Nội địa hóa ???

Aside

(Hồi này không khí hơi trầm lắng. Anh Thăng đã lâu không có phát biểu “đột phá” nào. Lò nướng thịt thì mới nhóm, khói còn mù mịt. Hồi ức lan man để …cười trong khi chờ nhìn thấy … ánh sáng cuối đường hầm!)

Nội địa hóa (hoặc công nghiệp phụ trợ) thường được nhắc đến như một cây đũa thần có thể biến các ngành “lấy công làm lãi” thành những cỗ máy in tiền.

Nó không chỉ ồn ào trên báo chí mà còn xuất hiện cả trong những bản “chiến lược phát triển” cấp quốc gia đã được trịnh trọng phê duyệt và trong những lời chỉ đạo vàng ngọc của các cấp lãnh đạo có thẩm quyền!

Nhưng tất cả đều thất bại.

Ngay một ngành nội địa hóa thuận lợi nhất là dệt may đến bây giờ vẫn đang loay hoay tìm hướng. Tấm vải, cái khuy áo, sợi chỉ khâu trông rất đơn giản nhưng để làm ra có lãi lại không hề đơn giản.

Một ông nông dân bán đất ra thành phố mở cửa hàng. Sau vài tháng, phát khùng lên vì thấy bọn giao hàng ăn hết cả lãi. Với thói quen tự tay chẻ lạt, chặt tre, đục mộng dựng nhà, ý tưởng tự làm lấy rồi bán để ăn từ gốc đến ngọn là điều dễ hiểu.

Nhưng cái “chuỗi cung ứng toàn thành phố” nó không cho làm thế. Mỗi người nếu giỏi cũng chỉ được chia một phần chiếc bánh.

Nói như thế chẳng lẽ công nghiệp phụ trợ không có cửa nào? Có, nhưng nó phải đạt hai mục tiêu: chất lượng quốc tế và xuất khẩu là chính, nội địa hóa chỉ là phụ. Và đó là hai mục tiêu không hề dễ. Nhật cũng đã vấp như đã nói ở đây (xem http://bit.ly/TPSoNL ).

Tôi có tìm được một dự án quốc gia về phát triển công nghiệp phụ trợ của ngành đóng tàu. Để hôm nào rỗi, điểm qua cho mọi người tham khảo.

Nhưng thôi, vấn đề gai góc dành cho “những người có trách nhiệm” vặt đầu vặt óc. Dưới đây, để thư giãn, xin chia sẻ vài kinh nghiệm “nội địa hóa thánh thần” rất thành công.

Vào khoảng đầu những năm 2000, nghỉ Tết xong Vinashin tổ chức một cuộc gặp mặt đầu xuân trên tàu Nàng tiên cá đi vòng quanh hồ Tây.

Đến chùa Trấn quốc, tàu đỗ lại cho mọi người vào lễ. Đầu xuân, khách đông nghìn nghịt. Ngại chen nên tôi bảo ông Bình: “Thôi, ông vào lễ đi rồi về tôi lễ lại ông!”.

Thay vì lễ những ông Phật người Ấn độ hoặc Trung quốc, nội địa hóa thần thánh thành lãnh đạo nhà mình là tốt nhất! Mà hiệu quả cực cao. Nếu tôi chịu lễ ông thần nội địa này thì có lộc ngay lập tức, quan hệ của tôi với Bình thời đó rất tốt. Một cái dự án vài trăm tỷ là chuyện trong tầm tay. Chưa lễ đã được giao cho mấy cái ngộp thở rồi :D .

Đấy là chuyện bậc thánh thần cao vời vợi. Còn bình thường, chỉ cần cầu những ông nhỏ hơn. Ba ông tam đa Phúc, Lộc, Thọ tượng trưng cho ba ước muốn “đơn giản” của con người: sống lâu, con cháu đầy đàn và được làm quan lại có nhiều bổng lộc.

Nhưng ba ông đó ở mãi bên Tàu, chẳng biết có thật không, mà khi cầu được lại băn khoăn không biết là lộc các ông ban cho hay là do các cụ nhà mình phù hộ ???

Vì vậy, tôi quyết định chọn ba ông tam đa ngay trong cơ quan. Một hôm, tình cờ ngồi với cả ba ông, tôi bảo:

-Tôi chọn ba ông làm ba ông tam đa, lý do thế này… thế này… Ba ông cho tôi xin mỗi ông một cái ảnh 3×4.

– ???

– Thì tôi phóng to lên rồi ra phố Hàng Quạt ….(phố chuyên bán đồ thờ!).

Mới nói đến đây thì ông to nhất (và do đó cũng mê tín nhất) giãy nảy lên:

– Ông này chỉ nói linh tinh. Hôm nay mùng mấy rồi nhỉ?

May quá, hôm đó đã qua mùng mười âm lịch :) Tôi nói tiếp:

– Tôi phóng to ảnh lên, ra Hàng Quạt mua mấy cái khung về rước các ông lên nóc tủ trong phòng làm việc. Ngày rằm, mùng một khỏi phải thắp hương, tôi mời các ông ra quán!

Ba ông này cũng cực kỳ linh, cầu được, ước thấy ngay lập tức.

Ông thứ nhất là bạn học với tôi và mình cũng muốn được thăng quan nhiều như ông ấy. Tôi vẫn thầm nghĩ: “ Sau này già, mình mà “đi” sau nó thì phải kiếm cái ghế mới đủ sức ngồi nghe điếu văn liệt kê hết chức tước của nó, phải hai trang A4!!!”. Riêng chức kiêm nhiệm cùng lúc có lẽ phải gần 20 cái, kể cả cái chức đáng ao ước là “trưởng ban vì sự phát triển của phụ nữ”!

Hồi Vinashin chuyển từ tổng công ty thành tập đoàn, tôi vào phòng ông, ngó quanh quất mấy cái chân bàn.

– Tìm cái gì đấy?

– Hồi này thấy chức tước bay như bươm bướm, xem có rơi cái nào thì nhặt.

– Có thật không? Còn đang thiếu những chỗ A, B, C,… ông có thích thì để tôi nói với ông Bình một tiếng.

Đi lễ Đức Thánh Trần cũng không linh như thế! :D

Cuối trào (năm 2008), học theo ông đại tam đa này may mà mình nhanh chân kiếm được cái chức “Chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc” một công ty cổ phần chưa kịp mở tài khoản đã phải giải tán. Nhưng lúc đọc điếu văn, ai biết đấy là đâu :D !

Ông thứ hai rất giỏi kiếm tiền. Không đại gia gì nhưng với mình cũng là đáng ngưỡng mộ lắm rồi. Một hôm tôi bảo:

– Hồi này rách quá, xem có gì bảo mình với.

– Có thật không? Anh về bảo chị xuất ra ít tiền (hu hu). Đến đây em chỉ cách cho.

Nếu hồi đó mà nghe lời thì thắng to, đang giai đoạn đầu sốt chứng khoán! Tính mình lại dát, chỉ được một ít là thôi nên chắc không cháy túi như những người theo đến cùng. Ông này về sau kiếm được cái nghề rất hay, không mất vốn mà oai phong lừng lẫy. Xứng đáng là nhị tam đa!

Nhưng có chức, có tiền mà không biết hưởng thì cũng hoài. Vì vậy ông tam đa đệ tam là người cực kỳ sành điệu. Hàng hiệu loại gì, quán xá cao cấp ở đâu ông thuộc vanh vách. Bút máy Parker tưởng đã là đầu bảng, nhưng ông bảo không phải. Nhờ ông này tư vấn, thay được cái mobile tốt, đứng đắn kiểu công chức mà lại nhiều tính năng. Nếu có tiền nhờ ông chỉ bảo mua ô tô hay may bộ comple xịn thì nhất. Ít người biết rằng bộ khuy măng sét cũng có loại hàng hiệu, không phải bạ khuy nào cũng được. Đặc biệt ông này cực giỏi mua ô. Thời đó ông đã sắm được cái ô mà cả tập đoàn phải ao ước và bây giờ ô rách, ông lại mua được cái ô mới cũng tôt không kém.

Tóm lại, các ông thần nội địa hóa các cấp đều rất linh, cầu được ước thấy ngay lập tức. Việc gì phải nhập ngoại những ông ở tận đâu đâu. Tuy nhiên trước đó, có một bà thầy bói đã từng đi học chiêm tinh ở Ấn độ phán cho tôi “Số ông là số không được hưởng” nên lộc đến tận tay như đã kể mà đúng là không được hưởng. Có hai cái lộc lớn khác được “chính chủ” ấn vào tận tay, nếu được hưởng thì bây giờ đã được bảo vệ 24/7 đợt đầu tiên rồi. Làm gì còn có điều kiện mà ngồi chém gió trên mạng! :D

Đấy là những việc “nhớn”. Còn việc nhỏ nếu có ý thức nội địa hóa cũng hiệu quả rất cao. Có lần định đi ké tập tọng chơi gôn. Tia ngay được ở phòng khách phố NVS mấy bộ gôn vứt lỏng chỏng, chắc đệ tử biếu nhiều quá dùng không hết. Xin một bộ chắc là được. Chưa kịp xin thì tàu đã đắm. Đúng là số không được hưởng!

Người thấy mệt, nghi bị tiểu đường mà toàn trốn khám sức khỏe. Đi bệnh viện làm xét nghiệm? Không việc gì phải thế. Chạy lên phòng mấy ông bạn quan to bị tiểu đường, thiết bị xét nghiệm xịn lúc nào cũng sẵn sàng. Tận tình thử hộ, một phút có kết quả ngay. Đã ăn sáng mà chỉ số có 7.5, đời lại tươi!

Kết luận lại chủ trương nội địa hóa, hoặc nói rộng ra là phát triển công nghiệp phụ trợ là rất đúng đắn (chủ trương, đường lối bao giờ chả đúng). Chỉ có điều thực hiện đừng sai và … số có được hưởng lộc không? Cái này khi nào có dịp sẽ bàn sau. Đừng như đoàn tàu LASH, nhà máy thép, điện, lắp ráp động cơ diesel, chế tạo ống xoắn là được. Gần đây nghe nói tập đoàn mới lập ban Công nghiệp phụ trợ, đứng đầu là một ngôi sao sáng mới nổi và nhiều nhân viên cũng “hoành’ như sếp. Hy vọng công nghiệp phụ trợ sẽ là một cái phao cứu con tàu đang đắm :D 

Thư ngỏ gửi ban chỉ đạo tái cơ cấu Vinashin.

Aside

THƯ NGỎ GỬI BAN CHỈ ĐẠO TÁI CƠ CẤU VINASHIN.

Qua báo chí (http://bit.ly/S1izz2 ) được biết:

một đoàn công tác gồm đại diện Bộ GTVT, Ban Kinh tế Trung ương, Văn phòng Chính phủ và nhiều chuyên gia kinh tế đang khảo sát, làm việc với các đơn vị của Vinashin. Sau chuyến công tác này, đoàn sẽ đưa ra một nhận định đầy đủ về Vinashin sau khi tái cơ cấu để báo cáo Chính phủ và Bộ Chính trị. Báo cáo này cũng sẽ có đề xuất hợp lý nhất để tiếp tục tái cơ cấu Vinashin.”

Trả lời báo chí, bộ trưởng Đam cũng cho biết Vinashin sẽ có một đề án tái cơ cấu riêng (hiện đang được giao cho Vinashin làm).

Tuy nhiên, cách làm không đúng có thể dẫn đến những kết luận sai và cánh cửa mới hé mở sẽ đóng sập lại đối với Vinashin.

