo phái thì tín đồ sẽ đông vô kể.

Có một câu chuyện cổ đại ý: cam trồng ở nước Yên thì ngọt, mang sang nước Thục thành chua; người ở nước Yên thì lương thiện, sang nước Thục thành thằng ăn cắp. Trong cái đám sắp bị mang ra xử hoặc có nguy cơ bị truy tố, có những người mà tôi biết rõ nếu như ở môi trường khác, họ không hành động như vậy.

Tất nhiên nếu đứng ngoài cuộc có thể đặt ra những câu hỏi: tại sao không làm hết trách nhiệm, tại sao không góp ý, không phản đối? v.v.. và v.v…

Bạn thử nhìn quanh xem, thấy sai dám nói, chấp nhận trả giá liệu có mấy người? Tất cả chúng ta đều là người bình thường, cầu an, ngại va chạm, lo lắng cho miếng cơm, manh áo, quyền lợi cá nhân, khuất phục trước cường quyền là phổ biến. Đừng lấy đạo đức sách vở ra yêu cầu những người bình thường phải trở thành những siêu nhân, những Đông ki sốt hiện đại, điều mà ngay cả các quan chức cao cấp cũng không làm được.

Hầu hết những quan chức cao cấp của Vinashin mà tôi đã tiếp xúc thời kỳ trước đều dằn vặt, lo lắng, ý thức được những điều đang diễn ra là vô cùng nguy hiểm, uất ức vì bị buộc phải phạm tội. Nhưng họ cũng không thể thoát được cái vòng xoáy đã cuốn họ vào.

Khi bị hỏi những câu hỏi tại sao như trên, tôi đã trả lời một VIP của Vinashin “mới”: “Nếu hồi đó ông ở đây thì cũng thế thôi!”. Cá nhân vô cùng nhỏ bé và bất lực trước cả một cỗ máy khổng lồ với thủ đoạn và quyền lực vô hạn.

Bản thân tôi cũng suýt bị cuốn vào vòng xoáy đó ở tầm mức mà bây giờ chắc chắn bị bắt rồi. Sau này, tôi đã phải trả giá không nhỏ khi cố gắng đứng ngoài vòng xoáy đó.

Nói như vậy không phải để bênh vực, biện bạch gì. Về lý, đã làm, đã ký đều là có tội và phải trả giá trước pháp luật. Về tình, đã tham gia, dù là thụ động cũng là có lỗi. Như tôi đã nói trong Lời phi lộ, blog này là lời tạ lỗi của tôi với thế hệ sau về cái đống “sắt vụn” khổng lồ mà tôi cũng tham gia chất lên vai họ.

Tất nhiên, trong vụ Vinashin có một lượng không nhỏ những kẻ cơ hội, đục nước béo cò, chủ động phạm tội, giàu lên nhanh chóng. Đáng khinh nhất là một “dàn múa phụ họa” luôn tung hứng, ca ngợi từng ánh mắt của ông Bình, góp phần đáng kể làm cho căn bệnh hoang tưởng, vĩ cuồng của Bình ngày càng nặng. Những kẻ đó không có gì biện bạch cho họ được và không phải đối tượng nói đến ở đây.

Nhưng cũng có những người như trên đã nói chỉ là nạn nhân. Nạn nhân của người khác và nạn nhân của chính bản thân mình. Chấp nhận là một quân cờ vô tri, một con rối trong một ván cờ tàn khốc để rồi chính mình bị hy sinh. Những người đó phần nào có thể thông cảm được. Và cũng mong rằng khi xử lý sai phạm, các cơ quan chức năng phân biệt được những đối tượng này và có những cân nhắc nhất định.

Ngay cả ông Bình trước năm 2006 là một người có công, một người tử tế. Nếu không có những quyết định mạnh dạn, nhìn xa của Bình, ngành đóng tàu cũng chỉ mờ nhạt như ngành công nghiệp ô tô nội địa. Tôi vẫn còn nhớ đến đầy xúc động và biết ơn Bình cái giai đoạn “Tướng sỹ một lòng phụ tử. Hòa nước sông chén ruợu ngọt ngào”ấy. Đến năm 2005, khi ký được hợp đồng đóng loạt tàu 53.000 tấn, Vinashin đã được đưa vào bệ phóng ở một vị trí xuất phát rất tốt. Rất tiếc sau đó một đống tiền và quyền lực rơi trúng đầu làm cho Bình choáng váng không còn tỉnh táo nữa, những nhược điểm, thói xấu bộc phát. Những việc Bình làm sau này, kể cả về tình và lý đều khó có thể thông cảm được. Bình trở thành nạn nhân của chính bản thân mình, trong đó có một cái tính mà tôi đã từng nhận xét từ đầu: “Trông thì hùng hổ, nhưng thực ra lại rất nhát”.

Vụ Vinashin không phải chỉ có các hậu quả xấu. Nó là một đòn cảnh tỉnh choáng váng làm cả một hệ thống bừng tỉnh, xem xét điều chỉnh những điều cần thiết làm cho xã hội tiến lên. Nếu không có vụ Vinashin, những điều chỉnh đó không xảy ra và có thể dẫn đến một sự đổ vỡ khác còn lớn hơn.

Tấm gương của Bình sẽ luôn được treo trong đầu những thế hệ đi sau để nhìn vào mà biết sợ. Tiếc rằng vào thời của mình, trong đầu Bình không có tấm gương nào như thế.

Trong một môi trường quá độ còn nhiều lộn xộn, khe hở như hiện nay, Vinashin cũng không phải trường hợp cá biệt. Cách điều hành sai lầm của Bình làm Vinashin “tự chết” nên mọi việc mới lộ ra. “Những đồng chí chưa bị lộ” trước khi phê phán cũng nên cầm đuốc soi chân mình trước.

Một số không nhỏ những người này sống và giàu lên bằng gì ai cũng biết. Họ là nạn nhân hay tội phạm?

Viết bài này, tôi chỉ hy vọng rằng mọi người nhìn một số ít những nạn nhân của người khác nói trên với con mắt khoan dung hơn. Còn nạn nhân của chính mình thì mình làm mình chịu, chẳng có gì phải bàn.

Trục vớt tàu đắm (tiếp)

Bài Trục vớt tàu đắm trước đặt nặng vấn đề chất lượng người trực tiếp đi trục vớt tàu.

Trong khi phương án khả thi chưa có, việc gì phải thế?

Bởi vì ngay cả khi chưa có phương án trục vớt, mấy điều cần thiết là:

  • Tìm hiểu chính xác tình trạng tàu.
  • Giữ vững, và nếu có thể,  tăng cường tính nổi cho tàu.

Điều thứ nhất rất cần cho người lập phương án. Báo cáo tình trạng tàu sai sẽ dẫn đến phương án sai. Mà xác định đúng tình trạng một con tàu chìm không dễ. Phải giỏi nghề, sâu sát, lặn xuống tận nơi, hiểu từng ngóc ngách.

Điều thứ hai lại càng quan trọng. Nếu không biết làm gì thì ngồi im, đừng có phá phách lung tung làm mất hoàn toàn tính nổi của tàu là không còn hy vọng. Con tàu nhỏ không cần tính nổi, có thể dùng sà lan, phao trục nó lên. Nhưng tàu lớn thì phải tự nổi.

Một trong những cách tăng cường tính nổi cho tàu đã đề xuất ở đây.

Bây giờ trở lại vấn đề quan trọng nhất, điều kiện tiên quyết để trục vớt thành công: có đủ sức mạnh và có phương án khả thi.

Con tàu ta đang bàn đến là một con tàu “đặc biệt”: rất lớn lại nát, không đủ tiêu chuẩn đi biển, nợ nần lung tung, hồ sơ kỹ thuật vừa sai vừa thiếu, chìm đúng vào vùng cát lún ngay trên luồng đông tàu qua lại, để chậm một ngày là lún xuống hàng mét và tôn vỏ bong ra từng mảng, tính nổi mất đi từng ngày, luồng bị tắc các tàu khác không đi qua được. Nó cũng gần giống một đám cháy: càng chậm cứu nó lan ra càng lớn, hậu quả càng nặng nề.

1- Cơ chế đặc biệt để xử lý các sự cố đặc biệt

Đây là một sự cố đặc biệt và khẩn cấp, không thể tổ chức xử lý theo cách thông thường được. Thực tế trục vớt tàu Bạch đằng giang và Mỹ đình cũng cho thấy như thế.

Trong cuộc sống nhiều sự cố đặc biệt và khẩn cấp có thể xảy ra: bão lụt, động đất, cháy rừng, dịch bệnh, bạo loạn, … Những trường hợp đó đều cần có cơ chế đặc biệt để xử lý. Nói riêng trong ngành ngân hàng, khi một ngân hàng bị phá sản dễ gây tâm lý hoảng sợ, người gửi rút tiền ra hàng loạt ở các ngân hàng khác dẫn đến sụp đổ toàn hệ thống. Vì vậy, cách đây hơn 10 năm, cơ chế kiểm soát đặc biệt và toàn diện sẵn có của ngành ngân hàng đã được áp dụng vào VP Bank cứu cho nó khỏi phá sản.

Một ví dụ khác. Khi tổng thống Mỹ tuyên bố một bang, một vùng ở vào “tình trạng thiên tai”, cơ chế ứng cứu của toàn liên bang sẽ được vận hành để xử lý.

Các ngành kinh tế khác của ta (trừ ngân hàng) đã có cơ chế đó chưa?

Trong quá trình phát triển nhanh của một nền kinh tế vừa làm vừa học, chắc chắn còn nhiều sự cố khác xảy ra. Đó là điều không tránh khỏi dù không mong muốn.  Do đó các cơ chế đặc biệt phù hợp và hiệu quả để xử lý các sự cố đó là một bộ phận hữu cơ không thể thiếu của quản lý điều hành vĩ mô nền kinh tế, như một hệ thống cứu hỏa trên một con tàu.

Không có các cơ chế đó là một thiếu sót. Con tàu kinh tế cũng cần có hệ thống cứu hoả đầy đủ, sẵn sàng riêng của nó.

Trong hoạt động kinh doanh, sản xuất bình thường có rất nhiều luật lệ, quy chế phải theo. Nhưng trong những trường hợp sự cố thì khác. Việc trục vớt tàu đắm với các đặc điểm như trên phải được xếp vào loại sự cố đặc biệt và khẩn cấp để được xử lý bằng cơ chế đặc biệt cho những trường hợp đó, không bắt buộc phải theo luật hoặc chính xác hơn theo những luật đặc biệt được quy định trong cơ chế.

Khi cháy nhà, tai nạn lao động chết người ai cũng hiểu đó là sự cố và chấp nhận cơ chế đặc biệt xử lý sự cố. Nhưng trục vớt một con tàu đặc biệt như trên thì không phải ai cũng hiểu. Vì vậy giám đốc cần tổ chức họp liên tịch ở cấp cao nhất, thông qua nghị quyết cho phép dùng cơ chế đặc biệt, nếu cần bằng cách bỏ phiếu. Tin rằng số người hiểu sẽ chiếm đa số. Khi đã thông qua phải triệt để thi hành dưới sự giám sát chặt chẽ. Đó là nguyên tắc dân chủ, tập trung được rao giảng khắp nơi và đây là trường hợp phải áp dụng.

Cuộc họp đó cũng không phải chỉ thông qua ý chí áp dụng cơ chế mà cả chi tiết cụ thể của nó. Cơ chế đặc biệt phải được văn bản hóa cụ thể, chi tiết nó là cái gì trước khi đưa ra cuộc họp.

Cơ chế đặc biệt này không phải chỉ dùng một lần. Vận tải biển (và quản lý kinh tế nói chung) là một nghề đầy rủi ro, ai dám đảm bảo là không còn tàu đắm nữa? Vì vậy, ngay cả không có vụ đắm tàu này, cũng phải có sẵn cơ chế cho những trường hợp khác.

Cơ chế này phải tổng thể và đủ mạnh, không phải cơ chế lẻ tẻ giải quyết riêng từng mặt. Đó là cơ chế vĩ mô chung để xử lý các sự cố kinh tế mà con tàu đắm này chỉ là một trường hợp cụ thể.

Đưa tàu vào chế độ kiểm soát đặc biệt và toàn diện (không chỉ riêng tài chính). Một “bộ tư lệnh đặc nhiệm” được thành lập, làm việc toàn thời gian và chịu hoàn toàn trách nhiệm với quyền hạn dùng mọi biện pháp có thể để trục vớt tàu đắm nhanh nhất. Được phép bỏ qua các luật lệ, quy trình, thủ tục thông thường. Điều này không chỉ cần cho tiến độ nhanh, hạn chế thiệt hại lan rộng từng ngày như một đám cháy rừng mà còn vì áp dụng luật vào con tàu này là không khả thi.

Khi đã có cơ chế và quyền hạn như trên, các việc khác (xử lý nợ, bán tài sản, v.v..) chỉ còn là những biện pháp, không phải cơ chế riêng nữa.

Phải có bộ tư lệnh và huy động mọi lực lượng cùa doanh nghiệp vì việc trục vớt ra ngoài khả năng của thuyền trưởng và thuyền viên trên tàu. Nhất là một anh thuyền trưởng lơ ngơ và đám thuyền viên bỏ đi gần hết. Cũng như việc dẹp bạo loạn chính trị, dẹp bạo loạn kinh tế là nơi cần sử dụng mọi sức mạnh của hệ thống chuyên chính.

Đó là điều kiện tiên quyết để trục vớt con tàu đặc biệt này. Không thông qua được cái nghị quyết nói trên thì đừng bàn chuyện trục vớt nữa.

2- Phương án trục vớt và sửa chữa

Bước tiếp theo là lên phương án trục vớt và phương án sửa chữa để tiếp tục đưa tàu vào khai thác. Tức là giải quyết hậu quả quá khứ và bàn chuyện tương lai.

Hậu quả quá khứ của con tàu này thì nhiều: tiền nợ khi mua và khai thác tàu, bộ máy tổ chức nhân sự (thuyền bộ), hồ sơ pháp lý và kỹ thuật của tàu và cả đám tiền rơi vãi nữa. Tất cả những cái đó đều có cách giải quyết “đậc biệt” nhưng không phải chỗ bàn ở đây.

Cách lập lại hồ sơ của tàu cũng phải “đặc biệt”. Sau khi xong, hồ sơ tàu đầy đủ, đúng và có giá trị pháp lý. Lúc đó muốn làm gì tiếp mới được.

Phương án khai thác tương lai con tàu này cũng là một bài toán khó mà ngay cách xây dựng phương án không đúng cũng sẽ làm tốn thêm một đống tiền vô ích.

  • Phương án phải do một tập thể có năng lực thật sự soạn thảo. Cần phải có cả tư vấn nước ngoài. Đừng khoán cho một anh thuyền trưởng không có nghề và đám thuyền viên tan rã làm. Và cũng đừng đi tham khảo những kinh nghiệm cũ kỹ, lạc hậu.
  • Chủ động giảm cấp tàu từ đi biển cấp không hạn chế xuống cấp tàu ven biển, giao cho một xí nghiệp đang có việc quản lý, tàu không trực thuộc lãnh đạo công ty nữa. Đừng giao nó cho một phòng ban chỉ biết quản lý hành chính. Kiên quyết cắt hết những phần đã hỏng (thuyền bộ không tự cẳt được), thu bé nó lại. Xử lý những phần cắt ra như thế nào thì không bàn ở đây được.
  • Đừng lo lắng quá mức về tổng số người lao động được báo cáo trên giấy, họ đã tự cứu mình trước khi trời cứu từ mấy năm nay rồi. Cái họ cần là những khoản nợ lương, nợ bảo hiểm. Số còn lại phải lo không nhiều.
  • Giai đoạn tiếp sau khi giải quyết hậu quả là giai đoạn sửa chữa, hoán cải, tân trang lại con tàu để đạt tiêu chuẩn đi biển, điều mà trước đây nó không đạt nên mới bị đắm (xem). Để đỡ kinh phí, kiếm việc làm phù hợp cho nó tự sống, ví dụ làm kho chứa nước ngọt. Cái xí nghiệp đang có việc nói trên đủ điều kiện để làm việc đó. Đừng bắt nó tiếp tục chở hàng khi đang sửa chữa là lại đắm lần nữa.
  • Chọn thuyền trưởng thực sự có bản lĩnh và có nghề.
  • Đầu tư tiếp để hoán cải tàu thành một con tàu nhỏ nhưng hiện đại từ máy móc, thiết bị đến đội ngũ thuyền viên để chạy đúng tiến độ, có lãi. Mời tư vấn nước ngoài: lập phương án hoán cải, giám sát chất lượng hoán cải. Thuê thuyền bộ nước ngoài khai thác giai đoạn đầu và đào tạo, chuyển giao một hệ thống quản lý, con người đủ khả năng tiếp tục chạy tàu đúng tiến độ và có lãi, tức là có năng lực cạnh tranh quốc tế. Khi nó đủ điều kiện đi biển hãy bắt nó chở hàng để tự sống. Tóm lại là xây dựng bộ phận  nòng cốt, tinh nhuệ có thể tự sống được để chờ cơ hội thị trường. Tự sống như thế nào là một chủ đề riêng. Thị trường đi xuống không có nghĩa là một con tàu nhỏ, chất lượng tốt lại không kiếm được hàng để chở. Xóa bỏ hoàn toàn hoặc bao cấp để duy trì đều không ổn.
  • Định hướng đầu tư phát triển tàu cho các công ty khác có năng lực. Cả một ngành không phải chỉ là một công ty. Tấm gương ngành viễn thông cho thấy điều đó.

