Từ Vinashin nhìn lên hai ngành viễn thông và dệt may Việt nam

Ngành viễn thông (điện thoại di động và Internet) Việt nam có lẽ là ngành quốc doanh duy nhất thành công lớn trên nhiều phương diện.

Về hiệu quả xã hội thì ai cũng thấy. Ngày nay, bà quét rác, ông bơm xe, thậm chí cả ăn mày cũng có thể xài điện thoại di động. ĐTDĐ trở thành một công cụ phổ biến không thể thiếu ngang với quần áo mặc hàng ngày. Sim điện thoại còn dễ mua hơn cả rau và có bán khắp hang cùng ngõ hẻm. Internet cũng có mặt khắp nơi với các dịch vụ ngày càng phong phú và giá cũng như chất lượng rất bình dân.

Về hiệu quả khoa học kỹ thuật: mạng viễn thông Việt nam vào loại lớn và tiên tiến trên thế giới. Các công nghệ mới như GPRS, 3G, Wimax, … đều được thử nghiệm sớm và đưa vào ứng dụng được.

Về hiệu quả kinh tế: vài năm trước Mobifone có lãi suất lên đến 50%, tuy không có số liệu cụ thể nhưng số người làm trong ngành này chắc sẽ rất lớn. Trong giai đoạn đầu độc quyền, Vinaphone và Mobifone chắc không khó khăn gì trong việc hoàn vốn đầu tư và ngân sách cũng có khoản thu không nhỏ. Viettel đạt doanh thu 4 tỷ USD năm 2010, thậm chí còn đủ khả năng đầu tư ra nhiều nước khác.

Và điều thành công nhất về mặt kinh tế là thị trường viễn thông hiện nay đã là thị trường thật sự, có sự cạnh tranh khốc liệt giữa các loại công ty viễn thông lớn và nhỏ. Chính điều này đảm bảo cho sự phát triển bền vững của ngành.

Tất nhiên trong giai đoạn phát triển vừa qua, bên trong ngành viễn thông Việt nam chắc chẳng thiếu gì chuyện bê bối. Nhưng nhìn tổng thể như trên thì là thành công lớn.

Tấm gương này cho thấy khi một ngành kinh tế quốc doanh phát triển đúng, nó thật sự là một “quả đấm thép”. Một điều rất lạ là khi Vinashin sụp đổ, một làn sóng dư luận nổi lên chê bai các tập đoàn, tổng công ty nhưng không hề có ý kiến nhắc đến thành công của ngành viễn thông hay dệt may.

Các bước đi của ngành viễn thông là bài học rất đáng xem xét cho ngành đóng tàu Việt nam tương lai.

Thứ nhất, trong giai đoạn ban đầu, khi còn chưa biết gì về viễn thông, ngành phát triển được mạng Mobifone nhờ vào hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) với tập đoàn Kinnevic/Comvic Thụy điển. Giai đoạn BCC kéo dài 10 năm (1995 – 2005) là giai đoạn ngành viễn thông học nghề và đào tạo lao động. Vào năm 1995 mà ký hợp đồng hợp tác với nước ngoài chắc là cũng chịu nhiều thua thiệt nhưng đó là cái “ngu phí” xứng đáng để trả.

Ngành viễn thông có truyền thống lịch sử lâu đời và có cả thành tích đã đóng góp vào sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Nhưng khi bước vào sân chơi mới, họ đã có một quyết định rất chính xác: không ỷ vào quá khứ tự làm cái mà mình không biết.

Ngành đóng tàu cũng có một liên doanh ngay từ đầu: liên doanh sửa chữa tàu Huyndai-Vinashin, nhưng không học được tý gì từ đó, kể cả tận dụng nguồn nhân sự do liên doanh đào tạo. Một vài nhà máy đóng, sửa chữa tàu khác do nước ngoài xây dựng cũng lâm vào tình trạng tương tự.