Tôi có vài ý kiến đóng góp về việc này như sau:

  1. Tái cơ cấu Vinashin gồm hai nhiệm vụ lớn: a/Giải quyết hậu quả của Vinashin “cũ” để lại và b/Tìm một hướng đi khả thi cho Vinashin “mới”. Trong tái cơ cấu lần 1 chỉ mới làm được phần rất nhỏ nhiệm vụ a, hoàn toàn không thực hiện được nhiệm vụ b, để thời gian quý giá từ 2008 trôi qua, tiêu thêm nhiều tiền vô ích và kết quả hiện nay tình hình lại càng trầm trọng hơn.
  2. Phải nhìn thẳng vào sự thật mà nói rằng Vinashin “cũ” thực sự là một cuộc bạo loạn về kinh tế: xây dựng, phát triển không tuân thủ các quy định pháp luật. Vì vậy, cũng như dẹp bạo loạn chính trị, cần một bộ máy có quyền lực đặc biệt, một cơ chế đặc biệt, tạm thời bỏ qua các quy định pháp luật hiện hành (xem thêm http://bit.ly/TMWZli) với mục tiêu cao nhất là ổn định nhanh chóng tình hình, không cho hậu quả (nợ lãi,…) lây lan như một đám cháy rừng. Tức là một hệ thống cứu hỏa trong kinh tế. Áp dụng một hệ thống pháp luật còn nhiều khiếm khuyết để giải quyết cái vô pháp luật là điều không khả thi và thực tế những năm qua đã cho thấy đúng như thế. Một ví dụ: các dự án đã làm không đủ hồ sơ, chứng từ để quyết toán sẽ không thể chuyển thành vốn ngân sách, bán, cổ phần hóa hay liên doanh, liên kết được.
    Bộ máy, cơ chế đặc biệt đó không chỉ dành riêng cho Vinashin. Các đám cháy kinh tế khác cũng cần đến nó. Trên con tàu kinh tế quốc gia, không có hệ thống cứu hỏa chuyên dụng là một thiếu sót lớn. Việc chậm có hệ thống này đã gây ra những tổn thất không nhỏ và không đáng có.
  3. Tìm một hướng đi khả thi cho Vinashin là điều quan trọng và khó khăn nhất lúc này:
  • Nếu chỉ khảo sát hiện trạng các nhà máy đóng tàu, đọc các báo cáo về tình hình bế tắc của ngành đóng tàu thế giới thì kết luận hiển nhiên là Vinashin chỉ có nước giải thể. Nếu cố ép các chuyên gia trong nước “vẽ” ra lối thoát thì lối thoát đó chỉ là hình thức, không đáng tin cậy, không khả thi và do đó không nên đổ tiền vào cho nó.
  • Chính phủ (chứ không phải Vinashin) cần đứng ra mở thầu tư vấn quốc tế, tìm một phân khúc thị trường khả thi và hiệu quả lâu dài để xây dựng, duy trì một nền tảng nhỏ của ngành, chuẩn bị cho tương lai. Cách làm này chuyên nghiệp hơn, có độ tin cậy cao hơn, lấy lại niềm tin trong nước và cũng chứng tỏ cho giới chủ tàu quốc tế thấy rằng chúng ta quyết tâm xây dựng lại ngành đóng tàu một cách bài bản, theo các tiêu chuẩn quốc tế. (xem thêm http://bit.ly/QKsht0 ).
    Lối thoát chúng ta không nghĩ ra, không có nghĩa là những người khác chuyên nghiệp hơn, có nhiều thông tin hơn, không tìm ra. Người này không tìm ra, có thể có người khác. Việc chọn tư vấn phải thận trọng và đúng đối tượng cần tìm, không phải cứ “Tây” là nói gì cũng đúng.
  • Với tình hình trong, ngoài nước như hiện nay, tìm cách duy trì cả Vinashin “cũ” thì bất khả thi. Nhưng theo cách nói trên tìm hướng đi đúng, lâu dài cho 5-7 nhà máy đóng tàu với số lượng công nhân còn lại, xây dựng một ngành đóng tàu thương mại nhỏ nhưng tinh là điều có thể.
  • Với các nội dung trên, đề án tái cơ cấu 2 vượt khỏi tầm Vinashin, không thể để Vinashin tự làm. Đội ngũ những người hiểu về ngành đóng tàu, nhất là đóng tàu cạnh tranh, trước đây đã vừa thiếu vừa yếu, hiện nay đã tản mát gần hết. Giao đề án cho những người không có chuyên môn, đang muốn đi khỏi Vinashin mà chưa được phép đi, hoặc muốn đi mà không biết đi đâu thì kết quả cũng sẽ giống như đề án 1.
  • Một sự thật khác đã được Thanh tra Chính phủ chỉ ra và cần phải nhìn thẳng vào nó: Vinashin không đủ “năng lực đóng tàu thương mại”, tức là không có khả năng đóng tàu đúng tiến độ và có lãi. Nói cách khác, nó không có năng lực cạnh tranh. Vì vậy, điều quan trọng cần làm trước tiên là tái cơ cấu lại năng lực đóng tàu theo hướng đi đã tìm được ở trên (xem http://bit.ly/UvVeGU, trích “Nếu không làm được điều đó trước, dù có thay đổi nhân sự tán loạn, cố nặn ra hợp đồng đóng tàu và đổ thêm tiền vào cũng chỉ tạo thêm nhiều khoản lỗ mới còn lớn hơn trước, tiền sẽ một đi không trở lại. ). Năng lực đóng tàu thương mại ở đây không chỉ là năng lực tổ chức, quản lý sản xuất mà còn bao gồm cả công nghệ kinh doanh, công nghệ sản xuất và con người đã được đầu tư không đúng.
  • Thuê nước ngoài hoán cải, khai thác, đào tạo, chuyển giao một nhà máy đóng tàu mẫu là một ví dụ về phương án tái cơ cấu năng lực đóng tàu nói trên.
  1. Có được hướng đi khả thi như đã nói ở trên, cần có tiền và người thực hiện. Mặc dù kinh tế khó khăn, không thể cứu phần nào lượng tiền lớn đã bỏ ra và xây dựng lại một ngành công nghiệp dù chỉ ở quy mô nhỏ mà không có tiền. Trong khủng hoàng, các chính phủ đều phải hỗ trợ ngành đóng tàu (xem http://bit.ly/UMAs9o). Cần thêm bao nhiêu tiền là do tư vấn tính theo phương án được chọn. Số tiền đã chi trong những năm qua nếu làm đúng hướng như trên thì đã có thể tạo nên một tia sáng cuối đường hầm.
    Tối thiểu phải có tiền và có ngay để duy trì, bảo quản các tài sản hiện có (tàu, máy móc trang thiết bị, vật tư tồn đọng,..). Để hoang vài năm nữa thì thật sự là đống sắt vụn, không như bất động sản.
    Trong số 43 tàu đang bỏ hoang, có thể sử dụng được ít nhất 10 chiếc. Hoán cải nó thành tàu căn cứ tổng hợp: biên phòng, tìm kiếm cứu nạn, khí tượng thủy văn, vô tuyến viễn thông, nghiên cứu biển, hậu cần đánh bắt cá xa bờ, …. rải dọc bờ biển từ Cà mâu tới Móng cái. Tại sao không?
  2. Thực tiễn hai năm qua cũng cho thấy, những người chỉ huy việc tái cơ cấu phải là những người có năng lực quản lý, kinh doanh tối thiểu, có bản lĩnh dám làm dám chịu và biết sử dụng những người hiểu biết về ngành đóng tàu. Một trong những nguyên nhân thất bại của tái cơ cấu lần 1 là dùng người sai (xem http://bit.ly/TMWGa4).
    Một tập thể người nữa rất quan trọng cần được lưu ý bảo tồn ở quy mô hợp lý là những người có tay nghề về đóng tàu, “căn cơ” của ngành. Nếu để họ tản mát đi kiếm sống trong các ngành khác như trong lần suy thoái cuối những năm 80 của ngành đóng tàu, thì sau này phải đào tạo lại từ đầu. (xem
    http://bit.ly/ZPhpLz )
  3. Những điều nói trên chỉ là bước đầu nhưng dứt khoát phải có nếu muốn tái cơ cấu Vinashin thật sự. Còn rất nhiều việc phải làm và những điều đó ra ngoài phạm vi bức thư này.

Tái cơ cấu “thật sự” Vinashin là một công việc đội đá vá trời, khả năng thành công khó nói trước. Tuy nhiên, vì đống tiền khổng lồ đã bỏ ra, vì tương lai của hàng vạn con người, vì vai trò chiến lược của ngành, “còn nước, thì phải tát”. Và cũng đừng đi vào vết xe đổ của lần tái cơ cấu trước mà ngay từ cách viết đề án, nội dung đề án, cách chọn người thực hiện đã thấy là không khả thi rồi!

Hy vọng là một vài “ngu ý” được lắng nghe.

Trân trọng

Phan Vĩnh Trị.

Khe cửa hẹp cuối cùng của Vinashin đang khép lại.

Aside

(Chém gió lần cuối về Vinashin. Hy vọng giúp mấy thằng cháu còn có lương mời mình uống cà phê :-) )

Đến bây giờ thì phải nhìn thẳng vào sự thật mà nói rằng tái cơ cấu lần đầu của Vinashin đã hoàn toàn thất bại! Một thất bại thấy trước sau khi đọc cái gọi là “đề án tái cơ cấu” làm vội vàng dưới đủ loại sức ép, sau vài tuần quan sát dàn “tướng” vụng về của PetroVietnam được điều sang (nhấn xem http://bit.ly/NphAnr) và mới đây được chính thức công nhận “Tái cơ cấu Vinashin còn nhiều khó khăn, vướng mắc….” (nhấn xem http://bit.ly/Tc1tfm). :-(

Chỉ cần đi lướt qua một vòng các nhà máy đóng tàu lớn cũng đủ thấy điều đó.

Công bằng mà nói, trục vớt một con tàu nát đã chìm sâu trong đại dương kinh tế toàn cầu đang sóng gió dữ dội là một việc “đội đá vá trời”, may ra chỉ có bà Nữ Oa sống lại mới làm nổi. Nhưng cái điều tối thiểu tạo ra được một tia sáng cuối đường hầm, xây dựng được một nền tảng nhỏ cơ bản cho tương lai là những điều khả thi thì tái cơ cấu 1 cũng không làm được. Hệ lụy của lần thất bại này không nhỏ: đội ngũ những người biết nghề đã tan tác gần hết để tự cứu mình, thay bằng những nhân viên phường xã; đội tàu “đóng mới” hơn 1 tỷ USD, nhiều cái không đủ tiêu chuẩn cấp giấy phép cho chạy, để lửng lơ không tiền bảo vệ, bảo trì sẽ bị ăn cắp thiết bị, mục nát theo thời gian, vài năm nữa sẽ có thể bán được … để phá dỡ (xem kinh nghiệm người đi trước: http://bit.ly/U6XjGS).

Đợt tái cơ cấu lần 2 đang diễn ra là khe cửa hẹp cuối cùng cho ngành đóng tàu sống sót và có hy vọng vượt qua được giai đoạn sinh tử này. Rất tiếc là với cách triển khai hiện nay, khe cửa đó đang khép lại.

Bởi vì đề án tái cơ cấu 2, cơ hội cuối cùng để ngành đóng tàu ngẩng mặt lên được, đang được triển khai không đúng cái cần có.

Thứ nhất, chiến lược (hoặc kế hoạch, đề án, …) phát triển ngành đóng tàu phải ở tầm quốc gia (nhấn xem http://bit.ly/Rl8T3M) như Nga gần đây đã làm. Tối thiểu, đề án cũng không nên do những người đang muốn đi khỏi Vinashin mà không được đi và những người muốn đi nhưng không biết đi đâu, soạn thảo. Các bộ, ngành, viện nghiên cứu đủ loại, … các giáo sư, tiến sỹ đông đảo phải vào cuộc (trừ loại này http://bit.ly/SQNZaS. :-))

Thứ hai, mục tiêu và nội dung cơ bản của đề án không phải như đề án lần trước chỉ là các biện pháp tổ chức trên giấy, cắt cứa số học, giảm số đơn vị trực thuộc xuống. Nó phải thực sự tìm ra khe cửa hẹp, khả thi ở thị trường trong và ngoài nước, đủ để cho những cái còn lại tồn tại được và xây dựng lại năng lực đóng tàu thương mại ở quy mô nhỏ, định hướng được cho tương lai, chờ điều kiện thị trường tốt lên.

Thứ ba, đề án phải thực sự có chất lượng, tạo được niềm tin. Niềm tin vào ngành đóng tàu hiện nay đã mất hết từ những cấp cao nhất đến người công nhân. Sau một hồi loay hoay, những người có liên quan chắc đã nhận ra rằng ông khổng lồ hoành tráng đứng thứ 4 thế giới một thời té ra là ….”không đủ năng lực đóng tàu” thương mại – tức là có lãi, điều mà thanh tra đã nhận ra từ rất sớm. Sau 2 năm “tái cơ cấu’, tiếp tục “bỏ gốc đi làm ngọn” (nhấn xem http://bit.ly/Nid6jT), kết quả lại càng tồi tệ hơn.

Một đề án tốt, có nhiều hy vọng tìm ra được một hướng đi khả thi để Vinashin tồn tại và phát triển như một thực thể có tổ chức.

Vì vậy vào thời điểm này, nó là khe cửa hẹp cuối cùng.

Để làm được những điều nói trên, cần: người, tiền và thời gian.