Một con tàu “xịn” với đội ngũ thuyền viên “xịn”, có đủ năng lực cạnh tranh trong vận tải biển quốc tế, mặc dù nhỏ, là căn cơ cần thiết để khi điều kiện thuận lợi có thể đầu tư tiếp nâng cao năng lực lên rất hiệu quả như tấm gương của STX Hàn quốc đã làm.

(Phù, mệt quá. Ngồi bệt dưới đất mà bàn chuyện thiên đình là một việc làm quá sức và cũng có thể là ngu, thậm chí nguy hiểm nữa. Ở “trển” thiếu gì những bộ óc sáng láng. Nhưng vừa rồi lướt qua vài nơi, chứng kiến không khí “hào hứng, tin tưởng vào tái cơ cấu” lại nổi máu Đông ki sốt.)

Đừng bỏ gốc đi làm ngọn

“Không đủ năng lực đóng tàu” là cái title con trong bài báo trên báo Lao động ngày 2/6/2011 và trên báo Thanh tra ngày 7/6/2011 trích dẫn nội dung báo cáo của Thanh tra Chính phủ (TTCP) về Vinashin:
Vì vậy, từ năm 2007 đến nay, Vinashin đã không đủ năng lực về cơ sở vật chất kỹ thuật, trình độ tay nghề, trình độ quản lý và tiềm lực tài chính để thực hiện các hợp đồng đã giao kết với khách hàng.”
Nguyên nhân:”Theo TTCP thì đầu tư dàn trải, tuỳ tiện, không hiệu quả là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới không tăng cường kịp thời năng lực đóng tàu theo đúng chủ trương của Chính phủ và đề án phát triển của Tập đoàn
(nguồn: http://thanhtra.com.vn/tabid/77/newsid/41600/temidclicked/2/seo/Ket-luan-thanh-tra-tai-Vinashin-No-den-hon-96000-ty-dong/Default.aspx )

Kết luận này thoạt tiên có thể gây sốc. Chẳng phải Vinashin đã từng đứng thứ tư thế giới về tổng số tấn tàu ký được (hay theo tiêu chí khác ?), đã đóng “thành công” và bàn giao nhiều con tàu hiện đại phức tạp như tàu Diamond 53.000 DWT, tàu chở ô tô 4900 xe, …. hay sao?

Kết luận của thanh tra phải nói là khá chính xác đối với người trong cuộc, nhưng cũng quá cô đọng. Việc không hiểu hoặc né tránh nó đang tiếp tục gây ra những sai lầm hiện tại.

Với người ngoài cuộc, kết luận trên có thể bị hiểu sai là năng lực không đủ so với số lượng hợp đồng đã giao kết, nếu làm ít tàu hơn thì vẫn ổn.  Thực ra thì không phải thế.

Loạt tàu Diamond là những con tàu xuất khẩu đầu tiên của Vinashin, ghi tên ngành đóng tàu Việt nam trên bản đồ các quốc gia đóng tàu thương mại trên thế giới.
Tàu Diamond đầu tiên hạ thủy tại Hạ long (6/4/2006) bị sự cố thủng tàu mọi người đều biết. Tàu Diamond thứ hai hạ thủy “thành công” tại Nam triệu (cũng bị sự cố nhưng nhỏ hơn nên ít người biết). Một không khí phấn khởi tràn ngập Vinashin. Nhưng tại hội nghị sơ kết quý liền ngay sau đó, tôi đã phát biểu một lời cảnh báo: “Đến nay, về kỹ thuật tạm gọi là chúng ta biết đóng tàu xuất khẩu. Nhưng còn tiến độ và lãi thì tôi chưa thấy đâu”.

Vì trước đó, những thông tin tìm được trên Internet đã công bố trên website Vinashin và tập hợp công bố lại trên blog này đã cho thấy đóng tàu xuất khẩu (thương mại) là khó vô cùng. Tuy chúng ta có lợi thế tạm thời là giá nhân công rẻ nhưng với cung cách làm thời đó thì thấy trước là không thể đóng đúng tiến độ và có lãi được.

Năng lực đóng tàu thương mại (đóng tàu xuất khẩu) trong cơ chế thị trường bao gồm ba mặt:

  • Đóng tàu đạt chất lượng kỹ thuật theo yêu cầu thiết kế, được chủ tàu (quan tâm nhất đến chất lượng khai thác) và đăng kiểm (chịu trách nhiệm về chất lượng an toàn) kiểm tra và chấp nhận. Điều này thực tế chứng tỏ là chúng ta làm được mặc dù cũng trả giá không nhỏ.
  • Đóng tàu đúng tiến độ như cam kết trong hợp đồng.
  • Đóng tàu có lãi theo mặt bằng giá thị trường đóng tàu thế giới.

Làm được cả ba mặt trên mới gọi là có năng lực đóng tàu thương mại và mới có năng lực cạnh tranh trên thị trường đóng tàu thế giới. Như một số bài trước đã giới thiệu, điều này vô cũng khó. Các ngành đóng tàu châu Âu, Mỹ, Nhật có thừa các năng lực nói trên nhưng vẫn không cạnh tranh được với Hàn quốc, và gần đây Hàn quốc lại không cạnh tranh được với Trung quốc. Các nước thắng trong cạnh tranh là do nhân công rẻ hay do chính phủ trợ giá hay do cái gì khác???

Đối với chúng ta, chưa nói đến những điều tinh vi phức tạp khác, ngay từ bước xây dựng nhà máy mới hoặc nâng cấp nhà máy cũ đã … “có nhiều bất cập”.

Nguyên nhân không phải thiếu tiền mà thiếu tư duy. Đó là nội dung tôi đã đề cập đến trong bài:”Câu chuyện anh thợ may” trên blog này. Hồi đó tôi thường nói đùa với mọi người “Ông Bình là dân thiết kế tàu nên nói đến thiết kế tàu là biết sợ, đi thuê Kitada thiết kế loạt tàu 6500 và 11500 rất thành công. Nhưng nói đến thiết kế nhà máy thì ông ấy “điếc””

Những cái “hợp tác xã may thủ công, có trang bị một số máy móc hiện đại”, xây dựng theo cách anh thợ may tự nghĩ ra có thể may được cả áo hoàng bào cho vua nhưng không bao giờ có thể may xuất khẩu, tức là đúng tiến độ hợp đồng và có lãi.

Trong một hội nghị của văn phòng Vinashin đầu năm 2007, tôi cũng đã phát biểu ngắn: “Trước đây, chúng ta đã có một quyết định rất sáng suốt là thuê Kitada thiết kế loạt tàu 6500 và 11500. Tôi rất muốn chúng ta cũng có những nhà máy đóng tàu do nước ngoài thiết kế”.

Sau hội nghị đó, tôi đã định gặp anh Bình đề xuất: “Ông giao cho tôi làm một nhà máy đóng tàu mới, tôi sẽ làm đúng như các ông đang đóng tàu, không nghĩ ra cái gì khác”.

Cái nhà máy đó sẽ được xây dựng theo các bước sau:

  • Thuê tư vấn nước ngoài có nghề về thiết kế nhà máy đóng tàu hiện đại thiết kế (tàu xuất khẩu do Vinashin đóng hoàn toàn là thiết kế của chủ tàu). Tất nhiên hiện đại đến đâu là do ta, chủ đầu tư, cân nhắc. Nhưng phải là nhà máy có năng lực đóng tàu cạnh tranh hiện tại. Thuê Ba lan thiết kế thì chết chắc. Thiết kế nhà máy cũng bắt đầu từ một nhiệm vụ thư thiết kế như thiết kế tàu, ví dụ một năm phải đóng được 10 tàu 15000 tấn quy đổi và một loạt chỉ tiêu khác nữa. Từ đó, người thiết kế sẽ tính ra phân xưởng vỏ mỗi tháng phải gia công được bao nhiêu tấn thép và do đó cần bao nhiêu máy móc, diện tích mặt bằng, nhân công, v.v… hệt như thiết kế tàu. Trong thiết kế tàu, từ nhiệm vụ thư, người thiết kế không chỉ thiết kế thân vỏ, chọn máy mà còn tính ra định biên thuyền viên, thiết kế hệ thống chỉ huy, điều khiển. Trong thiết kế nhà máy, ngoài nhà xưởng, triền đà, máy móc  phải có cả quy trình công nghệ, tiêu chuẩn nội bộ, hệ thống quản lý sản xuất và công cụ của nó (mạng máy tính và phần mềm), định biên lao động từng bộ phận và thậm chí cả chức năng nhiệm vụ cụ thể chi tiết của từng người, … tóm lại là một cái nhà máy đầy đủ trên giấy. Mọi cái được tính toán, cân nhắc ăn khớp, hài hòa, vừa đủ để thực hiện các chỉ tiêu của nhiệm vụ thư. Công nghệ của nhà máy phải là công nghệ đóng tàu thương mại. Áp dụng công nghệ đóng tàu bao cấp của Mỹ là không ổn.
  • Có thiết kế tàu tốt của nước ngoài nhưng nếu do Nam triệu đóng cho chủ tàu trong nước và đăng kiểm VN giám sát thì chất lượng tàu cũng sẽ có vấn đề (xin lỗi tất cả những người có liên quan, nhưng đó là một thực tế mà chắc các bạn cũng thừa nhận. Ví dụ: đội tàu LASH.). Các con tàu xuất khẩu chúng ta đã đóng được chủ tàu đồng ý nhận vì giám sát của chủ tàu và đăng kiểm nước ngoài kèm từng ly từng tý. Vì vậy, quá trình xây dựng nhà máy đó sẽ thuê tư vấn giám sát nước ngoài, máy móc thiết bị hầu hết là nhập khẩu và chủ đầu tư cũng phải nghiêm túc.
  • Một con tàu tốt, chạy các tuyến hàng hải quốc tế phải do một công ty vận tải giỏi và một đội thuyền viên nước ngoài quản lý, vận hành (tối thiểu cũng là một số sỹ quan). Nhà máy xây dựng xong cũng sẽ thuê một đội quản lý nước ngoài quản lý vận hành trong vài năm đầu, trao quyền tuyển từ bảo vệ trở lên với hai yêu cầu: nhà máy sản xuất đạt công suất thiết kế và khi hết hạn hợp đồng quản lý, bàn giao nhà máy kèm một đội ngũ lao động từ bảo vệ đến giám đốc người Việt có đầy đủ năng lực. Đội ngũ lao động (cán bộ quản lý, kỹ thuật và công nhân) tự đào tạo trong nước có thể phấn đấu đạt chất lượng kỹ thuật tàu xuất khẩu không khó như thực tế cho thấy, mặc dù nếu để nước ngoài đào tạo thì đỡ tốn kém hơn. Nhưng để đóng đúng tiến độ và có lãi thì bất khả thi. Phải chấp nhận trả học phí để học.

Chỉ có nhà máy như vậy bao gồm cả phần cứng (hạ tầng, trang thiết bị) lẫn phần mềm (quy trình công nghệ, hệ thống quản lý sản xuất và con người được đào tạo) mới có thể gọi là đủ năng lực đóng tàu xuất khẩu.

Cả Vinashin cũng chỉ cần một nhà máy mẫu như thế đồng thời cũng là một trong những nguồn đào tạo nhân lực. Ngay từ khâu thiết kế nhà máy, ta đã có thể học được rất nhiều thứ để áp dụng cho các nhà máy khác, chưa nói sau này. Nguồn nhân lực được đào tạo từ đó cũng sẽ là nòng cốt cho các nhà máy khác. Đó cũng là cách nhanh nhất để đi tắt đón đầu chuyển từ đóng tàu “nội” sang đóng tàu “ngoại”.

Hồi đó, tôi có nói chuyện với một giám đốc tư vấn “đầy quyền lực”, khuyên nên đi nước ngoài học thiết kế nhà máy đóng tàu trước khi làm cho trong nước. Nghe thì có vẻ hiểu nhưng chắc là không thực hiện.

Đọc đến đây sẽ có người bĩu môi: “Sao hồi đó anh không nói. Bây giờ mới kể.”.

Nguyên nhân thì có nhưng không nên nói và có nói ra cũng không đóng góp gì cho sự phát triển sau này, vì vậy không cần thiết. Nếu mọi thứ đều có thể nói ra và được nghe thì Vinashin đã không lâm vào tình trạng bây giờ. Tôi viết blog này cũng không phải để vớt vát cái danh thừa của người biết trước nhưng bây giờ mới kể như có bạn đã “còm”. Chỉ có người có mặc cảm có lỗi mới phải vớt danh như vậy.

Thiếu cái tư duy kinh doanh “xây dựng những trung tâm lợi nhuận (làm ra tiền) thật sự” thì dù có đổ vào càng nhiều tiền, đổ vỡ sẽ càng lớn.

Đó là sai lầm lớn nhất của Vinashin “cũ”, điều mà có lẽ phó TT Sinh Hùng cũng nhận ra khi ông phát biểu “Nếu để cho Vinashin phá sản, nó sẽ thành đống sắt vụn”. Câu nói này đầy chất “ông đồ xứ Nghệ”, thâm thúy, lời ít ý nhiều, bạn cứ nghĩ kỹ mà xem.

Một con tàu không đủ tính năng đi biển nhưng lại cứ xông ra biển với một lượng hàng khổng lồ, hoành tráng (đứng thứ 4 thế giới) thì trước sau gì nó cũng tự đắm, không cần bất kỳ ngoại lực nào: khủng hoảng thế giới, đầu tư ngoài ngành, v.v…

Thực ra, nếu tôi không chịu tìm tòi trên Internet cũng không phát hiện ra điều này. Cả một đội ngũ đóng tàu “nội” thời kỳ trước (xem thêm), trong đó có tôi, đều tin rằng mình đã biết đóng tàu, đã đóng được nhiều tàu cho trong nước thì nay chuyển sang đóng tàu xuất khẩu không có khó khăn gì lớn. Một anh thợ may nổi tiếng phố huyện nghĩ rằng mình thừa sức may áo xuất khẩu là chuyện dễ hiểu và có thể thông cảm được. Một ví dụ tiêu biểu cho cái “hào khí” đó là đội tàu LASH: ý tưởng, thiết kế, chế tạo, chủ tàu, đăng kiểm đều “nội” tất và kết quả thì ai cũng rõ.

Nói như vậy không phải là sùng ngoại. Tự biết mình ngu, tìm đúng thầy và chấp nhận trả học phí trong những bước đi ban đầu chập chững là cách làm đúng nhất, tiết kiệm nhất. Đội tuyển bóng đá Việt nam, thậm chí đội Hoàng Anh – Gia lai thôi, cũng phải thuê huấn luyện viên ngoại, cầu thủ ngoại, tại sao Vinashin lại không? Thuê thật sự chứ không phải cái đề án “Thuê TGĐ nước ngoài” nhé.

Khi một lãnh đạo Vinashin “mới” phát biểu: “Tái cơ cấu Vinashin, chủ yếu là tái cơ cấu tài chính” là tiếp tục sai lầm một lần nữa do méo mó nghề nghiệp, không nhìn ra cái mà thanh tra đã kết luận ở trên.