Việc quyết định liên kết với Kinnevic/Comvic, một tập đoàn viễn thông lớn, có trình độ tiên tiến trên thế giới cũng là một quyết định sáng suốt, giúp cho ngành “đi tắt đón đầu”. Nhưng có lẽ cũng là may cho họ, trước đây ngành viễn thông của các nước XHCN chưa có. Nếu liên kết kiểu Vinashin liên kết với ngành đóng tàu Ba lan thì mọi sự sẽ khác đi rất nhiều.

Thứ hai: Hai năm sau khi ký BCC, năm 1997 công ty Vinaphone mới ra đời, 100% quốc doanh. Đó là khi đã học được nghề ở mức nhất định và có một đội ngũ lao động được đào tạo. Tuy rằng cùng chung một mẹ (VNPT) nhưng chung một thị trường, giữa hai công ty có sự cạnh tranh nhất định và do đó cùng phát triển tuy rằng cũng dựa trên độc quyền để cùng móc tiền túi của dân.

Thứ ba, bước quyết định dẫn đến đột phá trong thị trường viễn thông là việc gia nhập của Viettel năm 2004 vào thị trường điện thoại di động. Thị trường trở nên cạnh tranh thật sự, giá giảm mạnh dẫn đến sự phổ biến của dịch vụ. Sự cạnh tranh này cũng làm cho chất lượng dịch vụ điện thoại di động, truy cập Internet tăng lên rõ rệt.

Ngành đóng tàu hiện nay cũng ở vào tình trạng gần giống ngành viễn thông năm 1995 (chỉ nói riêng hướng phát triển tiếp). Bài học gì từ người đi trước? Câu hỏi này xin dành cho những người đang được tín nhiệm, giao trọng trách tái cơ cấu Vinashin.

Cuối cùng một điểm cũng rất quan trọng. Vào thời điểm quyết định phát triển ngành viễn thông, đất nước còn rất khó khăn. Các lãnh đạo thời đó thậm chí phải đặt cược cả sinh mệnh chính trị vào chủ trương phát triển ngành. Đã có những ý kiến rất có trọng lượng nói: “Ăn còn chưa đủ, lại đi nói chuyện a lô”. Sự dũng cảm, tầm nhìn xa của những lãnh đạo hồi đó thật đáng khâm phục.

Với ngành đóng tàu điều đó đang được lặp lại. Kinh tế thế giới và trong nước đang hết sức khó khăn, bản thân ngành đóng tàu lại là ngành khó chơi ngay cả trong điều kiện kinh tế bình thường như trong một số bài viết trước đã giới thiệu. Vậy thì có nên phát triển ngành này không? và phát triển ở quy mô nào?, các bước đi đúng đắn ra sao? lại đòi hỏi sự dũng cảm và tầm nhìn xa của các cấp lãnh đạo.

Học ngành viễn thông là học những cái vĩ mô như đã nói ở trên. Còn một ngành nữa Vinashin nên cắp sách đến thụ giáo những cái cụ thể, sát sườn hơn là ngành dệt may như đã nói ở đây. Có lẽ nên mời các bậc tiền bối của 2 ngành đó vào ban chỉ đạo tái cơ cấu Vinashin và thậm chí …. Tại sao không?

Pie Đại đế, một ông vua hiếm hoi trong lịch sử nước Nga được gán mỹ danh “Đại đế”, khi quyết định phát triển ngành đóng tàu trong nước đã đích thân cải trang đi làm thợ đóng tàu ở Thụy điển. Tất nhiên đây là một tấm gương cực đoan không cần thiết, nhưng sự cầu thị của ông thật đáng khâm phục.

Một trong những điểm chung của viễn thông và dệt may là tỷ lệ nội địa hóa rất thấp, hầu như bằng không. Vậy mà trong chuỗi giá trị toàn cầu họ vẫn tìm được chỗ đứng. Doanh thu năm 2010 của dệt may dự kiến đạt 10 tỷ USD, giải quyết công ăn việc làm cho 2 triệu lao động (5% tổng lao động toàn quốc).