Về người trong nước có lẽ không cần phải bàn. Đội ngũ đang viết đề án hiện nay, với tâm trạng như nói ở trên hoàn toàn không đủ năng lực. Và quan trọng hơn, họ không có tâm làm thực. Làm để nộp bài cho xong thì chất lượng không cần phải nói cũng biết.

Tình hình rất đen tối. Ta không nhìn ra cơ hội, nhưng hy vọng là những người khác có đầy đủ thông tin hơn, có trình độ chuyên nghiệp hơn có thể nhìn ra. Như thông tin cho biết, hiện nay vẫn có nước, có tập đoàn đầu tư vào đóng tàu (nhấn xem http://bit.ly/Vuz3Q3). Họ nhìn ra cơ hội gì?

Vì vậy cần có tư vấn nước ngoài.

Với tư vấn nước ngoài cũng cần rất thận trọng. Tư vấn phải được chọn cẩn thận, trả lời được mấy câu hỏi sau một cách chuyên nghiệp (có số liệu, phân tích, dẫn chứng,…):

  1. Trong một tương lai gần (vd: 5 năm) có cơ hội nào cho ngành đóng tàu Việt nam trong thị trường thế giới không? Và tương lai dài hơn, có nên phát triển ngành đóng tàu không, theo hướng nào, quy mô như thế nào?
  2. Nếu có thì gồm mấy phương án và quan trọng nhất, mỗi phương án cần bao nhiêu tiền và bao nhiêu thời gian?
  3. Khi phương án đã chọn (ví dụ: tập trung vào đóng tàu cao cấp) thì xây dựng được kế hoạch và tư vấn được cụ thể các bước tiếp sau.

Những câu hỏi này, các chuyên gia trong nước không thể trả lời được.

Tư vấn nước ngoài là một trong những yếu tố quyết định để làm cho đề án có chất lượng thực, từ đó tạo niềm tin (nhấn xem http://bit.ly/S6fuuG). Vì vậy, nếu làm ẩu, chỉ cốt để tráng men “tây” cho đề án sẽ làm lãng phí một cơ hội rất lớn. “Tây” thất bại thì sau này không còn ai tin và chịu chi tiền cho làm lần thứ hai nữa.

Để làm một cái đề án tử tế thì phải có tiền, nhất là tiền thuê tư vấn nước ngoài. Nước ta không thiếu gì nơi đã thuê tư vấn nước ngoài làm quy hoạch, chiến lược, …. có thể tham khảo kinh nghiệm của họ. Tạm hoãn những công trình tượng đài, nhà bảo tàng,… dành tiền mở thầu quốc tế chọn tư vấn để tìm lối thoát cho một ngành công nghiệp xuất khẩu, cứu vãn khoản tiền gần 200 nghìn tỷ đã đổ vào đó và tương lai hàng vạn con người, TẠI SAO KHÔNG???

Việc mở thầu này còn có một tác dụng PR, marketing rất lớn nữa. Nó gây sự chú ý và tạo niềm tin trong giới chủ tàu quốc tế khi biết rằng chúng ta quyết tâm xây dựng lại ngành đóng tàu một cách bài bản, theo những chuẩn mực quốc tế. Kèm theo những lợi thế so sánh khác (giá,…), đó sẽ là một nơi nên tìm đến nếu có nhu cầu đóng tàu.

Trong tình cảnh hiện nay, việc làm này có vẻ “cố đấm ăn xôi”. Nhưng vì những mục tiêu trên, cũng nên cố một lần chót.

Và điều cuối cùng, cần phải có thời gian. Đừng vì tiến độ kế hoạch nào đó mà thúc ép nộp bài cho xong. Hoặc, duyệt đề án về tổ chức trước, chiến lược phát triển để sau.

Như đã nói trong một bài trước (nhấn xem http://bit.ly/S6fuuG), trong bối cảnh suy thoái toàn cầu, cũng không biết tư vấn có vạch được ra ánh sáng cuối đường hầm không? Nhưng đó là hy vọng cuối cùng để Vinashin có thể tồn tại, phát triển một cách có kế hoạch, định hướng và khả thi.

Nếu không thì đành quay lại thời kỳ suy thoái trước của ngành cuối những năm 80: phát lệnh rời con tàu đắm, tùy nghi di tản, đơn vị nào có giám đốc năng động thì sống và cái tổng công ty Vinashin cũng không còn lý do và tiền để mà tồn tại nữa! :( :-(

Theo thông tin mới nhất, bộ Chính trị vẫn tiếp tục quan tâm rất lớn đến Vinashin (nhấn xem http://bit.ly/SQKC3Y)!Hy vọng đề án tái cơ cấu được nộp lên đó không phải đồ dởm!

Kinh nghiệm đắm tàu

Aside

Khi tàu bắt đầu đắm, phản ứng bản năng của số đông là giận dữ đi tìm kẻ có lỗi và trừng trị. Vì nước mới chỉ ngập đến chân, không ai nghĩ rằng việc cấp bách hơn nhiều và khó khăn hơn nhiều là đi cứu đắm. Thời gian quý báu trôi qua trong việc truy lùng những tội lỗi quá khứ. Hàng đống tiền đổ ra vô ích cho những giải pháp vá víu tạm bợ. Đến khi nhận ra rằng nước đã lên đến cổ, con tàu đang vỡ ra từng mảnh, thất nghiệp và lương không đủ sống đã gõ cửa từng nhà thì đã quá muộn. ☹☹☹

Cứu đắm là việc cực kỳ khó khăn và khẩn cấp. Nó cần những con người đặc biệt, một cơ chế xử lý đặc biệt và những phương tiện đặc biệt không khác gì tình trạng chiến tranh. Tuyên bố tình trạng khẩn cấp về kinh tế và áp dụng những điều đặc biệt đó để cứu đắm ngay là việc cần làm.

Thong thả, ề à, dựa vào một hệ thống tổ chức cồng kềnh, không hiệu quả, một hệ thống pháp luật thủng lỗ chỗ, một đám công chức bất tài, hoảng sợ ra sức náu mình sau tấm khiên pháp luật, mọi việc chỉ càng đình đốn. Trong thời gian đó, con tàu vẫn từ từ chìm xuống và vỡ ra từng mảng theo những quy luật tự nhiên không gì cưỡng nổi.

Đến khi mọi người ngộp nước thì bắt đầu một giai đoạn hỗn loạn. Bản năng sinh tồn làm người ta dẫm đạp lên nhau để sống. Dù có leo được lên bờ thì mọi thứ đã mất hết.

Đó là những kinh nghiệm đắm tàu mà những người đã trải qua đều biết.

Và hy vọng là không phải trải qua một lần thứ hai! Cứu đắm bằng những biện pháp mạnh, ra ngoài khuôn khổ pháp luật trước đã, sửa chữa hệ thống pháp luật, quản lý và xử lý tội phạm để sau! ☺☺☺

Hơn bao giờ hết, đất nước cần những vĩ nhân xuất thế. Nhưng có được hay không lại là số mệnh của dân tộc. Từ lần xuất hiện vĩ nhân trước đến nay đã 120 năm! ☹☹☹

 

 

Thay đổi thế nào mới nên mong đợi?

Aside

Bắt đầu từ năm 2009, một không khí hoang mang cực độ bao trùm Vinashin. Mọi người đều thấy rõ thuyền trưởng Bình đã đưa con tàu đâm vào đá và vẫn cố giữ hướng đi cũ (hoặc không thể tìm ra hướng đi mới). Tâm lý mong chờ một sự thay đổi ngày càng tăng. Khi bế tắc, mọi người khát khao thay đổi đó là chuyện bình thường. Ôbama nắm bắt được tâm lý đó nên từ một anh da đen, không hề có kinh nghiệm quản lý nhà nước (chưa từng làm thống đốc bang) có thể nhảy lên làm tổng thống Mỹ!

Nhưng điều đáng buồn là thay đổi về hình thức đã diễn ra triệt để ở Vinashin nhưng kết quả lại hoàn toàn thất vọng ngay từ những tuần đầu. Một đám trẻ con xuất thân từ một cái chuồng gà công nghiệp,  hùng hổ nhưng ngây ngô, thiếu cả những kỹ năng lãnh đạo quản lý tối thiểu, ra sức “nổ’, “chém gió”, đập nước tứ tung làm cho con tàu đang chìm rã ra từng mảng ( xem http://bit.ly/v1WXi8), giống hệt một trường hợp khác mà cả nước đều biết,http://bit.ly/tyr3G0. Kết quả hai năm “tái cơ cấu” đến bây giờ đã quá rõ ràng và lại phải “tái cơ cấu lần 2”. Vẫn con người và cách làm cũ, hai năm nữa sẽ là lần “giải quyết cuối cùng”.

Thay đổi như thế thì thà đừng thay đổi còn hơn. Hoãn vụ xử lại một vài năm, cho Bình và ê kíp khắc phục hậu quả, kết quả chắc chắn sẽ tốt hơn rất nhiều. Đây cũng chính là điều đang được áp dụng với các ngân hàng như thống đốc Bình đã nói: “Mục tiêu quan trọng là nếu cá nhân, tổ chức nào có sai phạm làm thất thoát tài sản của Nhà nước, người dân thì phải tạo điều kiện cho họ trước tiên khắc phục đầy đủ các thất thoát đó, để đảm bảo quyền lợi của người dân, của nhà nước, của hệ thống, còn những hành vi vi phạm sẽ phải xử lý nghiêm minh theo pháp luật.” (nguồn http://bit.ly/X8lnN5)

Vì vậy, những thay đổi về hình thức không phải là điều đáng mong đợi, thậm chí còn làm cho tình hình tồi tệ hơn.

Thay đổi về thực chất, đáng mong đợi phải làm được những việc sau đây:

  1. Chọn được đúng người có bản lĩnh thật sự. Điều này phụ thuộc thể chế. (xem http://bit.ly/TMWGa4). Các cụ vẫn tự hào là “hào kiệt đời nào cũng có”. Không hiểu thời thế này có tạo nên anh hùng hay không?
  2. Có một cơ chế cứu đắm đặc biệt để trong một bối cảnh vô cùng khó khăn, ổn định được tình hình và tìm ra được những khe cửa hẹp thực sự khả thi, xây dựng cơ sở và tạo niềm tin cho tương lai, cầm cự trong khi chờ đợi kinh tế thế giới qua cơn suy thoái (xem http://bit.ly/TMWZli).

Nhảy từ tả sang hữu, từ một tình trạng độc diễn không kiểm soát sang một cơ chế kiểm soát tập thể, bắt tuân thủ gắt gao một hệ thống pháp luật còn thô sơ, nhiều sai sót sẽ làm cho ai cũng sợ, lo phòng thân, kết quả là mọi việc đình đốn. Vì thế mới cần cơ chế cứu đắm đặc biệt (hoặc là chấp nhận thoi thóp 10-20 năm để hoàn thiện pháp luật!).

Trục vớt một con tàu khổng lồ đang đắm trong hoàn cảnh bão tố toàn cầu là chuyện đội đá vá giời ngay cả với những vĩ nhân, không nên có quá nhiều hy vọng. Nước Nhật với nền tảng siêu tốt còn mất đến 14 năm để khắc phục khủng hoảng. Nhưng họ làm được điều này: “tác động trên đời sống hàng ngày hạn chế. Tỷ lệ thất nghiệp cao nhưng không đến mức khủng hoảng. Do truyền thống căn cơ, tiết kiệm của người Nhật, ảnh hưởng đến gia đình Nhật trung bình không lớn, mức sống không giảm nhiều so với những năm 80.” (xem http://bit.ly/R5fcH0). Có lẽ chỉ nên mong được như vậy.

Nếu không thay đổi được về thực chất, lỗi lầm quá khứ chỉ là cơ hội để một đám sâu mới đang gầy gò xông vào kiếm ăn trên xác chết.

Điều đáng mong đợi nhất là tấn “bi kịch lớn của nền kinh tế http://bit.ly/XaBTMJ” sẽ kéo dài trong bao lâu và kết thúc có hậu không? Mọi chuyện khác không giải quyết được điều đó đều là vô nghĩa.

Kiến trúc doanh nghiệp và tái cơ cấu Vinashin

Aside

(Bài viết đóng góp cho thuyết minh đăng ký một đề tài NCKH. Mong có ý kiến phê bình để rút kinh nghiệm- PVT)

1.Đặt vấn đề :

(Vấn đề này tương đối mới ở nước ta. Do đó cách diễn giải hơi dài, chi tiết một chút. Tên và link đến tài liệu trích dẫn xem ở Danh mục tài liệu trích dẫn. Ký hiệu [4:2] có nghĩa là tài liệu số 4, trang 2 hoặc mục 2).