Nhiệm vụ chính và chủ yếu của bản thân Vinashin hiện nay là tái cơ cấu năng lực sản xuất, tức là làm sao các nhà máy đóng tàu đúng tiến độ và có lãi.

Nếu không làm được điều đó trước, dù có thay đổi nhân sự tán loạn, cố nặn ra hợp đồng đóng tàu và đổ thêm tiền vào cũng chỉ tạo thêm nhiều khoản lỗ mới còn lớn hơn trước, tiền sẽ một đi không trở lại.

Và trong giai đoạn tái cơ cấu năng lực sản xuất, các tiêu chí đánh giá phải khác, không phải số lượng tàu lỗ đóng được. Đừng ép nó phải hoàn thành cái chỉ tiêu đó vào giai đoạn này.

Đóng tàu có thể chấp nhận lỗ như Hàn quốc đã làm (xem bài “Hàn quốc đóng tàu có lãi không?”). Nhưng cái lỗ đó là lỗ có kế hoạch, có chỉ đạo, cái giá phải trả trong thời gian đầu để cạnh tranh chiếm thị trường. Anh tư nhân nào mới mở công ty đều hiểu điều đó. Lỗ vô tổ chức, càng ngày càng lớn thì không chấp nhận được.

Năng lực sản xuất là gốc, những cái khác là ngọn. Bỏ gốc đi làm ngọn, thất bại là chắc chắn.

Một công ty đã lâm vào tình trạng phá sản không bao giờ có năng lực tự tái cơ cấu tài chính mà phải trông vào sự trợ giúp từ bên ngoài. Bởi vì nếu không thế, nó đã không lâm vào tình trạng phá sản. Chỉ có các công ty đang lâm vào tình trạng khó khăn nhưng chưa đến mức phá sản mới có thể tự tái cơ cấu tài chính được. Thực tế nước Mỹ năm 2009 vừa qua cho thấy điều đó. Chính phủ Mỹ công khai bơm tiền cứu một số doanh nghiệp lớn đã lâm vào tình trạng phá sản và hiện nay lại còn thu được lãi không nhỏ khi thu hồi số tiền đó về. (Tôi không được học về quản trị kinh doanh, tài chính, “phán bừa” như vậy không biết có đúng không?)

Khi đã có sự hỗ trợ đúng và chính xác về tài chính từ bên ngoài, nhiệm vụ của Vinashin về tài chính chỉ là triển khai các bước thủ tục cụ thể. Nhưng nếu thiếu hiểu biết về tình hình, sẽ đòi các cơ chế đặc biệt nhưng không khả thi, dồn cấp trên vào tình trạng rất dũng cảm mới phê duyệt được để rồi sau đó lại không thực hiện được. Vì vậy đối với riêng Vinashin, tái cơ cấu tài chính mặc dù rất quan trọng nhưng không phải nhiệm vụ chính. Vì lẽ đơn giản là bản thân nó không tự làm được điều đó.

Ngược lại, ở tầm quốc gia thì tái cơ cấu Vinashin chủ yếu là tái cơ cấu tài chính, nhưng tái cơ cấu năng lực sản xuất là rất quan trọng. Nếu năng lực sản xuất không được cải thiện đạt tiêu chuẩn đóng tàu thương mại như nói ở trên, tái cơ cấu tài chính chỉ đối phó được trước mắt mà không bền vững được lâu dài.

Nhận thức được đúng đối với bản thân Vinashin, tái cơ cấu cái gì là chính, là phụ sẽ góp phần vào việc chọn lãnh đạo đúng. Chọn như bây giờ là … “còn nhiều bất cập” (một mỹ từ mà các văn bản chính thức hay dùng để chỉ cái gì thì các bạn đều hiểu).

Cũng do nhận thức sai vấn đề nói trên mà Vinashin “mới” vừa qua đã “tái cơ cấu” … “còn rất nhiều bất cập”!

Gần đây tôi rất mừng khi nghe tin một công ty Hàn quốc đã đề nghị giao một nhà máy đóng tàu cho họ quản lý kiêm cả việc lo kiếm hợp đồng đóng tàu. Đó là một hướng đi đúng, không hiểu tại sao lại không được chấp nhận.

Mà cũng có thể không đến mức phải cần thầy ngoại. Ở Vinashin có hai nhà máy đóng tàu đáng chú ý. Nhà máy đóng tàu Sông Cấm tuy nhỏ nhưng luôn có việc và có lãi, tổ chức, nội quy cực kỳ quy củ. Lãnh đạo mới tới thăm về khen nức nở, thậm chí còn điều người từ đó sang làm giám đốc nơi khác. Nhưng đến các cháu chuyên viên trẻ cũng hiểu rằng Sông Cấm thực chất là một cái liên doanh: Đamen làm mọi việc cần đến know-how, chỉ thuê thợ làm các phần việc thủ công còn lại. Vì vậy người của Sông Cấm cũng không phải là thần thánh  và thực tế đã chứng tỏ đúng như thế. Không có nghề nhưng lại không chịu học hỏi, bổ nhiệm theo cảm tính thì như thế đấy.

Gần đây, tôi rất chú ý đến cái tin công ty Công nghiệp Tàu thủy Sài gòn giao tàu đúng tiến độ, thậm chí được thưởng tiến độ và có một chút lãi (theo lời anh Thái Văn Hùng, không hiểu đã tính đủ chi phí chưa, ví dụ khấu hao?). Nên tổ chức tìm hiểu kỹ trường hợp này, nếu đúng như vậy (kể cả trong trường hợp tiến độ đã được điều chỉnh vài lần rồi), đó là một điều đáng mừng. Nó chứng tỏ rằng nếu được lãnh đạo có tài, tổ chức tốt, ta cũng có thể đóng tàu  xuất khẩu “thật sự” được. Còn nếu không đúng, thầy ngoại là bắt buộc.

Ngay cả Pie đại đế khi định tổ chức đóng tàu còn phải đi học. Và vì thế ông mới được tôn xưng là “đại đế”. Đừng lặp lại sai lầm của thế hệ chúng tôi: “ngu” nhưng lại nghĩ mình “khôn”, hì hục tự làm lấy mọi thứ!

Trên đây cũng chỉ là sới lên vài ý nông cạn. Để giải quyết cụ thể, chi tiết vấn đề này phải có một tập thể nhiều chức danh và bằng cấp. Và tái cơ cấu Vinashin cũng còn nhiều việc khác, không thể không làm, nhưng không phải làm theo cách hiện thời. Một  ví dụ: cắt giảm 200 đơn vị thành viên, Vinashin sẽ tự làm được sau … 20 năm nữa.

Tôi viết bài này nhằm đóng góp cho hiện tại, tương lai và góp phần ngăn chặn việc tiêu tiền vô ích. Mong rằng đừng có ai lợi dụng, suy diễn bới móc cái cũ làm gì.

Không làm được, hãy dũng cảm xin nghỉ

Đọc cái tên bài viết này đừng có giật mình. Đấy là ý kiến của bầu Đức, đội Hoàng Anh – Gia lai, không phải của tôi!

Thay đổi không khí một chút. Bóng đá Việt nam cũng đang bước vào ngưỡng cửa “tái cơ cấu”. Dưới đây trích lại một số đoạn đăng trên báo Lao động vài ngày gần đây.

Bầu Kiên: Coi chúng tôi là trẻ con hay sao mà tổng kết vậy?

“Các anh có biết vì sao bầu Long, bầu Tuấn bỏ bóng đá không? Vì chúng tôi mất hết niềm tin, mất hết sự tin tưởng vào sự điều hành nền bóng đá”, bầu Kiên bày tỏ bức xúc.

Về công tác trọng tài, ông Kiên nói: “Các nhà điều hành thừa khả năng nhận biết ra các trận đấu có biểu hiện tiêu cực, vấn đề là có dám mở mắt nhìn thẳng và xử lý mạnh hay không.

Chủ tịch CLB HAGL Đoàn Nguyên Đức: Không làm được, hãy dũng cảm xin nghỉ

Tôi không đi họp tổng kết vì không có thói quen ngồi nghe đọc báo cáo, nhưng nếu đi thì tôi cũng sẽ nói như anh Kiên thôi. Những gì anh ấy nói đúng tuyệt đối. Những năm trước, tôi cũng nói mạnh lắm, nhưng gần đây không nói nữa, vì nói cũng chẳng thay đổi được gì. Vấn đề của VFF thì ai cũng biết, nhưng thay đổi như thế nào mới là vấn đề. Liệu người ta có chịu lắng nghe, có chịu hy sinh một số lợi ích hay không? Nếu làm không được, anh hãy dũng cảm xin nghỉ. Nhưng ở VFF hình như không có văn hoá từ chức.

Làm bóng đá khác với làm chính trị nhiều lắm, phải nhanh nhẹn và quyết đoán. VFF cần phải cải tổ lại mọi thứ. Cuộc chơi này là của chúng tôi, những người làm bóng đá và có tâm huyết thực sự, chứ không phải của mình họ. Nhưng họ không tôn trọng chúng tôi.

(nguồn: http://laodong.com.vn/Tin-tuc/Bau-Kien-Coi-chung-toi-la-tre-con-hay-sao-ma-tong-ket-vay/57618http://laodong.com.vn/Tin-Tuc/Bau-Duc-Khong-lam-duoc-hay-dung-cam-xin-nghi/57792)

Câu cuối cùng nghe ai oán quá. Mỗi ông bầu này một năm bỏ khoảng 60-80 tỷ chi cho đội bóng mà còn bị đối xử như thế. Chẳng trách …

Đây là cuộc đấu tranh tất yếu trên con đường tiến lên nền kinh tế thị trường giữa một bên là những người có tài, làm ra tiền và những kẻ bất tài nhưng lại có quyền nhờ vào một tờ A4. Để xem vụ này rồi kết thúc ra sao.

Bạn nghĩ sao?

Từ Vinashin nhìn lên hai ngành viễn thông và dệt may Việt nam

Ngành viễn thông (điện thoại di động và Internet) Việt nam có lẽ là ngành quốc doanh duy nhất thành công lớn trên nhiều phương diện.

Về hiệu quả xã hội thì ai cũng thấy. Ngày nay, bà quét rác, ông bơm xe, thậm chí cả ăn mày cũng có thể xài điện thoại di động. ĐTDĐ trở thành một công cụ phổ biến không thể thiếu ngang với quần áo mặc hàng ngày. Sim điện thoại còn dễ mua hơn cả rau và có bán khắp hang cùng ngõ hẻm. Internet cũng có mặt khắp nơi với các dịch vụ ngày càng phong phú và giá cũng như chất lượng rất bình dân.

Về hiệu quả khoa học kỹ thuật: mạng viễn thông Việt nam vào loại lớn và tiên tiến trên thế giới. Các công nghệ mới như GPRS, 3G, Wimax, … đều được thử nghiệm sớm và đưa vào ứng dụng được.

Về hiệu quả kinh tế: vài năm trước Mobifone có lãi suất lên đến 50%, tuy không có số liệu cụ thể nhưng số người làm trong ngành này chắc sẽ rất lớn. Trong giai đoạn đầu độc quyền, Vinaphone và Mobifone chắc không khó khăn gì trong việc hoàn vốn đầu tư và ngân sách cũng có khoản thu không nhỏ. Viettel đạt doanh thu 4 tỷ USD năm 2010, thậm chí còn đủ khả năng đầu tư ra nhiều nước khác.

Và điều thành công nhất về mặt kinh tế là thị trường viễn thông hiện nay đã là thị trường thật sự, có sự cạnh tranh khốc liệt giữa các loại công ty viễn thông lớn và nhỏ. Chính điều này đảm bảo cho sự phát triển bền vững của ngành.

Tất nhiên trong giai đoạn phát triển vừa qua, bên trong ngành viễn thông Việt nam chắc chẳng thiếu gì chuyện bê bối. Nhưng nhìn tổng thể như trên thì là thành công lớn.

Tấm gương này cho thấy khi một ngành kinh tế quốc doanh phát triển đúng, nó thật sự là một “quả đấm thép”. Một điều rất lạ là khi Vinashin sụp đổ, một làn sóng dư luận nổi lên chê bai các tập đoàn, tổng công ty nhưng không hề có ý kiến nhắc đến thành công của ngành viễn thông hay dệt may.

Các bước đi của ngành viễn thông là bài học rất đáng xem xét cho ngành đóng tàu Việt nam tương lai.

Thứ nhất, trong giai đoạn ban đầu, khi còn chưa biết gì về viễn thông, ngành phát triển được mạng Mobifone nhờ vào hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) với tập đoàn Kinnevic/Comvic Thụy điển. Giai đoạn BCC kéo dài 10 năm (1995 – 2005) là giai đoạn ngành viễn thông học nghề và đào tạo lao động. Vào năm 1995 mà ký hợp đồng hợp tác với nước ngoài chắc là cũng chịu nhiều thua thiệt nhưng đó là cái “ngu phí” xứng đáng để trả.

Ngành viễn thông có truyền thống lịch sử lâu đời và có cả thành tích đã đóng góp vào sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Nhưng khi bước vào sân chơi mới, họ đã có một quyết định rất chính xác: không ỷ vào quá khứ tự làm cái mà mình không biết.

Ngành đóng tàu cũng có một liên doanh ngay từ đầu: liên doanh sửa chữa tàu Huyndai-Vinashin, nhưng không học được tý gì từ đó, kể cả tận dụng nguồn nhân sự do liên doanh đào tạo. Một vài nhà máy đóng, sửa chữa tàu khác do nước ngoài xây dựng cũng lâm vào tình trạng tương tự.

Việc quyết định liên kết với Kinnevic/Comvic, một tập đoàn viễn thông lớn, có trình độ tiên tiến trên thế giới cũng là một quyết định sáng suốt, giúp cho ngành “đi tắt đón đầu”. Nhưng có lẽ cũng là may cho họ, trước đây ngành viễn thông của các nước XHCN chưa có. Nếu liên kết kiểu Vinashin liên kết với ngành đóng tàu Ba lan thì mọi sự sẽ khác đi rất nhiều.

Thứ hai: Hai năm sau khi ký BCC, năm 1997 công ty Vinaphone mới ra đời, 100% quốc doanh. Đó là khi đã học được nghề ở mức nhất định và có một đội ngũ lao động được đào tạo. Tuy rằng cùng chung một mẹ (VNPT) nhưng chung một thị trường, giữa hai công ty có sự cạnh tranh nhất định và do đó cùng phát triển tuy rằng cũng dựa trên độc quyền để cùng móc tiền túi của dân.

Thứ ba, bước quyết định dẫn đến đột phá trong thị trường viễn thông là việc gia nhập của Viettel năm 2004 vào thị trường điện thoại di động. Thị trường trở nên cạnh tranh thật sự, giá giảm mạnh dẫn đến sự phổ biến của dịch vụ. Sự cạnh tranh này cũng làm cho chất lượng dịch vụ điện thoại di động, truy cập Internet tăng lên rõ rệt.

Ngành đóng tàu hiện nay cũng ở vào tình trạng gần giống ngành viễn thông năm 1995 (chỉ nói riêng hướng phát triển tiếp). Bài học gì từ người đi trước? Câu hỏi này xin dành cho những người đang được tín nhiệm, giao trọng trách tái cơ cấu Vinashin.

Cuối cùng một điểm cũng rất quan trọng. Vào thời điểm quyết định phát triển ngành viễn thông, đất nước còn rất khó khăn. Các lãnh đạo thời đó thậm chí phải đặt cược cả sinh mệnh chính trị vào chủ trương phát triển ngành. Đã có những ý kiến rất có trọng lượng nói: “Ăn còn chưa đủ, lại đi nói chuyện a lô”. Sự dũng cảm, tầm nhìn xa của những lãnh đạo hồi đó thật đáng khâm phục.

Với ngành đóng tàu điều đó đang được lặp lại. Kinh tế thế giới và trong nước đang hết sức khó khăn, bản thân ngành đóng tàu lại là ngành khó chơi ngay cả trong điều kiện kinh tế bình thường như trong một số bài viết trước đã giới thiệu. Vậy thì có nên phát triển ngành này không? và phát triển ở quy mô nào?, các bước đi đúng đắn ra sao? lại đòi hỏi sự dũng cảm và tầm nhìn xa của các cấp lãnh đạo.

