Về vụ Vinashin bị kiện (tiếp 1)

(Phần trước http://bit.ly/1gGO2pM)

Mấy ngày nay, ngoài tờ Sài gòn tiếp thị liên tiếp đăng hai bài nữa về vụ kiện này, các báo chí lề phải hoàn toàn im lặng. Tờ Thanh niên có lẽ lo cho uy tín quốc tế của mình nên có đưa tin trên phiên bản tiếng Anh.

Truyền thông lề trái thì khai thác tưng bừng, search cụm từ “Vinashin bị kiện” cho 28.900 kết quả! Tuy nhiên, phần lớn là đưa lại tin của nhau.

Một trong những ý kiến tôi thấy không ổn lắm cho rằng vụ kiện này làm ảnh hường đến uy tín chính phủ, gây hậu quả chính trị, làm thiệt hại cho nền kinh tế,… tóm lại là ảnh hưởng xấu đến những vấn đề vĩ mô. Tiêu biểu cho luồng ý kiến này là phát biểu của ông Nguyễn Trần Bạt đăng trên tờ Sài gòn tiếp thị.

Nói rộng hơn về sự sụp đổ của Vinashin, (không riêng gì vụ kiện này) như trong bài viết trước đã dẫn, tôi tán thành ý kiến của Giang Lê ““Nếu sắp tới VN bị downgrade, tôi nghĩ phần nhiều sẽ là lý do macro không ổn định chứ không phải vì Vinashin default hay phá sản”. Ta hãy thử hình dung nếu bây giờ một tập đoàn đóng tàu của Trung quốc cũng lâm vào tình cảnh như Vinashin thì liệu uy tín của chính phủ, của nền kinh tế Trung quốc có hề hấn gì không? Nó sẽ phát đi một tín hiệu cảnh báo, nhưng các nhà đầu tư vẫn sẽ yên tâm nếu mạng lưới tình báo kinh tế của họ cho biết mọi chuyện ở các nơi khác vẫn ổn.

Nói như thế không phải bênh vực, biện bạch vô cớ gì cho Vinashin. Là người trong cuộc, tôi hiểu rõ những yếu kém đáng phê phán như đã nêu một phần trên blog này và hậu quả do nó gây ra không hề nhỏ. Nhưng cũng không nên quy chụp cho nó những cái không đáng có. Kinh tế Việt nam bắt đầu từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008 đã lộ ra nhiều hiểm họa mà có lẽ năm nay là đỉnh điểm: tình trạng xấu nghiêm trọng của hệ thống ngân hàng, bong bóng bất động sản, lạm phát hai con số, lãi suất cao làm kinh doanh đình đốn, công ăn việc làm khó khăn, tiền mất giá, chênh lệch giàu nghèo lộ rõ, v.v. và v.v…. Tâm lý bức xúc của dư luận cần có chỗ xả mà vụ Vinashin là một cái van đã mở. Thế giới đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô của Việt nam cũng không chỉ dựa vào vụ Vinashin, đây là một ví dụ. Vụ Vinashin là tiêu biểu, điển hình cho “lỗi hệ thống”, nhưng nó cũng chỉ là  một làn gió xoáy trong cơn bão mà hiện chúng ta đang gánh chịu.

Nếu vụ Vinashin xảy ra vào năm 2005-2006 khi kinh tế cả nước còn đang lên hoặc bây giờ khi mọi nguy cơ đã lộ ra rõ ràng thì có lẽ dư luận không nặng nề đến thế. Vinashin là khâu yếu nhất, sụp đổ sớm khi tình hình trong nước bắt đầu xấu đi và lại bị lôi vào một tình huống đặc biệt nên phải đóng vai trò “chim báo bão”, “dê tế thần” hứng chịu búa rìu dư luận và cơ hội cho các “thế lực thù địch” tấn công.

