Khe cửa hẹp cuối cùng của Vinashin đang khép lại.

(Chém gió lần cuối về Vinashin. Hy vọng giúp mấy thằng cháu còn có lương mời mình uống cà phê :-) )

Đến bây giờ thì phải nhìn thẳng vào sự thật mà nói rằng tái cơ cấu lần đầu của Vinashin đã hoàn toàn thất bại! Một thất bại thấy trước sau khi đọc cái gọi là “đề án tái cơ cấu” làm vội vàng dưới đủ loại sức ép, sau vài tuần quan sát dàn “tướng” vụng về của PetroVietnam được điều sang (nhấn xem http://bit.ly/NphAnr) và mới đây được chính thức công nhận “Tái cơ cấu Vinashin còn nhiều khó khăn, vướng mắc….” (nhấn xem http://bit.ly/Tc1tfm). :-(

Chỉ cần đi lướt qua một vòng các nhà máy đóng tàu lớn cũng đủ thấy điều đó.

Công bằng mà nói, trục vớt một con tàu nát đã chìm sâu trong đại dương kinh tế toàn cầu đang sóng gió dữ dội là một việc “đội đá vá trời”, may ra chỉ có bà Nữ Oa sống lại mới làm nổi. Nhưng cái điều tối thiểu tạo ra được một tia sáng cuối đường hầm, xây dựng được một nền tảng nhỏ cơ bản cho tương lai là những điều khả thi thì tái cơ cấu 1 cũng không làm được. Hệ lụy của lần thất bại này không nhỏ: đội ngũ những người biết nghề đã tan tác gần hết để tự cứu mình, thay bằng những nhân viên phường xã; đội tàu “đóng mới” hơn 1 tỷ USD, nhiều cái không đủ tiêu chuẩn cấp giấy phép cho chạy, để lửng lơ không tiền bảo vệ, bảo trì sẽ bị ăn cắp thiết bị, mục nát theo thời gian, vài năm nữa sẽ có thể bán được … để phá dỡ (xem kinh nghiệm người đi trước: http://bit.ly/U6XjGS).

Đợt tái cơ cấu lần 2 đang diễn ra là khe cửa hẹp cuối cùng cho ngành đóng tàu sống sót và có hy vọng vượt qua được giai đoạn sinh tử này. Rất tiếc là với cách triển khai hiện nay, khe cửa đó đang khép lại.

Bởi vì đề án tái cơ cấu 2, cơ hội cuối cùng để ngành đóng tàu ngẩng mặt lên được, đang được triển khai không đúng cái cần có.

Thứ nhất, chiến lược (hoặc kế hoạch, đề án, …) phát triển ngành đóng tàu phải ở tầm quốc gia (nhấn xem http://bit.ly/Rl8T3M) như Nga gần đây đã làm. Tối thiểu, đề án cũng không nên do những người đang muốn đi khỏi Vinashin mà không được đi và những người muốn đi nhưng không biết đi đâu, soạn thảo. Các bộ, ngành, viện nghiên cứu đủ loại, … các giáo sư, tiến sỹ đông đảo phải vào cuộc (trừ loại này http://bit.ly/SQNZaS. :-))

Thứ hai, mục tiêu và nội dung cơ bản của đề án không phải như đề án lần trước chỉ là các biện pháp tổ chức trên giấy, cắt cứa số học, giảm số đơn vị trực thuộc xuống. Nó phải thực sự tìm ra khe cửa hẹp, khả thi ở thị trường trong và ngoài nước, đủ để cho những cái còn lại tồn tại được và xây dựng lại năng lực đóng tàu thương mại ở quy mô nhỏ, định hướng được cho tương lai, chờ điều kiện thị trường tốt lên.

Thứ ba, đề án phải thực sự có chất lượng, tạo được niềm tin. Niềm tin vào ngành đóng tàu hiện nay đã mất hết từ những cấp cao nhất đến người công nhân. Sau một hồi loay hoay, những người có liên quan chắc đã nhận ra rằng ông khổng lồ hoành tráng đứng thứ 4 thế giới một thời té ra là ….”không đủ năng lực đóng tàu” thương mại – tức là có lãi, điều mà thanh tra đã nhận ra từ rất sớm. Sau 2 năm “tái cơ cấu’, tiếp tục “bỏ gốc đi làm ngọn” (nhấn xem http://bit.ly/Nid6jT), kết quả lại càng tồi tệ hơn.

Một đề án tốt, có nhiều hy vọng tìm ra được một hướng đi khả thi để Vinashin tồn tại và phát triển như một thực thể có tổ chức.

Vì vậy vào thời điểm này, nó là khe cửa hẹp cuối cùng.

Để làm được những điều nói trên, cần: người, tiền và thời gian.