Học ngành viễn thông là học những cái vĩ mô như đã nói ở trên. Còn một ngành nữa Vinashin nên cắp sách đến thụ giáo những cái cụ thể, sát sườn hơn là ngành dệt may như đã nói ở đây. Có lẽ nên mời các bậc tiền bối của 2 ngành đó vào ban chỉ đạo tái cơ cấu Vinashin và thậm chí …. Tại sao không?

Pie Đại đế, một ông vua hiếm hoi trong lịch sử nước Nga được gán mỹ danh “Đại đế”, khi quyết định phát triển ngành đóng tàu trong nước đã đích thân cải trang đi làm thợ đóng tàu ở Thụy điển. Tất nhiên đây là một tấm gương cực đoan không cần thiết, nhưng sự cầu thị của ông thật đáng khâm phục.

Một trong những điểm chung của viễn thông và dệt may là tỷ lệ nội địa hóa rất thấp, hầu như bằng không. Vậy mà trong chuỗi giá trị toàn cầu họ vẫn tìm được chỗ đứng. Doanh thu năm 2010 của dệt may dự kiến đạt 10 tỷ USD, giải quyết công ăn việc làm cho 2 triệu lao động (5% tổng lao động toàn quốc).

Nội địa hóa (phát triển công nghiệp phụ trợ) là một việc nên làm, nhưng phải làm một cách có hiệu quả: đúng thời điểm khi thị trường trong nước đủ lớn hoặc đạt chất lượng xuất khẩu để lấy thị trường nước ngoài là chính và chọn đúng cái nên nội địa hóa, tóm lại là đủ điều kiện để có lãi. Phát triển công nghiệp phụ trợ một cách phi kinh tế hoặc đổ lỗi vì không có công nghiệp phụ trợ nên không có lãi là hậu quả của cái “tư tưởng tiểu nông, tự cấp tự túc” mà ta vẫn được dạy trong trường. Một ví dụ: không có gì khôi hài hơn cái “nhà máy chế tạo ……”! Nay lại còn định nâng cấp nó lên thành tổng công ty công nghiệp phụ trợ thì hết chỗ nói.

Ngành đóng tàu trong giai đoạn đầu phát triển chỉ cần gia công đúng tiến độ và có lãi đã là một thành công lớn. Và nếu các ngành khác làm được thì đóng tàu tại sao không? Chỗ đứng của chúng ta trong chuỗi giá trị toàn cầu về đóng tàu là ở đâu? Câu hỏi này chỉ có một đề án “thật sự”  về phát triển ngành đóng tàu  trả lời được.

Một điểm nữa ngành đóng tàu nên học hai ngành nói trên. Đó là hai ngành phải cạnh tranh khốc liệt trong nước hoặc ngoài nước. Thị trường chính của ngành đóng tàu là nước ngoài, cũng là một thị trường cạnh tranh khốc liệt như đã nêu trong một số bài viết trước. Đừng học những anh độc quyền!

Trục vớt tàu đắm.

Trục vớt tàu đắm có lẽ là công việc khó khăn, mạo hiểm, đầy rủi ro nhất trong ngành đường thủy. Và vì thế, nó đòi hỏi những điều khác thường ở cách tổ chức và người thực hiện. Vinashin “cũ” đã từng có những “thành công” vang dội trong việc trục vớt hai con tàu Bạch đằng giang và Mỹ đình một thời gây xôn xao dư luận.Hai vụ trục vớt này để lại nhiều bài học hay mà tôi điểm lại ở đây dưới góc nhìn cá nhân.

Để trục vớt thành công một con tàu đắm, nhất là loại tàu lớn lại nát như Bạch đằng giang cần có những điều kiện cần và điều kiện đủ.

Điều kiện cần là a/có đủ sức mạnh, b/có cơ chế và tổ chức phù hợp, c/lập được phương án đúng. Điều kiện đủ là chọn đúng người để thực hiện.

Ngay cả khi điều kiện cần còn chưa đủ, chọn đúng người thực hiện cũng rất quan trọng vì trục vớt có đặc điểm đặc thù như sẽ nói dưới đây.

Trong hai vụ nói trên, việc anh Bình chọn Vũ tôi nghĩ là đúng.

Điều đầu tiên việc trục vớt đòi hỏi bản lĩnh, ý chí kiên cường của người trục vớt, nhất là khi việc trục vớt thực hiện dưới nhiều áp lực phi kỹ thuật như hai trường hợp nói trên. Một công việc không biết có thành công hay không, nhiều lần thử thất bại, đầy những tình huống bất ngờ, nhiều khi tưởng như vô vọng, áp lực từ bên ngoài vô cùng lớn. Đối mặt với những điều đó, phải công nhận là Vũ có sự kiên cường mà ít người có được.

Bởi lẽ đơn giản là Vũ có cá tính mạnh và lớn lên trong khó khăn từ hai bàn tay trắng. Ngược lại, “con nhà giàu”, lớn lên trong nhung lụa, tiêu tiền như nước, làm việc gì cũng thuận lợi, hoang tưởng về bản thân mình thì lúc đầu hùng hổ, đội đá vá giời nhưng chỉ sau thời gian ngắn khó khăn bế tắc là nản chí, tiu nghỉu như mèo bị cắt tai, tìm đủ đường rút lui, thậm chí quay ra hục hặc với nhau. Những người như thế không cho đi trục vớt tàu đắm được.

Đi trục vớt tàu đắm mà suốt ngày hoài niệm: “Ngày xưa tớ tiêu một tối ở vũ trường cũng hết 500 triệu”, “Doanh thu các cậu chỉ bằng tiền nuôi mấy con cún nhà tớ” thì đúng là botay.com

Điều thứ hai, trục vớt tàu đắm đòi hỏi phải có nghề, am hiểu sâu sắc về con tàu bị đắm : kết cấu của nó như thế nào, tính nổi và ổn định là cái gì, nguyên nhân tại sao nó đắm, tình trạng hiện nay ra sao, hút chỗ nào thì nó nổi, lấp chỗ nào thì nước không vào tiếp, v.v… và v.v…. Thời đó, đã từng có một phó TGĐ Vinashin trực tiếp lặn xuống khảo sát lỗ thủng ở thân tàu, xả thân đến mức như thế. Cái yêu cầu về nghề này rất khắt khe, thậm chí một anh thuyền trưởng tàu cá cũng không thể chỉ huy trục vớt một con tàu hàng hiện đại được. Cùng là tàu nhưng hai cái khác nhau quá nhiều, nhất là trong hoàn cảnh trục vớt. Mặt khác nghề ở đây hiểu theo nghĩa rộng không phải thuần túy kỹ thuật. Vũ cũng chẳng phải người giỏi giang gì về kỹ thuật.

Yêu cầu tối thiểu là có nghề quản lý, lãnh đạo thật sự, tập hợp được quần chúng và biết sử dụng những người có chuyên môn. Một việc khó không thể là việc riêng của một cá nhân hoặc bè cánh của cá nhân nào đó.

Khả năng tập hợp quần chúng là điểm mạnh của cả anh Bình và Vũ và của mọi cấp trưởng “thật sự”. Việc Vũ trước đây “thu phục” được một đối thủ hàng đầu cũng nói lên điều đó.

Anh Bình một tay dựng nên Vinashin, đứng đầu sóng ngọn gió, được nhiều người khen đứt lưỡi nhưng vẫn thiếu hai tố chất cơ bản của người lãnh đạo: đầu óc kinh doanh và khả năng tổ chức, triển khai công việc. Tuy vậy, khả năng làm những việc mạo hiểm như trục vớt thì có thừa.

Công tử con nhà giàu, lớn lên trong công ty của bố, mặc dù có chức tước rất to nhưng suốt đời ăn theo nói leo, chưa bao giờ làm “cấp trưởng thật sự”, chỉ biết tiêu tiền chùa cũng không gọi là có nghề quản lý, lãnh đạo được.

Đi trục vớt mà đuổi hết thuyền viên cũ, rủ rê một đám bạn “có vấn đề” ở nơi khác, cả đời chưa trèo lên tàu bao giờ, chỉ thu phục nổi đám cơ hội trong các thuyền viên cũ thì thất bại là chắc chắn.

Người không có nghề, chỉ trỏ lung tung, thậm chí do ngu dốt lại còn phá thêm làm cho con tàu không bao giờ còn nổi lên được nữa. Nhiệt tình cộng với ngu dốt thì thành ra phá hoại là chân lý mà ai cũng biết. Những người không có năng lực quản lý lãnh đạo tối thiểu hoặc không có khả năng sử dụng những người có nghề thì đừng bảo họ đi trục vớt.

Muốn tàu “tự nổi” được thì phải bảo vệ những thể tích kín nước hiện có, bịt các lỗ hổng, hút bớt nước để tạo nên các thể tích kín nước mới. Phá phách lung tung, tàu mất hoàn toàn khả năng nổi trở thành đống sắt vụn là hết mọi hy vọng.

Nước là tối quan trọng đối với tàu. Tàu muốn nổi phải có nước. Tàu đắm là do nước tràn vào tàu. Nhưng điều kiện tiên quyết là tàu phải có đủ tính nổi. Nếu coi nước là quan trọng, sai một anh kỹ sư thủy lợi đi vớt tàu đắm, ra sức đục phá sai kỹ thuật để hút nước ra, tàu chỉ có đắm thêm thậm chí không bao giờ còn tự nổi lên được nữa.

Vì vậy, ngay cả khi chưa có một phương án trục vớt khả thi, người triển khai trục vớt cũng phải có ý chí kiên cường, có nghề quản lý để:a/khảo sát chính xác tình trạng tàu, cung cấp dữ liệu chính xác cho việc lập phương án trục vớt và b/bảo tồn được tình trạng tàu, không làm cho tàu nát thêm.

Những điều sau đây cần tránh:

  • Thiếu ý chí, càng khảo sát càng thấy sợ, mất tinh thần, bế tắc quay ra làm những việc vớ vẩn để giữ sĩ diện, đối phó tránh bị cấp trên mắng.
  • Non nớt trong quản lý, lãnh đạo, không tập hợp được quần chúng ngược lại “thành công xuất sắc” trong việc tạo nên một tâm lý hoang mang, chán nản, mất niềm tin của cả tập thể.
  • Không có nghề, khảo sát rồi báo cáo lung tung thì người lập phương án chỉ có chết.
  • Không có nghề, chọc cho tàu vỡ thêm, mất hoàn toàn tính nổi thì hết thuốc chữa.

Đó là những điều đại kỵ trong giai đoạn đầu chuẩn bị trục vớt. Người nào chỉ cần phạm vào một trong những điều nói trên thì nên thay thế ngay lập tức.

Nếu thực tế chứng tỏ những người ban đầu được giao trục vớt không đủ năng lực thì nên thay thế ngay. Hiệu quả của việc trục vớt và niềm tin của những người trong cuộc quan trọng hơn là dư luận lao xao của những người ngoài cuộc. Hơn nữa đây là loại công việc gấp, càng để lâu hậu quả càng nặng.

Điều thứ ba, đương nhiên là phải có tiền và phương tiện. Người có nghề, có tiền sẽ biết cách nên dùng phương tiện gì, dùng cách gì để trục vớt. Cách này không được thì nghĩ ra cách khác, đó là thực tế với hai con tàu nói trên. Đóng một con tàu đã mất rất nhiều tiền, trục vớt nó lên lại thêm một đống tiền nữa. Sai những người không có khả năng đi trục vớt là mất tiền oan một lần thứ hai và làm cho tàu đáng lẽ còn nổi được biến thành đống sắt vụn. Điều này thì những người bỏ tiền ra nên suy nghĩ cho kỹ.

Điều cuối cùng là một chút vận mệnh. Tàu Mỹ đình chỉ nổi chậm vài ngày là sẽ bị một loạt bài báo tung ra để “đánh”. Nó lại nổi lên đúng lúc mà ngay cả những người đang trục vớt cũng không nghĩ là sẽ thành công.

Đã chót tin một người đóng ra con tàu rồi lại làm nó đắm thì cũng nên cân nhắc thật kỹ về người sẽ trục vớt nó lên.

Chả lẽ lại thiếu người đến thế?

Trên đây chỉ bàn về điều kiện đủ: chọn đúng người trục vớt tàu. Còn điều kiện cần đã nói ở trên xin dành cho một bài khác.

Đối với cá nhân tôi, tàu nổi hay chìm chẳng còn ảnh hưởng gì nữa, cũng không thù ghét gì ai mặc dù giọng văn có hơi “chua chát”. Nhưng nếu nó bị phá đến mức không còn nổi lên được thì hàng loạt đồng nghiệp, bạn bè sẽ chìm theo. Đó là điều không ai muốn và cũng là một trong những lý do tôi viết những bài như thế này.

Trước kia mình đã hèn, trơ mắt nhìn con tàu đắm. Nay lại hèn bình phương thì ….

(Tái bút: nói về Bình, Vũ, Nam triệu hay nói chung về Vinashin “cũ” tôi sẽ chỉ nói những cái hay, cái được mà bây giờ không ai nhắc đến. Những cái xấu, cái dở thì … thuộc phạm vi “tự kiểm duyệt” mất rồi).

Xem tiếp...

Kinh nghiệm lãnh đạo và “văn hóa chửi”

(Chia sẻ với các đồng nghiệp cũ của tôi)

Tôi chỉ là một cấp lãnh đạo nho nhỏ nằm trong “dây chuyền phụ” trước đây của Vinashin, chưa bao giờ được bước vào “dây chuyền chính” thuộc các “siêu ban” hoặc “ban đầy quyền lực”.Mặc dù có thời, bên ngoài đồn đại tôi là “quân sư” của Vinashin, thực ra là rất oan. Anh Bình quá siêu nhân rồi, chẳng cần ai quân sư hết.

Tuy vậy cũng có vài kinh nghiệm lặt vặt chia sẻ ở đây.

Phải thẳng thắn mà công nhận rằng trong mặt bằng dân trí còn thấp hiện nay và nhất là trong một bộ máy quản lý còn nhiều lộn xộn, mắng chửi là một trong những công cụ lãnh đạo có hiệu quả.

Có điều là cách chửi như thế nào?

Trong công việc, tôi nổi tiếng là khó tính và hay mắng (chưa có dũng khí chửi) nhân viên. Nổi tiếng đến mức mà có lần cần tuyển người, tôi đã gửi email thông báo cho tất cả cơ quan, tiêu chuẩn tuyển cũng nhẹ nhàng, nói rõ là ưu tiên con em trong ngành mà chờ mãi không thấy ai đến. Trong khi đó, đồng nghiệp lại mang con em ra gửi các đơn vị khác. Khi được hỏi là tại sao không gửi vào chỗ tôi thì trả lời là “Làm ở chỗ ông ấy khó sống lắm”. Tôi thường nói vào chỗ tôi phải chịu được dội nước sôi thì mới nên người được.

Tuy nhiên gần đây, một trong những nhân viên cũ tạm gọi là thành đạt quay lại bảo tôi: “Ngày xưa qua được cái lò bát quái luyện đan của chú mà cháu mới có ngày hôm nay. Chú lúc nào cũng là chú của cháu”. Một số người khác có năng lực, tôi cũng giúp họ có được tay nghề thực sự và quan hệ với tôi rất tốt.

Bên ngoài công việc, tôi chuyện trò vui vẻ, tâm sự chân tình với từ lái xe, bảo vệ đến các ủy viên HĐQT, TGĐ chức năng (cũ), mở một cái “quán nước” lúc nào cũng đông khách. Đã có lần tôi định đòi anh Bình trả lương “chính trị viên”, “cha tuyên úy” vì thường xuyên phải tâm sự, chia sẻ, an ủi, động viên đám con chiên đầy lo lắng, hoảng sợ của ông ấy.

Vì vậy nhiều ý kiến tôi phát ngôn không đơn thuần là ý kiến cá nhân. Nó là tổng hợp những ý kiến tôi nghe được và tán thành.

Với tất cả lòng khiêm tốn của một … quần chúng tốt, tôi nghĩ rằng mình như thế là chửi khôn.