Nội địa hóa (phát triển công nghiệp phụ trợ) là một việc nên làm, nhưng phải làm một cách có hiệu quả: đúng thời điểm khi thị trường trong nước đủ lớn hoặc đạt chất lượng xuất khẩu để lấy thị trường nước ngoài là chính và chọn đúng cái nên nội địa hóa, tóm lại là đủ điều kiện để có lãi. Phát triển công nghiệp phụ trợ một cách phi kinh tế hoặc đổ lỗi vì không có công nghiệp phụ trợ nên không có lãi là hậu quả của cái “tư tưởng tiểu nông, tự cấp tự túc” mà ta vẫn được dạy trong trường. Một ví dụ: không có gì khôi hài hơn cái “nhà máy chế tạo ……”! Nay lại còn định nâng cấp nó lên thành tổng công ty công nghiệp phụ trợ thì hết chỗ nói.

Ngành đóng tàu trong giai đoạn đầu phát triển chỉ cần gia công đúng tiến độ và có lãi đã là một thành công lớn. Và nếu các ngành khác làm được thì đóng tàu tại sao không? Chỗ đứng của chúng ta trong chuỗi giá trị toàn cầu về đóng tàu là ở đâu? Câu hỏi này chỉ có một đề án “thật sự”  về phát triển ngành đóng tàu  trả lời được.

Một điểm nữa ngành đóng tàu nên học hai ngành nói trên. Đó là hai ngành phải cạnh tranh khốc liệt trong nước hoặc ngoài nước. Thị trường chính của ngành đóng tàu là nước ngoài, cũng là một thị trường cạnh tranh khốc liệt như đã nêu trong một số bài viết trước. Đừng học những anh độc quyền!

4 thoughts on “Từ Vinashin nhìn lên hai ngành viễn thông và dệt may Việt nam

  1. “Các bước đi của ngành viễn thông là bài học rất đáng xem xét cho ngành đóng tàu Việt nam tương lai”?.
    Lại thấy có gì đó không ổn ở đây vì ngành viễn thông có sẵn thị trường trong nước tới 80 triệu dân còn “Thị trường chính của ngành đóng tàu là nước ngoài, cũng là một thị trường cạnh tranh khốc liệt…”
    Đem ngành viễn thông và dệt may so sánh với đóng tàu tôi thấy không ổn chút nào. Hình như có bạn đã hỏi anh đang muốn chứng minh điều gi?…Cách lý giải và né tránh câu trả lời bằng cách đưa ra KL trên báo nghe cũng chưa thuyết phục lắm !
    Đề nghị bác suy nghĩ thêm nhé…

    • “có gì đó không ổn ở đây vì ngành viễn thông có sẵn thị trường trong nước tới 80 triệu dân”
      Ừ, tôi cũng thấy không ổn. Ngành dệt may thì nguyên liệu là vải, sản phẩm khoác lên người, còn ngành đóng tàu nguyên liệu là thép, sản phẩm chạy dưới nước”.
      Đùa tý thôi. Cám ơn bạn đã còm. Xem bài sau nhé.

  2. “Ngành dệt may thì nguyên liệu là vải, sản phẩm khoác lên người, còn ngành đóng tàu nguyên liệu là thép, sản phẩm chạy dưới nước”
    Anh lại khôi hài rồi; thậm chí với tư duy mạch lạc và nhiều luận cứ như anh thì tôi có thể hiểu là anh đang ngạo mạn đấy !..

    • Không dám ngạo mạn đâu. Tôi đã nói là chỉ đùa thôi mà. Trong cái bối cảnh căng thẳng và bế tắc như hiện nay, tôi cũng cố cười lên một tý.
      Nếu bạn thấy xúc phạm thì cho tôi xin lỗi.

Gửi phản hồi cho Phan Vĩnh Trị Hủy trả lời