Năm 1996, đạo luật liên bang Mỹ Clinger–Cohen Act[1]quy định và các bước triển khai tiếp theo đã cho ra đời Kiến trúc Chính phủ liên bang Mỹ (U.S. federal enterprise architecture – FEA [2]) như một yêu cầu bắt buộc với mọi hệ thống thông tin quản lý nhà nước.

Năm 2011, tại Diễn đàn Thương mại điện tử Việt Nam 2011 thứ trưởng bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã nhấn mạnh “Tái cơ cấu theo hướng xây dựng kiến trúc doanh nghiệp ….Các tập đoàn, công ty, hệ thống ngân hàng thương mại và doanh nghiệp là những đối tượng cần đi đầu trong công tác đổi mới và xây dựng kiến trúc Doanh nghiệp phù hợp với tầm nhìn kinh doanh trong 5 năm tới.”[3].

Như vậy, kiến trúc chính phủ, kiến trúc doanh nghiệp có tầm quan trọng rất lớn, nhất là trong giai đoạn tái cơ cấu hiện nay. Đó cũng là nội dung chính của đề tài này mà dưới đây sẽ làm rõ hơn một số vấn đề đặt ra.

a.Khái niệm, thuật ngữ.

Trong các đặc điểm lớn của ngành đóng tàu có một đặc điểm đáng chú ý: Cung về năng lực đóng tàu luôn lớn hơn cầu về nhu cầu đóng mới dẫn đến cạnh tranh khốc liệt ở quy mô quốc gia [4]. Với mức độ cạnh tranh như vậy, công nghệ thông tin là một trong những công cụ cơ bản và chủ yếu đảm bảo năng lực cạnh tranh. “ … bất kỳ một sự cải tiến nào trong quá trình đóng tàu, bất kể là cải tiến sản phẩm hoặc tối ưu hóa quá trình công nghệ hiện nay đều không thể thực hiện được nếu không có sự hỗ trợ rất lớn của công nghệ thông tin” [5:1]. Trong “Chương trình Quốc gia Nghiên cứu Phát triển ngành Đóng tàu Mỹ” có 6 hạng mục thì công nghệ thông tin chiếm tỷ trọng vốn đầu tư lớn nhất (chi tiết xem [6]).

Vinashin hiện nay đang thực hiện tái cơ cấu “toàn diện và triệt để”, việc áp dụng công nghệ thông tin để đảm bảo năng lực cạnh tranh lại càng cấp thiết. Nhưng xây dựng, phát triển hệ thống công nghệ thông tin trong tập đoàn như thế nào là vấn đề mà đề tài này mong muốn đóng góp một phần nhỏ bé. Đó là: trước khi xây dựng hệ thống thông tin, phải xây dựng kiến trúc của hệ thống đó.

(Không chỉ có hệ thống thông tin, các hệ thống tổ chức, quản lý, nghiệp vụ của Vinashin cũng nên có một kiến trúc doanh nghiệp như lời phát biểu của thứ trưởng bộ Công thương đã dẫn ở trên)

Tại sao phải xây dựng kiến trúc hệ thống thông tin.

Các đô thị lớn ở Việt nam hiện nay đang gặp phải nhiều vấn đề lớn, nan giải: ùn tắc giao thông, ngập lụt, ô nhiễm nặng nề, phải áp dụng các giải pháp đối phó, chắp vá như đường trên cao, cầu vượt, v.v… và muốn giải quyết hoặc xây dựng một cái mới thì tiền đền bù, phá cái cũ gấp nhiều lần tiền thực sự dành cho xây mới, tạo ra “những con đường đắt nhất hành tinh”.

Nguyên nhân chủ yếu là do trước đây không có quy hoạch kiến trúc tổng thể, mạnh ai nấy làm, cần gì làm nấy, không có một kỷ cương chung.

Cách đây khoảng 25 năm, hệ thống thông tin của các tổ chức cũng gặp phải vấn đề tương tự. Sau một thời gian phát triển liên tục, người ta nhận ra rằng [7]:

  • Hệ thống thông tin càng ngày càng phức tạp, tốn kém, khó điều hành. Chi phí và mức độ phức tạp của hệ thống tăng theo cấp lũy thừa, trong khi đó
  • Mức độ hệ thống thông tin đáp ứng nhu cầu của tổ chức càng ngày càng kém đi. Mỗi khi có nhu cầu mới hoặc thay đổi, rất khó điều chỉnh một hệ thống thông tin cồng kềnh, đắt tiền đáp ứng được các nhu cầu mới đó.

Các vấn đề nói trên không chỉ riêng của xây dựng thành phố hay hệ thống thông tin. Bất kỳ một tổ chức, hệ thống nào khi phát triển tự phát đến một quy mô nhất định cũng gặp tình trạng cồng kềnh, phức tạp, tốn kém, khó thay đổi và hiệu năng bị giảm.

Để khắc phục tình trạng đó, năm 1987 một lĩnh vực mới ra đời: Kiến trúc hệ thống.(Enterprise Architecture).

Hệ thống ở đây được hiểu theo nghĩa rộng là mọi tổ chức (cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, đoàn thể,..), tập hợp các tổ chức (tập đoàn, hiệp hội) có cùng các mục tiêu, hoặc một ngành dọc trong một tổ chức, ví dụ: hệ thống tài chính – kế toán của một tập đoàn. Trong thuật ngữ tiếng Anh Enterprise Architecture, từ enterprise được hiểu theo nghĩa rộng này mà doanh nghiệp chỉ là một trường hợp riêng[8:1.2]. Vì vậy dưới đây thống nhất gọi chung là Kiến trúc hệ thống. Trong từng lĩnh vực cụ thể, từ enterprise có nghĩa khác nhau. Ví dụ: kiến trúc chính phủ điện tử, kiến trúc doanh nghiệp, kiến trúc hành chính, kiến trúc hệ thống thông tin, v.v….

Kiến trúc hệ thống là gì?

Có nhiều định nghĩa khác nhau về kiến trúc hệ thống. Dưới đây đưa ra một định nghĩa theo ISO/IEC 42010:2007 [8:2.2], kiến trúc là:

Tổ chức cơ bản của một hệ thống bao gồm:

  • các bộ phận cấu thành nên hệ thống đó,
  • quan hệ giữa các bộ phận với nhau và với môi trường ngoài và
  • các nguyên tắc chỉ đạo việc thiết kế và phát triển các bộ phận đó

The fundamental organization of a system, embodied in its components, their relationships to each other and the environment, and the principles governing its design and evolution.”

Hiểu một cách tổng quát nhất, kiến trúc của một tổ chức, hệ thống là bản thiết kế, quy hoạch tổng thể thống nhất từ đầu cho toàn bộ quá trình xây dựng, phát triển tổ chức, hệ thống đó sau này, khắc phục được các vấn đề nan giải nói trên.

Để các tổ chức, hệ thống hoạt động tốt, thông tin phải thông suốt và do đó công nghệ thông tin (tin học) với tư cách như một mạng thần kinh trung ương là không thể thiếu. Vì vậy, các thành phần chủ yếu của kiến trúc hệ thống hiện đại như sau [8:2.3]:

  • Kiến trúc nghiệp vụ (Business Process Architecture): bao gồm chiến lược phát triển, hệ thống quản lý, cơ cấu tổ chức và các quy trình nghiệp vụ chủ yếu của một hệ thống.
  • Kiến trúc dữ liệu (Data Architecture): cấu trúc các tài sản dữ liệu vật lý (văn bản, sách,…) và logic (dữ liệu số hóa) của hệ thống và các công cụ để quản lý các tài sản dữ liệu đó.
  • Kiến trúc ứng dụng (Application Architecture): bản thiết kế tổng thể các phần mềm ứng dụng phải được sử dụng, tương tác giữa chúng với nhau và quan hệ của chúng với các quy trình nghiệp vụ chủ yếu của hệ thống.
  • Kiến trúc công nghệ (Technology Architecture): mô tả các hạ tầng phần cứng và phần mềm cần thiết để có thể khai triển ba lớp kiến trúc nói trên. Kiến trúc công nghệ gồm: hạ tầng công nghệ thông tin, các phần mềm lớp giữa (midleware), mạng, truyền thông, các tiêu chuẩn, …

Khung kiến trúc hệ thống

Đối với các tổ chức lớn, đa dạng, phức tạp và chưa ổn định như Vinashin, không thể có một kiến trúc chung cho toàn bộ hệ thống. Mỗi đơn vị thành viên, mỗi ngành dọc (sản xuất, kinh doanh, tài chính – kế toán, v.v…) cần phải có một kiến trúc riêng, phù hợp với mình. Bên trong mỗi kiến trúc đó lại có thể có các kiến trúc con cho từng bộ phận.

Để thống nhất những cái cần thống nhất, tạo một khuôn khổ, quy củ chung và đảm bảo tính tương thích của các hệ thống với nhau cần xây dựng và ban hành một khung kiến trúc hệ thống chung cho toàn tập đoàn.

Có nhiều định nghĩa khung kiến trúc, dưới đây đưa ra một định nghĩa theo ISO/IEC/IEEE 42010 [10]:

Khung kiến trúc xác lập các quy định chung để tạo lập, giải thích, phân tích và sử dụng các kiến trúc trong một lĩnh vực phần mềm riêng biệt hoặc trong cộng đồng những người có liên quan.

An architecture framework establishes a common practice for creating, interpreting, analyzing and using architecture descriptions within a particular domain of application or stakeholder community.”

Hiểu nôm na, nó tương tự như tài liệu hướng dẫn lập các dự án đầu tư, quy định các nội dung phải làm, các bước phải thực hiện, các văn bản pháp lý phải theo thậm chí cách trình bày, tính toán để đảm bảo tính đầy đủ, tính thống nhất chung và mọi người có liên quan (stakeholders) đều hiểu và sử dụng được.

Mấy yêu cầu cần lưu ý

  1. Khung kiến trúc, kiến trúc cần có tính trung lập đối với nhà cung cấp các sản phẩm, công nghệ IT. Nó không thiên vị cũng không hạn chế bất kỳ một công nghệ, sản phẩm nào.
  2. Khung kiến trúc, kiến trúc phải đảm bảo tính tương hợp (interoperability) giữa các bộ phận của hệ thống, giữa các hệ thống con với nhau, nghĩa là các bộ phận, hệ thống con đó phải trao đổi thông suốt được dữ liệu với nhau và sử dụng được dữ liệu đó.
  3. Khung kiến trúc, kiến trúc phải đưa ra được một bộ tiêu chuẩn kỹ thuật chung cho toàn hệ thống.

Tại sao phải xây dựng khung kiến trúc riêng cho Vinashin?

Hiện nay có rất nhiều khung kiến trúc, phương pháp luận xây dựng kiến trúc tổng quát và được sử dụng rộng rãi như TOGAF, Zachman, FEAF, … Về nguyên tắc, có thể áp dụng trực tiếp các khung/phương pháp luận đó vào xây dựng một kiến trúc cụ thể nhưng có những bất cập sau:

  • Vì các khung/phương pháp luận đó là tổng quát, áp dụng được cho mọi loại tổ chức/hệ thống nên rất phức tạp, khó hiểu, khó sử dụng và có nhiều cái thừa, không cần thiết với một tổ chức/hệ thống cụ thể.
  • Cũng do tính tổng quát, chúng lại có nhiều cái thiếu, không phản ánh được các đặc điểm riêng biệt, các quy định riêng, trình độ phát triển riêng của từng tổ chức/hệ thống cụ thể.
  • Mỗi khung/phương pháp luận đều có ưu nhược điểm riêng. Chỉ theo một cái có thể phải chấp nhận cả những nhược điểm của nó và có thể nhược điểm đó có ảnh hưởng lớn tới một tổ chức/hệ thống cụ thể.

Vì vậy, trên cơ sở các khung/phương pháp luận tổng quát, sửa đổi, tổng hợp để xây dựng một khung riêng của một tổ chức/hệ thống là việc cần làm. Đặc biệt là trong điều kiện hiện nay của nước ta nói chung và Vinashin nói riêng, những cán bộ kỹ thuật am hiểu về kiến trúc hệ thống rất hiếm hoi, việc xây dựng một khung kiến trúc riêng dễ hiểu, dễ sử dụng với những hướng dẫn tỷ mỷ, chi tiết là việc bắt buộc phải làm.