Bởi vì những kiểu chửi sau đây tôi không bao giờ dám làm:

  • Ngạo mạn, sấc sược chửi bới, sỉ nhục cả một tập thể, từ lãnh đạo đến nhân viên thường, không phân biệt đối tượng, bất kể người ta thực sự có lỗi hay không, coi ai cũng là tội phạm.
  • Mạt sát, sỉ nhục những người lao động lương thiện vì những lỗi lầm không phải do họ. Nếu một người được giao trách nhiệm, nhưng lại không được quyền làm đúng trách nhiệm mà họ được giao, thì lỗi không phải do họ.
  • Giao cho cấp dưới những việc bất khả thi, sau đó lại chửi họ vì không làm được việc.
  • Đứng trước một nhiệm vụ khó khăn, hùa nhau ra sức chửi rủa, dọa nạt gây nên một không khí khủng bố, ức chế làm lòng người ly tán, những người biết việc bỏ đi. Kết quả việc không hoàn thành để chính mình lại bị cấp trên chửi!

Đó là kiểu chửi Chí Phèo, vừa ngu vừa láo.  Lại thêm mấy chú chó con xưa nay vẫn liếm chân cụ Bá, nay quay sang liếm tay anh Chí, cắn lại đám người nhà cũ. Loạn! Làng Vũ đại đã nát lại càng thêm tan nát.

Anh Bình ngày xưa dưới một người, trên cả triệu người cũng chưa bao giờ dám làm như vậy.

Nếu tôi hành xử như vậy  rõ ràng là tay nghề lãnh đạo quá kém, chắc chắn ông Bình phải cách chức tôi nếu ông ấy không muốn bị vạ lây.

Đã có lần tôi mắng oan nhân viên, về nghĩ lại, hôm sau phải công khai xin lỗi. Cũng may nếu mình dám “chửi cả làng Vũ đại” thì không biết xin lỗi bằng cách nào?

Các bạn trẻ cũng nên biết rằng khi lãnh đạo đang lâm vào bế tắc, bị cấp trên chửi thì nhân viên rất dễ bị oan. Cũng nên thông cảm và …. thương hại cho lãnh đạo trong những hoàn cảnh đó.

Tôi thấy ngưỡng mộ ông này: http://vietnamnet.vn/vn/xa-hoi/34417/nguyen-bo-truong-gtvt-noi-ve–ghe-nong-.html . Hoàn cảnh giống nhau nhưng tầm và tâm khác nhau nên hành xử cũng khôn ngoan, có văn hóa hơn.

Nghe nói là trong một số đơn vị thịnh vượng, chửi được nâng lên thành tầm văn hóa doanh nghiệp: “văn hóa chửi”. Tuy nhiên khi tiền nhiều, cơ chế chính sách rõ ràng, bộ máy có năng lực thì chửi là một công cụ hiệu quả để thúc đẩy tiến độ, điều chỉnh công việc. Cấp dưới vì nhiều quyền lợi cũng không dám tức, mọi điều kiện đều có thì khi bị chửi triển khai cũng nhanh hơn. Làm không được, đáng bị chửi. Ở đây không có oán khí.

Nhưng áp dụng văn hóa đó sang nơi khác không có các điều kiện nói trên thì phản tác dụng.

Thế mới biết ở đời ngay cả chửi cũng phải biết cách!

Chúc thế hệ trẻ sau này khi xã hội phát triển văn minh hơn không phải dùng đến công cụ chửi và cũng không phải nghe chửi như thế hệ chúng tôi.

Chia tay Vinashin

Sáng nay, tôi gửi cho các đồng nghiệp ở Vinashin bức thư sau:

Kính gửi các đồng nghiệp,

Như đã thông báo trong thư trước, do môi trường và điều kiện công tác tại Vinashin hiện nay không còn phù hợp với tôi, tôi đã quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với Vinashin.
Đây là một quyết định khó khăn, nhưng lòng tự trọng và sự thất vọng hoàn toàn về một số cá nhân không cho phép tôi làm khác dù chỉ còn ít tháng nữa là về hưu.
Đến nay mọi thủ tục cơ bản đã xong. Tôi sẽ chính thức rời khỏi Vinashin.
Trong thời gian qua, nếu tôi có làm điều gì không phải, cho tôi gửi lời thành thật xin lỗi.
Như đã nói với TGĐ trong lần gặp gỡ gần đây:” Tôi vẫn rất có tâm với Vinashin và khi nào tái cơ cấu lần này thất bại, tôi sẽ quay lại”. Tin rằng những tiếng nói Vinashin chân chính sẽ đến được những nơi cần đến.
Giao lưu với các bạn có nhu cầu qua email phanvinhtri@gmail.com và blog https://phanvinhtri.wordpress.com/
Tạm biệt và chúc may mắn. Hẹn gặp lại trong một ngày tươi sáng hơn.
Phan Vĩnh Trị”
Sở dĩ tôi phải gửi bức thư trên và đưa lên blog để tránh những lời biện bạch bóp méo sự thật, đổ lỗi cho những người ra đi “ngại khó, ngại khổ, thiếu ý chí … nên bỏ đi” như đã từng xảy ra.
Tuy vậy blog này và một blog khác của tôi http://zxc232.wordpress.com vẫn sẽ được tiếp tục khi điều kiện còn cho phép.
Thay cho “bầu rượu, túi thơ”, chăm sóc cây cảnh, viết blog không “tao nhã” bằng nhưng là một môn thể thao trí tuệ có ích.

Lạm bàn về chiến lược quốc gia phát triển ngành công nghiệp tàu thủy.

(Đây là lạm bàn thôi. Tầm của tôi không với được tới những cái này)

Tại sao phải “quốc gia”

Từ “quốc gia” đưa vào đây không phải để cho oai hay để ưu ái gì cho ngành. Mà thực sự nó phải ở cái tầm ấy.

Để phát triển bất kỳ ngành kinh tế nào sử dụng nhiều nguồn lực của đất nước: đất đai, lợi thế địa lý, tiền, nhân lực, uy tín quốc gia, đòi hỏi có sự ủng hộ, hỗ trợ của chính phủ v.v… thì chiến lược phát triển ngành phải là chiến lược quốc gia, không phải chiến lược riêng của ngành. Và như vậy, mọi giai đoạn trong quá trình xây dựng, thông qua, triển khai phải thể hiện được tính “quốc gia” đó.

Riêng ngành công nghiệp tàu thủy, các quốc gia đóng tàu châu Á (Nhật, Hàn quốc, Trung quốc) hiện đang chiếm tuyệt đại đa số thị trường đóng tàu thế giới rõ ràng là có chiến lược quốc gia của họ mặc dù không công khai nhưng thể hiện qua nhiều dấu hiệu khác nhau.

Thông thường, các ngành kinh tế phát triển dựa theo quy luật cung cầu của thị trường. Một nhà tư bản định xây nhà máy đóng tàu phải khảo sát thị trường, dự báo tiềm năng, chọn quy mô đầu tư phù hợp v.v.. và v.v…

Chiến lược quốc gia không chỉ căn cứ vào đánh giá, dự báo nhu cầu thị trường và các quy luật kinh tế của nó. Do các mục tiêu khác của quốc gia: an ninh, quốc phòng, thậm chí để giải quyết công ăn việc làm, … và với hy vọng không chắc chắn lắm là chen chân được vào thị trường, một đất nước cũng có thể quyết định làm một điều gì đó.

Hợp đồng ít, nhà máy nhiều

Chính điều đó đã tạo nên đặc điểm then chốt nhất của ngành đóng tàu thế giới hiện nay như trong một văn bản của Liên hiệp châu Âu đã nhận định : “Mất cân bằng cung cầu, thừa năng lực đóng tàu do các chủ trương đầu tư chiến lược của một số quốc gia là vấn đề then chốt của ngành đóng tàu thế giới hiện nay”.i

Dưới đây là một ví dụ cho tình hình dư thừa năng lực đóng tàu đó:

Hình 1: Biểu đồ cung cầu về năng lực đóng tàu thế giới.

Biểu đồ trên do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OECD lập cho thấy:

  • Từ năm 1998 đến 2005, năng lực đóng tàu thế giới luôn luôn bị dư thừa so với nhu cầu đóng mới.
  • Năm 2005, dự tính năng lực đóng tàu đạt tới đỉnh (26,7 triệu tấn CGT) thì mức cầu kể cả tính đến việc phải đóng do công ước Marpol mới cũng chỉ là 20 triệu tấn CGT. Thừa gần 7 triệu tấn không có việc làm. Và sau đó mức cầu còn đi xuống.

(Số liệu này hơi cũ, tôi sẽ bổ xung sau. Nhưng hiện tượng dư thừa là chắc chắn).

Hiện tượng dư thừa năng lực đóng tàu sẽ dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh: các quốc gia có chiến lược phát triển ngành đóng tàu sẽ buộc phải hỗ trợ cho ngành bằng các biện pháp công khai hoặc kín đáo, không tuân thủ đúng luật chơi của WTO. Các nước buộc phải tuân thủ luật chơi như EU, Mỹ thì tức tối, thậm chí kiện nhau ra tòa.

Việt nam nên đóng tàu hay không?

Trước tình hình đó, câu hỏi đặt ra là: Việt nam có nên phát triển ngành đóng tàu không?

Trước đây, Việt nam có đường lối, chủ trương phát triển ngành đóng tàu. Khi Vinashin sụp đổ, lập tức xuất hiện các ý kiến cho rằng không nên phát triển ngành này.

Vấn đề không đơn giản như thế.

Cơ sở để quyết định phát triển ngành đóng tàu dựa trên nhiều yếu tố: nhu cầu về an ninh quốc phòng, các lợi thế so sánh về địa lý, giá nhân công…, các yếu tố xã hội như truyền thống ngành, giài quyết công ăn việc làm, …

Bờ biển dài chỉ là một lợi thế so sánh vì dễ có chỗ xây dựng nhà máy đóng, sửa chữa tàu, gần các tuyến hàng hải quốc tế, có nhu cầu phát triển đội tàu trong nước. Nhưng đó không phải là lý do để phải có ngành đóng tàu.

Cân nhắc các yếu tố trên mới chỉ trả lời câu hỏi: “Có nên phát triển ngành đóng tàu không?”. Hay là dành đất ấy, tiền ấy, người ấy cho ngành dụ lịch có lợi hơn? Câu hỏi đó chỉ ở tầm vĩ mô cao nhất mới đủ thẩm quyền trả lời. Còn ở tầm vi mô nó cũng tương tự như việc nên biến cái tầng 1 nhà mình thành quán cà phê, hiệu may hay cái gì khác thì có lợi nhất.

Việc nghiên cứu, soạn thảo ra các luận cứ để đi đến quyết định trên phải do một đội ngũ các nhà chính trị, kinh tế vĩ mô khách quan, vì quyền lợi quốc gia thực hiện, không phải khoán cho ngành chuyên môn. Đó là đặc điểm đầu tiên của một chiến lược quốc gia.

Tất nhiên trong hoàn cảnh cả làng bị ế như nói ở trên mà vẫn quyết định kinh doanh thì phải tính toán rất cẩn thận, có một cái gì đó hơn đời.

Đóng loại tàu gì?

Nếu nên rồi thì phát triển cái gì và như thế nào? Và ai sẽ trả lời câu hỏi này?

Việc đầu tiên là khảo sát thị trường, xác định các phân khúc thị trường, dự báo xu hướng nhu cầu dài hạn. Ví dụ phân khúc thị trường tàu cao cấp hiện châu Âu có thế mạnh, tàu cấp thấp thì hầu như Trung quốc độc chiếm. Đầu tư để đóng được tàu cao cấp thì vốn lớn, thời gian lâu, nhân công cần trình độ cao nhưng nếu dựa vào lợi thế nhân công rẻ thì có lẽ cạnh tranh dễ hơn. Đầu tư để đóng tàu cấp thấp thì vốn ít, nhanh và nhân công không yêu cầu cao nhưng cạnh tranh với Trung quốc cũng đang thừa nhà máy có lẽ là không khả thi. Việc khảo sát, phân tích, dự báo thị trường đóng tàu quốc tế phải do các tổ chức tư vấn quốc tế có đầy đủ kinh nghiệm, số liệu và phương pháp khoa học thực hiện. Việc chọn phân khúc thị trường nào sau khi có các dữ liệu trên là do trong nước.

Giao cho thằng con cả có nghề thợ may quy hoạch cái phòng mặt tiền thì đương nhiên nó mở cửa hàng may, chiếm hết chỗ của những thằng em khác. Vụ Posco là một ví dụ.

Do lợi thế bờ biển dài, có các cảng nước sâu, gần các tuyến hàng hải quốc tế, sửa chữa tàu cũng là một hướng đáng cân nhắc. Ngành đóng tàu châu Âu hiện cũng xác định đó là một hướng chiến lược 1.

Cả phố đầy cửa hiệu may và nhiều cửa hàng ngồi đuổi ruồi cũng chưa chắc là mình không nên mở. Và may cái gì để giật được khách từ cửa hàng bên cạnh là cái cần tính toán, suy nghĩ kỹ mà vẫn có thể khả thi.

Tàu gì cũng nhận, đầu tư không chuyên môn hóa để rồi làm cái gì cũng lỗ và chậm là một bài học xương máu không nên lặp lại.

Xây bao nhiêu nhà máy?

Việc tiếp theo là quy mô đầu tư và phân kỳ đầu tư. Đây là một bài toán khó, nhất là với ngành đóng tàu.

Đặc điểm rõ nét của ngành đóng tàu là tính chu kỳ. Có những giai đoạn đỉnh cao cả thế giới đua nhau đóng tàu như giai đoạn 2004-2007 vừa qua. Nhưng sau đó là một giai đoạn đủ tàu rồi, không ai buồn đóng. Năm 2007, tôi dự họp với anh Bình tiếp một công ty chuyên về phần mềm dự báo và phân tích thị trường. Họ đã đưa ra cảnh báo có kèm theo biểu đồ hẳn hoi là mức cầu về đóng mới đã tới đỉnh, sắp tới sẽ xuống rất nhanh, các ông nên chuẩn bị đi.

Không hiểu “tây” giải bài toán này như thế nào. Nhưng việc đầu tiên phải hiểu là bài toán này khó, ta không giải được phải mời thầy. Tôi nhớ trên báo GTVT gần đây có bài báo nhan đề “Cám ơn khủng hoảng”. Nếu không có khủng hoảng, Vinashin vay thêm được vài tỷ đô nữa xây hàng loạt nhà máy đóng tàu trong cả nước thì bây giờ, ngay cả nếu Vinashin không tự chết vì những lỗi nội tại của nó, các nhà máy cũng sẽ rất thiếu việc làm.

Và còn một cái khó hơn là “xây” bao nhiêu người thì vừa. Với một ngành phát triển có tính chu kỳ như đóng tàu, trong giai đoạn đáy thất nghiệp, dãn người là chuyện đương nhiên. Giai đoạn hoành tráng vừa qua của Vinashin với những tuyên bố, hội thảo quốc gia về nguồn nhân lực đã lôi kéo bao nhiêu các cháu lao vào học ngành đóng tàu. Đến bây giờ đọc chúng than thở trên mạng vì không tìm được việc mà xót xa. Bởi vì chính tôi cũng trải qua tình cảnh đấy: học một cái nghề không có việc.

(còn tiếp. Chỉ mới sờ được cái chân con voi mà đòi bàn chuyện thiên đình, nghĩ mình cũng ngông cuồng thật. Đúng là người của Vinashin “cũ”.

Nhưng nghĩ đến cái chiến lược phát triển được giao cho một ông lao động tiền lương cầm trịch, kết hợp với nhiều ông còn đang học đóng tàu viết,  mấy ông không thèm học đóng tàu duyệt thì thật bó tay chấm côm. Đành liều bàn luận chút chút vậy.)

Nhân lực trong ngành đóng tàu.

Nhân lực trong bất kỳ một ngành kinh tế, xã hội nào cũng quan trọng hàng đầu.

Ngành đóng tàu có những đặc thù riêng mà bài toán nhân lực cũng làm đau đầu các cấp lãnh đạo các nước (xem bên dưới).

Riêng ngành đóng tàu Việt nam lại càng “đặc biệt” hơn nữa như dưới đây sẽ phân tích.

Không nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này để có các giải pháp phù hợp là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến thất bại của Vinashin “cũ”.