Ngân hàng Nông nghiệp, một ngân hàng quốc doanh lớn nhất cũng đang được tái cơ cấu khẩn cấp. Nếu ngân hàng này (hoặc tập đoàn Điện lực) cũng bị kiểm tra, thanh tra, điều tra rồi đưa kết quả lên báo thì khó hình dung được dư luận sẽ như thế nào.

Dưới một vòm trời chung, mọi cái yếu kém, xấu xa đều cơ bản giống nhau. Chỉ may mắn cho những “đồng chí còn nấp trong đống rơm, chưa bị lộ”.

Thế giới cũng vậy. Các xã hội tư bản Mỹ, Nhật, châu Âu đã có quá trình phát triển hàng trăm năm, tin tưởng vào cơ chế thị trường như một chiếc đũa thần vạn năng có thể điều chỉnh được mọi thứ, đột nhiên phát hiện ra đã mất kiểm soát với việc kinh doanh các chứng khoán địa ốc phái sinh, các chính phủ đã vung tay quá trán vay nợ công để tiêu dẫn tới sự sụp đổ của hàng loạt ngân hàng lớn và sụp đổ kinh tế quốc gia (sau Mỹ, Ireland, Hy lạp, Ý sắp tới có nguy cơ là Pháp). Cuộc sống trở nên khó khăn với tỷ lệ thất nghiệp cao chưa từng thấy, các chính sách thắt lưng buộc bụng để giảm nợ công đè lên người làm công ăn lương đã làm bùng lên phong trào “Chiếm phố Wall” của 99% dân chúng chống lại 1% người giàu và đám tội đồ ngân hàng.

Có điều không công bằng là “báo chí lề trái” nói rất ít về cuộc khủng hoảng toàn cầu mà xã hội tư bản đang gánh chịu và các yếu điểm đang lộ ra trong giai đoạn này. Rút kinh nghiệm cho quê hương là một việc nên làm.

Lịch sử không phải là con đường phẳng phiu và Việt nam với những bước đi chập chững trên con đường tiến tới môt nền kinh tế thị trường cũng không ngoại lệ. Bài báo này là một ví dụ vui trên con đường tiến lên “công nghiệp hóa, hiện đại hóa” và … “văn minh hóa”.

Bất kỳ ở đâu, khi tư bản điên cuồng chạy theo lợi nhuận, người lao động cũng chỉ là những quả pháo hôi. Ví dụ bài báo này hoặc bài này cho thấy cuộc sống nơi “thiên đường” cũng không dễ chịu gì.

Tất nhiên tôi không đánh đồng mọi thứ. Xã hội Việt nam còn nhiều thứ phải hoàn thiện, phải đuổi kịp các xã hội phát triển, nhưng cần phải có thời gian, không thể duy ý chí, đốt cháy lịch sử một lần nữa.

Sau cuộc khủng hoảng này, thế giới tư bản đang tự điều chỉnh, “tái cơ cấu” lại nhiều thứ. Việt nam gần đây cũng có nhiều chuyển động rất tích cực bước vào thời kỳ “Đổi mới 2”. Hy vọng là cả hai cùng thành công.

Quay trở lại vụ Vinashin bị kiện. Những thông tin nêu tại đây làm tôi cảm thấy lo lắng. Nhân thân của Paul Singer, ông chủ của Elliott dẫn nguồn từ Wikipedia cho thấy đúng là một con “kền kền ăn xác chết” đáng sợ. Riêng cái tin trái phiếu Vinashin bị Elliot thu gom gần đây không kiểm chứng được. Nhưng chỉ cần xét đến nhân thân của Paul Singer thì vụ kiện này không đơn giản chỉ là bước đường cùng của một ông chủ nợ tức tối vì bị mất tiền. Áp dụng conspiracy theory vào đây hợp lý hơn xin dành cho bạn đọc.

Khi bạn là một nhà kinh doanh sành sỏi ở Hà nội mở rộng địa bàn làm ăn lên một vùng Yên bái hoang vu, lẽ tất nhiên bạn sẽ lợi dụng tối đa tình trạng non yếu ở đó thậm chí tồi tệ hơn đặt một cái bẫy ngay từ đầu chờ những con thỏ ngây thơ bước vào.