Về người trong nước có lẽ không cần phải bàn. Đội ngũ đang viết đề án hiện nay, với tâm trạng như nói ở trên hoàn toàn không đủ năng lực. Và quan trọng hơn, họ không có tâm làm thực. Làm để nộp bài cho xong thì chất lượng không cần phải nói cũng biết.

Tình hình rất đen tối. Ta không nhìn ra cơ hội, nhưng hy vọng là những người khác có đầy đủ thông tin hơn, có trình độ chuyên nghiệp hơn có thể nhìn ra. Như thông tin cho biết, hiện nay vẫn có nước, có tập đoàn đầu tư vào đóng tàu (nhấn xem http://bit.ly/Vuz3Q3). Họ nhìn ra cơ hội gì?

Vì vậy cần có tư vấn nước ngoài.

Với tư vấn nước ngoài cũng cần rất thận trọng. Tư vấn phải được chọn cẩn thận, trả lời được mấy câu hỏi sau một cách chuyên nghiệp (có số liệu, phân tích, dẫn chứng,…):

  1. Trong một tương lai gần (vd: 5 năm) có cơ hội nào cho ngành đóng tàu Việt nam trong thị trường thế giới không? Và tương lai dài hơn, có nên phát triển ngành đóng tàu không, theo hướng nào, quy mô như thế nào?
  2. Nếu có thì gồm mấy phương án và quan trọng nhất, mỗi phương án cần bao nhiêu tiền và bao nhiêu thời gian?
  3. Khi phương án đã chọn (ví dụ: tập trung vào đóng tàu cao cấp) thì xây dựng được kế hoạch và tư vấn được cụ thể các bước tiếp sau.

Những câu hỏi này, các chuyên gia trong nước không thể trả lời được.

Tư vấn nước ngoài là một trong những yếu tố quyết định để làm cho đề án có chất lượng thực, từ đó tạo niềm tin (nhấn xem http://bit.ly/S6fuuG). Vì vậy, nếu làm ẩu, chỉ cốt để tráng men “tây” cho đề án sẽ làm lãng phí một cơ hội rất lớn. “Tây” thất bại thì sau này không còn ai tin và chịu chi tiền cho làm lần thứ hai nữa.

Để làm một cái đề án tử tế thì phải có tiền, nhất là tiền thuê tư vấn nước ngoài. Nước ta không thiếu gì nơi đã thuê tư vấn nước ngoài làm quy hoạch, chiến lược, …. có thể tham khảo kinh nghiệm của họ. Tạm hoãn những công trình tượng đài, nhà bảo tàng,… dành tiền mở thầu quốc tế chọn tư vấn để tìm lối thoát cho một ngành công nghiệp xuất khẩu, cứu vãn khoản tiền gần 200 nghìn tỷ đã đổ vào đó và tương lai hàng vạn con người, TẠI SAO KHÔNG???

Việc mở thầu này còn có một tác dụng PR, marketing rất lớn nữa. Nó gây sự chú ý và tạo niềm tin trong giới chủ tàu quốc tế khi biết rằng chúng ta quyết tâm xây dựng lại ngành đóng tàu một cách bài bản, theo những chuẩn mực quốc tế. Kèm theo những lợi thế so sánh khác (giá,…), đó sẽ là một nơi nên tìm đến nếu có nhu cầu đóng tàu.

Trong tình cảnh hiện nay, việc làm này có vẻ “cố đấm ăn xôi”. Nhưng vì những mục tiêu trên, cũng nên cố một lần chót.

Và điều cuối cùng, cần phải có thời gian. Đừng vì tiến độ kế hoạch nào đó mà thúc ép nộp bài cho xong. Hoặc, duyệt đề án về tổ chức trước, chiến lược phát triển để sau.

Như đã nói trong một bài trước (nhấn xem http://bit.ly/S6fuuG), trong bối cảnh suy thoái toàn cầu, cũng không biết tư vấn có vạch được ra ánh sáng cuối đường hầm không? Nhưng đó là hy vọng cuối cùng để Vinashin có thể tồn tại, phát triển một cách có kế hoạch, định hướng và khả thi.

Nếu không thì đành quay lại thời kỳ suy thoái trước của ngành cuối những năm 80: phát lệnh rời con tàu đắm, tùy nghi di tản, đơn vị nào có giám đốc năng động thì sống và cái tổng công ty Vinashin cũng không còn lý do và tiền để mà tồn tại nữa! :( :-(

Theo thông tin mới nhất, bộ Chính trị vẫn tiếp tục quan tâm rất lớn đến Vinashin (nhấn xem http://bit.ly/SQKC3Y)!Hy vọng đề án tái cơ cấu được nộp lên đó không phải đồ dởm!

4 thoughts on “Khe cửa hẹp cuối cùng của Vinashin đang khép lại.