Một trong những người thân cận nhất của anh Bình, chủ tịch Vinashin “cũ” đã từng công nhận: “Sai lầm lớn nhất của anh Bình là việc dùng người”.

Điều đáng buồn hơn là lớp đàn em lại lao vào vết xe đổ đó (và các vết xe đổ khác) với tốc độ còn nhanh hơn.

Nếu không có những người “biết đóng tàu” từ các cấp quản lý cho tới cán bộ kỹ thuật, công nhân có tay nghề, dù có cố nặn ra các hợp đồng, bơm tiền vào đầy đủ cũng sẽ chỉ tạo thêm một đống tiền lỗ mới, thậm chí còn lỗ hơn cả trước đây.

Dưới đây ta cùng tìm hiểu đôi chút, đôi chút thôi, về các đặc điểm nhân lực đóng tàu thế giới và Việt nam. Tôi không phải chuyên gia về lao động tiền lương chỉ dám khơi gợi một số vấn đề, dịch cung cấp vài số liệu.

I. Nhân lực trong các ngành đóng tàu thế giới.

I.1-Tổng số nhân công

a-Châu Âu:

Tổng số lao động trực tiếp đóng tàu châu Âu năm 2004 khoảng 150.000 người. Nếu theo một định nghĩa rộng rãi hơn thì tổng số lao động trong 27 nước EU cộng với Nauy là khoảng 265.000 người, chiếm 0,12% lực lượng lao động.

Số lao động đóng tàu của châu Âu giảm liên tục do bị mất thị trường. Năm 1975, số lao động trực tiếp đóng tàu là 462.000 người, như vậy giảm mất 75% sau 30 năm.

Số lao động trực tiếp trong ngành công nghiệp trang thiết bị hàng hải (maritime equipment industry, công nghiệp phụ trợ theo khái niệm của Việt nam?) là hơn 287.000 người; số lao động gián tiếp khoảng 436.000 i.

Ngành công nghiệp hàng hải bao gồm các sản phẩm chính sau ii:

1) Hộp số, trục chân vịt, chân vịt

2) Máy phát và động cơ điện

3) Bơm, van, bộ điều khiển van, bộ trao đổi nhiệt

4) Thiết bị boong: tời, tời chằng buộc, thiết bị căng neo.

5) Thiết bị boong: cần trục, thang và nắp hầm hàng.

6) Nội thất tàu thủy.

7) Các kết cấu cơ khí thép và nhôm đơn giản như lỗ người chui, khung cửa, cửa kín nước, các giá lắp bơm, động cơ, v.v…

8) Điện và điện tử.

Trong cả hai ngành trên, nước Đức chiếm tỷ lệ cao nhất (15% và 1,4%).

b-Hàn quốc

Số lao động đóng tàu của Hàn quốc tăng từ 75.000 năm 1984 lên tới 119.000 năm 2007 do tỷ lệ tăng thị phần và khối lượng đóng của Hàn quốc tăng mạnh trong thời kỳ đó.

Tuy nhiên, Hàn quốc cũng đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các nước có chi phí thấp (Trung quốc, Ấn độ). Do lương tăng, chi phí nhân công của Hàn quốc hiện chiếm khoảng 30% tổng chi phí đóng tàu, trong khi tỷ lệ này ở Ấn độ là 15%.

Để đảm bảo hoàn thành một khối lượng hợp đồng lớn và mức lãi cao, chiến lược của các công ty đóng tàu Hàn quốc là chuyển các nhà máy đóng tàu sang các nước có chi phí thấp và nhập lao động giá rẻ từ các nước khác vào các nhà máy đóng tàu của họ.

Số lao động trong ngành công nghiệp thiết bị hàng hải cũng tăng nhanh: từ năm 1998 đến năm 2007 tỷ lệ tăng là 25%, từ 55.000 lên 70.000 người. Phân bổ trong ngành này như sau:

(Lưu ý phần Hulls trong hình là các kết cấu mục 7 đã nói ở trên, không phải vỏ tàu)

c-Trung quốc:

Năm 1949, Trung quốc có khoảng 20 nhà máy đóng tàu với 20.000 lao động. Năm 2005, có hơn 2.000 nhà máy với 400.000 lao động. Theo một thống kê gần đây (2008), tổng số lao động là 440.000 người.

Không có thống kê về số lao động trong ngành thiết bị hàng hải, ước tính cũng khó vì nhiều nhà máy đóng tàu cũng chế tạo thiết bị hàng hải.

d-Nhật bản:

Thông tin về nhân công trong ngành đóng tàu Nhật rất ít. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OECD ước tính vào khoảng 109.000 người.

Một nguồn tin khác đánh giá số nhân công trong ngành công nghiệp hàng hải Nhật vào khoảng 33.000 người trong 740 công ty.

I.2-Trình độ chuyên môn và lượng nhân công có tay nghề

Có một đội ngũ nhân công có tay nghề là một yếu tố quan trọng trong cạnh tranh, đặc biệt là khi đóng các tàu có tính kỹ thuật cao.

a-Châu Âu

Các nhà máy đóng tàu châu Âu hướng vào đóng các con tàu kỹ thuật cao vì vậy nhân công có tay nghề là rất quan trọng. Biểu đồ dưới đây cho biết tình hình của 14 nước EU (EU14) và tỷ lệ trình độ chuyên môn:

Trong hình trên, MSc là thạc sỹ khoa học (Master of Science), BSc – cử nhân khoa học (Bachelor of Science), VOC – tốt nghiệp trường dạy nghề (Vocational level) và Basic – tốt nghiệp phổ thông (Basic level).

Tính chung EU14, trình độ đại học trở lên (MSc và BSc) 19%, tốt nghiệp trường dạy nghề 66%, còn lại 15% tốt nghiệp phổ thông.

Tỷ lệ nhân công trực tiếp sản xuất là 86%, thiết kế và kỹ thuật là 12%, bán hàng và dịch vụ sau bán hàng là 2%.

Khuynh hướng chung là nhân công trình độ cao ngày càng tăng và trình độ tốt nghiệp phổ thông ngày càng giảm (xem bảng dưới). Điều đó gắn liền với việc ngành đóng tàu ngày càng chuyên môn hóa hơn và trở thành một ngành công nghiệp tri thức (knowledge-intensive, tôi nhấn mạnh chỗ này và sẽ trở lại vào một dịp khác). Đi kèm theo đó là đội ngũ bán hàng tăng lên (từ 2 lên 3%) và đội ngũ cán bộ kỹ thuật, thiết kế cũng tăng từ 12% lên 17%.

Trình độ giáo dục

2004

2010-2015

Thạc sỹ và cử nhân

19%

25%

Trường nghề

66%

74%

Phổ thông

15%

<1%

Tổng cộng

100%

100

Vấn đề tuyển dụng các công nhân cổ xanh, kỹ sư, kiến trúc sư cũng như chuyên gia IT khá khó khăn. Nguyên nhân do số lượng người tốt nghiệp phù hợp với ngành đóng tàu ít, sức hấp dẫn của các ngành công nghiệp chế tạo nói chung và đóng tàu nói riêng thấp nên ít người theo học. Gần đây, ngành đóng tàu buộc phải tuyển dụng chuyên gia từ các ngành khác về đào tạo và có chính sách đãi ngộ thu hút sinh viên vào học ngành đóng tàu.

Ngay tại Nhật, theo thông tấn xã “truyền mồm” thì thanh niên Nhật ngày nay lao vào những ngành hấp dẫn hơn như điện tử, tin học và không muốn học đóng tàu.

Như vậy thị trường nhân lực đóng tàu nhỏ và thiếu so với nhu cầu. Đây cũng là một cơ hội để Việt nam xuất khẩu chất xám nếu tổ chức tốt (xem thêm).

b-Châu Á

Các quốc gia đóng tàu châu Á có nhiều nét tương đồng về trình độ nhân công nhưng cũng có nhiều nét khác biệt rõ ràng. Ví dụ Hàn quốc, nhân công đóng tàu có thể chia thành: các cấp quản lý (5%), kỹ sư (10%), công nhân kỹ thuật và có tay nghề (27%) và nhân công tại các công ty thầu phụ (57%). Tại Trung quốc đa số nhân công là tốt nghiệp phổ thông.

Tuy nhiên, trong 3 quốc gia đóng tàu chính Nhật, Hàn và Trung quốc cũng có sự chuyển dịch sang dùng lực lượng nhân công có tay nghề cao, đặc biệt là Nhật, Hàn, nơi mức lương đã gần bằng lương châu Âu.

I.3-Chi phí nhân công

Chi phí nhân công là một yếu tố rất quan trọng trong cạnh tranh. Tỷ lệ chi phí nhân công trong tổng chi phí đóng tàu thay đổi tùy theo mức lương và cường độ lao động: Châu Âu và Nhật tỷ lệ đó là 21-23%, Hàn quốc 19%, Ấn độ 8-10%.

a-Châu Âu

Lương trung bình năm là 30.000 (năm 2006) nhưng có sự chênh lệch rõ rệt giữa các nước: Na uy cao nhất là 70.000, Bungari thấp nhất khoảng 5000 €.

b-Châu Á

Lương bình quân ngày tại Trung quốc là 2 USD/ngày, Hàn quốc 19 USD và Nhật 25 USD.

I.4-Tỷ lệ chi phí nhân công trong tổng chi phí đóng tàu

Nói chung khoảng một nửa chi phí đóng tàu là vật tư. Trong hình trên cho tỷ lệ phân bố các loại chi phí: vật tư 53% (trong đó 13% thép, 16% máy chính, 20% các vật tư khác), nhân công 47% (trong đó trực tiếp 17%, gián tiếp 27%).

Có những nghiên cứu khác cho rằng vật tư 65%, lao động trực tiếp 20%, lao động gián tiếp 15%.

Đây chỉ là các tỷ lệ bình quân. Các tỷ lệ này thay đổi nhiều tùy theo kiểu tàu và nước đóng tàu.

(Trên đây chỉ là một vài số liệu khái quát. Tư liệu còn rất nhiều nhưng đây không phải là một luận văn về thị trường nhân lực đóng tàu)

II. Vài đặc điểm nhân lực trong ngành đóng tàu Việt nam

Tất cả các ngành kinh tế, xã hội, quản lý ở Việt nam đều có một lịch sử lâu đời và một quá trình phát triển tương đối bằng phẳng. Vì vậy:

  • nhân lực phát triển thế hệ sau kế tiếp thế hệ trước với đủ các cỡ tuổi tác, trình độ, kinh nghiệm bổ xung cho nhau.
  • tổ chức bộ máy, các quy trình nghiệp vụ, … và nhất là con người cũng có hàng chục năm xây dựng, sửa đổi, rút kinh nghiệm.

Riêng ngành đóng tàu không có được hai đặc điểm trên. Số phận nó ba chìm bảy nổi, long đong hơn nhiều và từ đó dẫn đến những đặc điểm rất đặc thù mà muốn “tái cơ cấu” thì không thể không biết.

Ngành đóng tàu nói chung có đặc điểm phát triển theo chu kỳ: có những giai đoạn đỉnh cao mà nhu cầu đóng mới rất nhiều do chiến tranh, đội tàu cũ đã hết tuổi cần thay thế hoặc do các công ước mới yêu cầu chặt chẽ hơn về tính an toàn, mức độ ô nhiễm môi trường v.v…. Hết giai đoạn đỉnh cao đó là đi vào thời kỳ trầm lắng: số hợp đồng đóng mới giảm mạnh, các nhà máy phải chuyển sang sửa chữa, thu hẹp sản xuất, giãn bớt nhân công thậm chí đóng cửa một số xưởng.

Đối với ngành đóng tàu Việt nam, đỉnh cao đầu tiên là những năm 80: phong trào đóng tàu pha sông biển cỡ 300-600 T, sau đó tiến lên đến 3000 DWT và một số tàu vận tải cho hải quân.

Trong thời kỳ đó, viện thiết kế tàu thủy, tiền thân của viện Khoa học Công nghệ tàu thủy hiện nay, ăn nên làm ra tụ tập được một đội ngũ kỹ sư thiết kế và trực tiếp sản xuất khá đông đảo, có tay nghề vững và có được một số đầu đàn giỏi (so với yêu cầu thời kỳ đó).

Các nhà máy đóng tàu Hạ long, Bạch đằng, Sông Cấm, Đóng tàu Hà nội, v.v… cũng có được nhiều hợp đồng, tuyển mộ được một đội ngũ kỹ sư công nhân lớn hơn nhiều so với thời kỳ trầm lắng trước. Đăng kiểm Việt nam nhờ vậy cũng phát triển.

Tuy nhiên đó là thời kỳ “nội”: chủ tàu nội, thiết kế nội, đóng tàu nội và đăng kiểm cũng nội nốt nên chất lượng tất cả các khâu nói trên đều không cao, mẹ hát con khen hay là chính. Một ví dụ: loại hình tàu pha sông biển mặc dù có hẳn một đề tài nghiên cứu chọn dạng và cỡ tàu nhưng qua thực tế khai thác tỏ ra không kinh tế.

Thời kỳ trên kéo dài chưa được 10 năm. Cuối những năm 80, “phong trào” bắt đầu đi vào trầm lắng. Viện thiết kế không còn việc, không còn lương, hầu hết cán bộ phải tìm việc khác để kiếm sống. Tình hình tại các nhà máy cũng không khá gì hơn.

Đó là cái đáy thứ nhất của ngành đóng tàu Việt nam. Và cái đáy này rất sâu làm tan rã đội ngũ nhân lực đã hình thành được.

Vì vậy đến năm 1996 khi Vinashin thành lập, số lượng những người “biết đóng tàu” thiếu nghiêm trọng. Những người còn trụ lại hoặc mới tập hợp lại chủ yếu dựa trên các kinh nghiệm, kiến thức tích lũy được trong thời kỳ “nội” nói trên.

Một người dù tố chất cao, thành tích quá khứ tốt nhưng sống và làm việc trong một môi trường không đòi hỏi cao, không yêu cầu phải tự học vươn lên, cập nhật kiến thức mới thì chắc chắn sẽ lụi dần đi mà bản thân mình cũng không biết. Thậm chí còn “ăn mày quá khứ” để tự đắc một cách rất khôi hài. Bản thân tôi khi làm ở Vinashin cũng lâm vào tình trạng đó.

Những người mới tuyển vào thì hoàn toàn “không biết đóng tàu”. Một loạt lãnh đạo đều chưa hề qua các lớp đào tạo, chưa hề có kinh nghiệm quản lý, kinh doanh, kể cả ngôi sao sáng hồi đó là anh Bình, chủ tịch. Tất cả đội ngũ cán bộ công nhân viên Vinashin thời kỳ đó thực chất là vừa học vừa làm.

Tuy vậy thành tựu làm được là không thể phủ nhận. Về mặt kỹ thuật (nói chính xác hơn: kỹ thuật đóng tàu thủ công) đội ngũ lủng củng đó đã có thể vươn lên từ trình độ đóng các con tàu “nội” thô sơ nhỏ bé, đóng được các tàu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu cho các chủ tàu nước ngoài.

Một điển hình là nhà máy đóng tàu Nam Triệu. Từ một cái xưởng đóng sà lan trong một thời gian ngắn đóng được tàu 53.000 DWT và kho nổi FSO 5 là những kết quả mà lúc đầu tôi cũng không tin là có thể đạt được. Khác với các nhà máy đóng tàu khác ít nhiều có một bề dày lịch sử, Nam Triệu đi lên hầu như từ con số không. Các vấn đề khác của Nam Triệu ở đây tôi không bàn tới, nhưng cái gì họ làm được thì phải ghi nhận.

Một đội ngũ “biết đóng tàu” mới lại bước đầu hình thành mặc dù còn rất xa mới đạt yêu cầu kể cả về kỹ thuật.

Bởi vì đội ngũ đó hoàn toàn tự học, không thầy, không phương pháp, không kế hoạch.

Thay vì tuyên bố ầm ỹ trên báo chí về nhu cầu nhân lực đóng tàu, tổ chức hội thảo quốc gia, xin thành lập trường đại học, … có một cách làm khác đơn giản và hiệu quả mà tôi sẽ đề cập trong một bài viết khác.