Trong thế giới tài chính, những con “kền kền ăn xác chết” như Paul Singer, George Soros là những ma vương có thể tạo nên các “không gian pháp tắc” của riêng mình bắt các đối thủ phải bó tay. George Soros bị quy kết là người phá vỡ ngân hàng Anh trong cuộc khủng hoảng tiền tệ “Ngày thứ tư đen tối” năm 1992 và bị đích thân thủ tướng Malaixia kết tội là thủ phạm cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Về Paul Singer xem link Wikipedia đã dẫn ở trên, mục Sovereign Debt.

Hy vọng rằng trước đây, khi biết Elliot là nhà tư vấn cho phía chủ nợ và nhân thân của Paul Singer, phía Vinashin đã có đối sách phù hợp. Mặc dù căn cứ vào vụ Vietnam Airlines bị kiện trước đây, tôi không mấy tin vào năng lực của các “nhà tài chính, luật sư làng” trước những con kền kền lọc lõi. Nhưng đó cũng không phải lỗi của họ. Trên con đường phát triển, phải trả học phí là điều tất nhiên. (Đọc tiếp)

 (Bài trước)

4 thoughts on “Về vụ Vinashin bị kiện (tiếp 1)

  1. Một ngân hàng Việt nam ( không nêu tên ) đang trả giá để mua lại khoản nợ 600tr này với giá tương đương 35% giá trị ( khoảng 210 tr ). Nếu được thì đây có lẽ là phương sách hợp lý nhất cho vụ lùm xùm này. Biến nợ nước ngoài thành nợ trong nước, tài sản ( nếu phải bán để trả nợ ) cũng không phải bán cho nước ngoài và cơ bản là chủ động hơn trong việc mua bán, chủ động xử lý được các vấn đề ABC…

  2. Cháu biết Tiến sĩ Lê Hồng Giang luôn có quan điểm cứng rắn với doanh nghiệp Nhà nước, theo cháu nghĩ vì ông ấy sống chủ yếu ở nước ngoài nên cái nhìn của ông ấy khá “hiện đại”. Cháu đã từng theo dõi blog của ông ấy từ thời kỳ ông ấy tham gia vào diễn đàn minhbien. Ở dưới góc độ kinh tế học đúng là ông ấy là bậc thầy, nhưng khi nói về kinh tế Việt Nam thỉnh thoảng ông ấy vẫn phải thòng vào câu “kinh tế Việt Nam chưa phải là nền kinh tế thị trường” hay nói nặng nề hơn là “nền kinh tế Việt Nam chẳng giống ai”.
    Đứng dưới góc độ là người có thâm niên với ngành đóng tàu đúng là chú sẽ khó chấp nhận quan điểm để phá sản Vinashin. Cháu e là vụ kiện này có thể biến Vinashin thành kiểu doanh nghiệp nửa sống nửa chết đấy.
    https://plus.google.com/112488760986970926997/posts/9Gi7Rq2BmDd

    • Không phải vì lý do tình cảm mà tôi không muốn Vinashin phá sản. Trên lý thuyết, việc cho nó phá sản được sẽ giải phóng được nhiều vấn đề nan giải hiện nay. Phần còn lại vào tay những người chủ mới có thể là sẽ tốt hơn tình trạng ngắc ngoải bây giờ, kể cả tốt cho những người thợ.
      Nhưng xét đến “thực tế Việt nam” những năm qua, nếu phải định giá tài sản để bán thì … Tôi nói thế chắc bạn hiểu.
      Vì vậy có lẽ chẳng ai có đủ dũng cảm để ra cái quyết định đó.
      Không cần đến vụ kiện này thì Vinashin cũng đang phải chạy tim,phổi, thận nhân tạo rồi.

Bình luận về bài viết này