Tính “riêng” như nói ở trên là về nguyên tắc. Đề tài sẽ tìm hiểu, so sánh, phân tích các khung/phương pháp luận hiện có để xem cần sửa đổi, tổng hợp đến mức độ nào cho phù hợp với Vinashin. Mức độ đó có thể rất lớn, nhưng cũng có thể rất nhỏ tùy theo kết quả các nghiên cứu sẽ chỉ ra.

Theo một nghiên cứu khảo sát năm 2005[11], có khoảng 22% tổ chức sử dụng khung kiến trúc riêng, 25% dùng khung Zachman, 11% dùng TOGAF, v.v…

Kiến trúc doanh nghiệp hay kiến trúc hệ thống thông tin?

Tùy theo điều kiện cụ thể, có ba cách xây dựng một kiến trúc hệ thống:

  1. Khi kiến trúc nghiệp vụ đã có, việc xây dựng kiến trúc hệ thống chỉ mô tả, hệ thống hóa lại kiến trúc nghiệp vụ làm cơ sở cho các thành phần kiến trúc tiếp theo. Nội dung xây dựng chủ yếu là ở ba thành phần kiến trúc tiếp theo, tức là kiến trúc hệ thống thông tin của một tổ chức. Sau quá trình đó, sẽ có những đề xuất, kiến nghị điều chỉnh kiến trúc nghiệp vụ để sử dụng, lưu chuyển thông tin hiệu quả hơn.
  2. Khi kiến trúc nghiệp vụ chưa có (một tổ chức mới thành lập) hoặc đã có nhưng còn nhiều bất cập. Việc xây dựng kiến trúc hệ thống sẽ bao gồm cả xây dựng kiến trúc nghiệp vụ (trọng tâm) và kiến trúc hệ thống thông tin phục vụ cho nó. Trong trường hợp này có thể gọi là xây dựng kiến trúc tổ chức (trường hợp riêng: kiến trúc doanh nghiệp).
  3. Như trên đã nói, nhiều tổ chức phát hiện ra đã đầu tư rất lớn cho công nghệ thông tin nhưng kết quả không như mong đợi. Điều đó không đơn thuần là lỗi của hệ thống công nghệ thông tin mà do các hệ thống tổ chức, nghiệp vụ hiện có không thể nào tận dụng được sức mạnh, lợi thế của công nghệ thông tin (ví dụ: chỉ dùng văn bản giấy). Điều này đặc biệt rõ trong các hệ thống chính phủ điện tử của ngay cả các nước tiên tiến. Vì vậy hiện nay đang có một cách làm mới: cải cách các tổ chức, nghiệp vụ hiện có sao cho tận dụng được tối đa sức mạnh công nghệ thông tin, tức là cải cách quản lý, tổ chức theo công nghệ, không như trước công nghệ phải uốn mình theo các hoạt động nghiệp vụ. Trong hệ thống chính phủ, cách làm đó tạm dịch là “Chính phủ cải cách” (Transfomational Government [12]).

Vì kiến trúc nghiệp vụ của Vinashin đã là nội dung của các đề tài khác, nhiệm vụ khác (tư vấn của KPMG, DNV, chương trình ISO, …) nên trong đề tài này phần kiến trúc nghiệp vụ chỉ tập hợp, hệ thống hóa và mô tả lại bằng các công cụ của kiến trúc hệ thống để phục vụ cho các bước tiếp theo. Tức là chủ yếu theo cách làm 1 nói trên.

Mặt khác, quá trình tìm hiểu, nghiên cứu các hệ thống thông tin đóng tàu tiên tiến, quá trình xây dựng, thí điểm khung/kiến trúc sẽ làm xuất hiện những đề xuất cải tiến hệ thống tổ chức/nghiệp vụ đã và đang định xây dựng cho tốt hơn, hiệu quả hơn. Tức là phần nào có theo cách 2 và 3.

Vinashin hiện đang trong quá trình tái cơ cấu toàn diện và triệt để. Hệ thống thông tin toàn tập đoàn trước đây phát triển hoàn toàn tự phát và còn thiếu rất nhiều. Đó là các điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng khung kiến trúc hệ thống thông tin toàn tập đoàn, đặt một cơ sở khoa học cho quá trình phát triển hệ thống thông tin hiện tại và trong một tương lai gần.

b.Tình hình nghiên cứu ngoài nước:

Ngành kiến trúc hệ thống có thể coi như bắt đầu vào năm 1987 khi J.A Zachman viết bài báo “A Framework for Information Systems Architecture,”. Sau 25 năm phát triển đến nay đã có hàng chục khung/phương pháp luận kiến trúc hệ thống ra đời (ví dụ xem [13], [14]).

Một trong những nơi áp dụng kiến trúc hệ thống mạnh nhất là các hệ thống chính phủ điện tử. Nước Mỹ có Khung Kiến trúc Liên bang (FEAF [15]) và Kiến trúc Hành chính Liên bang (FEA [2]) áp dụng cho các cơ quan quản lý nhà nước. Bộ Quốc phòng Mỹ lại có kiến trúc riêng của mình DoDAF [16]. Chính phủ Đức có Chuẩn và Kiến trúc cho Chính phủ điện tử SAGA [17]. Nhiều nước khác cũng có khung/kiến trúc chính phủ điện tử của mình (ví dụ xem [18]). Các kiến trúc này liên tục được cập nhật, ví dụ tài liệu SAGA của chính phủ Đức hiện có là phiên bản 5.0 (2011). Các kết quả này rất có giá trị tham khảo khi xây dựng kiến trúc doanh nghiệp.

Đáng chú ý là Nga, một nước đi sau trong việc xây dựng chính phủ điện tử, đã chủ trương “xây dựng từng bước chính phủ điện tử bắt đầu từ phát triển kiến trúc hệ thống”[19]. Điều này nói lên, cũng như quy hoạch kiến trúc tổng thể cho các dự án xây dựng, kiến trúc hệ thống là nội dung cơ bản cần đi trước một bước khi phát triển một hệ thống thông tin lớn và phức tạp. (Vinashin có thuận lợi này: hệ thống thông tin hiện nay gần như bắt đầu xây dựng từ đầu.)

Các doanh nghiệp lớn cũng là nơi xây dựng và áp dụng kiến trúc hệ thống mạnh mẽ. Trong danh sách 27 công ty được giải “Annual Enterprise & IT Architecture Excellence Award 2012” [20] có thể thấy những tên tuổi lớn như Credit Suisse, Intel, v.v… Trong các công ty lớn hiện có một chức danh: Nhà kiến trúc doanh nghiệp (Enterprise Architect).

Các công ty tin học, tư vấn lớn cũng có các sản phẩm là các khung/phương pháp luận, giải pháp phần mềm, dịch vụ tư vấn xây dựng kiến trúc: IBM [21], Microsoft [22], Gartner [23]…

Các công ty, tổ chức chuyên nghiên cứu về kiến trúc hệ thống liên tục phát triển, cập nhật sản phẩm của mình. Khung kiến trúc TOGAF phiên bản 1.0 (1995) hiện đã có phiên bản 9.1 (2011), khung Zachman hiện có phiên bản 3.0, …

Số lượng khung/kiến trúc hệ thống nhiều đến mức đã xuất hiện một hướng nghiên cứu: xây dựng các công cụ để người sử dụng có thể tìm kiếm, đánh giá, lựa chọn, sửa đổi các khung/kiến trúc phù hợp. Các công cụ đó có thể là sách hướng dẫn “Làm sao để sống sót trong rừng rậm các khung kiến trúc”[24], báo cáo nghiên cứu [7], [14],[25], khung đánh giá, phân loại [26],[14]v.v….

Các công cụ “vẽ” kiến trúc: cũng như kiến trúc xây dựng có ngôn ngữ chung là các bản vẽ xây dựng, kiến trúc hệ thống hiện nay cũng có nhiều loại ngôn ngữ mô hình kiến trúc (enterprise architecture modelling language) khác nhau cần được lựa chọn trước. Toàn bộ kiến trúc mô tả bằng 1 ngôn ngữ sẽ giúp các “người liên quan” (stackeholders) hiểu được, chia sẻ được công việc cho nhau. Ngoài ra, cũng có nhiều phần mềm hỗ trợ việc xây dựng kiến trúc hệ thống nhanh, chính xác và dễ sử dụng lại hơn là làm bằng tay, ví dụ [27] Chi tiết về các công cụ xây dựng kiến trúc có thể xem ở đây [28]

Tóm lại, kiến trúc hệ thống là một hướng nghiên cứu, ứng dụng đang rất phát triển.

c.Tình hình nghiên cứu trong nước

Kiến trúc hệ thống mới được biết đến ở Việt nam không lâu nhưng nhanh chóng được đánh giá cao, đặc biệt là trong giai đoạn tái cơ cấu doanh nghiệp hiện nay. Tại Diễn đàn Thương mại điện tử Việt Nam 2011 (EcomBiz 2011) thứ trưởng bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã nhấn mạnh [3]: “Tái cơ cấu theo hướng xây dựng kiến trúc DN là một bức tranh kiến trúc đa chiều thể hiện các bộ phận cấu thành nên một DN và mối quan hệ giữa các bộ phận. … diễn đàn cần tập trung thảo luận sâu về vai trò của kiến trúc DN trong việc hoạch định chiến lược kinh doanh giai đoan 2011- 2015, đáp ứng yêu cầu về tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng nêu tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 11. Các tập đoàn, công ty, hệ thống ngân hàng thương mại và DN là những đối tượng cần đi đầu trong công tác đổi mới và xây dựng kiến trúc DN phù hợp với tầm nhìn kinh doanh trong 5 năm tới.”

Lĩnh vực quản lý nhà nước là nơi có nhận thức sớm, đã và đang triển khai mạnh mẽ các đề tài nghiên cứu, các công trình xây dựng và áp dụng kiến trúc hệ thống. Đề án 112 bắt đầu triển khai năm 2001, được đánh giá là “đã định hướng được kiến trúc hệ thống thông tin của Chính phủ”[29]. Nghị định số 64/2007/NĐ-CP “Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước”, điều 15 giao nhiệm vụ “Bộ Bưu chính, Viễn thông chủ trì xây dựng kiến trúc chuẩn hệ thống thông tin quốc gia”.

Một số bộ ngành, tỉnh, thành phố cũng đã triển khai công tác theo hướng này:

  • Bộ Tài nguyên và Môi trườngtrên cơ sở kiến trúc hệ thống thông tin quốc gia, cần xây dựng và ban hành kiến trúc hệ thống thông tin ngành TN&MT[30].
  • Bộ Ngoại giao “thiết kế, xây dựng khung kiến trúc chuẩn CNTT và một lộ trình phát triển ứng dụng CNTT cho giai đoạn từ nay đến 2015.”[31]
  • Bộ Thông tin Truyền thông: Đề tài khoa học cấp Nhà nước “Nghiên cứu xây dựng kiến trúc công nghệ thông tin và truyền thông và các giải pháp công nghệ phù hợp cho việc triển khai Chính phủ điện tử ở Việt Nam”, mã số KC.01.18 thuộc Chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm về Công nghệ thông tin và truyền thông KC.01, giai đoạn 2006 – 2010 .
  • Mới đây “Dự án Tư vấn khung và các tiêu chuẩn ứng dụng CNTT Chính phủ điện tử (dự án MIC 1.4) do Bộ TT&TT là chủ đầu tư, nằm trong khuôn khổ dự án Phát triển CNTT-TT tại Việt Nam do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ, vừa được chính thức khởi động chiều ngày 9/3/2012.” [32].
  • Năm 2008, Hà nội triển khai đề tài CNTT/01-2008-2 “Nghiên cứu đề xuất chuẩn và kiến trúc cho các ứng dụng chính phủ điện tử trong hệ thống thông tin của Hà nội ”
  • Cũng có thông tin không chính thức cho biết Ủy ban Nhân dân tp Đà nẵng và Tổng cục Thống kê đã hoàn thành kiến trúc hệ thống của mình [33]

Với các doanh nghiệp thì không có thông tin. Gần đây, cũng theo tin không chính thức, tập đoàn Dầu khí đang quan tâm đến vấn đề này.

Riêng với Vinashin, Thiết kế Kiến trúc tổng thể là một trong những nội dung chính của đề án “Ứng dụng công nghệ thông tin trong tập đoàn kinh tế Vinashin (giai đoạn 2006-2010) phiên bản 1.0” nhưng không có điều kiện thực hiện.:(

f.Tài liệu tham khảo, trích dẫn

1. Wikipedia contributors. Clinger–Cohen Act. Wikipedia, the free encyclopedia, 2012. http://en.wikipedia.org/w/index.php?title=Clinger%E2%80%93Cohen_Act&oldid=499844098.