Tấm gương trước mắt là ngành đóng tàu Mỹ. Một ngành đóng tàu đã từng đóng ra những con tàu chiến hiện đại nhất thế giới, tàu sân bay, tầu ngầm nguyên tử chiến lược mang tên lửa hạt nhân, … với nhà xưởng máy móc hiện đại, với trình độ quản lý Mỹ mà lại không dành nổi hợp đồng, không cạnh tranh được trong thị trường đóng tàu thương mại xuất khẩu. Gần đây còn có thông tin là ngay cả xuất khẩu tàu chiến cũng không nổi.

Như vậy rõ ràng là đóng được tàu không khó như tấm gương Vinashin đã cho thấy. Xuất khẩu được tàu tức là đóng đúng tiến độ với giá thành hạ hơn các đối thủ cạnh tranh mới thật thiên nan vạn nan.

Ba năm nay (2009-2011) với sự sụp đổ của Vinashin, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới ngành đóng tàu Việt nam đi xuống đáy một lần thứ hai và cái đáy này còn sâu hơn lần trước.

Như trên đã nói, ngành đóng tàu châu Âu do bị cạnh tranh thu hẹp thị trường nên nhân lực giảm 75% trong vòng 30 năm. Nhưng họ giữ được căn cơ. Bằng chứng là họ vẫn giữ được thị trường các loại tàu cao cấp. Với căn cơ này, khi có điều kiện bung ra không khó.

Đó là một điểu rất sáng suốt. Nếu như lãnh đạo các nhà máy đóng tàu châu Âu trong khó khăn lại làm nát thêm căn cơ nhân lực của mình thì phải xem lại xem họ có ẩn ý gì?

Thị trường đi xuống, thiếu sức cạnh tranh, không giành được hợp đồng, …. không phải lỗi tại những người lao động lương thiện. Phá nát căn cơ nhân lực bằng sa thải, chế nhạo, chửi mắng, trù dập sẽ làm cho nhà máy không bao giờ còn ngóc lên được nữa là một đòn cực hiểm mà chỉ có các đối thủ cạnh tranh nghĩ ra được.

Nhân lực đóng tàu Việt nam ngay cả trong thời kỳ đỉnh của Vinashin gọi là “biết đóng tàu” nhưng vừa thiếu vừa yếu nay lâm vào cảnh tuyết tan dưới ánh mặt trời giống như thời kỳ đáy trước.

Với tình hình này như tôi đã nói ở trên dù có cố nặn ra các hợp đồng đóng tàu, bơm tiền đầy đủ cũng chỉ tạo ra một đống tiền lỗ mới.

Khi tiếp nhận một ngân hàng phá sản, ta có thể đuổi hết nhân viên cũ. Với chính sách đãi ngộ hấp dẫn lúc nào cũng có thể tuyển đầy đủ một dàn nhân viên mới còn giỏi hơn trước. Bởi vì nhân lực ngành ngân hàng rất đông đảo trong thị trường nhân lực.

Với ngành đóng tàu thì không thế vì bên ngoài xã hội không kiếm đâu ra người biết đóng tàu nếu không muốn đi tuyển lại người của các xưởng đóng tàu “chuột” Nam định.

Đào tạo một lớp người mới trong hoàn cảnh hiện nay là tạo ra một kỷ lục Ghinet thứ hai của Vinashin: một lớp học đóng tàu với học phí đắt nhất thế giới, mỗi ngày học trôi qua, chưa làm được gì tiền lãi phải trả là hàng chục tỷ đồng. Mà bằng kinh nghiệm đã từng dạy học của tôi, lớp học này không tốt nghiệp được!

Công bằng mà nói, nhân lực của Vinashin “cũ” cũng có nhiều vấn đề như kết luận của Thanh tra Chính phủ đã nhận định. Nhiều người được sử dụng, đề bạt do những nguyên nhân “khác thường”, năng lực yếu kém, đạo đức tồi tệ và cần phải thay. Nhưng không nên vơ đũa cả nắm và cách thay cũng đừng gây ức chế cho những người khác.

Điều cấp bách cần làm ngay và cũng không tốn nhiều tiền là thống kê, lên danh sách lực lượng lao động nòng cốt tại các nhà máy đóng tàu: cán bộ kỹ thuật, quản đốc, thợ hàn có chứng chỉ, v.v… kể cả những người đã bỏ đi. Có chính sách, kinh phí “nuôi” họ, thậm chí cho đi học nâng cao tay nghề. Đừng khoán việc đó cho các đơn vị, họ không làm nổi. Đó là trách nhiệm của tập đoàn và phải là một nội dung then chốt trong “tái cơ cấu”.

Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Lực lượng những người thực sự biết đóng tàu nói trên là nguyên khí của Vinashin.

Tái cơ cấu Vinashin chủ yếu là tái cơ cấu năng lực sản xuất, trong đó có nguồn nhân lực. Tái cơ cấu tài chính không phải chủ yếu mặc dù rất quan trọng và cấp bách. Chủ đề này dành cho một bài khác.

Hãy giữ lấy căn cơ nhân lực của ngành đóng tàu trước khi quá muộn.

(Cám ơn những người bằng các hành động botay.com của họ đã gợi ý cho tôi suy nghĩ, tìm hiểu sâu hơn về chủ đề này).

Tài liệu tham khảo:

i Study on Competitiveness of the European Shipbuilding Industry 2009

ii Maritime Equipment (Feasibility Study) 2010

Câu chuyện một công ty trẻ

(Nói chuyện kỹ thuật mãi cũng khô khan. Kể lại đây một câu chuyện … buồn để thay đổi không khí và cũng là một kinh nghiệm).

Đây là một chuyện có thật và là một bài học hay cho lớp trẻ. Vì vậy tôi thuật lại ở đây.

Vào thời Vinashin thịnh vượng nhất, xuất hiện một công ty cổ phần mới gồm toàn thanh niên trẻ, học hành tử tế, xuất thân từ một tập đoàn viễn thông lớn và được chủ tịch Vinashin (anh Bình) đặc biệt quan tâm.

Tôi được tham gia buổi họp đầu tiên do đích thân chủ tịch chủ trì để đưa công ty này vào hoạt động trong Vinashin. Khi họp xong ra ngoài, tôi nói với một ông bạn:

– Tôi nhìn thì biết là chết rồi. Nhưng bây giờ tôi có nói thì chúng nó cũng không tin, thậm chí lại còn gán cho mình có ý đồ gì đó. Mà chúng nó cũng chẳng cần hỏi ai, nghe ai.

Ông bạn tôi thở dài:

– Ừ cái bọn ở hành tình khác ấy mà. Cho chúng nó chết.

Tại sao lại có những nhận xét bi quan đến vậy? Lý do:

  • Không chịu tìm hiểu đặc điểm tình hình của Vinashin, không hiểu gì về ngành đóng tàu mà tình hình Vinashin hồi đó đã rất “đặc biệt” rồi. Các ý kiến, đề xuất đưa ra toàn là tự nghĩ căn cứ vào kinh nghiệm cơ quan cũ và cho rằng tốt. Trong khi thực tế thì hoặc không khả thi, hoặc hiệu quả rất thấp. Đề xuất nào đưa ra cũng được chủ tịch ủng hộ rất nhiệt tình nên nhân viên của Vinashin chẳng ai dám nói.
  • Tuổi trẻ ngông cuồng và dại dột. Tin rằng với sự hỗ trợ của chủ tịch như thế thì không còn gì phải sợ, lấn át, chèn ép cả các ban trong Vinashin. Sự hỗ trợ đó chỉ là điều kiện cần nhưng không đủ. Cách làm đúng, đường đi nước bước hợp lý trong một hoàn cảnh cụ thể mới là điều quan trọng. Mà điều này thì công ty đó quá kém.

Thực ra với tình trạng Vinashin thời đó không thể tin học hóa được. Những cái lũ trẻ không làm được tôi không chê vì ai làm thì cũng thế. Cái đáng chê là năng lực, tay nghề quá thấp (toàn cán bộ kỹ thuật chuyển sang làm kinh doanh) nhưng lại hung hăng. Sau này, thấy bất nhẫn quá tôi cũng có đôi lần góp ý chân tình nhưng không có kết quả.

Và quả nhiên công ty đó về sau chết thật, mà không do lỗi khách quan nào. Nợ nần đến cả lương, đưa nhau lên báo và nghe nói đã xin phá sản;

Về sau, tôi lại được chứng kiến một vụ khác y hệt như thế của một đám trẻ con khác mà cũng ngay từ đầu tôi biết sẽ thất bại. Tuổi già lẩm cẩm, lạc hậu đành chỉ biết đứng nhìn.

Đứng nhìn một đám trẻ con hùng hổ, tung tăng rủ nhau đâm đầu vào đá để rồi sau đó tiu nghỉu như mèo bị cắt tai không phải là cảm giác dễ chịu gì đối với các bậc cha chú. Nhưng không có cách nào khác.

Một bài học hay.

Câu chuyện anh thợ may

Aside

Một anh thợ may chủ một hiệu may nhỏ ngẫu nhiên một hôm gặp anh bạn học cũ hiện đang làm trong tập đoàn Dệt May. Anh bạn bảo: “Ông về tổ chức xưởng may đi, tôi sẽ kiếm cho ông hợp đồng may áo sơ mi xuất khẩu”.

Trước đề nghị này, có hai cách làm:

Cách 1

Anh thợ may nghĩ thầm: “May áo xuất khẩu thì có gì là khó. May cẩn thận hơn bình thường là được chứ gì!”. Anh về làng (mọi thứ đều rẻ), dựng một cái nhà cấp 4, mua về một đống máy khâu con bướm và chen vào đấy vài cái máy may hiện đại tình cờ biết được; vải thì trải ra phản, vạch phấn rồi cắt bằng kéo; là áo bằng bàn là thủ công. Sau khi may đi may lại 10 cái áo vẫn bị ông bạn lắc đầu, đến cái thứ 11 thì cũng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Cả làng, cả xã hân hoan: “Chúng ta đã may được áo sơ mi xuất khẩu”

Làm thủ công mà cẩn thận, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu không khó.

Nhưng khi ông bạn bảo: “Được rồi, ông về may cho tôi 1000 cái trong vòng một tuần, mỗi cái cả vật tư và công may là 10 000 đồng (ví dụ thế)” thì ông thợ may tái mặt.

Tiến độ và lãi là hai cái mà “xưởng may thủ công có trang bị một số máy hiện đại” không bao giờ đạt được.

Cách 2

Là người trong ngành may, anh thợ may của chúng ta cũng nghe loáng thoáng về các xưởng may xuất khẩu. Anh móc nối với trưởng phòng kỹ thuật của công ty May 10 chẳng hạn và bảo: “Ông về quê, dựng cho tôi một cái xưởng y như của ông. Chỉ có điều không cần điều hòa nhiệt độ và sàn xi măng không cần lát đá hoa”

Ngành may xuất khẩu chủ yếu là gia công, vật tư, phụ kiện đều phải nhập. Cạnh tranh rất khốc liệt giữa các quốc gia nên dây chuyền công nghệ may rất hiện đại. Các chi tiết áo được hạ liệu bằng phần mềm lên một khổ vải, xếp khít nhau sao cho lượng phế liệu là tối thiểu. Máy cắt cắt một lần cả một sấp vải. Các công đoạn may được chuyên môn hóa bằng các máy chuyên dùng và ngay số lượng máy mỗi loại cũng được tính toán sao cho không có khâu nào gây ách tắc v.v….

Với cách đầu tư, tổ chức sản xuất theo dây chuyền hiện đại của nước ngoài như vậy, mặc dù cho đến nay vẫn chưa thoát khỏi trình độ may gia công nhưng ngành may đã đạt doanh số hàng chục tỷ đô la mỗi năm, giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục nghìn lao động và vẫn có lãi. Sau khoảng hơn 10 năm may gia công, đạt được các thành tích trên đến bây giờ ngành may mới đặt vấn đề nội địa hóa thiết kế và nội địa hóa vật tư, phụ kiện (cũng chưa biết có thành công hay không).

Xét trên các mặt:

  • đầu tư dây chuyền công nghệ,
  • tổ chức quản lý sản xuất,
  • mua vật tư phụ kiện từ nước ngoài,
  • sản xuất gia công hàng loạt nhỏ theo hợp đồng,
  • sức ép từ tiến độ và giá thành,
  • đào tạo, tuyển dụng nhân công, lãnh đạo,
  • V.v…….

ngành đóng tàu xuất khẩu rất gần với ngành may.

Câu chuyện trên gợi ra nhiều suy nghĩ về những cái đã làm, những cái cần sửa, chọn ai đứng ra tổ chức sửa, chọn ai đứng ra trực tiếp làm, … nếu muốn duy trì và phát triển một ngành đóng tàu xuất khẩu.

Nên nhớ rằng ngành đóng tàu Mỹ với trang bị, trình độ kỹ thuật rất hiện đại, đóng được các loại tàu chiến tối tân với trình độ quản lý Mỹ mà sau chiến tranh lạnh cho đến gần đây vẫn không đóng tàu thương mại được, thậm chí cả xuất khẩu tàu chiến cũng không xong. Về kinh nghiệm này tôi sẽ đề cập đến trong một bài khác.

Câu chuyện trên tôi đã kể cho một số người nghe trong những năm trước đây.

Thiết kế thi công tàu thủy

Khi Vinashin thành lập năm 1996, thiết kế tàu thủy còn đang ở giai đoạn cơ bản là thủ công: tính toán bằng tay hoặc bảng tính Excel và một vài phần mềm Ba lan, Nga hoặc tự viết đơn giản, vẽ bằng bút chì và chỉ có số ít kỹ sư trẻ bước đầu biết vẽ bằng AutoCAD. Đã từng có một bậc lão làng ở viện Khoa học Công nghệ tàu thủy nói với tôi: “Tôi với ông ngày xưa toàn thiết kế bằng bút chì và thước tính logarit có làm sao đâu. Cần gì phải máy tính!”. Tại các nhà máy đóng tàu, việc phóng dạng hạ liệu được làm bằng tay trên sàn phóng.

Hãng phần mềm chuyên ngành về tàu thủy Tribon cũng đã tiếp cận làm việc với Vinashin. Nhưng giá Tribon so với khả năng Vinashin hồi đó là quá đắt (hơn 1 triệu USD).

Khoảng giữa năm 2000, tôi đề xuất với lãnh đạo Vinashin mua bộ phần mềm Autoship. Autoship lúc đó được chọn vì rẻ tiền và mục tiêu mua về là để bước đầu đào tạo một đội ngũ cán bộ thiết kế biết dùng phần mềm chuyên ngành. Bộ phần mềm này lúc đầu được giao cho một trung tâm thiết kế, nhưng vì họ không triển khai, tôi bắt buộc phải nhận về làm.

Khi đội ngũ sử dụng AutoShip bước đầu hình thành, anh Bình, TGĐ Vinashin, có ý định giao đi sâu vào thiết kế kỹ thuật và cũng đã giao việc cụ thể. Nhưng sau khi cân nhắc nhiều mặt, tôi quyết định chuyển hướng sang thiết kế thi công.

Quá trình tìm hiểu Autoship tôi thấy trong Autoship có một số module dành cho thiết kế thi công. Nhưng Autoship ban đầu xuất phát là bộ phần mềm thiết kế kỹ thuật nhỏ, sau này mới bổ xung phần thiết kế thi công nên không đủ.

Tìm tòi trên mạng, thì phát hiện ra bộ phần mềm ShipConstructor của công ty Albacor Research Ltd (sau này đổi tên thành ShipConstructor Software Inc), một bộ phần mềm chuyên về thiết kế thi công (production design) dựa trên nền AutoCAD. Thời điểm đó tôi quyết định chọn ShipConstructor vì ngay từ đầu nó đã là phần mềm thiết kế thi công: trên website của nó giới thiệu rằng phần mềm này ban đầu do một kỹ sư của một nhà máy đóng tàu viết chuyên cho thiết kế thi công, sau này thành lập công ty để tiếp tục phát triển.

Tôi gửi email cho công ty, nhận được bản phần mềm dùng thử và bắt đầu tìm hiểu, dịch các tài liệu, huấn luyện nhân viên. ShipConstructor được triển khai tại Vinashin vào khoảng cuối 2002.