  1. Thue tu van DNV lam roi anh Tri ah. Nhung ho danh gia tinh hinh thi truong bi quan lam. Chua thay khe cua nao ca, du la nho nhat.

    • Vụ thuê tư vấn đó không phải phục vụ cho đề án. Tôi ngại rằng nó sẽ được dùng để “tráng men Tây” cho đề án nên mới viết bài này.

      • Thân gửi Bác Trị,
        Em vô cùng cảm động trước tấm lòng của Bác đối với ngành đóng tàu nước nhà. Bác đã về hưu được 2 năm rồi mà lòng vẫn còn day dứt, từng ngày mong đợi cho tương lai của ngành đóng tàu nước nhà…Giá như mà các lãnh đạo ai cũng được như Bác thì thật phúc cho dân ta quá…

        Cái thằng bạn em, nó đang làm nghề đóng tàu. Nó cũng yêu nước lắm, nó hỏi em rằng :
        – “Nếu ông là chủ tàu nước ngoài, ông xem xét tất cả những việc Vinashin đã làm ( giao tàu thì luôn chậm, vay tiền nước ngoài thì…, ban lãnh đạo thì dính vào vòng pháp luật….), liệu ông có dám hợp tác với họ không ? Tôi thì tôi chịu, không dám…”
        Nói thế để thấy rằng : cái uy tín của Vinashin đã bị mât rồi, không có chủ tàu nước ngoài dám đặt hàng Vinashin vào thời điểm này đâu. Tương lai hiện tại còn chưa thấy thì vội bàn làm gì tương lai 5 năm tới ?

        Em công nhận Bác là người yêu đời, luôn luôn lạc quan sống. Trong mây tối mà Bác vẫn nhìn ra ánh sáng thì quả là bái phục, bái phục quá….
        Trong thời buổi kinh tế khó khăn, Bác vẫn nhìn ra các điểm sáng : Cà phê Trung Nguyên, Voska Hà Nội, Bánh Trung Thu ở Thụy Khuê Hà Nội ( người xếp hàng mua đông như thời bao cấp )…,rồi Bác nghĩ :Cũng như họ, cơ hội nào cho Vinashin trong lúc khó khăn này?
        Tấm lòng của Bác thật quy‎ hóa quá.
        Bác thử nghĩ xem : Cà phê Trung Nguyên, Voska Hà Nội, Bánh Trung Thu ở Thụy Khuê Hà Nội…, họ khác Vinashin ở những điểm cơ bản gì ? Ở TÂM và ở TẦM ?…

        Thôi không dông dài nữa, đi thẳng vào vấn đề chính : Khe hở hẹp nào cho Vinashin?
        Trước khi nói đến khe cửa hẹp, ta phải hiểu rằng : Cơ hội không tự đến, chính Vinashin phải tự tạo ra cơ hội cho mình.

        Việc đầu tiên cần làm là : “Lấy lại uy tín, xây dựng lại lòng tin của các khách hàng trong nước và quốc tế “.
        Bằng cách nào ?
        – Bằng Cam kết của lãnh đạo và việc làm thực tế.
        Lòng tin không được xây dựng bằng lời nói xuông. Lòng tin phải được chứng minh bằng kết quả hành động thực tế.
        Khi nào Vinashin cam kết với các chủ tàu trong nước và quốc tế : Từ nay trở đi chúng tôi cam kết đóng tàu đảm bảo chất lượng theo các tiêu chuẩn Quốc tế và bàn giao tàu theo đúng tiến độ đã cam kết trong hợp đồng và thực tế Vinashin thực hiện thành công thì lúc đó niềm tin mới trở lại.

        Nhưng làm thế nào để đóng tàu đảm bảo chất lượng theo các tiêu chuẩn Quốc tế và bàn giao tàu theo đúng tiến độ?
        Đây chính là nội dung chính của đế án tái cơ cấu Vinashin, cũng là câu hỏi mà chúng ta đã tốn nhiều công sức, thời gian mà đến nay vẫn chưa có lời giải thỏa đáng.
        Bàn đến đề án tái cơ cấu Vinashin là một đề tài Nhà nước, rất rộng lớn. Như Bác nói là phải cần có Người có nghề, phải có Tiền và cần có Thời gian….Thôi thì ta xin dành việc này cho Đảng và Chính Phủ .

        Trong phạm vi bài này, em mạn phép chỉ xin bàn về Khe cửa hẹp, hay các giải pháp “ mỳ ăn liền” vậy.