2. Federal Enterprise Architecture (FEA) | The White House. http://www.whitehouse.gov/omb/e-gov/fea/.

3. Tái cơ cấu theo hướng xây dựng kiến trúc doanh nghiệp- Báo Công thương Điện tử. http://www.baocongthuong.com.vn/p0c259n16071/tai-co-cau-theo-huong-xay-dung-kien-truc-doanh-nghiep.htm.

4. Cạnh tranh không lành mạnh trong ngành đóng tàu và vai trò của nhà nước. Tản mạn. https://phanvinhtri.wordpress.com/2011/08/11/canh-tranh-khong-lanh-manh-trong-nganh-dong-tau-va-vai-tro-cua-nha-nuoc/.

5. The Role of IT in Shipbuilding . Kruger, TU Hamburg- Harburg. http://www.ssi.tu-harburg.de/doc/Veroeffentlichungen/2003/compid03.pdf.

6. CHƯƠNG TRÌNH QUỐC GIA NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN NGÀNH ĐÓNG TÀU MỸ- Công nghệ hệ thống. https://phanvinhtri.wordpress.com/wp-content/uploads/2011/08/nsrp-cc3b4ng-nghe1bb87-he1bb87-the1bb91ng.pdf.

7. A Comparison of the Top Four Enterprise-Architecture Methodologies. http://msdn.microsoft.com/en-us/library/bb466232.aspx.

8. TOGAF® 9.1. http://pubs.opengroup.org/architecture/togaf9-doc/arch/index.html.

9. TOGAF® 9.1. http://pubs.opengroup.org/architecture/togaf9-doc/arch/index.html.

10. ISO/IEC/IEEE 42010: Conceptual Model. http://www.iso-architecture.org/ieee-1471/cm/.

11. Enterprise Architecture Survey 2005 IFEAD v10.pdf. http://www.enterprise-architecture.info/Images/EA%20Survey/Enterprise%20Architecture%20Survey%202005%20IFEAD%20v10.pdf.

12. Transformational Government – Wikipedia, the free encyclopedia. http://en.wikipedia.org/wiki/Transformational_Government.

13. Enterprise architecture framework – Wikipedia, the free encyclopedia. http://en.wikipedia.org/wiki/Enterprise_architecture_framework#Government_frameworks.

14. Survey of Architecture Frameworks. http://www.iso-architecture.org/ieee-1471/afs/frameworks-table.html.

15. Federal Enterprise Architecture Framework. http://www.cio.gov/documents/fedarch1.pdf.

16. Enterprise Architecture & Standards. http://dodcio.defense.gov/Home/Topics/EnterpriseArchitectureStandards.aspx.

17. IT-Beauftragte der Bundesregierung – Architekturen und Standards. http://www.cio.bund.de/DE/Architekturen-und-Standards/SAGA/SAGA%205-aktuelle%20Version/saga_5_aktuelle_version_inhalt.html.

18. Overview of Enterprise Architecture work in 15 countries. http://www.vm.fi/vm/en/04_publications_and_documents/01_publications/04_public_management/20071102Overvi/FEAR_ENGLANTI_kokonaan.pdf.

19. Nga chia sẻ kinh nghiệm xây dựng chính phủ điện tử với Việt Nam – PC World VN. http://www.pcworld.com.vn/articles/quan-ly/nha-nuoc/2010/09/1220814/nga-chia-se-kinh-nghiem-xay-dung-chinh-phu-dien-tu-voi-viet-nam/.

20. iCMG – Enterprise & IT Architecture Excellence Awards – Architecture Award Winners 2012. http://www.icmgworld.com/corp/ArchitectureAwards/2012/global_award_2012_01.asp.

21. IBM – United States. http://www-01.ibm.com/software/info/itsolutions/enterprisearchitecture/.

22. Microsoft Architecture Overview. http://msdn.microsoft.com/en-us/library/ms978007#eaarchover_topic1.

23. Gartner’s Enterprise Architecture Process and Framework Help Meet 21st Century Challenges | 486650. http://www.gartner.com/id=486650.

24. How to Survive in the Jungle of Enterprise Architecture Frameworks: Creating … – Jaap Schekkerman – Google Sách. http://books.google.com.vn/books/about/How_to_survive_in_the_jungle_of_enterpri.html?id=k_9cUrpT4lsC&redir_esc=y.

25. Comparison of the Top Six Enterprise Architecture Frameworks. http://www.cioindex.com/enterprise_architecture.aspx.

26. A Framework for Categorizing Enterprise Architecture Frameworks. https://eeweb01.ee.kth.se/upload/publications/reports/2009/IR-EE-ICS_2009_011.pdf.

27. UML tools for software development and modelling – Enterprise Architect UML modeling tool. http://www.sparxsystems.com/.

28. Enterprise Architecture Tools, Institute For Enterprise Architecture Developments (IFEAD). http://www.enterprise-architecture.info/EA_Tools.htm.

29. Ưu tiên ứng dụng CNTT trong quản lý Nhà nước. http://vietbao.vn/Vi-tinh-Vien-thong/Uu-tien-ung-dung-CNTT-trong-quan-ly-Nha-nuoc/65044456/217/.

30. Gấp rút chuẩn bị cho “Chính phủ điện tử” | ICTNews. http://ictnews.vn/home/Tin-tuc/71/Gap-rut-chuan-bi-cho-Chinh-phu-dien-tu/71201/index.ict.

31. Bộ Ngoại giao và Microsoft ký kết hợp tác phát triển CNTT – Bộ Ngoại giao, Microsoft, Viet Nam, ký kết hợp tác phát triển CNTT. http://www.huesoft.com.vn/Tint%E1%BB%A9c/tabid/58/categoryid/5/itemid/330/Default.aspx.

32. Chuyên gia Đài Loan tư vấn khung Chính phủ điện tử cho Việt Nam | ICTNews. http://ictnews.vn/home/Tin-tuc/71/Chuyen-gia-Dai-Loan-tu-van-khung-Chinh-phu-dien-tu-cho-Viet-Nam/101153/index.ict.

33. Chưa Doanh Nghiệp nào có kiến trúc tổng thể trên nền tảng CNTT – Công ty cổ phần công nghệ DTT. http://dtt.vn/?p=600&lang=vi.

Vinashin trong đợt kiểm điểm của bộ Chính trị

Aside

Đọc kỹ lại bài Bộ Chính trị, Ban bí thư nghiêm túc tự kiểm điểm (http://bit.ly/RvtWfu) mới thấy Vinashin rất “quan trọng”, được nhắc đến 2 lần:

1- Vinashin thuộc loại “một số vấn đề quan trọng cấp bách về xây dựng Đảng (về trách nhiệm của tập thể và cá nhân trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý doanh nghiệp Nhà nước, nhất là về các vụ việc Vinashin, Vinalines…). Như vậy, vụ Vinashin tiếp tục được quy trách nhiệm cho tập thể và cá nhân nào đó. Trước đại hội đảng chưa quy được ai vì “không có gì sai”.

2- Trong quá trình kiểm điểm, đã được BCT kết luận nhưng vẫn chưa đủ: “Bộ Chính trị sẽ nghe Ban cán sự đảng Chính phủ báo cáo về kết quả thực hiện chủ trương cơ cấu lại Tập đoàn Vinashin và về vụ việc Vinalines theo ý kiến kết luận của Bộ Chính trị trong quá trình kiểm điểm.“. Những việc của Vinashin “cũ” thì do ông Bình và bộ sậu cố ý làm trái. Những kết quả của Vinashin “mới”, cơ cấu lại, bây giờ mới được báo cáo, kiểm điểm. Không rõ ban cán sự đảng Chính phủ sẽ báo cáo thế nào? Lần này thì có trách nhiệm của cả một tập thể đông đảo trong và ngoài Vinashin và cũng đã tiêu không ít tiền. Báo cáo chưa rõ thì thanh tra, kiểm tra để làm rõ là không tránh khỏi.

3- Thời điểm “sẽ nghe” nói trên có lẽ là vào “Tháng Chín năm nay, Bộ Chính trị, Ban Bí thư sẽ họp lại để thông qua Báo cáo kiểm điểm tự phê bình và phê bình của tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Bản tiếp thu giải trình…, đánh giá chính thức về kết quả kiểm điểm, xem xét việc kỷ luật (có hay không, đến mức nào đối với tập thể và cá nhân) để báo cáo với Trung ương.”

Kỷ luật hay không tập thể, cá nhân nào đó đối với Vinashin không quan trọng bằng thực chất vấn đề của nó đã được chỉ ra chưa và kịch bản thực sự khả thi nào cho tương lai của nó. Năm 2010, BCT đã họp một lần có kết luận về Vinashin (xem http://bit.ly/RvwF8w), giao cho chính phủ tái cơ cấu và huy động sức mạnh toàn hệ thống tham gia. Lần này là lần thứ hai, phải họp nhiều lần mới có kết luận.

Chắc là sắp tới sẽ có những quyết định lớn về Vinashin. Nhưng không có hy vọng gì nhiều. Lại tiếp tục cắt xẻo một cách cơ học, giảm quy mô đi, hạ cấp xuống tổng công ty, nhưng cái cần nhất là một chiến lược phát triển ngành trong tương lai sẽ như đề án tái cơ cấu cũ, toàn những điều không khả thi, thậm chí vô nghĩa.

Phải nhìn thẳng vào sự thật mà nói rằng tình hình hiện tại của Vinashin là bế tắc và việc vạch ra một chiến lược phát triển cho ngành đóng tàu Việt nam thực sự khả thi và thực sự có chất lượng trong bối cảnh thị trường đóng tàu trong ngoài nước và năng lực đóng tàu của Vinashin như hiện nay (xem http://bit.ly/UvVeGU) là nằm ngoài khả năng của tất cả các chuyên gia kinh tế, kỹ thuật trong nước.

Tuy nhiên, tương lai của ngành đóng tàu VN có thực sự đen tối đến như vậy không?

Cái chúng ta không làm được không có nghĩa là không có ai  làm được. Một trong những tấm gương gần đây là Quảng ninh. Kinh nghiệm đã cho thấy, chất lượng quy hoạch xây dựng các vùng, đô thị của ta rất kém. Vì vậy Quảng ninh thuê tư vấn nước ngoài để làm việc đó (xem http://bit.ly/P9jrPg). Tại sao ngành đóng tàu không thuê tư vấn nước ngoài để xây dựng chiến lược phát triển, quy hoạch tổng thể, đề án tái cơ cấu cho ngành?

Ý kiến này không mới. Nó từng được nói đến ở đây http://bit.ly/QELXbnCần phải có cả tư vấn nước ngoài” và ở đây http://bit.ly/QENle4Phải mất tiền mời đúng thầy ngoại kết hợp với những chuyên viên nội có khả năng học nghề “xây dựng chiến lược phát triển ngành” nhanh.”

Tuy nhiên điều đó cũng không đơn giản, có hai vấn đề lớn:

  1. Chọn được tư vấn giỏi, thực sự am hiểu và có kinh nghiệm về ngành đóng tàu. Ai chọn?
  2. Phía Việt nam phải có những người thực sự có thể đặt đầu bài cho tư vấn, hiểu những ý kiến tư vấn, kiểm soát, điều hành được quá trình triển khai và nghiệm thu được kết quả tư vấn. Tư vấn vô lương tâm có thể dắt mũi những ông chủ ngây ngô, đó là một thực tế.

Trong bối cảnh suy thoái toàn cầu, cũng không biết tư vấn có vạch ra được ánh sáng cuối đường hầm không? Nhưng đó là niềm hy vọng cuối cùng cho tương lai của hàng vạn người lao động đã “chót” gắn bó với ngành không phải tìm, học nghề khác để kiếm sống. Vì vậy cần phải nói ra và xin hãy làm ngay.

Bong bóng bất động sản và chứng khoán tại Nhật.

Aside

http://en.wikipedia.org/wiki/Japanese_asset_price_bubble

Bóng bóng giá tài sản là một giai đoạn kinh tế bong bóng Nhật từ 1986 đến 1991. Trong thời kỳ đó, giá bất động sản và giá chứng khoán tăng lên rất cao. Sự đổ vỡ của giai đoạn bong bóng đó kéo dài hơn một thập kỷ đến tận năm 2003 giá chứng khoán mới bắt đầu chạm đáy, mặc dù sau đó còn xuống nữa do cuộc khủng hoảng toàn cầu năm 2008.