Đến 4/2004 thì có tin ShipConstructor được chương trình Nghiên cứu quốc giia về đóng tàu của Mỹ (NSRP) chọn làm phần mềm thiết kế thi công tiêu chuẩn cho các nhà máy đóng tàu cấp 2 của Mỹ. Phần mềm sẽ được tài trợ và phát triển chung tiếp theo bởi công ty và chương trình NSRP.

Cái tin này làm tôi thở phào nhẹ nhõm vì đã lựa chọn đúng:

  • Khi ShipConstructor đã được ngành đóng tàu Mỹ chọn thì tính năng kỹ thuật và khả năng phát triển của nó là điều chắc chắn.
  • ShipConstructor thuộc loại phần mềm cỡ trung bình, không nhỏ như AutoShip, cũng không cồng kềnh phức tạp như Tribon, giá vào khoảng 100.000 USD rất phù hợp với các nhà máy đóng tàu Việt nam.
  • ShipConstructor xây dựng trên nền AutoCAD, giảm được nhiều công đào tạo.
  • Với sự hỗ trợ và tài trợ từ NSRP, ShipConstructor sẽ phát triển nhanh các phiên bản sau với nhiều tính năng mới. Thông thường việc phát triển này do công ty tự bỏ vốn ra làm sẽ chậm hơn nhiều. Thực tế đã diễn ra đúng như thế. Các phiên bản sau của ShipConstructor phát triển khá nhanh và bổ xung được nhiều cái mới.
  • Hiện nay, một số công ty thiết kế Hàn quốc, sau giai đoạn dùng thử Tribon với giá khuyến mại đã chuyển sang dùng ShipConstructor vì giá Tribon quá đắt.

Việc triển khai ứng dụng ShipConstructor được thực hiện qua nhiều bước:

  • Đầu tiên tôi tự tìm hiểu, dịch, biên soạn tài liệu và tổ chức tuyển người, hướng dẫn làm. Kỹ sư hồi đó tuyển toàn các cháu mới ra trường, thành thạo máy tính nhưng không có kinh nghiệm thực tế sản xuất. Tài liệu hướng dẫn dùng ShipConstructor được dịch và biên soạn hồi đó nay tràn lan trên Internet.
  • Phần khó nhất và cần nhiều kỹ năng chỉnh bằng tay là dựng mặt cong vỏ tàu dựa trên các sườn lý thuyết, từ đó xuất ra các trị số sườn thực (nhất là khu vực mũi quả lê và vòm đuôi tàu). Mức độ chính xác, trơn nhẵn của vỏ có ảnh hưởng lớn đến các giai đoạn sau và chất lượng đi biển của tàu nhưng lại không thể toán học hóa được. Thay cho độ đàn hồi tự nhiên của các thước lap trên sàn phóng thủ công là các đồ thị độ cong được chỉnh trơn bằng tay và đánh giá bằng mắt, tức là phụ thuộc kỹ năng của kỹ sư thiết kế. Trên sàn phóng, tuyến hình tàu được vẽ với tỷ lệ thật 1:1 vì vậy dễ phát hiện sai sót. Trên màn hình máy tính nhỏ, chỉ hơi sai khi ra thực tế sẽ rất lớn. Vì vậy, tôi kết hợp với tổ phóng dạng của nhà máy đóng tàu Bạch đằng, con chim đầu đàn và uy tín nhất của ngành đóng tàu Việt nam thời kỳ đó, để thực hiện phóng dạng trên máy tính sau đó kiểm nghiệm lại trên sàn phóng. Ông Thịnh, tổ trưởng tổ phóng dạng Bạch đằng thời kỳ đó, đã rất nhiệt tình tham gia, giúp đỡ, hỗ trợ. Chỉ sau một cuộc họp cuối cùng đi đến kết luận là kết quả phóng dạng trên máy so với kết quả kiểm nghiệm trên sàn phóng là phù hợp, có độ chính xác chấp nhận được, cửa ải đầu tiên đã vượt qua. Một khi nhà máy Bạch đằng đã kết luận thì trong Vinashin không thể dị nghị.
  • Tuy nhiên việc triển khai áp dụng tiếp vào sản xuất đòi hỏi thay đổi nhiều thứ sẽ nói ở phần sau. Bạch đằng có uy tín cao nhưng cực kỳ bảo thủ không thể triển khai được. Tôi đã liên hệ chuyển qua nhà máy đóng tàu Sông Cấm nhưng cũng không thành công. Cuối cùng chuyển về nhà máy đóng tàu Hạ long thì có được môi trường thuận lợi. Hạ long hồi đó vừa thay dàn lãnh đạo mới, trẻ. Sau một số thử nghiệm làm từng phần, năm 2004 toàn bộ phần vỏ của một con tàu 12.500 DWT đóng tại Hạ long đã được thiết kế thi công bằng ShipConstructor đạt kết quả tốt.
  • Khi đã có được một đội ngũ tạm gọi là biết sử dụng ShipConstructor, Vinashin thành lập công ty cổ phần Kỹ thuật và Công nghệ Tàu thủy (Vinashin E&T) do tôi làm chủ tịch HĐQT với hoạt động ban đầu là chuyên về thiết kế thi công tàu thủy bằng phần mềm. Ngay sau đó, Vinashin E&T trở thành đại lý cho ShipConstructor tại Việt nam.
  • Khi Vinashin bắt đầu tiến hành đóng loạt tàu 53.000 DWT đầu tiên (2004), công ty TMC Hàn quốc được thuê để làm các công tác hỗ trợ sản xuất trong đó có thiết kế thi công. Vinashin giới thiệu ba đơn vị thiết kế để TMC chọn làm B’ và kết quả là Vinashin E&T được chọn vì thực sự là công ty đã làm thiết kế thi công bằng phần mềm vào thời gian đó. Các bước chuẩn bị trước đây tỏ ra là có kết quả. Thời gian làm B’ cho TMC là vô giá vì các kỹ sư Việt nam được đào tạo không mất tiền về kỹ thuật, phong cách quản lý và cả tiếng Anh từ một công ty thuộc một nền công nghiệp đóng tàu hàng đầu thế giới mặc dù TMC cũng chỉ là một công ty nhỏ và không mạnh. Khác hẳn với con tàu 12.500 DWT trước là tàu đóng cho chủ tàu trong nước, đăng kiểm Việt nam, tàu 53.000 đóng dưới sự giám sát nghiêm ngặt của chủ tàu nước ngoài, đăng kiểm DNV nên tay nghề của các kỹ sư lên rõ rệt. Ngoài phần vỏ, công ty đã tham gia thiết kế sang phần ống và bố trí thiết bị buồng máy. Đến hết năm 2005, công việc cơ bản đã xong.
  • Vì hiểu rõ tình hình Vinashin nên ngay từ đầu tôi đã định hướng cho công ty hướng ra thị trường Hàn quốc. Việc tham gia vào thiết kế tàu 53.000 DWT chỉ là bước tập dượt ban đầu. Ngoài ra sau này xuất hiện một hoàn cảnh “tế nhị” khác mà công ty không được ủng hộ trong Vinashin mặc dù nó thực sự là công ty thành thạo nhất về thiết kế thi công tàu thời kỳ đó. Đầu năm 2008, sau một thời gian vượt qua được các bài test kiểm tra, công ty ký được hợp đồng đầu tiên làm B’ cho công ty thiết kế Hàn quốc MTI tham gia thiết kế thi công một số tàu đóng tại Hàn quốc. Thời gian đầu, công ty phải cử người sang làm trực tiếp tại Hàn quốc, sau này thì chia ra hai đội ở Hàn quốc và Việt nam, số lượng kỹ sư khi cao nhất là 10 người. Khi tham gia trực tiếp vào đóng tàu tại Hàn quốc, mọi yêu cầu đều tăng cao lên rất nhiều so với hồi làm tàu 53.000 DWT trong nước. Trong khoảng một năm rưỡi (đến giữa năm 2009), công ty đã tham gia thiết kế thi công được 6 tàu làm toàn bộ phần vỏ và một phần đi ống (xem tài liệu đính kèm bài này). Rất tiếc sau đó, ngành đóng tàu Hàn quốc chịu ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế toàn cầu nên hướng đi này bị ngừng lại. Kết quả này chứng tỏ sự cố gắng rất lớn của công ty Vinashin E&T và năng lực tiếp thu cái mới của đội ngũ kỹ sư trẻ được đào tạo trong nước. Nếu được định hướng đúng và tổ chức tốt, chúng ta hoàn toàn có thể xuất khẩu được chất xám.

Kể lại như trên để thấy là việc áp dụng tin học nói riêng và công nghệ mới nói chung vào ngành đóng tàu không đơn giản. Việc áp dụng thiết kế thi công bằng phần mềm là thuần túy kỹ thuật còn vất vả như thế, thay đổi việc quản lý sản xuất là việc bất khả thi tôi sẽ nói sau.

Năm 2003, khái niệm thiết kế thi công bằng phần mềm còn rất mới ở Việt nam. Khi nhà máy đóng tàu Phà rừng trình đề nghị bỏ hạng mục sàn phóng dạng thủ công trong dự án đầu tư thay bằng phóng dạng trên máy tính, ở Vinashin còn diễn ra một cuộc tranh luận sôi nổi về việc có bỏ được sàn phóng hay không?

Việc thiết kế thi công bằng phần mềm không đơn giản chỉ là tin học hóa một công đoạn thủ công. Nó kéo theo một loạt thay đổi trong công nghệ nâng cao rõ rệt chất lượng, năng suất. Một vài ví dụ:

  • Sau khi đã triển khai thiết kế thi công, phần mềm giúp tính toán được rất chính xác các thông số như trọng lượng, trọng tâm, dung tích, diện tích sơn, trọng lượng, chiều dài các mối hàn, … Các số liệu này rất có ích cho một loạt các công việc khác trong quá trình đóng tàu. Quy trình sản xuất cần biết tận dụng các số liệu đó.
  • Việc hạ liệu (nesting) đồng loạt giúp tiết kiệm rất nhiều tôn, giảm lượng phế liệu đến mức tối thiểu. Tôn chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành do đó việc tiết kiệm tôn rất đáng kể. Vì vậy ngành đóng tàu rất chú ý chọn lựa, cải tiến phần mềm này (ví dụ xem tại đâytại đây hoặc search “shipbuilding nesting”). Đã có báo cáo cho biết dùng một phương pháp nesting mới có thể tăng hệ số sử dụng tôn lên 15%. Tuy nhiên để nesting hiệu quả yêu cầu danh mục các tờ tôn phải được cung cấp trước và mua tôn đúng theo danh mục. Kinh nghiệm đóng tàu 53.000 DWT cho thấy việc mua sắm và quản lý tôn không tốt nên hiệu quả nesting hầu như không còn.
  • Các bản hạ liệu trên máy tính được kèm theo mã thực hiện mà các máy cắt CNC hiểu được. Các dữ liệu đó sẽ được chuyển thẳng cho máy cắt qua mạng để máy tự động cắt. Vì vậy việc trang bị máy cắt CNC là bắt buộc.
  • Các số liệu thiết kế cũng hoàn toàn có thể dùng điều khiển các máy uốn sườn và uốn ống CNC. Việc trang bị các loại máy đó sẽ mang lại hiệu quả cao.
  • Mỗi chi tiết tôn đều được đánh mã số và vạch dấu sẵn vị trí các chi tiết khác sẽ hàn lên nó. Điều này giúp rút ngắn thới gian tìm kiếm và vạch dấu thủ công nhưng đòi hỏi máy cắt phải có đầu vạch dấu và đánh mã số, dự trù sẵn mực, bột kẽm.
  • Các cụm lắp ghép, module, phân, tổng đoạn được phần mềm tự động xuất ra dưới dạng bản vẽ 3D mà công nhân đọc dễ dàng, không cần có kỹ sư hướng dẫn. Các bản vẽ chi tiết và cụm lắp ghép đều không cần ghi kích thước vì đã được tự động cắt chính xác và có vạch dấu sẵn các vị trí hàn. Vì vậy công tác tổ chức sản xuất, OTK cũng cần phải thay đổi. Trước đây, nhà máy đóng tàu Bạch đằng đã từng khăng khăng yêu cầu phải trình bày bản vẽ thiết kế thi công “theo kiểu bản vẽ truyền thống của nhà máy”, tức là vẽ 2D và ghi đầy đủ kích thước (?!).
  • Phần mềm có thể dễ dàng tự động xuất ra số liệu của bệ khuôn xoay. Vì vậy việc trang bị bệ khuôn xoay là hiệu quả.

Một vài ví dụ trên cho thấy các cải tiến, ứng dụng công nghệ mới phải đồng bộ. Về vấn đề này tôi sẽ có dịp trở lại trong một bài khác.

Thực tế triển khai thiết kế thi công bằng phần mềm như trên đã nêu còn cho thấy một hướng đi rất đáng chú ý: “xuất khẩu chất xám” hay nói đơn giản hơn là gia công kỹ thuật cho các hãng nước ngoài (outsourcing). Kỹ sư Việt nam, nếu được tổ chức và đào tạo tốt, hoàn toàn có thể đảm nhiệm các công việc nhất định trong một thời gian ngắn, trong khi lương lại thấp hơn ở nước ngoài nhiều. Tập đoàn FPT đã làm rất thành công việc gia công phần mềm. Có những công ty thiết kế xây dựng cũng đang triển khai theo hướng này. Rất tiếc là cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới vừa qua làm cho hướng đi này trong ngành đóng tàu bị chặn lại. Một đội ngũ kỹ thuật với tay nghề không dễ gì đào tạo được bị tan rã.

Tài liệu kèm theo:

  1. Giáo trình ShipConstructor (bản này viết năm 2003 chỉ phù hợp cho các phiên bản phần mềm cũ).
  2. Báo cáo ứng dụng phần mềm thiết kế thi công (Hội thảo về ứng dụng tin học, bộ GTVT 2005)
  3. Con tàu đầu tiên khai triển, hạ liệu bằng máy tính. (bài báo của Nguyễn Ngọc Học, cty Vinashin E&T).
  4. Kinh nghiệm thiết kế thi công tàu 53.000 DWT bằng phần mềm (Nguyễn Ngọc Học)
  5. Các sản phẩm đã làm cho Hàn quốc.

Mở đầu

Cả cuộc đời tôi gắn bó với ngành công nghiệp tàu thủy từ khi học đại học cho đến lúc về hưu. Blog này dành ghi lại:

  • Những điều tôi đã tìm hiểu và suy ngẫm trước đây và hiện nay về ngành qua những thông tin tìm được trên Internet về tình hình đóng tàu tại các nước khác.
  • Một số kinh nghiệm bản thân qua những việc đã làm hoặc đã chứng kiến

Một số tài liệu trước đây đã công bố trên website của Vinashin hoặc đăng trong tạp chí Công nghiệp tàu thủy cũng được tập hợp lại ở đây.

Blog này thuần túy về chuyên môn, kỹ thuật, quản lý không phải hồi ký. Đôi lúc nhắc lại chuyện cũ để rút kinh nghiệm cho thế hệ sau. Tất nhiên với những thất bại của Vinashin, cái nhìn sang kinh nghiệm của các nước khác cũng sẽ sáng tỏ hơn. Nhưng tôi cũng “tự kiểm duyệt” tránh nhắc đến những vấn đề nhạy cảm.

Đây là blog, không phải sách nên tôi nghĩ gì viết nấy, không nắn nót câu từ, ý tứ có thể trùng lặp, nhắc đi nhắc lại. Mong bạn đọc thông cảm.

Năng lực, điều kiện tiếp cận thông tin của tôi rất có hạn. Nhiều suy nghĩ ở đây cũng chỉ như “thầy bói xem voi”. Hoan nghênh mọi ý kiến phê bình, thảo luận của bạn đọc (xin post vào phần phản hồi – comment). Vì vấn đề Vinashin có đôi chút “nhạy cảm”, tôi xin phép được xem qua các ý kiến trước khi cho đăng trên blog. Những trao đổi riêng tư xin gửi đến email phanvinhtri@gmail.com

Đây là cố gắng cuối cùng tạ lỗi với thế hệ sau của Vinashin về cái đống rác khổng lồ mà tôi cũng tham gia, dù không cố ý, chất lên vai họ.  Hy vọng sẽ có ích phần nào.

Phan Vĩnh Trị