        1) Xây dựng lại thương hiệu :
        “Có một hãng sản xuất tủ lạnh của Trung Quốc. Ban đầu họ làm ăn bị thất bại. Họ đã xóa tên cũ, thay nó bằng một cái tên mới + con người mới + cách quản ly điều hành mới…Kết quả công việc sản xuất của họ đã thành công và cái tên mới của họ đồng nghĩa với Uy Tín – Chất lượng…”

        Vinashin có nên đổi thành VIETSHIP + con người mới + cách quản ly điều hành mới…?

        2) Bài học từ thành công :
        Ở Vinashin chúng ta có những bài học thành công nào?
        – Chúng ta có 2 Nhà máy thành công. Đó là đóng tàu Sông Cấm, đóng tàu kéo xuất khẩu cho DAMEN và Huyndai-Vinashin, đóng tàu cỡ lớn cho các chủ tàu nước ngoài.

        Từ 2 nhà máy đó, bài học thành công rút ra là :
        – Ở các nhà máy đóng tàu cớ nhỏ và trung bình ( trọng tải dưới 20,000 DWT ) thì cán bộ điều hành có thể là người Việt nam ( có sự trợ giúp kỹ thuật của các chuyên gia nước ngoài ). Nhưng toàn bộ khâu chuẩn bị sản xuất, cung cấp thiết kế, vật tư, máy móc, trang thiết bị, giám sát kỹ thuật…là do phía nước ngoài đảm nhiệm. Chúng ta chủ yếu là tập trung vào khâu sản xuât.

        – Ở các nhà máy đóng tàu cỡ lớn ( từ 30,000 DWT trở lên ), toàn bộ các cán bộ quản ly / điều hành sản xuất chính là các chuyên gia nước ngoài phụ trách. Toàn bộ khâu chuẩn bị sản xuất, cung cấp thiết kế, vật tư, máy móc, trang thiết bị, điều hành sản xuất, giám sát kỹ thuật…là do phía nước ngoài đảm nhiệm. Chúng ta chủ yếu là sức người ,tập trung vào khâu sản xuât.

        Hiện tại, Sông Cấm đã ky xong hợp đồng đóng mới với DAMEN đến tận năm 2014.

        Tại sao chúng ta không nghiên cứu kỹ 02 mô hình thành công này để vận dụng sáng tạo vào các nhà máy khác ???

        3) Bàn về thị trường :
        a) Thị trường trong nước :
        Chúng ta đã có một cuộc khảo sát thị trường trong nước một cách nghiêm túc, đầy đủ, toàn diện với tất cả các doanh nghiệp, các địa phương, các bộ nghành….về nhu cầu vận tải hàng hóa của họ chưa ???
        – Nhu cầu chở than cho nghành điện ? Tàu chở hoa quả ? Tàu chở các loại hóa chất phục vụ sản xuất ( không phải chemical tanker ) ? Tàu cá + bảo vệ vùng biển Đông ? Tàu quân sự ? Tàu du lịch ? Tàu phục vụ dầu khí ? Tàu Ro-Ro để giảm tải cho đường bộ theo chỉ thị của Bộ GTVT…

        – Tạo ra các sản phẩm mới : Liệu chúng ta có thiết kế và đóng được các phà, các tàu chạy tuyến ngắn sử dụng năng lượng mặt trời hay sử dụng khí hóa lỏng ?…

        Với sự quan tâm của Đảng, Bộ Chính trị thì rõ ràng thị trường trong nước là mối ưu tiên của Vinashin.

        b) Thị trường nước ngoài :
        Nếu Vinashin không có gì mới, thì cơ hội đóng tàu cho nước ngoài gần như bằng không.

        Nhưng nếu chúng ta học theo 02 mô hình thành công ở trên : Kết hợp với các tập đoàn đóng tàu mạnh trên thế giới của Châu Âu, Nhật bản, Hàn Quốc ( thuê cán bộ quản ly / điều hành; hoặc liên doanh, hoặc làm nhà thầu phụ…) thì cơ hội không phải là không có…

        Trên đây chỉ là các “ NGU Ý “ của em. Em xin các Bác cao minh rộng lượng tha thứ cho em , nếu như các NGU Ý của em làm các Bác bực mình. Vì thực lòng em chỉ vì yêu nước mà giãi bày suy nghĩ của mình,chứ chẳng dám “ múa rìu qua mắt thợ”…

        Em xin dừng bút, kính chúc Bác Trị luôn mạnh khỏe và cầu mong cho ước mơ của Bác về tương lai sáng lạn của Vinashin sớm thành hiện thực.

  2. Đến hôm nay chắc khe cửa đã khép hẳn rồi chú ạ. Chúc chú sức khỏe và có thêm những bài tâm huyết như thế này cho bên PMNM, cánh cửa thứ 2 đang chuẩn bị mở ra với PMNM và nếu không làm tử tế rất có thể nó sẽ khép lại vĩnh viễn, giống như VINASHIN.

Bình luận về bài viết này