Trong những thập kỷ sau Đại chiến thế giới II, Nhật thi hành một hệ thống thuế nghiêm ngặt và các chính sách khuyến khích người dân tiết kiệm. Các ngân hàng có nhiều tiền gửi nên cho vay dễ dàng. Nhật đạt được thặng dư thương mại lớn nên đồng yên Nhật lên giá so với các đồng tiền khác. Những diều đó cho phép các công ty Nhật đầu tư dễ hơn các công ty cạnh tranh ở nước ngoài nhiều, do đó giá hàng sản xuất tại Nhật hạ, thặng dư thương mại lại càng tăng lên. Và khi đồng yên tăng giá, các tài sản tài chính trở nên rất có lợi.

Nhiều tiền sẵn sàng cho đầu tư, tài chính không bị điều tiết, sự tin tưởng và hưng phấn quá mức vào triển vọng kinh tế, sự lưu thông tiền tệ dễ dàng đã dẫn đến những hoạt động đầu cơ hung hăng, đặc biệt tại thị trường chứng khoán Tokyo và thị trường bất động sản. Chỉ số chứng khoán Nikkei đạt tới kỷ lục chưa từng có vào ngày 27/11/1989: chỉ số cao nhất trong ngày là 38,957.44 và trước khi đóng cửa 38,915.87 (Hai mươi năm sau, ngày 10/3/2009, chỉ số Nikkei đạt tới điểm thấp nhất trong 27 năm là 7054.98). Thêm vào đó, các ngân hàng cũng tăng cường cho vay các khoản vay rủi ro.

Giá nhà cao nhất tại quận Ginza, Tokyo năm 1989 là trên 30 triệu Yên (khoảng 215.000 USD) một mét vuông. Tại các quận kinh doanh lớn khác của Tokyo giá cũng chỉ thấp hơn chút ít. Mười lăm năm sau, năm 2004, giá bất động sản loại A ở các quận tài chính của Tokyo giảm xuống dưới 1% giá thời kỳ đỉnh cao nhất và giá nhà ở giảm xuống dưới 10% giá thời cao nhất nhưng vẫn là giá đắt nhất thế giới cho đến cuối những năm 2000 mới bị giá nhà tại Moskva và các thành phố khác vượt lên. Hàng chục nghìn tỷ đô la đã tan thành mây khói khi thị trường chứng khoán Tokyo và thị trường bất động sản sụp đổ. Chỉ đến năm 2007, giá nhà mới bắt đầu nhích lên nhưng rồi lại xuống vào cuối năm 2008 khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra.

(Qua những thông tin trên, điều đáng sợ nhất là quá trình sụp đổ kéo rất dài tới 15 năm chưa có dấu hiệu hồi phục – ND)

Với nền kinh tế chủ đạo bởi tỷ lệ tái đầu tư cao, sự sụp đổ đó giáng những đòn thật nặng nề. Đầu tư hướng ra nước ngoài ngày càng tăng, các hãng chế tạo mất ưu thế dẫn đầu về công nghệ, sản phẩm Nhật trở nên ít cạnh tranh hơn ở nước ngoài.

Cấp tín dụng dễ dãi góp phần tạo nên và làm phình to bong bóng bất động sản tiếp tục vẫn là vấn đề cho nhiều năm sau. Cho đến năm 1997, các ngân hàng vẫn còn cho vay những khoản vay có khả năng thu hồi vốn thấp. Các nhân viên đầu tư và tín dụng rất khó khăn tìm ra bất cứ cái gì để đầu tư thu lợi nhuận. Đôi khi họ mang tiền dành để đầu tư sang gửi ở ngân hàng cạnh tranh như một khoản tiền gửi bình thường. Việc sửa vấn đề tín dụng lại càng trở nên khó khăn hơn khi chính phủ bắt đầu chia nhỏ các ngân hàng và doanh nghiệp phá sản ra thành nhiều những công ty “dở sống, dở chết – zombie businesses”. (cái kiểu này nghe quen quen – ND)

 

 

Kinh nghiệm Nhật bản: “Những thập kỷ bị mất”

Aside

(Nhặt nhạnh, trích dịch từ wikipedia. Nếu biết đọc những điều này sớm thì có thể đã giàu to vì biết lợi dụng và rút lui đúng lúc. Đọc bây giờ cũng có thể giúp ích cho dự báo tương lai. 

Thường dân thì không nói làm gì. Điều đáng trách là những người điều hành kinh tế vĩ mô không biết tránh vết xe đổ. Bao nhiêu ‘chiên da” kinh tế học hàm, học vị, chức tước đầy người mà cũng không ai cảnh báo cho dân được một câu– ND)

“Những thập kỷ bị mất” là thời kỳ sau khi vỡ bong bóng bất động sản trong kinh tế Nhật bản. Ban đầu cụm từ “Một thập kỷ bị mất” được dùng để chỉ giai đoạn 1991-2000, nhưng gần đây thời kỳ 2001-2010 cũng đôi khi được kể đến vì giảm phát vẫn tiếp tục, vì vậy xuất hiện cụm từ “Những thập kỷ bị mất” hoặc “Những năm bị mất” chỉ thời kỳ giảm phát kinh tế kéo dài gần 20 năm.

Sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của những năm 80 đột ngột chấm dứt vào lúc bắt đầu thập kỷ 90. Cuối những năm 80, những khiếm khuyết trong hệ thống kinh tế Nhật đã tạo điều kiện cho một làn sóng đầu cơ hàng loạt của các công ty, ngân hàng và công ty chứng khoán Nhật. Sự kết hợp của giá đất cực kỳ cao và lãi suất vay thấp tạo nên tính thanh khoản cao trong thị trường dẫn đến việc vay tiền lớn và đầu tư mạnh mẽ vào cổ phiếu và trái phiếu trong và ngoài nước.

Khi nhận ra rằng sự phát triển bong bóng đó là không thể chống đỡ được nữa, bộ Tài chính đột ngột tăng lãi suất cho vay vào cuối năm 1989. Chính sách đó làm bong bóng nổ tung, thị trường chứng khoán sụp đổ. Tiếp theo sau là cuộc khủng hoảng nợ và chính phủ bắt buộc phải bảo lãnh cho các ngân hàng đang tràn ngập nợ xấu.

Các ngân hàng bắt đầu bơm tiền mới vào các công ty không có lợi nhuận “nửa sống nửa chết – zombie firms” với lập luận rằng các công ty đó quá lớn để có thể cho chết. Tuy nhiên, phần lớn các công ty đó đã nợ quá nhiều không thể sống dựa vào các khoản tiền cứu trợ đó. Một nhà kinh tế đã miêu tả Nhật bản là một “thiên đường của những kẻ thua cuộc”. Nền kinh tế Nhật không thể hồi phục chừng nào kiểu bơm tiền đó chưa kết thúc.

Cuối cùng, không thể chống đỡ nổi nữa, một làn sóng hợp nhất các tổ chức tài chính diễn ra dẫn đến chỉ còn tồn tại bốn ngân hàng quốc gia. Nhiều công ty Nhật mắc nợ rất lớn và do đó không thể vay được các khoản vay mới ngay cả khi lãi suất chính thức hạ xuống tới mức 0,1% và giữ ở mức rất thấp trong nhiều năm. Nhiều người, công ty phải chuyển sang vay từ các kẻ cho vay nặng lãi (sarakin).

Sarakin là một danh từ Nhật dùng để chỉ những người cho vay nặng lãi hợp pháp thực hiện các khoản cho vay không đảm bảo với lãi suất cao. Những kẻ cho vay nặng lãi không hợp pháp được gọi là Yamikin có thể cho vay với lãi suất tới 10% trong 10 ngày.

Khoảng 14 triệu người Nhật (10% dân số) vay mượn từ các sarakin. Trong thập kỷ trước có khoảng 30.000 hãng sarakin, hiện nay còn độ 10.000, trong đó 7 hãng lớn chiếm 70% thị phần. Tổng giá trị các khoản cho vay nặng lãi khoảng 100 tỷ USD. Các hãng cho vay nặng lãi lớn hoạt động công khai và thường có quan hệ với các ngân hàng lớn.

Sarakin chiếm một vị trí quan trọng trong xã hội Nhật. Mặc dù các ngân hàng thống trị nền kinh tế nhưng ngân hàng thích cho các khách hàng lớn, có tài sản thế chấp chắc chắn hơn là cho vay tiêu dùng hoặc cho các công ty nhỏ vay. Vì vậy, đối với người tiêu dùng phải vay từ ngân hàng là một điều đáng xấu hổ và phải có người bảo lãnh thì lại có thể vay từ sarakin với mức từ 100 USD, không cần thế chấp và nhận tiền qua các máy tự động chỉ mất có vài phút. Lãi suất vay lên tới 29,2% trong khi lãi chính thức gần bằng không. Sau nhiều lời kêu ca về lãi suất cao và các thủ đoạn thu nợ, một đạo luật năm 2006 đã quy định lãi ở mức 20% vào năm 2010 và quy định các biện pháp thu nợ hợp pháp. Các khoản vay cũng không được vượt quá 1/3 thu nhập lương hàng năm.

Như vậy, thập kỷ 90 là một thập kỷ bị mất khi nền kinh tế co lại hoặc tăng trưởng không đáng kể. Tuy nhiên, tác động trên đời sống hàng ngày hạn chế. Tỷ lệ thất nghiệp cao nhưng không đến mức khủng hoảng. Do truyền thống căn cơ, tiết kiệm của người Nhật, ảnh hưởng đến gia đình Nhật trung bình không lớn, mức sống không giảm nhiều so với những năm 80.

Phản ứng trước suy thoái, các nhà làm chính sách Nhật đã thực thi một loạt chương trình thúc đẩy kinh tế của chính phủ và các khoản vay cứu trợ ngân hàng. Ngân sách thặng dư 2,4% năm 1991 biến thành thiếu hụt 10% năm 1998, nợ nhà nước bằng 100% GDP. Trong năm 1998, một kế hoạch cứu trợ ngân hàng 500 tỷ USD được triển khai để khuyến khích các ngân hàng huy động vốn và cho vay. Ngân hàng trung ương cũng cố gắng tăng lạm phát để khuyến khích tiêu dùng. Vào năm 2003, kinh tế Nhật bắt đầu hồi phục do xuất khẩu sang Mỹ và Trung quốc tăng làm cho Nhật có thể đạt được tỷ lệ tăng trưởng thật 2%.

Giảm phát của Nhật bắt đầu từ đầu những năm 90. Tháng 3/2001, Ngân hàng trung ương Nhật và chính phủ thử giảm mức độ giảm phát bằng cách giảm lãi suất. Mặc dù lãi suất vay đã giảm về gần bằng không trong một thời gian dài, chiến lược đó không thành công. Tháng 7/2006, chính sách lãi suất bằng không kết thúc. Năm 2008, ngân hàng trung ương Nhật vẫn giữ lãi suất thấp trong các nước phát triển nhưng giảm phát vẫn chưa hết.

Các nguyên nhân giảm phát của Nhật bao gồm:

  • Sự sụt giá tài sản. Bong bóng chứng khoán và bất động sản bị vỡ vào những năm 80, đạt tới đỉnh điểm năm 89.
  • Các công ty không trả được nợ: các ngân hàng cho các công ty và cá nhân vay đầu tư vào bất động sản. Khi giá bất động sản sụp đổ, nhiều khoản vay không trả được. Ngân hàng có thể thu các tài sản thế chấp nhưng do giá bất động sản giảm, điều đó cũng không giúp thanh toán được nợ. Ngân hàng buộc phải trì hoãn quyết định thu tài sản thế chấp, hy vọng giá bất động sản sẽ lên. Một số ngân hàng thậm chí cho các công ty đang nợ vay tiếp. Quá trình đó kìm giữ được “lỗ tiềm năng” cho đến khi tài sản hoàn toàn mất giá và/hoặc bị bán phá giá và lỗ xảy ra thật, giảm phát sẽ tiếp tục.
  • Ngân hàng không trả được nợ: các ngân hàng có một tỷ lệ lớn các khoản vay không thu hồi được. Do đó không thể tiếp tục huy động vốn chừng nào chưa tăng tỷ lệ dự phòng các khoản nợ xấu. Và như vậy, khối lượng cho vay giảm sút, thiếu tiền cho tăng trưởng kinh tế.
  • Sự sợ hãi các ngân hàng mất thanh khoản: người dân Nhật sợ các ngân hàng sẽ sụp đổ nên họ chuyển sang mua vàng hoặc trái phiếu kho bạc Mỹ hay Nhật thay cho gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng. Họ cũng chuyển tiền vào mua bất động sản

Tờ báo Nhà kinh tế đã đề xuất sửa đổi luật phá sản, luật chuyển nhượng đất và luật thuế để hỗ trợ cho nền kinh tế Nhật. Tháng 10/2009, chính phủ Nhật đã tuyên bố kế hoạch tăng thuế thuốc lá, thuế môi trường đồng thời giảm thuế cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

(Không hiều bây giờ Nhật đã ra khỏi giảm phát chưa. Đến 2009 vẫn còn đang loay hoay. Từ đó suy ra thì …. haizzzz – ND) 

 

Vinashin sẽ “tái cơ cấu” lần 2 ?

Aside

Thủ tướng vừa phê duyệt đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) bằng quyết định 929/QĐ-TTg (xem tại đây).

1-Quan điểm về kinh tế nhà nước và vai trò của DNNN :

Trích: “Doanh nghiệp nhà nước ….tập trung vào ngành, lĩnh vực then chốt, ….làm nòng cốt để kinh tế nhà nước thực hiện được vai trò chủ đạo, là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng, điều tiết nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô”

Từ đoạn trích trên có mấy điểm đáng lưu ý:

  1. Khẳng định kinh tế nhà nước có vai trò chủ đạo trong nền kinh tế.
  2. Các ngành, lĩnh vực then chốt vẫn do nhà nước nắm.
  3. DNNN là nòng cốt trong kinh tế nhà nước (cái không nòng cốt là gì?)
  4. DNNN là công cụ “quan trọng” để nhà nước điều hành kinh tế.

Tóm lại, sau những vụ sụp đổ đình đám của Vinashin, Vinalines, sau các kết quả thanh tra, kiểm toán các DNNN lớn, sau các cuộc hội thảo trong nước và quốc tế, các ý kiến của đủ loại giáo sư, tiến sỹ, chuyên gia được công khai trên báo chí (vd: http://bit.ly/O3IV4b) …. nhà nước vẫn “kiên định” các quan điểm nêu trên như nhiều năm về trước.

2-Cổ phần hóa

Sắp xếp, cổ phần hóa DNNN được xác định là nhiệm vụ trọng tâm từ 2012-2015. Trong đó, các DNNN được cổ phần hóa để “Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ”, tức là chắc chắn chỉ đạo, điều hành được đại hội cổ đông khi cần bỏ phiếu.

Điều này cho thấy, ngay cả sau khi cổ phần hóa, doanh nghiệp về cơ bản vẫn là doanh nghiệp nhà nước, thể hiện đúng các quan điểm đã nêu trong mục 1 ở trên.

Một trong những khó khăn thấy ngay khi tái cơ cấu là từ câu nói nổi tiếng: “Ai là người thực hiện tái cơ cấu ấy? Nếu vẫn là con người cũ thì không thể thành công.” (http://bit.ly/KbPyLf). Lấy đâu ra nhiều người mới như thế để tái cơ cấu tất cả các doanh nghiệp nhà nước. Áp dụng quan điểm này vào tái cơ cấu cả nền kinh tế thì … hơi có vấn đề! 😀

Ngoài ra, thị trường cũng “khôn” lên nhiều sau những thông tin và kinh nghiệm trong thời gian vừa qua (vd: http://bit.ly/MF2ZGM). Việc bán, chuyển nhượng, bán cổ phiếu DNNN sẽ không dễ dàng tìm được người mua kể cả khi “tăng cường niêm yết trên thị trường nước ngoài”.

Tóm lại là còn nhiều gian nan nhưng không thể không làm. “Nói dzậy mà có làm nổi dzậy” hay không phải chờ thời gian trả lời như kinh nghiệm tái cơ cấu Vinashin cho thấy.

3-Vinashin và đề án này

Đối với Vinashin đây là tái cơ cấu lần 2. Chuyện này cũng là bình thường theo một “lý luận” mới xuất hiện gần đây: “tái cơ cấu là một quá trình lâu dài, liên tục v.v.. và v.v….”. Kết quả lần 1 quá rõ rồi:

a/ Một trong 3 yêu cầu của đề án tái cơ cấu Vinashin lần 1(http://bit.ly/LBYxGq) “Duy trì đội ngũ lao động, đặc biệt là cán bộ kỹ thuật và công nhân lành nghề trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính.” đi các đơn vị điểm danh sẽ thấy. 😦 😦

b/Mục tiêu của đề án “Sớm ổn định sản xuất kinh doanh của Tập đoàn, từng bước củng cố uy tín, thương hiệu, giảm lỗ, có lãi, trả được nợ, tích lũy và phát triển.”, thậm chí có mốc cụ thể (http://bit.ly/MEZJLr) “tiến tới trả nợ và phấn đấu sau năm 2013 hoà vốn và kinh doanh bắt đầu có lãi.”, đến nay đã nhìn thấy “kết quả bước đầu” 🙂 😀

Không hiểu Vinashin sẽ được “tái cơ cấu” lần này ra sao, có thuộc nhóm 3 không (không thấy công nghiệp tàu thủy trong nhóm 1 và 2 của đề án mới này)?

Trích “Nhóm 3 sẽ bao gồm các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ kéo dài, không có khả năng khắc phục sẽ thực hiện bán, chuyển nhượng doanh nghiệp; tái cơ cấu lại nợ để chuyển thành công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn nhiều thành viên; giải thể, phá sản.”

Hoặc nhẹ nhàng hơn là thuộc loại này “Tổ chức lại một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước cho phù hợp với thực trạng và yêu cầu nhiệm vụ.

Mạnh tay làm sớm cách đây khoảng 2 năm còn có chút hy vọng. Giờ thì thời cơ đã qua 😦 😦 😦 . Sau những động tác “ổn định, củng cố, kiện toàn” một năm rưỡi qua, không còn nhiều việc để làm.

Trong vài tháng nữa sẽ phải có quyểt định cho “Vinashin mới 2” vì không thể lâu hơn được nữa. Nó sẽ ra sao? Cùng hồi hộp chờ xem.

Hy vọng (dù mong manh) là lần này sẽ nhìn thẳng vào sự thật, bắt đúng bệnh, chữa đúng thuốc (vd: xem), tạo cho ngành một mầm mống hy vọng. Tình hình đúng là cực kỳ khó khăn, nhưng thu hẹp lại, giữ lấy căn cơ (xem), tạo lập một nền tảng nhỏ thực sự biết đóng tàu xuất khẩu để chờ thị trường không phải là không khả thi. Đừng để tình trạng để một đàn gà công nghiệp ngây ngô bới tung lên như vừa rồi. 😀 😀 😀

(Gà công nghiệp được nuôi trong chuồng bảo vệ chắc chắn, không có cầy cáo, thức ăn thừa mứa, tiêm phòng đầy đủ thì khi mới ra rừng hung hăng là chuyện dễ hiểu như thực tế cả ngoài Vinahin cho thấy. Nếu Vinashin cũ còn tồn tại thì còn hơn thế. Đáng thương hơn là đáng trách!)

Thông báo copy blog

Aside

Do toàn bộ các blog WordPress, Blogspot hiện nay đều bị một số nhà cung cấp dịch vụ Internet chặn nên tôi copy toàn bộ blog này sang địa chỉ mới là http://phanvinhtri.blog.com/

Địa chỉ mới này có thể vào bằng các đường truyền VNPT, FPT, Viettel bình thường.

Hai site wordpress.com và blog.com đều dùng phần mềm nguồn mở WordPress để quản lý blog nên việc copy khá đơn giản: từ wordpress.com xuất ra file backup của blog bằng công cụ Export; tại blog.com dùng công cụ Import để nhập file backup đó vào và ta có blog mới với các bài viết và comment giống hệt blog cũ.

Nội dung quản lý blog của hai site trên gần như giống nhau, kể cả các theme. Tuy nhiên không tránh khỏi có những điểm khác biệt, ví dụ cơ chế chặn spam comment.

Từ nay trở đi, hai blog phanvinhtri.wordpress.comphanvinhtri.blog.com sẽ được cập nhật bài viết mới đồng thời như nhau.Riêng các comment mới thì chỉ xuất hiện trên blog nào bạn viết vào đó.

 

 

Câu chuyện anh thợ may

Aside

Một anh thợ may chủ một hiệu may nhỏ ngẫu nhiên một hôm gặp anh bạn học cũ hiện đang làm trong tập đoàn Dệt May. Anh bạn bảo: “Ông về tổ chức xưởng may đi, tôi sẽ kiếm cho ông hợp đồng may áo sơ mi xuất khẩu”.

Trước đề nghị này, có hai cách làm:

Cách 1

Anh thợ may nghĩ thầm: “May áo xuất khẩu thì có gì là khó. May cẩn thận hơn bình thường là được chứ gì!”. Anh về làng (mọi thứ đều rẻ), dựng một cái nhà cấp 4, mua về một đống máy khâu con bướm và chen vào đấy vài cái máy may hiện đại tình cờ biết được; vải thì trải ra phản, vạch phấn rồi cắt bằng kéo; là áo bằng bàn là thủ công. Sau khi may đi may lại 10 cái áo vẫn bị ông bạn lắc đầu, đến cái thứ 11 thì cũng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Cả làng, cả xã hân hoan: “Chúng ta đã may được áo sơ mi xuất khẩu”

Làm thủ công mà cẩn thận, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu không khó.

Nhưng khi ông bạn bảo: “Được rồi, ông về may cho tôi 1000 cái trong vòng một tuần, mỗi cái cả vật tư và công may là 10 000 đồng (ví dụ thế)” thì ông thợ may tái mặt.

Tiến độ và lãi là hai cái mà “xưởng may thủ công có trang bị một số máy hiện đại” không bao giờ đạt được.

Cách 2

Là người trong ngành may, anh thợ may của chúng ta cũng nghe loáng thoáng về các xưởng may xuất khẩu. Anh móc nối với trưởng phòng kỹ thuật của công ty May 10 chẳng hạn và bảo: “Ông về quê, dựng cho tôi một cái xưởng y như của ông. Chỉ có điều không cần điều hòa nhiệt độ và sàn xi măng không cần lát đá hoa”

Ngành may xuất khẩu chủ yếu là gia công, vật tư, phụ kiện đều phải nhập. Cạnh tranh rất khốc liệt giữa các quốc gia nên dây chuyền công nghệ may rất hiện đại. Các chi tiết áo được hạ liệu bằng phần mềm lên một khổ vải, xếp khít nhau sao cho lượng phế liệu là tối thiểu. Máy cắt cắt một lần cả một sấp vải. Các công đoạn may được chuyên môn hóa bằng các máy chuyên dùng và ngay số lượng máy mỗi loại cũng được tính toán sao cho không có khâu nào gây ách tắc v.v….

Với cách đầu tư, tổ chức sản xuất theo dây chuyền hiện đại của nước ngoài như vậy, mặc dù cho đến nay vẫn chưa thoát khỏi trình độ may gia công nhưng ngành may đã đạt doanh số hàng chục tỷ đô la mỗi năm, giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục nghìn lao động và vẫn có lãi. Sau khoảng hơn 10 năm may gia công, đạt được các thành tích trên đến bây giờ ngành may mới đặt vấn đề nội địa hóa thiết kế và nội địa hóa vật tư, phụ kiện (cũng chưa biết có thành công hay không).

Xét trên các mặt:

  • đầu tư dây chuyền công nghệ,
  • tổ chức quản lý sản xuất,
  • mua vật tư phụ kiện từ nước ngoài,
  • sản xuất gia công hàng loạt nhỏ theo hợp đồng,
  • sức ép từ tiến độ và giá thành,
  • đào tạo, tuyển dụng nhân công, lãnh đạo,
  • V.v…….

ngành đóng tàu xuất khẩu rất gần với ngành may.

Câu chuyện trên gợi ra nhiều suy nghĩ về những cái đã làm, những cái cần sửa, chọn ai đứng ra tổ chức sửa, chọn ai đứng ra trực tiếp làm, … nếu muốn duy trì và phát triển một ngành đóng tàu xuất khẩu.

Nên nhớ rằng ngành đóng tàu Mỹ với trang bị, trình độ kỹ thuật rất hiện đại, đóng được các loại tàu chiến tối tân với trình độ quản lý Mỹ mà sau chiến tranh lạnh cho đến gần đây vẫn không đóng tàu thương mại được, thậm chí cả xuất khẩu tàu chiến cũng không xong. Về kinh nghiệm này tôi sẽ đề cập đến trong một bài khác.

Câu chuyện trên tôi đã kể cho một số người nghe trong những năm trước đây.